Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChiến thuật “vùng xám” và vai trò của dân quân biển trong...

Chiến thuật “vùng xám” và vai trò của dân quân biển trong mưu đồ của TQ đối với Biển Đông

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 được tổ chức ở Hà Nội hồi đầu tháng 11/2019, nhiều học giả tham dự hội thảo trong phát biểu tham luận của mình đều nhắc nhiều đến cái gọi là chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc đang áp dụng ở Biển Đông hòng “hiện thực hóa” chủ quyền biển, đảo của họ theo yêu sách “đường chín khúc”. Đặc biệt, trong phiên thảo luận vào sáng ngày 07/11/2019, chiến thuật “vùng xám” tiếp tục được nhiều học giả định nghĩa dưới các góc nhìn khác nhau, nhưng đều thống nhất ở chỗ là coi chiến thuật “vùng xám” là hành động gây căng thẳng nhưng dưới mức chiến tranh, không tạo cớ cho xung đột xảy ra để các nước khác không có cớ can thiệp bằng sức mạnh chính quy. Bằng cách áp dụng chiến thuật này, các nước có thể dùng lực lượng quân sự làm nền tảng cho các lực lượng dân sự hoạt động. Ngoài ra, còn kết hợp với một số chiến thuật khác như chiến tranh tâm lý, pháp lý, tuyên truyền… qua đó tạo ra một vùng từ không tranh chấp thành tranh chấp. Thậm chí, một số học giả còn đi sâu phân tích và làm rõ hơn nội hàm của chiến thuật này và không e ngại chỉ đích danh Trung Quốc đang sử dụng nó trong tranh chấp Biển Đông.

Tiêu biểu là học giả Hal Brands -chuyên gia của chương trình nghiên cứu chính sách đối ngoại về an ninh quốc gia tại Đại học Johns Hopkins, đã phân tích và lập luận khá sâu sắc về chiến thuật này. Theo ông, chiến thuật “vùng xám” được hiểu là hoạt động gây hấn, cưỡng chế, làm gia tăng căng thẳng nhưng lại duy trì nó ở dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường.Các quốc gia sử dụng chiến thuật “vùng xám” tập trung ở nhóm cường quốc xét lại, trong đó có Trung Quốc. Những nước này tìm cách “sửa đổi” lại một số vấn đề trên trường quốc tế trong hiện tại. Họ đặt mục tiêu sẽ giành chiến thắng trong các cuộc xung đột kiểu này, dù là trong vấn đề lãnh thổ hay cáctranh chấp khác. Các bên sử dụng chiến thuật “vùng xám” sẽ đạt những lợi ích tính toán mà không phải leo thang xung đột thành chiến tranh, không vượt qua “ranh giới đỏ”. Từ đó, họ còn đạt được lợi ích khác nữa mà không phải chịu các biện pháp trừng phạt hay rủi ro do sự leo thang mang lại. Chính vì thế, những thách thức do chiến thuật “vùng xám” đem đến lại khá mơ hồ trên thực tế. Cách thức sử dụng đa dạng, từ tấn công mạng, tuyên truyền truyền thông, chiến tranh chính trị, áp bức và phá hoại kinh tế, leo thang sức mạnh quân sự… Nó cũng thường được che giấu dưới các thông tin sai lệch, lừa dối, thường đẩy các bên có trách nhiệm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, khó minh định phần trách nhiệm của họ.

Một số học giả khác lại cho rằng, đây là kiểu chiến thuật khai thác lỗ hổng pháp luật. Tuy nhiên, cách hiểu này tiếp tục gây tranh cãi. Những người phản đối cho rằng, pháp luật rất rõ ràng, nhưng vấn đề ở chỗ một số nước cố tình lách luật và vi phạm. Ví dụ, pháp luật biển nêu rõ không được cưỡng ép, cản trở tự do hàng hải, nhưng có nước cứ làm, cứ triển khai lực lượng tuần duyên, hải quân, tàu cá vũ trang… để cản trở nước khác.

Trong khi đó, có học giả Trung Quốc đến từ Đại học Bắc Kinh lại cho rằng, các nước khác đều sử dụng chiến thuật “vùng xám” tại Biển Đông, nhưng riêng Trung Quốc thì “không tham gia chiến thuật vùng xám” và Trung Quốc “có chủ quyền và làm đường đường chính chính trong khu vực của mình”. Vị học giả này cũng cho rằng, mọi hành động của Trung Quốc đều được thể hiện xuất phát từ hành động của Mỹ. Đương nhiên, phát biểu của học giả Trung Quốc đã vấp phải tranh luận và phản bác dữ dội của các học giả khác tham dự hội thảo. Họ đều thống nhất khẳng định với vị học giả Trung Quốc rằng, không có cái gọi là mập mờ về mặt pháp luật, tức là cái gọi là “vùng xám” không thể nằm ngoài pháp luật.

Lập luận của học giả Trung Quốc cũng đã buộc ông Greg Poling – Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) ở Washington phải lên tiếng nói thẳng ra rằng: Cái gọi là chiến thuật “vùng xám” đang được xác định là việc Trung Quốc sử dụng lực lượng quân đội hoặc dưới mức quân đội, một lực lượng bờ biển, chỉ huy lực lượng dân quân để cưỡng bức và ngăn chặn việc khoan dầu khí, quấy rối ngư dân… các nước ở xung quanh Biển Đông. Toàn bộ chiến thuật này được xây dựng xung quanh ý tưởng không sử dụng lực lượng quân sự và điều đó khiến Mỹ hoặc các nước không thể sử dụng lực lượng quân sự để đáp trả.

Như vậy, hà cớ gì Trung Quốc phải “cậy đến” chiến thuật “vùng xám” và họ đã vận dụng chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông như thế nào?

Trả lời cho câu hỏi thứ nhất khá ngắn gọn và đơn giản. Đó là bởi tham vọng “độc quyền” kiểm soát Biển Đông là mục tiêu chiến lược của Trung Quốc nhằm đưa nước này trở thành cường quốc biển, tiến tới trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, mục tiêu này đã và đang gặp trở ngại từ Mỹ và đồng minh cũng như sự phản ứng của các quốc gia ven Biển Đông, nên Bắc Kinh đã đề ra nhiều giải pháp để “chế ngự” và vượt qua các trở ngại này, trong đó có chiến thuật “vùng xám”, với công cụ chính là lực lượng dân quân biển.

Trả lời cho câu hỏi thứ hai mới là phức tạp. Bởi hơn 10 năm qua, Trung Quốc đã áp dụng một chiến lược tổng thể để thực hiện cho được mục tiêu thâu tóm Biển Đông thông qua chiến thuật “vùng xám”. Trong thực thi chiến thuật này, Trung Quốc sử dụng 2 cách để đẩy vấn đề leo thang ở Biển Đông, nhưng không để nó trở thành tranh chấp quân sự.

Cách thứ nhất, Trung Quốc đã thành lập lực lượng dân quân biển để thực thi chiến thuật “vùng xám”. Theo đó, dân quân biển là một bộ phận của dân quân Trung Quốc, được thành lập năm 1985 tại tỉnh Hải Nam, ban đầu có nhiệm vụ chuyển hàng tiếp tế, vật liệu xây dựng lên các đảo trên biển. Gần đây, Trung Quốc đã đầu tư, phát triển lực lượng này thành một trong ba lực lượng nòng cốt trên biển (gồm hải quân, cảnh sát biển, dân quân biển), có nhiệm vụ: (1) Bảo vệ chủ quyền quốc gia; (2) Tuần tra trinh sát; (3) Phối hợp với các lực lượng chấp pháp trên biển; (4) Tham gia cứu hộ, cứu nạn; (5) Hỗ trợ chiến đấu. Ngoài ra, lực lượng này còn tham gia vào “nhóm phối hợp chấp pháp” cung cấp thông tin cho quân đội, đẩy đuổi các tàu cá nước ngoài, ngăn cản tàu nước ngoài tiếp cận các đảo, hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng; ngăn cản nước ngoài thăm dò, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy, hải sản trên Biển Đông để bảo vệ “quyền và lợi ích” của Trung Quốc trên biển. Những nhiệm vụ này giúp Trung Quốc chiếm ưu thế tại những khu vực tranh chấp. Dân quân biển là một bộ phận quan trọng thực thi chiến thuật “vùng xám”, giúp Trung Quốc kiểm soát thực địa mà không cần tới đội quân chính quy, kể cả hải quân; không cần phải sử dụng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Như vậy, vừa gây sức ép lên đối thủ, vừa kiểm soát rủi ro trên thực địa; đồng thời giấu mặt, không đưa hải quân ra tuyến trước, nhưng lâu dần sẽ khiến thực trạng tranh chấp thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc.

Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng chuyên nghiệp, được tuyển dụng từ việc giảm biên chế quân đội, từ các cựu chiến binh phục vụ trong lực lượng hải quân (khoảng 300.000 quân nhân bị tinh giản biên chế) đã được đề nghị làm việc cho “một công ty ngư nghiệp” với mức lương cạnh tranh cùng nhiều chế độ đãi ngộ mà không đòi hỏi năng lực đánh bắt cá. Dân quân biển Trung Quốc được trang bị vũ khí cá nhân phù hợp, được sử dụng những con tàu hiện đại, được trả lương hậu hĩnh ngoài phần thu được từ đánh bắt cá, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong một số chiến dịch “cưỡng chế” trong những năm qua. Trước năm 2017, riêng tỉnh Hải Nam đã đóng 84 tàu cá dân quân cỡ lớn, mạn tàu được gia cố chịu lực phần mũi để có thể đâm đa, va húc; được trang bị vòi rồng công suất cao để tấn công thủy thủ đoàn trên tàu nhỏ; được trang bị thiết bị viễn thông hiện đại để hoạt động gián điệp cũng như dễ phối hợp theo mệnh lệnh của quân đội. Ngoài đóng mới, Trung Quốc cũng cải tạo, trang bị cho hàng trăm tàu cá của ngư dân trở thành tàu của dân quân biển. Các đội tàu cá kiêm dân quân biển của Trung Quốc có khả năng hoạt động xa bờ dưới danh nghĩa tàu cá chính phủ. Dân quân biển do một công ty quản lý gọi là chi đội; chi đội được biên chế thành các đại đội; các tổ sản xuất được biên chế thành trung đội; mỗi tàu là một tiểu đội dân quân biển. Dân quân biển được huấn luyện đối phó với các tình huống bất thường trong thời bình và thời chiến, bao gồm sử dụng vũ khí hạng nhẹ và triển khai thường xuyên đến các khu vực trên Biển Đông.

Dân quân biển Trung Quốc thường đội lốt là các ngư dân đánh bắt cá trên các vùng biển tranh chấp. Trong quá trình đánh bắt cá, các đội dân quân này nhiều lần xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của các nước trong khu vực. Theo nhà nghiên cứu Ryan D.Martinson thuộc Đại học Hải chiến Mỹ, lực lượng dân quân biển Trung Quốc hiện đang trú đóng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam được xem là “hình mẫu chuyên nghiệp” cho toàn Trung Quốc, với hơn 70 tàu lớn được thiết kế và đóng mới chỉ để phục vụ chiến thuật “vùng xám”.

Trên thực tế, kể từ năm 2009 đến nay, hầu như tất cả các vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia liên quan đều có sự xuất hiện của dân quân biển. Ví dụ như: Tham gia quấy rối tàu Impeccabele của Mỹ năm 2009 tại khu vực phía nam đảo Hải Nam; hỗ trợ Hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough của Philippines năm 2012; hỗ trợ tàu Hải Dương 981 thăm dò trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014; đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016; quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tháng 5/2019 tại bãi Luconia; từ tháng 7/2019, hộ tống và bảo vệ tàu Hải Dương 8 hoạt động thăm dò trái phép tại Vùng đặc quyền kinh tế thuộc bãi Tư Chính của Việt Nam.

Cách thứ hai, Trung Quốc luôn tìm cách che giấu hoạt động của tàu dân quân biển. Các hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao cho thấy, luôn có từ 200-300 tàu cá Trung Quốc hoạt động xung quanh đá Xu Bi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hầu hết những con tàu này đều có tải trọng trên 500 tấn, đồng nghĩa là chúng bắt buộc phải lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS). Tuy nhiên trên thực tế, đa số trong số tàu này không bật hệ thống AIS thường xuyên nhằm để che giấu số lượng và hành tung. Vì thế, Bắc Kinh thường giải thích những vụ đâm tàu trên Biển Đông do các tàu này gây ra là “các tai nạn hàng hải thông thường”. