Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono kêu gọi tăng cường...

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng với ASEAN

Phát biểu tại cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono (17/11) kêu gọi tăng cường hợp tác quốc phòng song phương.

Tại cuộc họp, ông Taro Kono đã đề xuất cụ thể về “Tầm nhìn Viêng Chăn 2.0”, phiên bản cập nhật của hướng dẫn hợp tác quốc phòng Nhật Bản – ASEAN có tên “Tầm nhìn Viêng Chăn”, ra mắt năm 2016. Phiên bản cập nhật nhằm tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản và giám sát Trung Quốc, quốc gia đang đẩy mạnh sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Tầm nhìn Viêng Chăn 2.0 đặt ra ba lĩnh vực ưu tiên – đảm bảo luật pháp, tăng cường an ninh hàng hải và đề xuất hợp tác để ứng phó với thảm họa và các tình huống khẩn cấp khác. Dựa trên các hướng dẫn sửa đổi, Nhật Bản có kế hoạch chuyển giao thiết bị quốc phòng và các công nghệ liên quan đồng thời mở rộng các cuộc tập trận chung với ASEAN. Nước này cũng sẽ gửi các thành viên Lực lượng Tự vệ đến từng quốc gia ASEAN để đào tạo các quy tắc quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và hàng không.

Trong khi đó, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN khẳng định quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản không ngừng mở rộng trên nhiều lĩnh vực trong thời gian qua; đánh giá cao những hỗ trợ và sự ủng hộ của Nhật Bản đối với việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực. Các Bộ trưởng mong muốn, thông qua hợp tác, Nhật Bản sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực.

Được biết, kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với các nước ASEAN. Theo đó, về khía cạnh an ninh, một trong những mục tiêu lớn của Nhật Bản khi tăng cường can dự với khu vực Đông Nam Á là nhằm tìm kiếm đối tác chung trong việc đối phó với những tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặc dù chịu sự hạn chế nghiêm ngặt bởi điều 9 trong bản Hiến pháp Hòa bình về hoạt động quân sự ở nước ngoài, song Nhật Bản vẫn nỗ lực hỗ trợ các quốc gia ASEAN xây dựng năng lực quốc phòng, quân sự thông qua nhiều gói viện trợ và những hoạt động hợp tác cụ thể.

Trước hết, Nhật Bản hỗ trợ ASEAN củng cố khả năng quốc phòng về mặt hàng hải. Điều này là hoàn toàn dễ hiểu khi an ninh hàng hải đang là một vấn đề nóng đối với toàn châu Á – Thái Bình Dương. Trong những năm qua, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tham gia nhiều cuộc tập trận chung, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai và các hoạt động sơ tán phi chiến đấu với các quốc gia thành viên ASEAN.

Thứ hai, Nhật Bản xây dựng năng lực hàng hải cho các quốc gia thành viên ASEAN thông qua việc cung cấp nhiều trang thiết bị, tàu tuần tra hiện đại và đào tạo cán bộ. Sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, Thủ tướng Shinzo Abe về cơ bản đã kế thừa phương hướng tăng cường hợp tác an ninh – quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN từ các đời Thủ tướng tiền nhiệm. Hợp tác an ninh – quốc phòng được xem là thành tố cơ bản của “Học thuyết Shinzo Abe” với ASEAN, bảo đảm cho thành công của chiến lược “Châu Á – Thái Bình Dương: Tự do và rộng mở”. Cụ thể, Nhật Bản đã cung cấp tàu tuần tra biển cho Việt Nam và Philippines. Tháng 8-2013, Nhật Bản ký thỏa thuận cung cấp 6 tàu tuần tra đã qua sử dụng cùng thiết bị bảo đảm an ninh trên biển cho Việt Nam trong khuôn khổ nguồn vốn ODA trị giá 500 triệu Yên. Tháng 12/2013, Nhật Bản cũng cam kết cung cấp 10 tàu tuần tra mới cho Philippines trong một khoản vay trị giá 184 triệu USD. Đặc biệt mối quan hệ quốc phòng Nhật Bản – Philippines phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây. Philippines đã bày tỏ mong muốn mua máy bay trinh sát biển P-3C Orion của Nhật, nhằm tăng cường đáng kể khả năng giám sát lãnh hải và vùng biển của mình. Manila và Tokyo thậm chí còn đưa ra một thỏa thuận viếng thăm, theo đó sẽ cho phép lực lượng hải quân Nhật Bản đồn trú tại Philippines. Xét về lịch sử chiếm đóng Philippines của Nhật Bản trong Thế chiến II, thì hành động trên được đánh giá là bước đi táo bạo của cả hai nước. Ngoài ra, để tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á, Nhật Bản cũng ký Thỏa thuận hợp tác quốc phòng Nhật Bản – Indonesia. Thỏa thuận này có ý nghĩa quan trọng với chính sách ASEAN của Nhật Bản. Thỏa thuận bao hàm hai lĩnh vực chính là huấn luyện quân sự và công nghệ quốc phòng.

Thứ ba, Chính phủ Nhật Bản từng bước thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khí trực tiếp để hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng quốc phòng của các nước ASEAN. Như vậy, Nhật Bản đã có những bước đi mới trong việc điều chỉnh hợp tác an ninh – quốc phòng với ASEAN, nhằm giúp các quốc gia thành viên ASEAN gia tăng nội lực, chống lại hành động cưỡng ép của các nước lớn đối với tuyên bố chủ quyền và tranh chấp trên biển, thúc đẩy an ninh và an toàn hàng hải vì mục đích hòa bình, ổn định và trật tự của toàn khu vực.

Trong vấn đề Biển Đông, Nhật Bản luôn kêu gọi các bên tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ các nước ASEAN đấu tranh chống việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo tại Trường Sa, thúc đẩy ASEAN hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Trong những chuyến thăm đến các nước ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đưa vấn đề tự do hàng hải, hàng không cũng như tình hình an ninh Biển Đông ra thảo luận. Chủ đề về Biển Đông luôn giữ vị trí cao trong quan hệ của Nhật Bản với một số nước có liên quan đến tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Indonesia… Ngoài các nước ASEAN, trong quan hệ với các nước có chung lợi ích trên Biển Đông như Australia, Ấn Độ, Anh…, Nhật Bản luôn tìm sự đồng thuận thông qua các công cụ như tự do, dân chủ, pháp chế. Ngoài quan hệ song phương, Nhật Bản cố gắng thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, gần như trong mọi diễn đang quốc tế. Trong hội nghị G7, G20, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), hội nghị giữa Nhật Bản và các nước châu Á – Thái Bình Dương, Nhật Bản nêu vấn đề bảo vệ luật quốc tế, bảo vệ tự do hàng hải, hàng không để đưa tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông vào chương trình nghị sự của hội nghị. Đồng thời, Nhật Bản cũng lên tiếng yêu cầu các nước liên quan xác định rõ quyền lợi biển của mình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc nhanh chóng xây dựng bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), phê phán hoạt động bồi lấp và xây dựng hạ tầng của Trung Quốc tại một số đảo đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Không những vậy, Nhật Bản còn tích cực giúp một số nước ASEAN bảo vệ quyền lợi, nâng cao năng lực phòng thủ trên biển: Một mặt, Nhật Bản hỗ trợ trang bị cho các nước liên quan trực tiếp tranh chấp ở Biển Đông như Việt Nam, Philíppin nhằm tăng cường khả năng cảnh báo trên biển và củng cố lực lượng tiền duyên của các nước này để đối phó với Trung Quốc. Trong Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á – Đối thoại Shangri La năm 2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố cần phải chi viện trên thực tế để Việt Nam, Philippines, Malaysia tăng cường năng lực quân sự trên biển. Nhằm nâng cao khả năng phòng thủ biển của các nước ASEAN, Nhật Bản đã kết hợp các khoản hỗ trợ như viện trợ phát triển chính thức (ODA), đào tạo nâng cao khả năng do Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) tổ chức, hợp tác về trang bị phòng thủ, để trợ giúp các nước này. Mặt khác, Nhật Bản thông qua các hình thức huấn luyện, diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN để nâng cao khả năng quân sự của các nước này và giúp cho quân đội Nhật Bản thông thạo tình hình thực tế trong khu vực Biển Đông, nhằm thử nghiệm cho việc tuần tra, giám sát của Nhật Bản tại khu vực biển này. Trong tháng 5 và tháng 6 năm 2015, tàu chiến của Nhật Bản và Philippines nhiều lần tiến hành diễn tập chung tại vùng biển của Philippines. Tháng 8 năm 2015, Nhật Bản, Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập cứu trợ nhân đạo tại vịnh Subic. Đối với Việt Nam, tháng 5 năm 2015, đã có hai máy bay tuần tra trên biển P-3C của Nhật Bản lần đầu đến Đà Nẵng; tháng 11 năm 2015, Việt Nam và Nhật Bản đã đạt được nhận thức chung về việc tàu chiến của Nhật Bản có thể cập cảng Cam Ranh.

