Thời gian gần đây, Trung Quốc thường tuyên truyền, biện minh cho các hành động phi pháp của mình ở Biển Đông, đồng thời cho rằng quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa là “lãnh thổ cố hữu” của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ khía cạnh luật quốc tế, sự thật lịch sử đều khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền đối với vùng biển này.
Trung Quốc ngụy biện về chủ quyền “Tây Sa”
Trung Quốc yêu sách chủ quyền đối với quần đảo “Tây Sa”, tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử”. Lập luận của nước này là: “Người Trung Quốc đã phát hiện ra các đảo này sớm nhất và đã đặt tên cho chúng; Ngư dân Trung Quốc đã khai thác các đảo này từ hàng nghìn năm nay. Điều đó chứng minh chủ quyền của Trung Quốc; Trung Quốc đã thực hiện các hành động cai quản ở quần đảo này từ lâu đời…”
Tuy nhiên, căn cứ nguyên tắc của luật pháp quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ cho đến nửa cuối thế kỷ XIX, lập luận này của Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ xác thực. Từ cuối thế kỷ XV, luật quốc tế công nhận các hành vi tượng trưng của việc sáp nhập lãnh thổ do quốc gia phát hiện ra thực hiện như là danh nghĩa nguyên thủy của việc chiếm hữu. Nhưng phát hiện với ý định sở hữu là chưa đủ để tạo ra quyền sở hữu đối với lãnh thổ vô chủ cho quốc gia phát hiện. Yếu tố tinh thần này phải được củng cố bằng yếu tố vật chất qua việc chiếm hữu thực sự, hiệu quả và quản lý hành chính trong một thời gian hợp lý, mà độ dài phụ thuộc vào hai yêu cầu: một là, sự khẳng định quyền lực trong vùng đó đối với không chỉ các chủ thể trong nước mà cả với các chủ thể ngoài nước; hai là, không có tranh chấp từ phía quốc gia khác. Tóm lại, quốc gia đó cần phải chứng minh được rằng, việc chiếm hữu là rõ ràng, hòa bình, liên tục và không có tranh cãi. Đáng chú ý, riêng quyền phát hiện không được coi là đủ để đảm bảo quyền chiếm hữu xác định. Nó phải được củng cố bằng sự chiếm cứ thực sự do Nhà nước thực hiện. Việc một cá nhân hoặc nhiều cá nhân là công dân của một nước thực hiện hành vi chiếm hữu với tư cách cá nhân sẽ không tạo ra một danh nghĩa chủ quyền cho Nhà nước đó.
Sách trắng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/1/1980 với nhan đề “Chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa” khẳng định: “Từ thời Hán Vũ đế trước Công lịch hai thế kỷ, nhân dân Trung Quốc đã bắt đầu đi lại trên biển Nam. Trải qua thực tiễn hàng hải lâu dài, nhân dân Trung Quốc đã lần lượt phát hiện các quần đảo Tây Sa và Nam Sa”. Để chứng minh danh nghĩa lịch sử của họ, phía Trung Quốc đã dựa trên những cuốn sách chính như: Nam châu dị vật chí; Vũ kinh tổng yếu; Mộng Lương Lục; Đảo di chí lược; Đông Tây dương khảo; Độc sử phương dư kỷ yếu… Tuy nhiên, các sách này hoàn toàn không phải là các chính sử do các cơ quan của Nhà nước Trung Quốc ấn hành. Không phải là những phát hiện với ý định sở hữu, nguồn tài liệu này đều là các chuyên khảo, tài liệu địa dư hoặc các sách hàng hải do các nhà địa lý hoặc nhà hàng hải chép về các chuyến đi, mô tả về các lãnh thổ, thể hiện những nhận biết chung về địa lý liên quan không chỉ tới lãnh thổ Trung Quốc mà còn là lãnh thổ của các nước khác. Những tài liệu này không đưa ra cơ sở khoa học vững chắc để kết luận rằng những địa điểm được đề cập trong các tác phẩm đó là Hoàng Sa mà Trung Quốc đã sở hữu hơn 2000 năm.
