Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc là một cấu thành không nằm trong Lực lượng Vũ trang Nhân dân (PAF), nhưng được tổ chức, chỉ huy trực tiếp bởi các Bộ Chỉ huy Quân sự Địa phương của PLA. Việc xây dựng cơ cấu Dân quân Vũ trang biển tách biệt, nhưng hoạt động hỗ trợ PLA cho phép Trung Quốc triển khai mô hình, “phòng thủ liên hợp Quân đội, Cảnh sát và Dân binh”.
Trung Quốc tự hào có đội tàu cá lớn nhất thế giới. Một phần trong số hàng nghìn tàu cá, hàng chục nghìn ngư công làm việc trên các tàu cá này, hay trong các ngành công nghiệp liên quan đã được đưa vào danh sách Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc. Đây là tổ chức vũ trang quần chúng, chủ yếu gồm những người đi biển làm trong lĩnh vực kinh tế dân sự. Trung Quốc tổ chức đào tạo để có thể huy động những người này vào việc bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ hải quân PLA trong thời gian xảy ra chiến tranh.
Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trung Quốc bao gồm Quân đội (PLA), Cảnh sát Vũ trang (PAP) và lực lượng dân quân, trong đó có Dân quân Vũ trang biển. Với tư cách là tổ chức dân sự, các thành viên Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc vẫn duy trì công việc thường ngày của họ, trong khi tham gia vào các hoạt động đào tạo theo lịch trình, thực thi các yêu cầu đối với nhiều hoạt động khac nhau do nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Để hiểu một cách đầy đủ về tổ chức Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc, điều quan trọng là cần đánh giá rõ mối liên hệ rộng khắp trên phương diện thể chế giữa tổ chức này và PLA.
Việc xây dựng lực lượng dân quân thường liên quan đến một hệ thống riêng biệt trong lực lượng vũ trang Trung Quốc và được gọi là “Hệ thống Dân quân Tự vệ”. Khi chính thức mô tả công khai gần đây, Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 khẳng định, tổ chức dân quân đóng vai trò như một “lực lượng hỗ trợ và dự phòng của PLA”. Tuy nhiên, đây không phải là lực lượng dự bị động viên của PLA, dù họ cũng nằm trong hệ thống lực lượng dự bị. Điều đó cũng có nghĩa, lực lựng Dân quân Trung Quốc có các trách nhiệm như: Hỗ trợ PLA bảo vệ Trung Quốc khỏi các mối đe dọa từ bên ngoài; hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra.
Tuy tách biệt khỏi các lực lượng vũ trang Trung Quốc, nhưng tổ chức Dân quân có kết cấu mang tính quân sự, và được tổ chức, điều hành trực tiếp bởi các Bộ Chỉ huy Quân sự địa phương. Do đó, lực lượng Dân quân chịu sự chi phối của một “Hệ thống trách nhiệm kép”, gồm chỉ đạo của cả cơ quan dân sự và quân sự. Về cơ bản, Dân quân Trung Quốc là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh, nhằm hỗ trợ nỗ lực quốc phòng của trung ương. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân quân Tự vệ địa phương Trung Quốc do Cục Dự bị Động viên thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc soạn thảo và ban hành, được Tổng Tham mưu trưởng của PLA chỉ đạo.
Ban chỉ huy quân sự địa phương cấp tỉnh của Trung Quốc sẽ đề đạt yêu cầu về lực lượng dân quân tự vệ lên cơ quan Đảng/Chính quyền cấp tỉnh, sau đó đưa việc tài trợ, xây dựng lực lượng này trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục tổ chức, huấn luyện, và đào tạo các đơn vị dân quân tự vệ thuộc thẩm quyền quản lý. Khi có đề nghị, một số tổ chức liên quan trong lĩnh vực hàng hải của Trung Quốc cũng giúp đỡ các cơ quan quân sự, dân sự địa phương trong việc xây dựng lực lượng dân quân vũ trang. Ví dụ, Cục Cảnh sát biển Trung Quốc thường cung cấp các hướng dẫn, huấn luyện về kỹ thuật và an toàn cho lực lượng dân quân.
Chính quyền trung ương Trung Quốc hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương đảm bảo trực tiếp về lương bổng, phí tổn huấn luyện hoặc thực hiện nhiệm vụ. Khi cần, chính quyền địa phương Trung Quốc sẽ đề nghị điều động các đơn vị dân quân để hỗ trợ nhân lực trong các trường hợp khẩn cấp, như sự cố, thiên tai, hoạt động chấp pháp, hay cứu hộ. Qúa trình phối hợp ngang này đòi hỏi các lãnh đạo dân sự và quân sự địa phương Trung Quốc phải hợp tác với nhau trong việc xây dựng tổ chức dân quân tự vệ của họ.
Ban Chỉ huy Quân sự tại các địa phương của Trung Quốc là đầu mối kết nối Lực lượng Dân quân với chuỗi chỉ huy của PLA. Lực lượng Dân quân Trung Quốc cũng được chia ra làm dân quân cấp tỉnh và cấp địa phương trực thuộc. Ban Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh sử dụng các sĩ quan tại ngũ để chỉ đạo Lực lượng Dân quân của họ trong nhiệm vụ cơ động và tổ chức, trong khi ở cấp địa phương trực thuộc, việc này do các cán bộ dân sự hưởng lương, hoặc cán bộ kiêm nhiệm thực hiện. Ban Chỉ huy Quân sự địa phương cũng là cơ sở để Lực lượng Dân quân Trung Quốc tương tác trực tiếp với các cấp chỉ huy của PLA về những quy định cơ bản như tuyển dụng, kế hoạch, tổ chức, huấn luyện, và triển khai chính sách.
Việc Trung Quốc xác định tổ chức Dân quân không nằm trong cấu trúc của Lực lượng Vũ trang nước này cho thấy, Bắc Kinh đang thực hành một chiến thuật phòng thủ liên hợp với sự tham gia của cả Quân đội, Cảnh sát, và Dân quân Vũ trang. Trên biển, mô hình này bao gồm, “phòng thủ liên hợp giữa Hải quân PLA, các Lực lượng Chấp pháp biển, và lực lượng Dân quân Vũ trang biển”. Trách nhiệm quản lý hệ thống phòng thủ liên hợp này thuộc về ban chỉ huy PLA tại các khu vực biên giới và vùng ven biển, như Ban Chỉ huy tại cái gọi là thành phố “Tam Sa”, đóng trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Đây là cố gắng của PLA trong việc hợp nhất và phối hợp các lực lượng địa phương, như Dân quân biển với các Lực lượng vũ trang khác để triển khai nhiệm vụ tác chiến liên hợp. Điều này cho phép PLA ghép các lực lượng địa phương vào hoạt động quy mô lớn hơn, tạo hiệu quả trong phối hợp hoạt động giữa PLA và Lực lượng Dân quân Vũ trang Trung Quốc. Do đó, ngoài được PLA huấn luyện trực tiếp, tàu của Dân quân Vũ trang biển còn được tham gia diễn tập chung với các tàu của Hải quân PLA và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, chính quyền địa phương Trung Quốc đã cung cấp cho các thành viên Dân quân Vũ trang nhiều lợi ích như lương bổng, trợ cấp xã hội theo thâm niên công tác.
Dân quân Vũ trang Trung Quốc được xây dựng nhằm hỗ trợ các nhiệm vụ cụ thể của PLA. Ví dụ, các Phân đội Dân quân Vũ trang biển chuyên nghiệp được xây dựng cùng với Lực lượng Quân sự Địa phương và Hải quân PLA, và được huấn luyện đặc biệt để có thể hỗ trợ hoạt động tác chiến của Hải quân Trung Quốc. Các đơn vị dân quân này thường tuyển dụng cựu binh hải quân vào biên chế, cũng như liên hệ chặt chẽ với hải quân PLA, và có thể tham gia vào các kế hoạch tác chiến quy mô.
Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ giá trị tình trạng mập mờ danh tính của lực lượng Dân quân Vũ trang biển. Về mặt kỹ thuật, việc đặt dân quân vũ trang không trực tiếp thuộc PLA cho phép Trung Quốc sử dụng lực lượng này cả trong nhiệm vụ trấn áp bạo động và bất ổn xã hội. Ngoài ra, Lực lượng Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc còn đang có bước chuyển lớn trong việc hỗ trợ đảm bảo các lợi ích quốc gia, yêu sách hàng hải của Bắc Kinh. Cách thức tổ chức này phép Lực lượng Dân quân Trung Quốc tham gia vào các hoạt động có liên quan, nhưng không gây phương hại tới hình ảnh của PLA, hoặc đẩy căng thẳng leo thang. Truyền thông từng đề cập nhiều tới việc Trung Quốc sử dụng Lực lượng Dân quân Vũ trang biển nhằm hỗ trợ chiến lược “ba cuộc chiến/ Three Warefares”. Lực lượng này có thể sử dụng “danh nghĩa dân sự nhằm phổ biến tư duy, tạo sự quan tâm xã hội với việc bảo vệ quyền lợi hàng hải, cũng như thể hiện sự tự tin, thống nhất của toàn thể dân chúng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải” của Trung Quốc. Ngoài ra, thành viên Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc còn có thể từ chối trách nhiệm quân sự khi cần giải thích chính sách, hướng dẫn dư luận xã hội trong các vấn đề hàng hải. Việc có một Lực lượng biển thứ ba không hé lộ danh tính, nhưng hỗ trợ các hoạt động của PLA đã là động cơ chủ yếu để Trung Quốc duy trì lực lượng này, dù trên một số phương diện, họ đã thể hiện thô bạo và thiếu chuyên nghiệp.
Như vậy, Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc đã tham gia vào các hoạt động quốc phòng cơ động, và nhận chỉ đạo đồng thời cả từ cơ quan dân sự, và quân sự địa phương Trung Quốc. Đây là cấu trúc duy nhất của lực lượng vũ trang Trung Quốc dù riêng biệt nhưng lại có liên quan trực tiếp tới PLA.
Trong nhiều trường hợp, hành động của Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc trong các vụ va chạm với bên ngoài xảy ra dưới chuỗi kiểm soát, chỉ huy, hoặc ít nhất có sự giám sát chặt chẽ của PLA. Hơn nữa, một số đơn vị hàng đầu của lực lượng này có vẻ đang được tăng cường chuyên nghiệp hóa và quân sự hóa, họ nhận lương dù không tiến hành đánh bắt, hoặc hoạt động kinh tế dân sự khác. Xu hướng này giúp PLA dễ dàng hơn trong việc kiểm soát, quản lý, huấn luyện Lực lượng Dân quân Vũ trang biển. Chưa kể sau tiến hành cải cách quân đội, Trung Quốc còn ưu tiên tuyển dụng các quân nhân giải ngũ để nâng cao năng lực cho Dân quân Vũ trang biển. Phương thức này được Trung Quốc tiến hành triển khai cả ở Biển Đông, Hoa Đông, và Hoàng Hải
Tổ chức Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động với sự cho phép, giám sát của PLA. Như các hoạt động đánh bắt, đối phó với bão biển, hỗ trợ Cảnh sát biển tìm kiếm và cứu nạn, hiện diện tại vùng nước tranh chấp, hay tiến hành đẩy, đuổi tàu cá nước ngoài hoạt động trong vùng nước yêu sách được triển khai bởi chính quyền địa phương của Trung Quốc. Ví dụ, tháng 03/2009, Dân quân Vũ trang Biển Trung Quốc tại “Tam Á” đã tham gia trong vụ việc quấy nhiều tàu USNS Impaccable của Mỹ. Tháng 4/2013, Dân quân Vũ trang Biển “Tam Á” tham gia bảo vệ hoạt động khảo sát của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tại Nam Tri Tôn. Hay vào tháng 3/2014, lực lượng này cũng tham gia tìm kiếm máy bay MH-370 của Maylaysia bị mất tích. Vụ việc quấy rối tàu do thám Mỹ USNS Impeccable cũng là một ví dụ phù hợp điển hình. Lực lượng Ngư chính Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Cục Ngư chính Nam Hải đã cản phá hoạt động khảo sát do tàu Impeccable tiến hành. Trong khi đó, mức độ tham gia của PLA vào việc quấy rối tàu USNS Impeccable không mấy rõ ràng, dù ít nhất có một tàu của Hải quân PLA đã có mặt tại hiện trường xảy ra vụ việc. Lực lượng Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc cũng tham gia vào nhiều kế hoạch hoạt động, tác chiến được PLA soạn thảo, chỉ đạo, như tại các vụ việc: chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974; do thám, tuần tra chủ quyền, và bao vây bãi cạn Cỏ Mây trong tháng 2/2014; đẩy đuổi các tàu Việt Nam tại vùng nước tranh chấp quanh giàn khoan HD 981 của Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) năm 2014. Trong vụ đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scaborough cũng cho thấy, PLA có thể tổ chức, vận động các lực lượng Dân quân biển Trung Quốc. Một số báo cáo từ thành viên các đơn vị Dân quân Vũ trang Biển Trung Quốc tham gia hoạt động tại Scaborough cho thấy, PLA đã phối hợp chỉ đạo, kiểm soát hoạt động của Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc nhằm chiếm thực thể địa lý này từ tay Philippines. Khi Hải quân Philippines tới Bãi cạn Scaborough vào ngày 10/4/2012, chính dân quân biển Trung Quốc từ cảng Đàm Môn của tỉnh Hải Nam đã cung cấp những báo cáo đầu tiên cho trạm kiểm soát quân sự biên giới đóng tại khu vực. Điều này giúp đánh động lực lượng chấp pháp dân sự Trung Quốc, như Hải giám, hiện là một phần của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc, để họ tới hiện trường.
Báo cáo của tổ chức Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc về các sự kiện trên biển được chia sẻ trong các cơ quan lãnh đạo địa phương, Hải quân PLA, và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc. Chỉ trong các năm gần đây, Lực lượng Dân quân biển Đàm môn đã cung cấp được 510 bản tin “tình báo có giá trị”. Trong số 06 tàu cá của Đàm Môn có mặt đầu tiên tại vịnh nước bên trong Bãi cạn Ssaborough, hai chiếc được chỉ huy bởi lãnh đạo các đơn vị Dân quân Vũ trang biển Đàm môn. Chủ của chiếc tàu cá Quỳnh hải 02096 cũng có thể là một thành viên Dân quân Vũ trang biển, và đã chuyển một số tin nhắn cho Trạm Kiểm soát Biên phòng địa phương về diễn biến thực địa, nhận dạng tàu của hải quân Philippine đang tiếp cận là chiếc BRP Gregrio del Pilar. Trạm Kiểm soát này sau đó đã nhanh chóng ra báo cáo vắn, chia sẻ với Hải quân PLA và các lực lượng thực thi pháp luật hàng hải Trung Quốc. Trong khi Chi đội Dân quân Đàm môn được các tàu Ngư chính hộ tống để thoát khỏi vụ đối đầu mới diễn ra, tuy nhiên sau đó họ đã tái tổ chức, cơ động quay lại vùng tiếp giáp của bãi cạn. Đội phó của lực lượng dân quân đã đi cùng để chỉ đạo các đơn vị này từ bên ngoài bãi cạn, và nó gợi ý rằng PLA đã cho phép điều này.
Việc liên lạc giữa các tàu Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc được thực hiện qua các máy thông tin do cơ quan chỉ huy quân sự đề nghị và lắp đặt trên tất cả các tàu này. Để tham gia Dân quân biển, mỗi tàu cá hoặc doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải đáp ứng yêu cầu về năng lực thể hiện, sự tin cậy, và không phải bất kỳ ai cũng đủ tiêu chuẩn thành viên. Các tàu cũng được kiểm tra trang bị máy móc nhằm đảm bảo khả năng giữ liên lạc và phản ứng với các tình huống tại khu vực họ đang hiện diện.
Ngoài ra các nhiệm vụ và huấn luyện, Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc còn thường xuyên cung cấp các báo cáo tình hình, theo kênh quy định của hệ thống chỉ huy các lực lượng vũ trang Trung Quốc, và nó được chia sẻ với các cơ quan khác. Cơ quan Ngư chính Trung Quốc cũng tham gia quá trình chia sẻ thông tin, nhưng yêu cầu báo cáo, trao đổi trực tiếp giữa Dân quân vũ trang biển với các tàu của Ngư chính còn chưa rõ ràng, mang tính tạm thời, hoặc có điều kiện. Dù sao, các lực lượng Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc đã đóng góp các báo cáo thường xuyên liên quan tới các khu vực biên giới hàng hải của Trung Quốc, dù trong tình trạng điều động như thế nào.
Cấu trúc tổ chức của lực lượng Dân quân Vũ trang biển Trung Quốc (PAFMM) giống như một kim tự tháp lớn với tầng đáy rộng. Phần lớn trong số hàng nghìn nhân lực Dân quân biển và tàu thuyền đảm nhiệm những nhiệm vụ tương đối thông thường, ví dụ hỗ trợ an ninh cơ bản cho cảng, trong các khu vực bờ biển không có liên quan trực tiếp lãnh thổ hoặc hải quân nước ngoài. Một phần nhỏ hoặc các đơn vị tinh anh được giao nhiệm vụ hoạt động xa bờ biển của Đại lục Trung Quốc và giám sát, áp sát đấu tranh với các nhân tố trên biển của nước ngoài nếu cần thiết, cả trong các vụ việc trên biển quốc tế. Điều này thể hiện rõ trong các bài viết của các lãnh đạo PLA và việc xây dựng các đơn vị thực tế. Các đơn vị này có thể xác định cụ thể vì họ rất khác biệt và có số lượng ít. Đây là những lực lượng tiền tuyến không theo thông lệ mà Mỹ và các đồng minh, đối tác có nhiều khả năng gặp phải nhất tại các vùng biển gần như Hoàng Hải, Hoa Đông, Biển Đông.
Đối với Biển Đông, các đơn vị dẫn đầu nổi tiếng nhất có căn cứ tại tỉnh Hải Nam, tỉnh quản lý phần lớn Biển Đông nếu dựa theo các tuyên bố chính sách của Trung Quốc. Bốn đơn vị Dân quân Vũ trang biển lớn phụ trách chủ yếu hoạt động Dân quân Biển trên Biển Đông của Hải Nam. Đội Dân quân Đơn Châu vẫn hoạt động và phát triển ngày nay, có tiền thân là đại đội dân quân đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Hoàng Sa năm 1974 khi Trung Quốc chiếm phần phía Tây Hoàng Sa từ Việt nam. Đội dân quân Đàm Môn, được thành lập năm 1985, hỗ trợ hoạt động xây dựng cấu trúc thế hệ đầu trên các thực thể Trung Quốc chiếm đóng tại Truờng Sa như đá Vành Khăn trong những năm 1990, và gần đây đóng vai trò then chốt trong hoạt động chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm đội dân quân Đàm Môn vào tháng 04/2013. Đội dân quân biển thuộc Thành phố Tam Á có vai trò tiền tuyến trong việc quấy rối hoạt động của tàu Impeccable tháng 03/2009. Các đơn vị Dân quân biển từ tỉnh Hải Nam, bao gồm các đơn vị then chốt từ Tam Á và Đàm Môn đã tham gia vào vụ việc kéo dài 2 tháng liên quan tới giàn khoan HD 981 đặt tại vùng EEZ của Việt Nam vào năm 2014. Đơn vị mới thành lập gần đây nhất là Đội dân quân biển thành phố “Tam Sa”, đóng căn cứ tại Đảo Phú Lâm, Hoàng Sa, một thành phố cấp quận có nhiệm vụ quản lý các khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, bãi Macclesfild, và bãi cạn Scaborough, và quần đảo Trường Sa.
Tại “Tam Sa”, Trung Quốc đang xây dựng một mô hình mới để phát triển Dân quân vũ trang biển. Đội dân quân thuộc Công ty phát triển Thủy sản Thành phố “Tam Sa” được thành lập để trước hết trở thành lực lượng bán quân sự chuyên nghiệp, sau đó mới là nhiệm vụ đánh cá. Các thành viên Đội Dân quân biển “Tam Sa” từng được chụp ảnh khi đang chuyển các thùng hàng có dán nhãn “vũ khí nhẹ” lên một trong số vài chục tàu lớn mới được trang bị của họ. Tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các thành chống va chạm, và thân tàu được gia cố tăng độ cứng, những đặc điểm rất hữu hiệu cho việc phun nước và va chạm quyết liệt. Các tàu lớn nhất của Đội Dân quân biển Tam Á có chiều dài 59 mét, chiều ngang 9 mét, có tải trọng khoảng 750 tấn. Các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn. Tất cả các tàu đều có tải trọng tương đối lớn, và chiều dài lớn tàu tuần tra lớp Parola mà Nhật Bản đang chế tạo cho Philippines. Nhiều tàu mới này được cho là “có nơi đặt vũ khí và trang bị”, và “kho đạn”.
Từ những vấn đề ở trên cho thấy, lực lượng Dân quân biển Trung Quốc có vai trò quan trọng trong các hoạt động phi pháp của Chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây là một trong những lực lượng giấu mặt, “có công” lớn đối với những kế hoạch triển khai tàu, quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.