EU tái khẳng định quan điểm ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông, đồng thời đánh giá cao vị trí vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Từ 19-24/11, Đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đã đồng chủ trì Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) lần thứ nhất và tham dự Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng EU tại Brussels.
Tại Đối thoại Quốc phòng-An ninh Việt Nam – EU, hai bên đánh giá cao quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng mà hai bên đã đạt được trong thời gian gần đây, khẳng định đây là lần đầu tiên EU thiết lập cơ chế Đối thoại riêng về lĩnh vực quốc phòng-an ninh với Việt Nam, không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng mà còn góp phần tăng cường hiểu biết, thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh trong thời gian tới. Hai bên đã cùng nhau điểm lại tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm, thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác và triển khai có hiệu quả Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và EU về việc thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (Hiệp định FPA) vừa ký kết vào tháng 10/2019, trao đổi về các triển vọng Việt Nam tham gia vào hoạt động quản lý khủng hoảng của EU, phù hợp với khả năng và nhu cầu của Việt Nam. Liên quan vấn đề Biển Đông, EU tái khẳng định quan điểm ủng hộ tự do, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không tại Biển Đông và cho biết EU đánh giá cao vị trí vai trò của Việt Nam trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì hòa bình, ổn định chung của mỗi khu vực và trên thế giới.
Tại Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng EU, các nước đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến 3 phái bộ huấn luyện của EU tại Mali, Somali và Cộng hòa Trung Phi; trong đó, tập trung vào một số vấn đề tác động của biến đổi khí hậu đối với các nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo; vai trò của phụ nữ trong các phái bộ đào tạo và các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ mối quan tâm của Việt Nam đối với các nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo của EU tại các nước châu Phi; khẳng định thiện chí hợp tác với EU với tư cách là đối tác có trách nhiệm của EU trên cơ sở quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện, đặc biệt sau khi Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp đinh FPA.
Trong một diễn biến liên quan, tại buổi tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberth (22/11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Liên minh châu Âu là đối tác quan trọng của Việt Nam và các vấn đề mà Liên minh châu Âu quan tâm thì Việt Nam đều xử lý nghiêm túc. Thủ tướng đánh giá cao quan điểm của Liên minh châu Âu về vấn đề Biển Đông, trong đó, ủng hộ việc đảm bảo an toàn, an ninh, tự do hàng không, hàng hải tại Biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ tin tưởng năm tới, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu và giữa ASEAN với EU sẽ phát triển ngày càng tốt đẹp. Còn trong nhiệm kỳ của Đại sứ, kim ngạch thương mại giữa hai bên sẽ không thấp hơn 50 tỷ USD, đầu tư trực tiếp sẽ tiếp tục tăng cao. Đại sứ Giorgio Aliberth nhấn mạnh Việt Nam là đất nước ông rất yêu mến và quan hệ giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu hiện đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp. Về vấn đề Biển Đông, Đại sứ khẳng định Liên minh châu Âu ủng hộ quan điểm của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo đảm trật tự của khu vực này dựa trên luật lệ.
Thời gian gần đây, cùng với việc Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, gây ảnh hưởng đến lợi ích của các nước EU. Do đó, giới chức EU đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về diễn biến tình hình căng thẳng ở Biển Đông; lên án, chỉ trích các hoạt động phi pháp của Trung Quốc; đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Không những vậy, EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất là một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải (FON). Thứ hai là tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống mang chức năng khác nhau. Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay. Tuy nhiên, do thái độ, lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ cam kết theo nguyên tắc đối với pháp quyền, do đó những chia rẽ giữa các nước thành viên đã ngăn cản EU đưa ra một chính sách thống nhất và gắn kết trong vấn đề Biển Đông.