Theo ông Phạm Hoàng Quân, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về cổ sử và cổ địa dư Trung Quốc, những tài liệu do phía Trung Quốc đưa ra không có hiệu lực pháp lý: “Thời xưa, Trung Quốc có những nhà du hành, hàng hải, những thương thuyền,… Họ đi giao thiệp về chuyện buôn bán ở phía Nam. Trong quá trình đi, họ thấy những vùng đảo. Họ ghi chép lại. Đó là dạng sách du ký, không phải tư liệu chính thống của chính quyền Trung Quốc. Để xác lập chủ quyền, những điều được biên chép phải nằm trong chính sử, sách địa chí, Trung Quốc gọi là phương chí, những phương tiện được Nhà nước thừa nhận”.
Mặt khác, sự tiếp xúc riêng rẽ của những cư dân Trung Quốc đối với Hoàng Sa không đủ để thiết lập chủ quyền của nước này. So sánh với các tiêu chuẩn quốc tế về thụ đắc lãnh thổ, các ghi chép mà Trung Quốc viện dẫn không đủ chứng minh rằng quyền phát hiện đã được xác lập. Một đảo hoặc một quần đảo có thể là đối tượng nhận biết từ lâu đời của các nhà hàng hải, các ngư dân, các nhà địa lý,… nhưng chúng vẫn chỉ được coi là lãnh thổ vô chủ một khi quốc gia của họ chưa tiến hành một hành động Nhà nước nào tại đó. Các hoạt động tư nhân của các ngư dân Trung Quốc không thể mang lại hiệu lực pháp lý của “quyền phát hiện” và nó không thể được đánh đồng với quyền chiếm hữu. Ông Hồ Bạch Thảo, nhà nghiên cứu về Biển Đông người Mỹ, gốc Việt, một chuyên gia cổ sử chỉ rõ, việc “chiếm cứ” này thiếu hẳn ý định của Nhà nước sáp nhập các đảo đó vào lãnh thổ quốc gia: “Tôi nghiên cứu tất cả các sử liệu thời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh cho đến nhà Thanh thì chưa bao giờ thấy các nhà vua Trung Quốc xác nhận chỗ đó là lãnh thổ Trung Quốc. Chuyện ngư dân Trung Quốc khai thác cá, đánh bắt hải sản có thể xảy ra bất cứ thời nào. Chuyện đó không thể là căn cứ để khẳng định chủ quyền được. Chủ quyền phải do quốc gia thiết lập”.
Mặt khác, các thủy thủ và ngư dân Trung Quốc không phải là những người duy nhất qua lại các quần đảo. Biển Đông từ lâu đời đã có thuyền bè của người Ấn Độ, Ả Rập, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp và nhiều nước khác lai vãng tới. Có thể các hoạt động của ngư dân sẽ kéo theo sự chú ý và ý định của Nhà nước trên lãnh thổ vô chủ. Tuy nhiên, yếu tố ý chí này không đủ khi còn thiếu yếu tố vật chất của các hoạt động Nhà nước trên thực địa.
Để chứng minh sự quản lý của Trung Quốc trên các đảo này từ hàng nghìn năm, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra ba sự kiện: (i) Từ thời nhà Tống (960-1127), hải quân Trung Quốc đã đi tuần tra quân sự đến vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sự khẳng định này dựa trên cơ sở đoạn văn trích từ Vũ Kinh tổng yếu. Về vấn đề này, Sách trắng năm 1981 của Việt Nam chỉ rõ, đoạn trích từ Vũ Kinh tổng yếu là sự kết hợp từ ba đoạn riêng rẽ khác nhau trong một đoạn sau lời tựa. Theo đó, trong đoạn trích này, có đoạn nêu Bắc Tống “lệnh cho quân nhà vua đi trấn giữ đặt dinh lũy thủy quân tuần biển ở Quảng Nam”, “đóng tàu chiến đao ngư”, có đoạn mô tả vị trí địa lý của đồn binh, đoạn khác tả lộ trình đi từ cảng Quảng Nam tới tận Ấn Độ Dương. Đó là hành trình khảo sát địa lý hơn là tuần tra lãnh thổ của Trung Quốc. Đó không thể là bằng chứng đầy đủ để nói rằng, ngay từ thời nhà Tống, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc quyền quản lý của Trung Quốc. (ii)Vào thế kỷ thứ XIII, Hoàng đế nhà Nguyên đã ra lệnh cho một nhà thiên văn học nổi tiếng là Quách Tử Kính đo đạc thiên văn, mà một trong những điểm quan trắc trong đó được thực hiện từ Hoàng Sa. Thực ra, theo Nguyên Sử, bộ sử chính thức của nhà Nguyên, việc đo đạc thiên văn được ghi chép như sau: “Việc đo bóng mặt trời bốn biển ở hai mươi bảy nơi. Phía Đông đến Cao Ly, phía Tây đến Điền Trì, phía Nam qua Chu Nhai, phía Bắc đến Thiết Lặc”. Nguyên Sử chép rõ tên 27 nơi đo đạc thiên văn, trong đó có những địa danh hoàn toàn không thuộc cương vực Trung Quốc như Cao Ly (Triều Tiên), Thiết Lặc (Siberia). Các quan trắc thiên văn này có phần tiến hành trên lãnh thổ Trung Quốc, có phần nằm ngoài cương vực Trung Quốc. Do đó, nó không thể tạo ra bằng chứng xác đáng cho chủ quyền Trung Quốc. Hơn nữa, một hành động nghiên cứu khoa học chưa đủ để tạo nên một danh nghĩa chủ quyền. (iii) Người Trung Quốc đưa ra tài liệu về một cuộc tuần biển được tổ chức trong khoảng các năm 1710-1712 dưới triều nhà Thanh. Ngô Thăng, Phó tướng thủy sư Quảng Đông chỉ huy chuyến đi này. Nghiên cứu nghiêm túc cho thấy, những địa danh nêu trong đoạn trích này đều nằm xung quanh đảo Hải Nam. Quỳnh Nhai ở phía Bắc đảo Hải Nam. Đồng Cổ ở mỏm Đông Bắc đảo Hải Nam. Thất Châu Dương là vùng biển có bảy hòn đảo gọi là Thất Châu, nằm ở phía Đông đảo Hải Nam. Tứ Canh Sa là bãi cát ở phía Tây đảo Hải Nam. Rõ ràng, dõi theo hành trình này trên bản đồ, dễ dàng nhận thấy đó là một con đường đi vòng quanh đảo Hải Nam.
Không những vậy, các viện dẫn của Trung Quốc còn mâu thuẫn với chính các nguồn tư liệu của nước này. Có nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và phân định rõ lãnh thổ của Thiên triều kết thúc ở điểm cực Nam của đảo Hải Nam, như: Quỳnh Châu phủ chí (1731), Hoàng Triều di tông tâm lĩnh (1894), Đại Thanh di đồ (1905),…; hay các sách, bản đồ cổ khác của người Trung Quốc. Cụ thể, điểm mút phía nam của lãnh thổ Trung Quốc nằm ở Nhai Châu, thuộc phủ Quỳnh Châu, tỉnh Quảng Đông, tại vĩ độ 18 độ 13 phút Nam. Sách Trung Quốc Địa lý Giáo khoa thư, Thượng Vụ Ấn Thư quán, Thượng Hải năm 1906 xuất bản cũng khẳng định: “Phía Nam bắt đầu là vĩ độ 18 độ 13 phút Nam lấy bờ biển Châu Nhai đảo Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) làm điểm mút”.
Tháng 5/2014, Việt Nam đã tiếp nhận và công bố bộ Atlas thế giới Bruxelles – 1827. Bộ Atlas này gồm 6 tập do nhà Địa lý học Philippe Vandemaelen, người sáng lập Viện Địa lý Hoàng gia Bỉ, xuất bản năm 1827. Theo đó, Việt Nam được giới thiệu trong các tấm bản đồ số 97, 105, 106, 110. Tấm bản đồ số 106 vẽ đường bờ biển miền Trung từ vĩ tuyến 12 tới vĩ tuyến 16 (thuộc khu vực Trung kỳ, Đàng Trong của Việt Nam lúc bấy giờ). Trong tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa được vẽ rất cụ thể, chi tiết và chính xác. Nó được đặt trong mối tương quan với các đảo và khu vực ven bờ như Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré, Quy Nhơn, Nha Trang. Đáng chú ý, trong phần chú thích trên tấm bản đồ 106, Philippe Vandermaelen ghi rõ “Đế chế An Nam”, thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Rõ ràng, lập luận rằng, người Trung Quốc đã phát hiện, khai phá, khai thác và quản lý quần đảo Hoàng Sa từ cách đây 2000 năm là không thể đứng vững trước ánh sáng của Luật pháp quốc tế và thực tiễn hiện nay. Những lời khẳng định rườm rà trong nhiều sách hay bài viết của Trung Quốc khẳng định một danh nghĩa lịch sử lâu đời của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa đều không có giá trị.
Trung Quốc ngụy biện về bãi Tư Chính
Trung Quốc xem khu vực bãi Tư Chính là “một phần của quần đảo Nam Sa và vùng biển liên quan” của Trung Quốc. Lập luận này của Trung Quốc hoàn toàn không phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế đương đại, nhất là UNCLOS.
Mọi người đều biết rằng Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết và phê chuẩn UNCLOS năm 1982; hơn nữa còn là một trong những thành viên tích cực của nhóm quốc gia đang phát triển, đã có nhiều đóng góp trong quá trình tham gia Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển lần thứ 3.Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông, cũng như các quốc gia ngoài khu vực có quyền và lợi ích liên quan khác, bất chấp luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982; chẳng hạn, Trung Quốc tiếp tục duy trì yêu sách “đường lưỡi bò” bao lấy hơn 80% diện tích Biển Đông và tìm cách hợp thức hóa yêu sách phi lý này bằng lập luận ngụy biện rằng: Đây là biên giới biển do lịch sử để lại, xuất hiện trước khi UNCLOS 1982 có hiệu lực, vì vậy nó không chịu tác động bởi UNCLOS 1982; Trung Quốc có quyền lịch sử đối với tài nguyên ở vùng biển nằm trong đường biên giới này; Hơn nữa, Trung Quốc có chủ quyền đối với “Tứ Sa” ở giữa Biển Đông – bao gồm Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam), Đông Sa (Pratas) và Trung Sa (vùng bãi cạn Macclesfield); vì vậy, “theo UNCLOS 1982”, Trung Quốc có quyền mở rộng phạm vi các “vùng biển có liên quan” của Tứ Sa ra đến biên giới biển theo đường chữ U. Lập luận nói trên của Trung Quốc, nếu theo thuật ngữ pháp lý thì có thể được gọi là sự “giải thích và áp dụng” quy định của UNCLOS 1982. Nhưng, sự “giải thích và áp dụng” này là hoàn toàn sai trái, là sự ngụy biện mà nhiều người cho rằng Trung Quốc đang muốn viết lại Luật biển quốc tế có lợi cho họ.
Theo UNCLOS 1982, một quốc gia khi đã trở thành thành viên chính thức thì phải tuyệt đối tuân thủ và phải sửa đổi tất cả các quy định đã ban hành trước khi có công ước, nếu chúng không phù hợp với các quy định của công ước. Nếu không hủy bỏ và sửa đổi thì sẽ không có hiệu lực thi hành đối với các quốc gia thành viên khác. Trong quá trình tiến hành Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về Luật biển lần thứ 3, các đoàn đại biểu đã thảo luận về việc có nên đưa khái niệm “quyền lịch sử” đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế không. Cuối cùng khái niệm này đã bị gạt ra khỏi các quy định tại phần V, từ điều 55 đến điều 75. Trong phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế The Haye ngày 12-7-2016, Hội đồng Trọng tài cũng đã bác bỏ “quyền lịch sử đối với tài nguyên” trong vùng biên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Không những vậy, vấn đề hiệu lực của các thực thể địa lý ở giữa Biển Đông trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa. Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam) năm 1998, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở “quốc gia quần đảo”. Phần IV, điều 46 đã định nghĩa “quốc gia quần đảo” (Etat Archipel) là một quốc gia hoàn toàn được cấu thành bởi một hay nhiều quần đảo và có khi bởi một số hòn đảo khác nữa. “Quần đảo” (Archipel) là một tổng thể các đảo, kể cả các bộ phận của các đảo, các vùng nước tiếp liền và các thành phần tự nhiên khác có liên quan với nhau đến mức tạo thành về thực chất một thể thống nhất về địa lý, kinh tế và chính trị, hay được coi như thế về mặt lịch sử. Điều 47 đã quy định: Một quốc gia quần đảo có thể vạch các đường cơ sở thẳng của quần đảo nối liền các điểm ngoài cùng của các đảo xa nhất và các bãi đá lúc chìm lúc nổi của quần đảo, với điều kiện là tuyến các đường cơ sở này bao lấy các đảo chủ yếu và xác lập một khu vực mà tỉ lệ diện tích nước đó với đất, kể cả vành đai san hô, phải ở giữa tỉ lệ số 1/1 và 9/1… Tuy nhiên trong phần IV không có điều khoản nào quy định phương pháp vạch đường cơ sở quần đảo không phải là quốc gia quần đảo. Vì vậy, quốc gia lục địa có chủ quyền phải vạch đường cơ sở cho từng thực thể địa lý của quần đảo để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa cho từng thực thể địa lý đó. Như vậy, Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai các quy định của phần IV, UNCLOS 1982 trong việc xác lập hệ thống đường cơ sở đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc cũng đang tính đến việc xác lập hệ thống đường cơ sở ở quần đảo Trường Sa mà họ gọi là Nam Sa, sau khi họ đã chiếm đóng tại các thực thể là các bãi cạn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa của các quốc gia xung quanh Biển Đông. Từ cách xác lập hệ thống đường cơ sở sai trái đó, Trung Quốc khẳng định họ có quyền xác định các “vùng biển liên quan” của các quần đảo ở giữa Biển Đông có chiều rộng đến 200 hải lý. Đây là một sai phạm tiếp theo sai phạm nói trên. Bởi vì phần VIII, điều 121, UNCLOS 1982 quy định: 1. “Một đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước”; 2. “Với điều kiện phải tuân thủ khoản 3, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa của hòn đảo được hoạch định theo đúng các quy định của công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác”; 3. “Những hòn đảo đá nào không thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa”.
Theo Hội đồng Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII để xử vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, nếu căn cứ vào nguồn gốc của các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì tất các đảo ở đây rất nhỏ bé, không thích hợp cho đời sống của cộng đồng dân cư và không có đời sống kinh tế riêng nên chỉ có thể có vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Như vậy, các bãi cạn ở cách bờ biển của các quốc gia ven Biển Đông không quá 200 hải lý không phải là bộ phận của quần đảo Trường Sa; bởi vì chúng là những bãi ngầm, bãi cạn ở xa và bị ngăn cách quần đảo này bởi các rãnh sâu, không thể tạo thành một thể thống nhất về địa lý, địa chất, không gắn kết về kinh tế, lịch sử để tạo thành một thể thống nhất của quần đảo. Theo đó, bãi Tư Chính không thể là một bộ phận của quần đảo Trường Sa và vùng biển bãi Tư Chính không được coi là “vùng biển liên quan” của quần đảo này.
Ngụy biện trong yêu sách chủ quyền theo “đường 9 đoạn”
Trung Quốc (7/5/2009) nhằm khẳng định chủ quyền sai trái của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Nhà nước Việt Nam, đã gửi công hàm gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc phản đối việc Việt Nam nộp Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa của mình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc theo quy định của UNCLOS, Trung Quốc cũng đã gửi kèm một sơ đồ trên đó thể hiện “đường 9 đoạn” của mình trên Biển Đông. Trong công hàm Trung Quốc đã nêu quan điểm “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) và các vùng nước kế cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và lòng đất đáy biển ở đó”. Với lập luận “đường 9 đoạn” Trung Quốc đã thể hiện yêu sách của mình đối với 80% diện tích của Biển Đông, được vẽ sát vào bờ của các quốc gia ven Biển Đông như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Brunei, Philippines. Đường yêu sách này ban đầu có 11 đoạn, do chính quyền Trung Quốc (Quốc dân đảng) vẽ ra vào năm 1947 và sau đó được CHND Trung Hoa tiếp tục sử dụng nhưng có sửa đổi, đó là Trung Quốc đã bỏ bớt 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ nên chỉ còn lại 9 đoạn.
Công hàm này là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về ý nghĩa pháp lý quốc tế của “đường 9 đoạn” và cũng là lần đầu tiên mà Trung Quốc chính thức công bố sơ đồ đường yêu sách này với thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc không hề đưa ra bất cứ một lời giải thích hoặc chứng cứ pháp lý khẳng định nước này có “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” ở Biển Đông. Trong khi đó, giới học giả Trung Quốc ngang nhiên cho rằng họ không muốn rõ ràng làm rõ “đường lưỡi bò” vì như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến các nước khác vì Trung Quốc sẽ phải lấy tất cả các đảo mà các nước khác đang chiếm trên đó . Vì vậy chính sách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng như hiện nay là không làm rõ ràng “đường lưỡi bò”.
Cách tuyên bố và giải thích trên của Trung Quốc chỉ là mang tính ngụy biện cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Thực tế không có “đường lưỡi bò” thì Trung Quốc vẫn duy trì cái chính sách chủ quyền đối với các đảo. Cũng lập luận vì Trung Quốc có yêu sách nên bắt buộc phải dùng vũ lực cho nên Trung Quốc cũng đã yêu sách đối với chủ quyền của Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam) cũng như các đảo khác trong tranh chấp với Philipines. Không những vậy, Trung Quốc muốn sử dụng mập mờ “đường lưỡi bò” là một để đòi hỏi quyền chủ quyền và quyền tài phán, chủ yếu là tài nguyên của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước khác; bản thân nội bộ Trung Quốc cũng có ít nhiều ý kiến khác nhau và họ cũng không thống nhất nhau làm thế nào để làm rõ ràng và cơ bản là làm rõ yêu sách theo Công ước luật biển sẽ làm hạn chế việc Trung Quốc tự do hoạt động như bây giờ.
Trên khía cạnh pháp lý, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của LHQ (7/2016) đã ra phán quyết liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, trong đó tuyên bố: Toà Trọng tài nhận thấy có thẩm quyền để xem xét tranh chấp giữa các bên liên quan đến quyền lịch sử và nguồn của quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông. Về mặt nội dung thực chất, Toà kết luận rằng UNCLOS quy định một cách toàn diện về các quyền đối với các vùng biển và việc bảo vệ các quyền tồn tại trước UNCLOS liên quan đến tài nguyên đã được xem xét nhưng chúng không được thông qua và quy định tại UNCLOS. Theo đó, Tòa kết luận rằng trong phạm vi quyền lịch sử của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên trong các vùng biển ở Biển Đông, quyền này bị xóa bỏ do chúng không phù hợp với chế định vùng đặc quyền kinh tế trong UNCLOS. Toà cũng nhận thấy dù trong lịch sử, những người đi biển cũng như ngư dân từ Trung Quốc cũng như từ các nước khác đã sử dụng các đảo tại Biển Đông nhưng không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy về mặt lịch sử Trung Quốc đã chỉ một mình thực hiện việc kiểm soát vùng nước này cũng như tài nguyên tại đây. Vì vậy, Toà kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong “đường 9 đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò”.
Ngoài ra, xét về mặt nhà nước xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì duy nhất chỉ có Nhà nước Việt Nam là có đầy đủ chứng cứ và phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về xác lập chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ. Với những cơ sở pháp lý được thể hiện qua các phương diện như sử học, khảo cổ học, luật pháp và văn hoá biển đã chứng minh vào nửa đầu thế kỷ XVII khi Nhà nước Việt Nam đã thiết lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì chưa có bất kỳ một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trong khu vực và trên thế giới xác lập chủ quyền về mặt nhà nước đối với hai quần đảo đó. Việc các Chúa Nguyễn thực thi chủ quyền về mặt nhà nước được thể hiện rõ nét qua các sự kiện quan trọng như tổ chức “Đội Hoàng Sa,” “Đội Bắc Hải”…
Các hoạt động của Chúa Nguyễn, Triều đại Tây Sơn đến Triều đình Nhà Nguyễn và các thể chế nhà nước tiếp theo tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được lưu lại trong rất nhiều tài liệu lịch sử của các sử quan và sử gia đương thời cũng như các bộ chính sử của Nhà nước Việt Nam tiêu biểu như “Toản tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686), “Phủ Biên tạp lục” của nhà bác học Lê Quý Đôn (1776), Đại Việt sử ký toàn thư (1697)… và những ghi chép của nhiều học giả nước ngoài như “Hải ngoại ký sự” Thích Đại Sán….
Điều đó cho thấy, việc xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là về mặt nhà nước, chứ không phải là hành động sử dụng vũ lực để tiến hành sự xâm lăng, chiếm cứ hay phát hiện của một cá nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của luật quốc tế về khẳng định chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ của quốc gia. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực có được cơ sở pháp lý quốc tế khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
Ngụy biện trong việc cải tạo phi pháp các đảo đá ở Trường Sa
Từ khi bắt đầu quá trình cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần ngụy biện, cáo buộc Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông. Trung Quốc ngang ngược cho rằng mình có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông, việc cải tạo các đảo đá là công việc nội bộ của Trung Quốc, cáo buộc Philippines đã vi phạm DOC thông qua hoạt động xây dựng các cơ sở quân sự và dân sự quy mô lớn, bao gồm sân bay, cảng và doanh trại.
Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã hoàn thành cải tạo phi pháp 7 đảo đá ở Trường Sa. Theo Báo cáo điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động lấn biển, thi công các công trình với quy mô rất lớn trên tất cả các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt hiện nay các hoạt động này diễn ra liên tục tại năm địa điểm, cụ thể là bãi đá Gaven khoảng 15ha, Gạc Ma khoảng 13,2ha, Châu Viên khoảng 24ha; Huy Gơ khoảng 9,2ha và lớn nhất là Chữ Thập khoảng 180ha.
Trước những lời cáo buộc vô căn cứ và ngụy biện một cách trắng trợn về những hành động phi pháp của Trung Quốc, giới học giả quốc tế đã kịch liệt bác bỏ. Các chuyên gia cho rằng chính hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc mới là vi phạm DOC và Trung Quốc không có cơ sở nào để so sánh các hành vi thay đổi hiện trạng của mình với hoạt động xây dựng của các nước láng giềng. Ông Gregory Poling, chuyên gia Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), chỉ rõ: “Tại Trường Sa, Trung Quốc là nước duy nhất xây đảo từ các thực thể trước đây chìm dưới biển và trong quá trình xây dựng gây ra những thiệt hại sinh thái vô cùng lớn. Các nước khác trong khu vực cũng có những hoạt động cải tạo đảo một cách giới hạn, nhưng về bản chất hoàn toàn khác với những gì Bắc Kinh đang làm: biến không thành có”. Tiến sĩ Zachary Abuza (chuyên gia về an ninh khu vực Đông Nam Á, Mỹ) bổ sung: “Trung Quốc cũng đang có mưu đồ dùng những đảo này để biện minh cho vùng đặc quyền kinh tế của mình. Và quan trọng hơn, việc xây những đảo này là hoàn toàn cho mục đích quân sự và là cơ sở để tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Đây là điểm khác biệt mấu chốt”. Ngoài ra, khu vực quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam đã được cộng đồng và luật pháp quốc tế thừa nhận từ thế kỷ 17, nên việc Việt Nam xây dựng, nâng cấp các công trình phục vụ dân sinh, kinh tế, an ninh, quốc phòng… trên đất của mình hoàn toàn là chuyện bình thường, không phải là những hoạt động làm thay đổi hiện trạng, làm cho tình hình biển Đông thêm căng thẳng. Trong khi đó, Trung Quốc mới đánh chiếm một số thực thể phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa từ năm 1988; việc tiếp tục xây dựng, tăng cường điều động binh lính xuống đóng giữ… biến bãi cạn thành đảo nổi phục vụ mục đích tấn công quân sự, tìm cách khống chế Biển Đông, không những vi phạm chủ quyền của Việt Nam như đã phân tích ở trên mà còn phá vỡ cam kết được ghi nhận tại Điều 4 và Điều 5 của DOC, cố tình phá vỡ hiện trạng đúng theo tinh thần của DOC.
Không những tiến hành cải tạo đảo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc còn ngang nhiên quân sự hóa trên những đảo, đá này. Việc Trung Quốc ngụy biện cho rằng hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa để nhằm bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển…” của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Vì các bãi đá ngầm như Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Xu Bi là những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm năm 1988. Không chỉ có vậy, âm mưu lâu dài của Trung Quốc là biến các đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự, hình thành tuyến phòng thủ phía trước, kiểm soát các tuyến đường hàng hải và hàng không trong khu vực. Khi hoàn thành bồi lấp các bãi đá thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống ra đa trinh sát, giám sát, tầm xa, máy bay trinh sát báo động sớm trên không; mở rộng khả năng neo đậu của tàu thuyền có trọng tải lớn, qua đó mở rộng hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển, triển khai lực lượng hải quân tuyến trước, nhất là mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu; triển khai các đơn vị không quân chiến đấu; các hệ thống tên lửa đường đạn, tên lửa đất đối không, tên lửa chống tàu trên các đảo…
Nhìn chung, từ khía cạnh luật quốc tế, dẫn chứng lịch sử cũng như quá trình quản lý Nhà nước một cách hòa bình, liên tục đều khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng nưcc xung quanh. Hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển này là phi pháp, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực.