Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChủ tịch ASEAN 2020: Ưu tiên thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng...

Chủ tịch ASEAN 2020: Ưu tiên thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam sẽ ưu tiên thúc đẩy đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, việc đảm nhiệm vai trò “kép”, bao gồm Chủ tịch ASEAN 2020 và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 sẽ là cơ hội rất đáng quý đối với Việt Nam. Trong vai trò trên, Việt Nam sẽ phải phối hợp chặt chẽ với các quốc gia, các nước thành viên ASEAN cũng như với các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước khác trong Liên hợp quốc để đảm bảo sự cân bằng, quan tâm thích đáng lợi ích của các bên, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng Việt Nam sẽ cố gắng để hoàn thành tốt.

Về vấn đề Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, vấn đề này được các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm. Các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm tới Biển Đông với khoảng 5 nội dung: Hòa bình ổn định; Tự do, an toàn đi lại hàng hải, hàng không; Tuân thủ pháp luật, tuân thủ Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng COC; Tình hình trên thực địa; Tình hình hoạt động của ngư dân, cả về hoạt động đánh cá của ngư dân và công tác bảo hộ cho ngư dân. Do vậy, trong thời gian tới, bất kỳ vấn đề liên quan tới 5 nội dung này sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, có thể tại cả ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã kết thúc vòng rà soát thứ nhất. Vừa qua, tại các cuộc họp tại Đà Lạt, COC đã đạt được kết quả tốt, chuẩn bị bước vào vòng đàm phán thứ hai. Có thể nói, COC đang là một chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc. Hai bên đều xác định muốn đẩy nhanh tiến trình COC nhất có thể. Tuy nhiên, các ưu tiên, lợi ích và sự quan tâm của các bên còn có sự khác biệt, do vậy, cần thêm thời gian để thương lượng. Các bên đều nhận thức được tầm quan trọng của COC. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam cũng sẽ đóng góp vào đẩy nhanh tiến trình COC, dành thêm thời gian cho đàm phán cũng như tìm ra cách thức phù hợp để đàm phán một cách hiệu quả hơn, đạt được chất lượng cao hơn trong năm 2020. Hiện nay, Philippines, nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc, chủ trì đàm phán với Trung Quốc về COC. Do đó, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Philippines để đẩy nhanh tiến trình này trong năm 2020.

Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên, gồm: Một là, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN; đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các nước thành viên; nâng cao khả năng phối hợp lập trường chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế; thúc đẩy hình thành và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia; ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Hai là, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các Đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ số và các công nghệ mới; tiếp tục nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường các dịch vụ xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế; hiện đại hóa nền hành chính công; xây dựng môi trường xanh…. Ba là, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN: tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi trong người dân, thúc đẩy nhận thức và nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh của Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới. Bốn là, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò và đóng góp của ASEAN trong cộng đồng quốc tế; mở rộng và nâng tầm quan hệ với các Đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới. Năm là nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN: cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN; điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Trong khi đó, giới chuyên gia, học giả quốc tế, khu vực nhận định, trước khi Việt Nam làm chủ tịch ASEAN vào 2020, khu vực châu Á đứng trước những lựa chọn khó khăn khi Mỹ – Trung gia tăng cạnh tranh, ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, quân sự; tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, lợi ích của các nước ASEAN; nội bộ ASEAN vẫn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, bất đồng chưa được giải quyết triệt để… Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam cần đưa ra tuyên bố giúp định rõ tầm nhìn của ASEAN, cho thấy sự khác biệt và tương đồng với hai sáng kiến Vành đai Con đường của Bắc Kinh (BRI) và Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Washington (IPI), thì sẽ thu hút các đối tác tăng hợp tác với Hiệp hội và giúp tăng cường vai trò của ASEAN. Về tranh chấp Biển Đông, Việt Nam khi nêu ra bàn thảo cần thể hiện cam kết mạnh mẽ với trật tự dựa trên luật lệ và luật quốc tế. ASEAN cũng nên thể hiện sự nhất trí về khái niệm các quy tắc quốc tế mà tất cả các bên cần tuân theo.

Cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng, đối với Việt Nam, vấn đề không đơn thuần chỉ là đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, mà còn là vai trò lãnh đạo, bởi sự tin tưởng và kỳ vọng đối với Việt Nam cũng cao hơn so với một số nước thành viên khác trong khối. Việt Nam đã khuyến khích các nước thành viên trong khối thực hiện các thỏa thuận chung, điều đó đã góp phần làm tăng thêm sức mạnh của ASEAN. Tuy nhiên, ông Shahriman Lockman, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) Malaysia, nhận định Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2020 khi đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN. Để giải quyết những vấn đề đó, Việt Nam cần có lộ trình cụ thể để tăng cường khả năng phản ứng nhanh đối với các diễn biến bên ngoài. Tuy nhiên, dù có nhiều thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình không chỉ trong khối ASEAN, trong khu vực, mà cả trong nhiều vấn đề quốc tế khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới