Trong chuyến thăm Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhất trí nỗ lực đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD trong những năm tới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (27/11) đã hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Tại hội đàm, Tổng thống Moon Jae-in chúc mừng những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế và xây dựng đất nước mà nhân dân Việt Nam đạt được trong thời gian qua; nhấn mạnh Việt Nam là đối tác trọng tâm trong Chính sách hướng Nam mới của Hàn Quốc, mong muốn hai nước tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác hướng tới tầm cao mới. Bày tỏ hài lòng và vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược giữa hai nước, sẽ hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc trong việc đưa mối quan hệ đó tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và hiệu quả hơn nữa trong những năm tới; đề nghị Hàn Quốc tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, nhất là các mặt hàng nông thủy sản; mong muốn các nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Việt Nam, nhất là về lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô…
Hai bên đánh giá cao những thành quả hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước, nhấn mạnh hợp tác kinh tế là trụ cột và động lực cho sự phát triển chung của quan hệ song phương. Khẳng định lại mục tiêu chung nhằm mở rộng kim ngạch thương mại hai chiều theo hướng cân bằng hơn, hai bên nhất trí nỗ lực đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD trong những năm tới. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hợp tác phát triển, triển khai hiệu quả khoản viện trợ phát triển chính thức đã cam kết trong giai đoạn 2016 – 2020 với trị giá 1,5 tỷ USD.
Liên quan tình hình quốc tế và khu vực, Lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường chia sẻ thông tin, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế như Liên Hợp quốc, ASEAN…; nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh những nỗ lực của Hàn Quốc trong thúc đẩy tiến trình hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hòa bình, ổn định, phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giải quyết các vấn đề liên quan bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại.
Ngay sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Moon Jae-in đã chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác giữa hai bên, gồm: Nghị định thư sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hàn Quốc; Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hàng hải và đào tạo thuyền viên; Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến Thương mại Việt Nam (VIETRADE) và Cơ quan Xúc tiến Thương mại Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Bản ghi nhớ hợp tác nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giữa Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB).
Chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang phát triển mạnh mẽ. Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác quan trọng hàng đầu trên các lĩnh vực. Ngược lại, Hàn Quốc cũng đặt Việt Nam là đối tác trọng điểm trong chính sách Hướng Nam mới của mình. Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 66 tỷ USD năm 2018, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch giữa Hàn Quốc và ASEAN. Bên cạnh đó, Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu lao động lớn thứ hai của Việt Nam. Theo thống kê của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Hàn Quốc, tính đến hết tháng 6/2019, cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc có hơn 216.000 người. Hàn Quốc cũng có cộng đồng hơn 150.000 kiều dân tại Việt Nam. Chuyến thăm của Thủ tướng sẽ góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc lên tầm cao mới.
Liên quan vấn đề Biển Đông, quan điểm của lãnh đạo Hàn Quốc về Biển Đông cũng tương đồng với quan điểm của các quốc gia khác là Nhật Bản, Mỹ, Australia. Đó là cần đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông, không chấp nhận bất kỳ hành vi độc chiếm Biển Đông của bất kỳ quốc gia nào; đồng thời kêu gọi áp dụng các khuôn khổ pháp lý hiện hành cho phép “bảo đảm quyền tự do hàng hải và ổn định” trong khu vực. Hàn Quốc cũng ủng hộ gần như mọi sáng kiến hoà bình của các quốc gia trong khu vực, nhất là của ASEAN và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông. Hiện nay, Hàn Quốc đang có sự điều chỉnh trong việc can dự vào vấn đề Biển Đông thông qua việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Philippines, phản đối quân sự hóa ở Biển Đông, ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam gần đây nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (22-24/3/2018), hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an toàn và tự do hàng hải, cùng nhận thức phải giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan theo nguyên tắc của luật pháp quốc tế, thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC. Tại Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 21 (22-23/6/2017), Hàn Quốc bày tỏ ủng hộ lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đề cao các nguyên tắc tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết hoà bình các tranh chấp, không quân sự hóa và sớm hoàn tất COC. Tại Đối thoại thường niên ASEAN – Hàn Quốc lần thứ 22 (20-21/6/2018), Hàn Quốc đã khẳng định quan điểm nhất quán ủng hộ duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hoà bình các tranh chấp; kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; đề cao các chuẩn mực của khu vực trong hành vi ứng xử. Trong chuyến thăm Hàn Quốc của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (24/4/2018), hai bên đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982; cần thực hiện hiệu quả và toàn diện DOC, thúc đẩy sớm ký COC hiệu quả, nhằm giữ gìn hòa bình, ổn định và tìm kiếm giải pháp cơ bản lâu dài mà các bên đều có thể chấp nhận được.