Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ tuần tra ở Hoàng Sa, Trường Sa buộc TQ phải bám...

Mỹ tuần tra ở Hoàng Sa, Trường Sa buộc TQ phải bám đuôi trên Biển Đông

Khi Hạm đội 7 của hải quân Mỹ điều tàu tác chiến ven biển Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý của Đá Vành Khăn và tàu khu trục Wayne E. Meyer tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại cử tàu ra “bám đuôi” trên Biển Đông.

Theo thông tin trên, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đã điều tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords (20/11) di chuyển trong phạm vi 12 hải lý gần đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; tàu khu trục Wayne E. Meyer (21/11) tuần tra tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những hoạt động trên là “dựa trên luật lệ quốc tế và thể hiện cam kết của Mỹ trong việc ủng hộ các quyền, sự tự do và sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời được bảo đảm cho tất cả các quốc gia”.

Trong khi đó, Bộ tư lệnh Quân khu Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA, 22/11) xác nhận có điều động lực lượng bám đuôi chiếm hạm Mỹ khi các tàu này áp sát “những đảo tranh chấp” trên Biển Đông. Thông báo của Trung Quốc đồng thời kêu gọi phía Mỹ dừng các hành động khiêu khích trên Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ khẳng định tàu chiến nước này thách thức những tuyên bố chủ quyền cản trở quyền tự do hàng hải.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (22/11) cáo buộc Mỹ đã “làm tổn hại nghiêm trọng” cái mà Bắc Kinh tự nhận là “chủ quyền và sự an toàn của Trung Quốc, phá hủy hòa bình và ổn định trên Biển Đông”. Ông Cảnh Sảng ngang ngược cho rằng: “Vào ngày 20 tháng 11, tàu tác chiến cận bờ Gabrielle Giffords của Hải quân Hoa Kỳ đã xâm nhập trái phép vùng biển xung quanh đảo, rạn san hô ở quần đảo Nam Sa khi chưa được Chính quyền Trung Quốc cho phép. Vào sáng ngày 21 tháng 11, tàu khu trục Wayne E. Meyer của Hoa Kỳ đã xâm nhập vào vùng lãnh hải thuộc quần đảo Tây Sa của Trung Quốc. Quân khu Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã giám sát, theo dõi, xác minh và xua đuổi các tàu trên. Các hành động của Hoa Kỳ đã làm tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc và làm suy yếu hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Phía Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố phản đối về vấn đề này. Trung Quốc luôn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không được các nước ở Biển Đông hưởng theo luật pháp quốc tế, nhưng kiên quyết phản đối bất kỳ chủ quyền và an ninh nào của quốc gia này dưới danh nghĩa hàng hải và hàng không. Hiện tại, tình hình ở Biển Đông nói chung ổn định và tất cả các bên liên quan tập trung vào đối thoại và hợp tác. Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ dừng ngay lập tức các hành động khiêu khích đó và không đi ngược lại xu hướng để tránh gây tổn hại cho hòa bình và yên tĩnh trong khu vực. Trung Quốc sẽ thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia và bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.

Trên thực tế, cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đã xâm chiếm, kiểm soát và bồi đắp trái phép một số thực thể, bao gồm đá Vành Khăn, thành các đảo nhân tạo và quân sự hóa chúng bất chấp luật pháp và sự chỉ trích quốc tế. Những năm gần đây, để bảo vệ hòa bình, ổn định và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, Mỹ thường xuyên điều tàu chiến tuần tra trong khu vực, nhất là vùng biển trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Theo giới chuyên gia, tuy Mỹ không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, song Mỹ có lợi ích quốc gia ở Biển Đông. Vì vậy, để bảo vệ lợi ích của mình và đồng minh, Mỹ đã tích cực triển khai các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông qua các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông còn là cách để Mỹ thực hiện một số mục tiêu quan trong: Gia tăng sức ép lên Trung Quốc để mặc cả trong vấn đề kinh tế, thương mại. Thách thức yêu sách chủ quyền phi lý và nỗ lực hạn chế tự do hàng hải ở Biển Đông của Trung Quốc. Duy trì và bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016) cũng như hệ thống luật pháp quốc tế. Theo đó, Mỹ có quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động quân sự bình thường ở Biển Đông. Từ khi lên cầm quyền đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo quân đội triển khai nhiều hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế cũng đánh giá những hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông đã giúp ích cho Việt Nam trong đối đầu Việt – Trung liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nhận định có ba lợi thế mà Việt Nam có được từ các hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ: (1) Chương trình tuần tra tự do hàng hải của Mỹ duy trì thách thức về mặt pháp lý đối với các đòi hỏi quá đáng về chủ quyền không hợp lý của Trung Quốc…. (2) Chương trình tuần tra tự do hàng hải giúp duy trì cân bằng lỏng của cường quốc biển tại Biển Đông vì các tuần tra của Hải quân Mỹ cho thấy sự hiện diện và là biểu tượng hiện hữu là Mỹ có quyền lợi ở Biển Đông. (3) Tuần tra tự do hàng hải chuyển sự chú ý từ đối đầu Việt Trung trong trung tâm xung đột ở Biển Đông sang tập trung vào đối đầu Trung – Mỹ. Đáng chú ý, trong bối cảnh Philippines thay đổi thái độ trong vấn đề Biển Đông, chấp nhận thỏa hiệp với Trung Quốc để đối lấy viện trợ kinh tế đã khiến Việt Nam rơi vào thế bị động và có phần cô lập khi đấu tranh chống lại các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Mỹ đẩy mạnh chiến dịch tuần tra tự do hàng hải sẽ là “mồi lửa” hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông.

Được biết, hoạt động tuần tra trên của Mỹ diễn ra đúng thời điểm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đang thăm Việt Nam và có các tuyên bố cứng răn chỉ trích, lên án hành vi phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời tái khẳng định cam kết ủng hộ Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền. Ông Mark Esper cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là để cho tất cả người dân được sống trong thịnh vượng, an ninh và tự do; cho tất cả các nước được tự do triển khai hoạt động thương mại và thực thi chủ quyền; và giữ cho các vùng biển và các tuyến đường thuỷ mà nền kinh tế của chúng ta dựa vào rộng mở với tất cả”; cho rằng “các nỗ lực đơn phương của Trung Quốc nhằm khẳng định yêu sách hàng hải bất hợp pháp đang đe dọa khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng của các nước khác, làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực và gia tăng rủi ro xung đột. Mỹ kiên quyết phản đối hành vi dọa nạt của các bên yêu sách nhằm khẳng định yêu sách lãnh thổ hay hàng hải, và chúng tôi kêu gọi chấm dứt các hành động bắt nạt và phi pháp đang ảnh hưởng tiêu cực đến các nước ASEAN ven biển. Hành vi ứng xử như vậy hoàn toàn trái ngược với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều có thể cùng nhau phát triển thịnh vượng trong hòa bình và ổn định”.

RELATED ARTICLES

Tin mới