Trung Quốc (23/4/1949) chính thức thành lập lực lượng hải quân nhằm “chống lại đế quốc xâm lược”. 70 năm sau, lực lượng này đã có tiến trình phát triển vượt bậc, trở thành một trong những lực lượng hải quân lớn mạnh nhất thế giới.
Quá trình phát triển
70 năm trước, hải quân Trung Quốc (PLAN) được thành lập vào ngày 23/4/1949, sau khi lãnh đạo Mao Trạch Đông tuyên bố rằng nước này cần xây dựng một “lực lượng hải quân mạnh để chống lại đế quốc xâm lược”. 7 tháng sau, Học viện Hải quân Đại Liên được thành lập, trở thành nơi huấn luyện đầu tiên của PLAN với phần lớn giáo viên là các sĩ quan Liên Xô. Đến năm 1954, có khoảng 2.500 cố vấn Liên Xô tham gia huấn luyện lực lượng hải quân Trung Quốc và Moskva cũng bắt đầu cung cấp các tàu chiến cho Bắc Kinh. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, PLAN trong giai đoạn 1954-1955 được tổ chức thành Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải.
Trong giai đoạn đầu, hải quân Trung Quốc tiếp nhận hoàn toàn trang bị, vũ khí và công nghệ của Liên Xô nhằm xây dựng một lực lượng tác chiến mặt nước hạng nhẹ. Năm 1953, Trung Quốc ký thỏa thuận với Liên Xô để được phép sản xuất 5 loại tàu chiến gồm tàu hộ vệ, tàu ngầm ngư lôi cỡ trung, tàu quét mìn, tàu săn ngầm và tàu phóng lôi. Đến năm 1958, khi Moskva từ chối hỗ trợ chương trình phát triển tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, PLAN bắt đầu lập Đơn vị Nghiên cứu Công nghệ và Khoa học để tự nghiên cứu thiết kế tàu ngầm, công nghệ thủy âm, vũ khí dưới nước và công nghệ dẫn đường. Cuối năm 1960, khi Liên Xô rút toàn bộ cố vấn và ngừng hỗ trợ về công nghệ, thiết bị, PLAN lập ra nhiều cơ quan nghiên cứu để lấp chỗ trống nhằm tiếp tục hiện đại hóa lực lượng. Các cơ quan này hỗ trợ đắc lực trong việc sao chép các công nghệ nước ngoài, giúp Trung Quốc có thể tự đóng được thế hệ tàu chiến nội địa đầu tiên với một số tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu khảo sát, tàu khu trục, tàu hộ vệ cùng nhiều hệ thống vũ khí.
Trong thập niên 1970, Trung Quốc phân bổ gần 20% ngân sách quốc phòng cho hải quân, giúp lực lượng này phát triển nhanh chóng. Lực lượng tàu ngầm thông thường tăng từ 35 lên 100 chiếc, tàu mang tên lửa tăng từ 20 lên 200 chiếc, dây chuyền sản xuất các tàu mặt nước cỡ lớn cũng được mở rộng. Tuy nhiên, các tàu chiến Trung Quốc thời kỳ này chỉ được bảo vệ bằng pháo phòng không, do chưa được trang bị tên lửa phòng không hiện đại, trong khi năng lực tác chiến chống ngầm cũng rất hạn chế. PLAN sau đó tìm cách hiện đại hóa các hệ thống vũ khí, trang bị tên lửa cho tàu chiến và dần mở rộng hoạt động huấn luyện, diễn tập ra các vùng biển xanh thay vì tập trung phòng thủ gần bờ. Năm 1982, PLAN phóng thử thành công một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm trong trạng thái lặn. 4 năm sau, họ đưa vào sẵn sàng chiến đấu ít nhất một tàu ngầm lớp Xia mang 12 tên lửa đạn đạo JL-2 và 5 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Han trang bị 6 tên lửa hành trình SY-2. Đến tháng 3/1984, Hạm đội Biển Bắc tiến hành cuộc diễn tập hiệp đồng đầu tiên giữa tàu chiến và máy bay, đánh dấu giai đoạn mới trong huấn luyện hiệp đồng của PLAN. Tuy vậy, lực lượng này đến cuối thập niên 1980 vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong tác chiến chống ngầm, tác chiến điện tử trên biển và năng lực không quân hải quân.
PLAN năm 1987 được coi là lực lượng hải quân lớn thứ ba thế giới, nhưng chủ yếu tập trung ở vùng biển gần bờ, với lớp bảo vệ ngoài cùng cho đường bờ biển 1.500 km là hơn 100 tàu ngầm diesel – điện lớp Romeo và Whiskey vốn chỉ có thể hoạt động trên biển trong thời gian ngắn. Lớp phòng thủ thứ hai là các tàu khu trục, tàu hộ vệ trang bị tên lửa chống hạm P-15 Termit và pháo 130 mm cùng chiến đấu cơ bố trí tại căn cứ trên đất liền. Năm 1997, PLAN lần đầu tiên cử một đội tàu chiến thực hiện hành trình hơn 24.000 hải lý tới thăm 4 nước Mỹ, Mexico, Peru và Chile, đánh dấu lần đầu tiên lực lượng này vượt Thái Bình Dương và tới châu Mỹ.
Sau khi lên nắm quyền vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thúc đẩy kế hoạch đầy tham vọng nhằm hiện đại hóa quân đội, giảm bớt quy mô và vai trò của lục quân, đồng thời tăng cường đầu tư cho không quân và hải quân. Với nguồn ngân sách khổng lồ, PLAN dần từ bỏ chiến lược phòng thủ ven bờ và hướng tới xây dựng lực lượng biển xanh có phạm vi hoạt động ngày càng lớn. Sau khi cải hoán và biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc thúc đẩy chương trình đóng tàu sân bay nội địa với sự ra đời của Type-001A đang được thử nghiệm cùng kế hoạch sở hữu 4-6 tàu sân bay. Đây sẽ là hạt nhân trong các nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của PLAN nhằm cạnh tranh sức mạnh và ảnh hưởng với hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương cũng như trên phạm vi toàn cầu.
Sức mạnh hải quân Trung Quốc hiện nay
Trong 70 năm hình thành và phát triển, lực lượng hải quân Trung Quốc hiện sở hữu nhiều loại vũ khí, tàu chiến hiện đại, có khả năng tác chiến tại vùng biển xa và đe dọa trực tiếp an ninh của các cường quốc trên thế giới.
Tàu Liêu Ninh được Trung Quốc mua và sửa chữa, nâng cấp từ tàu Varyag của Ucraina. Tàu Liêu Ninh chính thức đi vào hoạt động từ năm 2013. Theo thiết kế, Liêu Ninh có lượng giãn nước 65.000 tấn, dài 281m, rộng 71m, mớn nước 11m; tốc độ 32 hải lý/h; tầm hoạt động vào khoảng 4.000 hải lý; tàu được trang bị động cơ Turbin hơi nước, công suất 200.000 mã lực, 02 turbin 50.000 mã lực; tàu được trang bị 4 hệ thống radar PAR, 7 hệ thống tên lửa hạm đối không, 3 hệ thống tên lửa hạm đối hạm và 2 hệ thống tên lửa diệt tàu ngầm. Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc có khả năng trở 50 máy bay chiến đấu như Su-33, MIG-29, J-15, máy bay cảnh báo sớm YAK-44, trực thăng chống ngầm Ka-27PL, trực thăm tìm kiếm cứu nạn… Tính đến thời điểm hiện tại, tàu sân bay Liêu Ninh đã tham gia nhiều cuộc tập trận, huấn luyện trên biển. Trong đó Biển Đông là một trong những khu vực được Trung Quốc ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Tàu tàu khu trục Type 055 là chiến hạm loại 10.000 tấn, có tải trọng lớn nhất trong lịch sử, khả năng tác chiến mạnh nhất và thời gian nghiên cứu dài nhất. Type 055 có lượng giãn nước đầy tải ước tính là 13.000 tấn, trang bị vũ khí với hệ thống thẳng đứng với 112 ống phóng chìm, có thể phòng các loại tên lửa khác nhau như tên lửa chống hạm, tên lửa hành trình, tên lửa phòng không. Đồng thời, Type 055 cũng là khu trục hạm nhiều bệ phóng thẳng đứng nhất trên thế giới. Ngay cả tàu khu trục Zumwalt của Mỹ cũng chỉ có 96 ống phóng. Ngoài ra, khu trục hạm Type 055 còn sử dụng radar băng tần S, có khả năng tàng hình, chống vệ tinh quỹ đạo thấp. Đây là loại radar đầu tiên trên thế giới sử dụng thiết kế thân cột tích hợp, không có nhiều thiết bị treo bên ngoài, nhìn tổng thể rất đơn giản và gọn. Giới truyền thông Trung Quốc thậm chí còn đánh giá, khu trục hạm Type 055 không chỉ đại diện cho trình độ cao nhất của công nghiệp hải quân Trung Quốc mà còn chiếm vị trí “bá chủ” trong hàng ngũ khu trục hạm hải quân thế giới. Carl Schuster, cựu giám đốc Trung tâm tình báo liên hợp, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Mỹ cho biết Trung Quốc sẽ không tiếc tiền trong cuộc chạy đua với Mỹ. Ông dự đoán Bắc Kinh sẽ đóng mới khoảng 20 tàu khu trục Type-055 và nhiều tàu hộ vệ Type-054 để phục vụ cho 4 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2030.
Các tàu khu trục lớp Type 051 của Trung Quốc có lượng giãn nước từ 3.250 – 7.100 tấn; dài 132m – 150m, rộng 12,8m – 17m, mớn nước 4m – 6m; các tàu Type 051 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 2.900 – 5.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 260 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 051 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 02 bệ phóng tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn khoảng 150km, 06 bệ phóng tên lửa phòng không S-300FM, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 051 được trang bị hệ thống radar cảnh giới có tầm quan sát tối đa 300km, có khả năng bám sát 40 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã biên chế 5 trong tổng số 13 tàu Type 051 cho Hạm đội Nam Hải; cũng từng triển khai tàu Type 051C và tàu 051B tham gia tập trận ở Biển Đông.
Các tàu khu trục lớp Type 052 có lượng giãn nước từ 4.200 – 7.000 tấn; dài 144m – 157m, rộng 16m – 19m, mớn nước 5,1m – 6m; các tàu Type 052 được trang bị động cơ 2 turbine hơi nước 67.000 mã lực và 2 động cơ diesel 10.420 mã lực; vận tốc các tàu từ 28 – 32 hải lý/h; tầm hoạt động từ 4.500 – 6.000 hải lý; quân số biên chế trên tàu từ 280 – 300 binh lính, trong đó sỹ quan chỉ huy chiếm 7% tổng binh lính biên chế trên tàu. Các tàu Type 052 được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có tầm bắn và khả năng sát thương cao như: Trang bị 08 bệ phóng tên lửa phòng không, tên lửa chống hạm, 01 bẹ phóng phòng thủ tầm gần Type 730, 1 bệ phóng tên lửa HQ-10, 02 bệ phóng ngư lôi chống ngầm, trang bị trực thăng săn ngầm… Đa phần các tàu Type 052 được trang bị hệ thống radar phòng không đa công dụng 3D, hệ thống radar tầm xa Type 71H, hệ thống radar đối không, choosmg hạm, hệ thống vệ tinh, hệ thống radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực có tầm quan sát tối đa 450km, có khả năng bám sát 50 mục tiêu; radar quan sát trên không và trên biển, radar điều khiển hỏa lực, radar điều khiển pháo và nhiều hệ thống sóng âm sonar. Trung Quốc đã biên chế 06 tàu Type 052 cho Hạm đội Nam Hải; từng triển khai phi pháp , 01 tàu chiến Type 052 và 01 tàu Type 052C tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; 02 tàu Type 052B tại đá Chữ Thập và 01 tàu Type 052C tại đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần cử các tàu chiến thuộc lớp Type 052 tham gia tuần tra, tập trận phi pháp ở Biển Đông.
Tàu đổ bộ Type 071 là loại tàu đổ bộ đa chức năng lớn, có khả năng tham gia tác chiến đổ bộ, vận chuyển binh lính, xe tăng. Type 071 có lượng giãn nước khoảng 17.000 tấn – 25.000 tấn, dài 210m, rộng 28m, mớn nước 7m; trang bị 4 động cơ diesel 47.000 mã lực, vận tốc 22 hải lý/h, tầm hoạt động 6.000 hải lý. Type có khả năng chở 500 – 800 quân, 4 xuồng đổ bộ Type 726, 15-20 xe tăng thiết giáp. Hiện Hạm đội Nam Hải được trang bị 3 trong tổng số 4 tàu Type 071. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã 5 lần điều phi pháp tàu Type 071 ra đá Chữ Thập, đá Vành Khăn, đảo Phú Lâm của Việt Nam.
Tàu ngầm Hình 094 (tiếng Trung:094型) là loại tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo được phát triển bởi Hải quân Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Đây là lớp tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ hai của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chiếc đầu tiên được đóng tại xưởng đóng tàu Huludao tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. NATO gọi loại tàu ngầm này là lớp Tấn. Chiếc đầu tiên bắt đầu được đóng vào năm 1999 và hoàn thành vào tháng 7 năm 2004. Vào mùa thu năm 2009 hai chiếc tàu ngầm được đóng hoàn tất đã đưa vào thử nghiệm với các khả năng như lặn sâu, tốc độ, tác chiến và ẩn nấp. Hai chiếc này được thấy một ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông và một ở căn cứ hải quân Tam Á, đảo Hải Nam. Tàu ngầm Hình 094 có thiết kế khá giống tàu ngầm Hình 093 với vỏ tàu có hình giọt nước với bốn bánh lái nằm ngang. Nó có trọng tải choáng nước khá lớn từ 8.000 đến 9.000 tấn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đang nghiên cứu loại tầm ngầm hạt nhân thế hệ mới, ưu việt hơn so với tàu Type 094. Kể từ năm 2009, các báo cáo đã khẳng định sự tồn tại của dự án tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 095 (NATO định danh lớp Tùy), được cho là có độ ồn giảm đáng kể so với Type 093. Tàu dự kiến được ra mắt vào năm 2020, thuộc biên chế biên đội hàng không mẫu hạm của Trung Quốc. Dự án tàu ngầm Type 096 (NATO định danh lớp Đường) được trông đợi sẽ thay thế các tàu ngầm Type 094. Tàu được cho là có kích thước lớn hơn lớp 094, trang bị đến 24 tên lửa đạn đạo JL-3 có tầm bắn 10.000km.
Tên lửa đạn đạo diệt tàu sân bay DF-26 có thể tấn công các tàu cỡ trung và lớn di chuyển trên biển. DF-26 từng được truyền thông TQ và các chuyên gia quốc phòng đặt cho biệt danh “Kẻ giết người Guam”, khả năng mang theo đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân nặng 1,2 – 1,8 tấn, tên lửa DF-26 là một trong những loại vũ khí tiên tiến nhất của TQ; tên lửa được dẫn đường bằng radar, có khả năng cơ động để bám sát các mục tiêu đang di chuyển; tầm bắn khoảng 4.500km, tên lửa này có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ ở phía Đông và Indonesia ở phía Tây. DF-26 được đưa vào sử dụng tháng 4/2017 và lần đầu được biết tới trong cuộc duyệt binh ở Bắc Kinh năm 2015. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết tên lửa DF-26 là loại vũ khí mới được trang bị cho PLARF và có 4 tính năng nổi bật. Thứ nhất, đây là loại tên lửa được nghiên cứu, phát triển và chế tạo hoàn toàn bởi Trung Quốc và nước này có toàn quyền sở hữu DF-26. Thứ hai, DF-26 có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân, có khả năng phản công hạt nhân nhanh chóng hoặc tấn công phủ đầu chính xác ở tầm trung và tầm xa. Thứ ba, nó có thể tấn công chính xác mục tiêu quan trọng trên đất liền cũng như tàu cỡ trung và cỡ lớn trên biển. Thứ tư, Trung Quốc đã áp dụng một số công nghệ mới cho DF-26, làm tăng hiệu quả và nâng cao khả năng kết nối của nó. Ngoài ra, ông Ngô Khiêm khẳng định, Trung Quốc không giống như Mỹ và Nga mà sẽ tiếp tục duy trì nghiêm ngặt chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, bất chấp khả năng tự vệ mạnh mẽ của loại tên lửa mới. Với tầm bắn như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể sử dụng DF-26 tấn công thẳng vào lãnh thổ Mỹ ở đảo Guam hoặc có thể dùng DF-26 để nhắm mục tiêu vào các tàu chiến trên biển, trong trường hợp có chiến tranh. Ngoài ra, những quả tên lửa khổng lồ (nặng khoảng 20 tấn) này cũng có khả năng đe doạ các tàu sân bay lớp Nimitz, thậm chí các siêu tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân lớp Ford của Mỹ. Trong khi đó, theo phân tích của tờ National Interest (Mỹ), có ít nhất 2 phiên bản của tên lửa DF-26, bao gồm DF-26A và DF-26B. Các phiên bản này có trang bị đầu đạn khác nhau, cũng như các thiết bị dẫn đường riêng biệt. Trong đó, một phiên bản có lẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu cố định trên mặt đất và có khả năng trang bị kép đầu đạn thông thường/hạt nhân với độ sai lệch khoảng 150 – 450m. Tuy nhiên, một biến thể tên lửa DF-26 chống hạm sẽ được thiết kế để nhắm mục tiêu trên biển và trên bộ với độ chính xác cực kỳ cao. Theo đó, độ sai lệch sẽ là rất nhỏ, ước tính có thể chỉ vào khoảng 10m.
Tên lửa đạn đạo Cự lang 3 (JL-3) mà Trung Quốc mới bắn thử gần đây có tầm phóng cực đại 9.000km, có thể được trang bị cho các tàu ngầm chiến lược Type 096. Nguồn tin từ cơ quan tình báo Mỹ khẳng định, trong cuộc phóng thử ngày JL-3 không bay hết tầm, cuộc bắn chủ yếu kiểm tra hệ thống tên lửa khi khởi động từ bệ phóng thẳng đứng trên tàu ngầm. Với cự ly này, JL-3 trở thành tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm nguy hiểm nhất của Hải quân Trung Quốc. Từ trước tới nay, Bắc Kinh mới chỉ trang bị cho các tàu ngầm của mình tên lửa JL-2 có tầm phóng khoảng 7.000km. Giới phân tích cho rằng, ít nhất phải tới đầu năm 2020 thì Hải quân Trung Quốc mới có cặp “song sát” JL-3 và Type 096. “Cặp bài trùng” này được cho là tạo ra mối đe dọa “tốt hơn” so với tàu ngầm Type 094 và JL-2.
Tương quan sức mạnh hải quân Mỹ – Trung
Hải quân Trung Quốc áp đảo Mỹ về số lượng tàu chiến, nhưng thua kém về công nghệ và năng lực tác chiến. Nhằm hạn chế ảnh hưởng và lợi ích của Washington ở châu Á, Bắc Kinh đang mạnh tay đầu tư cho hải quân. Tính tới năm 2017, hải quân Trung Quốc có tổng cộng 317 tàu chiến so với 283 chiếc của Mỹ. Báo cáo của hải quân Mỹ hồi tháng 5 nhận định Trung Quốc sẽ có khoảng 550 tàu chiến và tàu ngầm vào năm 2030, gấp đôi quy mô hải quân Mỹ hiện nay. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu tăng số tàu chiến lên 355 chiếc vào năm 2030, nhưng mục tiêu này rất khó đạt được do tình trạng cắt giảm ngân sách quốc phòng liên tục trong nhiều năm.
Chuyên gia quân sự Kyle Maxey cho rằng quy mô hạm đội Mỹ nhỏ hơn đối thủ, nhưng Washington vẫn chiếm ưu thế về số lượng tàu chiến cỡ lớn. Hải quân Mỹ hiện có 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz, gấp 5 lần số tàu sân bay trong biên chế Trung Quốc. Không chỉ lớn hơn tàu sân bay Trung Quốc, hàng không mẫu hạm Mỹ còn được trang bị lò phản ứng hạt nhân và lượng lớn chiến đấu cơ hiện đại, bao gồm cả một số tiêm kích tàng hình F-35C đang thử nghiệm. Trong khi đó, tàu sân bay Trung Quốc chỉ mang được số lượng nhỏ tiêm kích J-15. Việc không được lắp lò phản ứng hạt nhân khiến tầm hoạt động của tàu sân bay Trung Quốc bị hạn chế đáng kể. Thực tế này cho thấy Mỹ vẫn chiếm ưu thế trước Trung Quốc trên các đại dương, ngay cả khi chưa tính đến uy lực của lực lượng không quân trên hạm.
Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc có tổng cộng 131 khu trục hạm và tàu hộ vệ các loại, vượt trội so với 85 tàu của hải quân Mỹ. Song chiến hạm hai bên đều bị giới hạn bởi tầm bắn của tên lửa hành trình diệt hạm. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh giữa hai cường quốc, hải quân Mỹ nhiều khả năng sẽ sử dụng cảng biển tại các nước đồng minh như Nhật Bản và Philippines để tấn công mục tiêu giá trị cao của hải quân Trung Quốc ở gần đại lục. Ngược lại, hải quân Trung Quốc có thể tập kích các tiền đồn của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương, phá hủy hệ thống liên lạc khiến đối thủ khó phát huy đầy đủ sức mạnh.
Ngoài ra, hải quân Trung Quốc hiện có 73 tàu ngầm, nhiều hơn một chiếc so với Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn tàu ngầm của Bắc Kinh có độ ồn cao do công nghệ lạc hậu, khiến chúng dễ bị tàu săn ngầm Mỹ phát hiện và tấn công từ xa.
Dù sở hữu số lượng chiến hạm áp đảo hải quân Mỹ, hải quân Trung Quốc khó lòng đạt khả năng độc lập tác chiến và hiệp đồng ngang ngửa đối phương. Để bù đắp yếu kém này, Bắc Kinh đang tận dụng tối đa chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực (A2/AD). Một trong những thành phần quan trọng nhất của A2/AD là tên lửa đạn đạo diệt hạm. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới biên chế loại vũ khí này với hai mẫu tên lửa “sát thủ tàu sân bay” là DF-21D và DF-26. DF-21D đạt tầm bắn 2.000 km, trong khi biến thể nâng cấp DF-26 có thể diệt mục tiêu từ khoảng cách 3.000-4.000 km. Nhờ trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân nặng 1,8 tấn, tên lửa DF-26 có thể tấn công các mục tiêu Mỹ ở đảo Guam, đối phó mũi tấn công từ Biển Đông và đe dọa hoạt động của tàu sân bay Mỹ.