Tại Đối thoại 2+2 giữa các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao Ấn Độ – Nhật Bản, giới chức hai nước đã đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Theo tuyên bố chung sau cuộc Đối thoại, hai bên đã nhấn mạnh rằng, COC không được làm phương hại đến các quyền và lợi ích của các bên liên quan ở Biển Đông cũng như các quyền tự do của tất cả các quốc gia chiểu theo luật pháp quốc tế; COC phải “hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và đảm bảo tự do hàng hải”. Giới chức ngoại giao và quốc phòng hai nước cũng tái khẳng định “tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, khu vực là trung tâm của một cuộc xung đột leo thang giữa Trung Quốc và các nước láng giềng biển ở Đông Nam Á”; thông báo hai nước sẽ tiến hành cuộc tập trận không quân chung đầu tiên, một phần trong nỗ lực thúc đẩy hợp tác an ninh song phương nhằm đối phó lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho biết việc phát động cuộc đối thoại này tượng trưng cho mức độ quan trọng cao hơn trong quan hệ an ninh Nhật Bản – Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, giới chức hai nước cũng kêu gọi cùng nhau hành động để “bảo đảm các quy tắc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được thực thi” nhằm đối phó lại với mục đích quân sự hóa Trung Quốc về các tiền đồn tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và việc Bắc Kinh cố gắng làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) ở Biển Hoa Đông.
Gần đây, Trung Quốc đang tăng cường sức ép để ASEAN nhất trí về một bộ COC vốn có thể hạn chế Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác ngoài khu vực tham gia hợp tác an ninh hàng hải với các quốc gia Đông Nam Á cũng như khai thác tài nguyên ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc thành công trong việc đưa tất cả các điều khoản do nước này đề xuất vào COC, các quốc gia ASEAN có thể sẽ phải được Bắc Kinh phê chuẩn để tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đông với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ hoặc bất kỳ quốc gia nào khác ngoài khu vực. Điều này cũng có thể gây khó khăn cho công ty ONGC Videsh của Ấn Độ và các thực thể tương tự của các quốc gia khác trong việc tiếp tục thăm dò hydrocarbon và các tài nguyên khác trong và xung quanh vùng biển tranh chấp.
Được biết, Biển Đông là một biển nửa kín, có diện tích khoảng 3.5 triệu km vuông, từ vĩ độ 3° đến 26° Bắc và từ kinh độ 100° đến 121° Đông. Ngoài Việt Nam, Biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Bruney, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Camphuchia. Biển Đông không chỉ là địa bàn chiến lược quan trọng đối với các nước trong khu vực, nó còn có ảnh hưởng lớn đối với châu Á – Thái Bình Dương và Mỹ. Ngoài nguồn tài nguyên thiên nhiên biển phong phú, phục vụ cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh (thủy sản, khoáng sản, dầu khí, băng cháy…). Biển Đông còn nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Có 5 tuyến đường biển lớn nhất thế giới đi xuyên qua khu vực Biển Đông (tuyến từ Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, kênh đào Xuy-ê, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, Newzealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và Newzealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á). Biển Đông được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ 2 thế giới (mỗi ngày có khoảng 150-200 tàu các loại đi qua đây, 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên) 45% lượng vận tải thương mại của thế giới đi qua vùng Biển Đông. Ngoài ra, khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới (cảng Singapore và Hồng Công) và có 4 eo biển quan trọng đối với nhiều nước (Malacca, Lombok, Sunda, Ombai – Wetar).
Trong những năm gần đây, Ấn Độ luôn giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, kêu gọi các nước giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế và Luật Biển 1982 (UNCLOS). Tuy nhiên, thời gian gần đâ, Ấn Độ và Việt Nam tăng cường hợp tác quân sự và khai thác dầu khí tại Biển Đông đã gặp phải sự phản đối của Trung Quốc. Phía Ấn Độ đã có thái độ cứng rắn và bày tỏ sự ủng hộ mạnh đối với tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế, bao gồm cả Biển Đông. Ấn Độ cho rằng thăm dò dầu khí là một lĩnh vực quan trọng trong tiến trình hợp tác với Việt Nam, Ấn Độ hợp tác với Việt Nam căn cứ trên luật lệ, công ước và chuẩn mực quốc tế, ủng hộ các nước sử dụng các biện pháp hòa bình và dựa trên luật pháp quốc tế giải quyết tranh chấp chủ quyền khu vực Biển Đông.
Trong khi đó, Nhật Bản là một quốc đảo, 45% hàng hóa xuất khẩu phải vận chuyển qua Biển Đông. Ngoài ra, tuy Nhật Bản không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng hiện Nhật Bản và Trung Quốc còn tranh chấp về chủ quyền đảo Điếu Ngư. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề tự do thương mại hàng hải; phản đối các hành động gây hấn và các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông. Nhật Bản cho rằng, liên minh Mỹ – Nhật sẽ là nền tảng cho hoàn bình và ổn định tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thời gian tới, tình hình Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến theo triều hướng phức tạp hơn. Sự tranh giành lợi ích giữa các bên sẽ căng thẳng hơn do các nước đều có lợi ích đan xen tại đây. Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện ý đồ bành trướng và gia tăng ảnh hưởng tại Biển Đông thông qua việc khẳng định lợi ích “cốt lõi”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ quyền trong nước và quốc tế; tiếp tục sử dụng sức mạnh kinh tế để gây sức ép đối với một số nước trong khu vực, tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản và công tác nghiên cứu đại dương. Tuy nhiên, việc Nhật Bản và Ấn Độ đưa ra các tuyên bố chỉ trích, lên án Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẽ tiến hành tập trận, tuần tra chung trong khu vực sẽ là những bước đi tích cực, đóng góp lớn vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, cũng như đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông và buộc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế.