Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaĐập thủy điện: “Vũ khí” để TQ kiểm soát, áp đặt đối...

Đập thủy điện: “Vũ khí” để TQ kiểm soát, áp đặt đối với các nước hạ lưu sông Mê Công

Việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện bên trong lãnh thổ cũng như tham gia các dự án tại các nước láng giềng đang khiến khu vực hạ lưu ngày càng phụ thuộc vào thiện chí giải phóng nước của Bắc Kinh.

Nguy cơ khan hiếm nước ngọt

Với tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng, dân số tăng lên, biến đổi khí hậu, nước sạch dần trở nên khan hiếm, thứ “vàng lỏng” quý giá thậm chí hơn cả dầu mỏ. Bởi dầu mỏ có thể thay thế bằng các loại nguyên nhiên liệu khác như nhiên liệu sinh học, khí đốt, điện, … nhưng nước lại không thể thay thế, chỉ có thể sử dụng từ nguồn nước tự nhiên, hoặc tái sử dụng, tái chế từ nguồn nước khác sang nước sạch, nước ngọt. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2025, có khoảng 1,8 tỉ người sống tại các quốc gia hoặc khu vực “hoàn toàn khan hiếm nước” và vào năm 2030, một nửa dân số thế giới sẽ sống trong những vùng căng thẳng do nước. Đến năm 2040, dân số thế giới sẽ đạt mốc khoảng 9 tỷ người, trữ lượng nước ngọt sinh hoạt trên Trái Đất chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, tức gần 3 tỷ người sẽ không thể tiếp cận nguồn nước sạch, nước ngọt. Nghiên cứu của Viện Nước quốc tế Stockholm (SIWI) cho biết, nước bẩn giết chết nhiều người hơn so với động đất và chiến tranh. Ước tính mỗi ngày trên thế giới có tới 5.000 trẻ em bị chết do các bệnh liên quan đến nước bẩn. Theo bà Maude Barlow – cố vấn cao cấp về nước cho Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, cứ 3,5 giây có 1 trẻ em chết do uống nước bẩn.

Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, nhưng tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn khi các nguồn nước ngày càng cạn kiệt. Những sa mạc như Sahara đang ngày càng mở rộng. Hồ Tchad (Cộng hoà Tchad – Trung Phi) giảm gần 100 mét khối nước mỗi năm. Mực nước ngầm tại hàng triệu hecta miền bắc Trung Quốc giảm 1 m/năm, khiến việc đào giếng ngày càng tốn kém (ước tính các giếng ở khu vực này phải khoan sâu 1 km hoặc hơn mới có nước sạch). Những khối băng trên dãy Himalaya – từng được mệnh danh là “tháp nước của châu Á”, đang tan với một tốc độ báo động… ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu lượng nước của các con sông chính ở châu Á, như sông Mekong (Bán đảo Đông Dương), sông Dương Tử (Trung Quốc), sông Hằng (Ấn Độ), sông Ấn (Pakistan).

Đáng nói, ô nhiễm môi trường là hệ quả nguy hiểm nhất của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Trung Quốc bị cáo buộc là một trong những nước có nguồn nước ô nhiễm nhất thế giới. Các sông hồ bị ô nhiễm nặng, nhưng hơn 40% trong 662 thành phố lớn của Trung Quốc không có hệ thống xử lý rác và chất thải. Chính quyền Bắc Kinh cho biết 9/10 thành phố trong nước có hệ thống nước ngầm bị ô nhiễm, và khoảng 300 triệu người phải uống nước không an toàn. Theo đó, thiên tai, sự khan hiếm và chất lượng nước giảm, kết hợp với đói nghèo, căng thẳng xã hội, sẽ góp phần làm tăng sự bất ổn, có thể dẫn đến những căng thẳng về chính trị và sự sụp đổ của nhiều quốc gia.

Khả năng xung đột vì nguồn nước

Nhiều cảnh báo của các tổ chức thế giới cho rằng, sau năm 2022, việc sử dụng nước làm vũ khí chiến tranh hoặc công cụ của chủ nghĩa khủng bố sẽ cao hơn 40% so với hiện nay, đặc biệt là ở Nam Á, Trung Đông và Bắc Phi, những nơi thiếu nước trầm trọng. Cạnh tranh, giành giật nguồn nước ngọt xuyên quốc gia cũng là một thực trạng ở châu Á – nơi trữ lượng nước ngọt bình quân tính theo đầu người thấp nhất so với các châu lục khác. Cuộc đua giành nguồn nước ngọt ở châu Á đang gây sức ép lên ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, tàn phá hệ sinh thái, đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong dài hạn tại đây.

Tháng 4/2012, báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ về an ninh nước sạch nhận định rằng, lũ lụt, hạn hán và thiếu nước ngọt có thể gây ra bất ổn toàn cầu và xung đột vũ trang đáng kể trong các thập niên tới và việc lạm dụng nước có thể đe doạ đến an ninh quốc gia của Mỹ. Các cuộc giao tranh vì nguồn dự trữ nước đã bắt đầu manh nha, tuy còn cục bộ.

Liên hợp quốc và các tổ chức môi trường toàn cầu đã không ít lần báo động về các nguy cơ của tình trạng khan hiếm nước, kêu gọi thế giới hàng năm dành ra 198 tỉ USD, nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm nước, đảm bảo dân cư trên thế giới được tiếp cận bền vững các nguồn nước sạch. Khủng hoảng nguồn nước sẽ dẫn tới khủng hoảng về y tế, nông nghiệp, kinh tế, khí hậu và thậm chí là khủng hoảng về chính trị. Chiến tranh nước sạch là hậu họa tất yếu sẽ xảy ra trong tương lai gần nếu tình trạng hiên tại không được cải thiện. Dân số ngày càng tăng trong khi nước sạch ngày càng ít đi do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

“Vũ khí hóa” nguồn nước

Chuyên gia Brahma Chellaney cho biết, châu Á hiện là lục địa khô nhất thế giới xét theo lượng nước bình quân đầu người và khu vực này đang có hơn một nửa trong số 50.000 con đập đang được dựng lên trên khắp thế giới. Việc tập trung vào xây dựng đập phản ánh mức ưu tiên liên tục trong thúc đẩy nguồn cung, đòi hỏi việc khai thác tài nguyên nước gia tăng trong khi lẽ ra điều cần theo đuổi lại là mục tiêu quản lý nước một cách thông minh và sử dụng nước tiết kiệm hơn. Kết quả là không có nơi nào trên thế giới có tình hình địa chính trị xung quanh vấn đề xây đập căng thẳng như tại châu Á, châu lục sở hữu nhiều đập nhất. Ông Brahma Chellaney cho rằng, việc cải thiện hệ thống thủy canh đòi hỏi mối quan hệ hợp tác được thể chế hóa, minh bạch trong các dự án, sắp xếp chia sẻ tài nguyên nước và một cơ chế giải quyết tranh chấp. Tuy vậy, châu Á chỉ có thể xây dựng một chế độ quản lý nước có nguyên tắc khi có sự đồng hành của Trung Quốc. Thế nhưng điều này dường như không có khả năng xảy ra. Việc xây dựng các đập thủy điện tại thượng nguồn khiến dòng chảy bị chặn lại, gây ra tình trạng hạn hán nặng nề hơn ở khu vực hạ nguồn.

Theo số liệu thống kê của các tổ chức phi chính phủ, mực nước tại sông Mê Công xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm dù rằng mùa mưa vẫn diễn ra như thường lệ. Tình trạng này được đánh giá xuất phát từ việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng đập trên thượng nguồn sau khi hoàn thành 11 con đập lớn. Ông Brahma Chellaney cho rằng, Bắc Kinh gây thiệt hại đến dòng sông đang chảy qua nhiều quốc gia khác với vị trí trung tâm bản đồ châu Á. Nhờ cao nguyên Tây Tạng, Trung Quốc là điểm khởi đầu của nhiều dòng sông chảy xuống 18 quốc gia ở phía dưới hạ nguồn. Chẳng có quốc gia nào trên thế giới lại sở hữu đầu nguồn của nhiều con sông đến vậy. Thông qua việc xây dựng nhiều đập và nhiều hạ tầng phân phối nguồn nước ở vùng biên giới, Trung Quốc đang tạo ra một cơ sở rộng lớn tại thượng nguồn, giúp quốc gia này có thể vũ khí hóa nguồn nước. Hoạt động xây đập của Bắc Kinh được nhận định gây hại cho nhiều mối quan hệ tại khu vực châu Á. Kể từ khi một loạt các con đập khổng lồ trên sông Mê Công được Trung Quốc dựng lên, hạn hán diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn tại khu vực hạ lưu. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận mối quan hệ này. Dù vậy, Bắc Kinh cũng đưa ra lời hứa giải phóng nước từ các con đập nhiều hơn cho các quốc gia bị hạn hán nhưng rõ ràng, lời đề nghị này chỉ càng cho thấy rõ sự phụ thuộc của các nước hạ nguồn vào thiện chí của người láng giềng khổng lồ. Ông Brahma Chellaney đánh giá, nếu Trung Quốc không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại, triển vọng cho một trật tự dựa trên quy tắc tại châu Á có thể bị diệt vong mãi mãi.

Chia sẻ cùng quan điểm, ông Brian Eyler, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, cũng cho rằng, tình trạng hiện nay cần giải pháp toàn diện, có sự phối hợp giữa các bên, tuy nhiên cũng lưu ý rằng, an ninh nguồn nước liên quan đến những nỗ lực ngoại giao và điều này lại không hề dễ dàng. Việc xây dựng các đập thủy điện dọc sông Mê Công không chỉ cắt giảm lượng nước chảy xuống hạ nguồn mà còn khiến giảm dòng phù sa, giảm luồng cá di cư cũng như làm mất tính đa dạng sinh học của dòng sông. Điều đáng chú ý là mặc dù các đập thủy điện nổi lên với nhiều công trình có công suất lớn, sản phẩm điện được tạo ra lại không được sử dụng. Tại tỉnh Vân Nam, lượng điện “bỏ không” thậm chí còn gấp đôi sản lượng điện tiêu thụ của toàn Thái Lan. Ông Brian Eyler suy luận rằng, việc xây thêm các đập nhằm mục tiêu tích trữ nước cho lục địa này, dự đoán rằng, trong khoảng 3 thập kỷ tới, Trung Quốc có thể đối mặt với tình trạng thiếu nước ngọt do băng tan trên dãy Himalaya sẽ cạn dần. Mặc dù những dòng chảy sẽ kết thúc tại Việt Nam, một viễn cảnh khác sẽ diễn ra nếu Trung Quốc tiến hành khơi nguồn nước chảy sang sông Dương Tử.

Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc thiếu nước từ thượng nguồn, thiếu phù sa bù đắp cùng với xâm nhập mặn của nước biển gia tăng sẽ dẫn đến tình trạng bị thu hẹp diện tích. Ước tính cứ 1 mét nước biển dâng sẽ làm mất 30% diện tích đất. Dự kiến có khoảng 374 đập thủy điện sẽ được xây dựng tại hạ nguồn sông Mê Công, trong đó có hơn 300 đập tại Lào. Trung Quốc và Thái Lan sẽ tham gia với tư cách nhà đầu tư tại các dự án này. Trước tình trạng trên, ông đề xuất Việt Nam có thể hợp tác với Lào và Campuchia điều chỉnh theo hướng giảm số lượng đập thủy điện. Trong khi Thái Lan không tham gia hợp đồng xây mới hay mua điện từ Lào và Campuchia, Việt Nam trở thành khách hàng chính, từ đó có thể “đặt hàng” để Lào và Campuchia phát triển các năng lượng sạch khác như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, hóa sinh.

Được khởi công xây dựng từ năm 2002 và kết thúc vào cuối thập kỷ trước tại tỉnh Vân Nam, đập Tiểu Loan (Xiaowan) của Trung Quốc gây choáng ngợp bởi công suất 4.200MW, trở thành đập thủ điện lớn nhất trên sông Mê Công và có công suất lớn thứ 3 thế giới.Không chỉ có con đập này, hàng loạt đập thủy điện khác đã và đang được Trung Quốc tiếp tục xây dựng tại khu vực sông Mê Công. Tại thượng nguồn, 11 đập đã được hoàn thành trong tổng số 19 đập. Điều đáng chú ý là mặc dù các đập thủy điện nổi lên với nhiều công trình có công suất lớn, sản phẩm điện được tạo ra lại không được sử dụng.

Tác động đối với Việt Nam

Trong thời gian gần đây, càng ngày càng có nhiều thông tin và hình ảnh cho thấy cuộc sống khó khăn của nông dân và ngư dân ở các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, vì giữa mùa lũ mà đồng ruộng khô cạn và nhiều nơi đã bị nước biển xâm nhập. Nguyên do một phần vì thời tiết nhưng tình trạng nguy hại khác thường này phần lớn là hậu quả của chuỗi đập thủy điện do Trung Quốc xây cất ở thượng lưu, và Lào ở trung lưu, sông Mê Công (hầu hết do Trung Quốc tài trợ). Lãnh đạo Bắc Kinh đã dùng chuỗi đập này để kiểm soát nguồn nước, ngăn chặn nguồn cá và phù sa do thiên nhiên cung cấp cho năm quốc gia ở hạ lưu Mê Côngg là Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.

Nền kinh tế nông nghiệp của những quốc gia này, đặc biệt là Việt Nam, bắt buộc phải tùy thuộc vào quyết định điều hành lượng nước được xả từ các đập thủy điện ở Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông, loại bỏ vai trò và ảnh hưởng của Mỹ và khống chế toàn vùng Đông Nam Á. Như nhận định mới đây của tác giả David Hutt: “Trung Quốc hiện có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng nước chảy xuống các quốc gia hạ nguồn, một điểm áp lực có thể được sử dụng để phá hoại nền kinh tế nông nghiệp của các nước ở hạ nguồn và tạo sự khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng lợi thế này để đe dọa các nước Đông Nam Á phải nể sợ hay dọa trừng phạt nước nào chống lại chính sách bành trướng của Trung Quốc, gồm cả vấn đề Biển Đông hay các kế hoạch trong khu vực về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.”

Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ (được coi là thủ đô miền Tây) và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Với tổng diện tích khoảng 41,000 km² và tổng số dân  20 triệu, đồng bằng Sông Cửu Long chiếm 13% diện tích nhưng hơn 19% dân số cả nước, tốc độ tăng trưởng cũng cao hơn cả nước (năm 2015 tăng 7,8% so với 6,8%). Chỉ riêng lúa đã chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% tổng sản lượng. Chưa kể thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước. Sông Mê Công chảy vào Việt Nam chia thành 2 sông Tiền Giang, Hậu Giang rồi tỏa ra thành 9 nhánh đổ ra biển qua 9 cửa: Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề.

Việt Nam là nước ở cuối nguồn sông Mê Công nên phải chịu ảnh hưởng tổng hợp nặng nề nhất trong số các quốc gia miền hạ lưu, vì khi hoạt động sản xuất ở đồng bằng Sông Cửu Longbị hủy hoại thì nguồn lợi kinh tế của cả nước phải lãnh hậu quả trầm trọng. Cứ xem những con số trên đây về nông sản và thủy sản cùng với số lượng xuất khẩu của đồng bằng Sông Cửu Long thì đủ thấy mức phá hoại của Trung Quốc đối với tương lai không xa của Việt Nam sẽ ghê gớm đến thế nào. Các chuyên gia kinh tế và môi trường trong và ngoài nước đã nhiều lần lên tiếng báo động về tương lai đen tối của đồng bằng Sông Cửu Long và kêu gọi giải quyết các nguy cơ trước mắt và lâu dài, không riêng cho Việt Nam mà cho cả bốn nước liên quan khác là Myanmar, Thái lan, Lào và Campuchia.

RELATED ARTICLES

Tin mới