Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) Giorgio Aliberti (12/11) bày tỏ ủng hộ một trật tự dựa trên các quy định ở Biển Đông và cách xử lý của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển.
Theo Đại sứ Giorgio Aliberti, EU rất chú ý tới các căng thẳng leo thang trên Biển Đông 2 năm qua; nhấn mạnh EU coi Biển Đông không phải là vấn đề song phương, cục bộ hay khu vực mà là vấn đề toàn cầu và vấn đề tự do hàng hải rất quan trọng đối với EU; cho rằng vùng biển này quan trọng về thương mại, chỉ cần một chút gián đoạn sẽ ảnh hưởng tới thương mại, tăng trưởng kinh tế toàn cầu ngay tức thì; đồng thời tái khẳng đinh EU ủng hộ một trật tự dựa trên các quy định, ủng hộ việc tuân thủ chặt chẽ các quy định và luật pháp quốc tế. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với cách xử lý của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, trong đó đề cao Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), coi đây là nền tảng để tất cả các bên phải tuân thủ. Theo ông Aliberti, Việt Nam có thể thảo luận với EU về các mối quan ngại liên quan tới vấn đề an ninh ở Biển Đông.
Liên quan hợp tác song phương, Đại sứ Giorgio Aliberti cho biết, 2 trong số những ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ 4 năm tới là trợ giúp Việt Nam phát triển nền kinh tế số và bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu; khẳng định tất cả các nước đều có lợi ích trong vấn đề này. Chia sẻ về Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh (FPA) mà EU và Việt Nam mới ký kết hồi tháng trước, ông Aliberti cho Hay hiệp định này tạo ra mối liên kết mạnh mẽ về vấn đề an ninh giữa Việt Nam và EU, tạo thuận lợi cho sự tham gia của Việt Nam trong các hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự do EU lãnh đạo. Châu Âu là nhà tài trợ lớn nhất nhưng cũng là một chủ thể an ninh quan trọng trên thế giới ở khía cạnh quản lý khủng hoảng dân sự và quân sự. Hiện EU đang có 16 phái bộ tại các địa bàn nóng trên thế giới và nếu không ký kết một hiệp định như vậy thì các nước không thể tham gia trực tiếp vào các hoạt động an ninh của EU. Theo ông Aliberti, Hiệp định trên tạo ra một cơ chế đối thoại về an ninh và quốc phòng giữa Việt Nam và EU. Mặt khác, đây cũng là một tín hiệu gửi đi rằng Việt Nam sẵn sàng hội nhập hơn nữa với thế giới trong lĩnh vực hợp tác an ninh, quốc phòng. Đây là một tín hiệu mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh đầu năm tới Việt Nam sẽ trở thành Chủ tịch ASEAN cũng như trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2020. Các hợp tác như vậy rất quan trọng để Việt Nam nâng cao năng lực và trở nên sẵn sàng hơn nữa cho các hoạt động an ninh, như việc Việt Nam đang hợp tác với Liên Hợp Quốc trong các sứ mệnh gìn giữ hòa bình.
Ngoài ra, Đại sứ Giorgio Aliberti khẳng định EU coi Việt Nam là một đối tác rất tích cực trong ASEAN. EU coi việc thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và ASEAN là một trong những ưu tiên quan trọng, đặc biệt nhân dịp Việt Nam là Chủ tịch ASEAN thì ưu tiên này càng có ý nghĩa hơn. EU muốn tăng cường quan hệ đối tác với Việt Nam và thông qua Việt Nam để tăng cường quan hệ với khu vực ASEAN.
EU là Khối thương mại lớn nhất thế giới, nên có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định. Trong đó, Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất, nó nối liền EU với Đông Á. Ngoài ra, Biển Đông cũng là con đường huyết mạch nối liền EU với các nước Đông Bắc Á, khu vực tạo nên thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU. Phía EU khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuyến đường vận tải 40% hàng hóa của EU; đề cao việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan lĩnh vực này.
Tuy EU không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng là một bên tham gia ký kết Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất là một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Thứ hai là tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống mang chức năng khác nhau. Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay.
Đáng chú ý, EU cũng đã đưa ra 10 đề xuất nhằm đối phó với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực nhằm tìm kiếm một mối quan hệ cân bằng với Trung Quốc và củng cố sự đoàn kết của EU. Theo đó, Ủy ban châu Âu (EC, 6/2016), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU) công bố văn kiện có tên gọi “Các yếu tố về chiến lược mới của EU đối với Trung Quốc”, trong đó kêu gọi bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền bay qua ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Văn kiện này, nhằm vạch ra chính sách của EU đối với Trung Quốc trong 5 năm tới, cần phải được các chính phủ của EU thông qua trước khi có hiệu lực. Văn kiện nói rằng EU tiếp tục quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Hoa Đông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở hai khu vực biển này. Hãng tin Reuters cho biết mặc dù không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc nhưng văn kiện ám chỉ đến hoạt động bồi đắp trái phép và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông khi nhấn mạnh rằng “EU phản đối các hành động đơn phương làm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông”. Văn kiện có đoạn: “Quan điểm của EU là ủng hộ Trung Quốc và các nước khác tuân thủ pháp luật quốc tế trong các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Khu vực biển này có khối lượng lớn của giao thương hàng hải quốc tế đi qua, vì vậy, việc bảo đảm quyền tự do hàng hải và quyền bay qua có tầm quan trọng rất lớn đối với EU. EU khuyến khích Trung Quốc đóng góp mang tính xây dựng đối với sự ổn định khu vực thông qua các biện pháp xây dựng niềm tin và sự ủng hộ đối với trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, đặc biệt là tôn trọng UNCLOS và quy trình phân xử trọng tài của công ước này”.