Trong bối cảnh Trung Quốc đang “nỗ lực” thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) với các nước ASEAN, Mỹ và Nhật Bản một lần nữa lại đưa ra cảnh báo các nước cần đề phòng ý đồ nguy hiểm của Bắc Kinh.
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh quốc tế Halifax ở Halifax, Nova Scotia, Canada, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Philip S.Davidson (24/11) kêu gọi các nước ASEAN cần đảm bảo rằng COC nếu đạt được sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải của các nước liên quan. Ông Davidson cho rằng, “trong những năm qua, Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế, tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông và tăng cường năng lực quốc phòng trên các thực thể chiếm đóng trái phép. Hiện Trung Quốc muốn có được COC giữa họ và ASEAN để hoạt động ở những vùng biển đó”.Ông Davidson kêu gọi các quốc gia ASEAN cần phải đảm bảo rằng nếu đạt được một bộ quy tắc như vậy sẽ không làm hạn chế quyền tự do hàng hải, khả năng hoạt động trên biển, hoạt động thương mại và tập trận của các nước trong khu vực; đồng thời lưu ý rằng Mỹ cùng các đồng minh và đối tác của Washington sẽ hỗ trợ quyền tự do hàng hải của các nước ASEAN. Ngoài ra, theo Đô đốc Philip S.Davidson, việc thực hiện quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông sẽ tiếp tục được đẩy mạnh khi Mỹ tiếp tục luân chuyển lực lượng từ các căn cứ ở Nhật Bản sang Singapore.
Cùng quan điểm trên, báo Nikkei Asian Review (28/11) của Nhật Bản cho biết, Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật về COC nhằm mở đường loại các đối thủ như Mỹ và Nhật Bản ra khỏi vùng biển này. Nikkei Asian Review dẫn thông tin Chính phủ Nhật Bản cho rằng COC lúc đầu được đề nghị nhằm ngăn chặn khả năng bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhưng dự thảo giờ đây có những ngôn từ có thể cản trở Mỹ và Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự trên biển ở Đông Nam Á. Theo đó, Mỹ và Nhật Bản có thể bị yêu cầu phải có được sự chấp thuận của Trung Quốc mới được tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN. Mục tiêu của Trung Quốc là trói buộc ASEAN vào những quy định có lợi cho Bắc Kinh và loại bỏ hoặc hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài về Biển Đông. Cũng theo Chính phủ Nhật Bản, dự thảo COC không nói rõ liệu bộ quy tắc này có tính ràng buộc pháp lý hay không và không cung cấp chi tiết về bất kỳ cơ chế nào nhằm ngăn chặn các tranh chấp. Dự thảo cũng đề xuất các quốc gia thành viên cấm phát triển hàng hải và diễn tập quận sự chung với các công ty và quốc gia bên ngoài khu vực.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (8/3) từng tuyên truyền cho rằng trong những năm gần đây, cục diện tình hình Biển Đông đã có bước chuyển biến tích cực; con đường đúng đắn để giải quyết tranh chấp Biển Đông là thông qua đàm phán trực tiếp với các nước đương sự và Trung Quốc cùng ASEAN phối hợp bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông. Hiện tiến trình đàm phán COC đang được đẩy nhanh tốc độ, lộ trình đã rõ ràng. Việc Trung Quốc chủ động đề xuất sẽ đạt được COC vào năm 2021 cho thấy “thành ý” và “trách nhiệm” của Bắc Kinh. Nhằm thúc đẩy Trung Quốc và ASEAN tăng cường lòng tin chính trị, quản lý bất đồng, thúc đẩy hợp tác và phát huy tác dụng bảo vệ ổn định ở Biển Đông, COC sẽ là bản nâng cấp của DOC, nó sẽ phù hợp hơn với khu vực, có hiệu quả hơn trong quy định về hành vi của các bên liên quan và thúc đẩy bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc sẽ cùng ASEAN giữ vững quyết tâm, loại trừ can thiệp từ bên ngoài, xuất phát từ cơ sở nhất trì đàm phán để không ngừng đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệp thương. Tuy nhiên, Trung Quốc phản đối “nước cá biệt” lợi dụng vấn đề Biển Đông để can dự đàm phán COC, khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông phải do các nước trong khu vực quyết định. COC phải do các nước trong khu vực cùng thương thảo, tuân thủ và gánh vác trách nhiệm. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (1/3) cho rằng, Trung Quốc và các nước ASEAN đang chứng kiến “sự tiến triển suôn sẻ” liên quan tham vấn về COC. Theo ông Lục Khảng, cho đến thời điểm này, đây là cuộc họp đầu tiên trong năm nay về thực thi cơ chế DOC, khẳng định Trung Quốc và các nước ASEAN đã có cuộc trao đổi ý kiến sâu rộng và thẳng thắn về các vấn đề như thực thi DOC cũng như thúc đẩy tham vấn về COC; đồng thời nhấn mạnh trong cuộc họp này, với đà đối thoại và hợp tác, Trung Quốc và các nước ASEAN đã tiếp tục thúc đẩy việc xem xét và đóng góp ý kiến về văn kiện COC một cách hiệu quả, luôn xây dựng sự đồng thuận; khẳng định quá trình đàm phán COC đang tiến triển suôn sẻ. Trong khi đó, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Hoàng Khê Liên cũng cho biết, do vẫn chưa có COC, Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC nhằm đạt được COC trong thời gian sớm nhất; nhấn mạnh Trung Quốc cũng mong muốn rằng các nước ngoài khu vực có thể đóng vai trò xây dựng trong tiến trình này và đóng góp vào hòa bình và ổn định của khu vực. Ông Hoàng Khê Liên cho rằng việc thực hiện DOC trong khi đàm phán COC tạo ra nền tảng hiệu quả để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua tăng cường đối thoại và hợp tác, “là minh chứng cho thấy Trung Quốc và ASEAN có sự sáng suốt và khả năng xây dựng các quy định và quản lý đúng đắn các tranh chấp vì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia, học giả khu vực và quốc tế cho rằng tiến trình đàm phán COC sẽ còn diễn biến phức tạp trong bối cảnh mục tiêu của ASEAN và Trung Quốc khác biệt. Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia nhận định, lý do Trung quốc nhất quyết thúc giục hoàn tất COC trong 3 năm đó là vì theo lịch trình, sau khi mà nhiệm kỳ 2020 ASEAN mà Việt Nam là Chủ tịch kết thúc, tiếp sau là Brunei, sau đó là Campuchia và đây là thời điểm mà Trung Quốc kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ thúc đẩy về COC có lợi cho nước này. Về vấn đề này, học giả Bill Hayton từ Viện nghiên cứu Chatham House (Anh) cho rằng vẫn còn nhiều nghi ngại về tương lai của COC. Theo ông Bill Hayton, Trung Quốc cũng kỳ vọng hoàn tất bộ quy tắc này trong thời gian Tổng thống Philippines Duterte còn đương nhiệm, với mong mỏi như vậy sẽ có lợi hơn với họ. Trong khi đó, Tiến sỹ Udai Bhanu Singh, Trung tâm Biển và Đông Nam Á, Ấn Độ cho rằng việc tích cực trao đổi quan điểm có thể góp phần giải quyết vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh các bên đang trong quá trình hoàn tất COC. Không ai mong muốn một COC chỉ là phiên bản yếu kém, câu giờ. Để có một COC hiệu quả, Việt Nam cần đưa các quan điểm khác nhau lên các diễn đàn ngoại giao và tìm lộ trình pháp lý tương hợp với các quốc gia trong khu vực. Theo chuyên gia này, vấn đề hiện nay là vai trò của ASEAN cần được phát huy hơn nữa trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Ví dụ điển hình là vụ kiện năm 2016 của Philippines lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Một số thành viên ASEAN chưa tận dụng được hết lợi thế khi Philippines được xử thắng kiện và tòa bác bỏ yêu sách “Đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc. Mục tiêu ASEAN nên là tăng cường đoàn kết thống nhất, củng cố vai trò trung tâm và đó cũng là nhiệm vụ Việt Nam cần lưu ý trong năm Chủ tịch.