Trong tương lai, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực sẽ tiếp tục được tăng cường, hoặc ít nhất được duy trì ở mức độ như hiện nay xuất phát từ tổng hòa các điều kiện thuận lợi và nhân tố thúc đẩy sau:

Một là, chính trị nội bộ Nhật Bản hiện nay hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chính sách. Hơn nữa, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chính thức điều chỉnh điều lệ quy định số nhiệm kỳ của Chủ tịch Đảng cho phép Thủ tướng Abe có thể kéo dài nhiệm kỳ đến năm 2021. Khoảng thời gian cầm quyền kéo dài cho phép Thủ tướng Abe có thể triển khai các chính sách một cách bền vững hơn. Ngoài ra, một trong những minh chứng cập nhật nhất về cam kết của Nhật Bản với Đông Nam Á là ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm tài khóa 2017 dành 2,9 triệu USD cho các sáng kiến xây dựng năng lực toàn diện cho các nước trong khu vực. Các yếu tố nội trị ổn định này góp phần giúp chính sách của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á cũng như với ASEAN sẽ tiếp tục được duy trì và thúc đẩy.

Hai là, việc nội bộ các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự tăng cường hiện diện của Nhật Bản tại khu vực cũng là một nhân tố thuận lợi cho Nhật Bản thúc đẩy chính sách. Quan trọng nhất, cách ứng xử của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á phụ thuộc rất lớn vào những điều chỉnh trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ ưu tiên các vấn đề đối nội, nhằm giúp nước Mỹ “vĩ đại trở lại” và ưu tiên hơn cho các lợi ích vị kỷ quốc gia (America First), cắt giảm cam kết với bên ngoài, dẫn đến nhiều nghi ngại về chính sách của Mỹ với khu vực. Nhìn chung chính sách của Mỹ với khu vực vẫn chưa định hình rõ nét. Tuy nhiên, dù Mỹ lơ là khu vực hay thúc đẩy một phiên bản chính sách tái cân bằng mạnh mẽ hơn, Nhật Bản vẫn cần tiếp tục xu hướng tăng cường can dự với các nước Đông Nam Á. Nếu Mỹ duy trì hiện diện mạnh mẽ tại khu vực, Nhật Bản cần duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước để có thể hỗ trợ và bổ sung tốt hơn cho chiến lược của Mỹ. Ngược lại, nếu Mỹ dưới thời chính quyền mới không có ý định duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực, để có thể “tự cứu lấy mình”, Nhật Bản cũng cần tăng tính chủ động, giảm bớt bị động và phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ thông qua việc tìm kiếm cách thức mới trong hợp tác và xây dựng mạng lưới đối tác của Nhật tại khu vực Đông Nam Á chiến lược.

Ngoài ra, sự phát triển vượt trội về mặt kinh tế, thực lực ngày một mạnh sẽ kéo theo sự gia tăng tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ hơn nữa từ phía Trung Quốc. Đi cùng với điều này là nhu cầu phô trương sức mạnh, biểu dương thực lực của đất nước này. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc vốn có chiều hướng thực hiện những hành vi gây hấn và lời nói luôn không đi đôi với việc làm. Theo đó, các hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn và Trung Quốc vẫn sẽ là thách thức an ninh lớn mà Nhật Bản cần đối phó. Bên cạnh đó, đối với tranh chấp quần đảo Senkaku, một giải pháp triệt để cho cả hai nước có lẽ vẫn sẽ chưa đạt được trong trung hạn. Các hành động trên thực địa của Trung Quốc lại rất khó đoán định. Do vậy, Nhật Bản vẫn cần quan hệ với các nước Đông Nam Á, tạo thể đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, sự tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á cũng là một nhân tố mà Nhật Bản cần tính đến trong việc hoạch định chính sách đối ngoại trong tương lai.

Nhìn chung, ít nhất là trong trung hạn, cách tiếp cận của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là tích cực, chủ động phát triển quan hệ thực chất. Mức độ can dự có thể được tăng cường, hoặc ít nhất cũng được duy trì như hiện nay. Từ yếu tố bên trong nước Nhật Bản đến các yếu tố bên ngoài là sự ủng hộ từ phía các nước khu vực, cùng hai nhân tố Mỹ và Trung Quốc đều hình thành những xung lực đẩy Nhật Bản xích lại gần các nước Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai.

RELATED ARTICLES

Tin mới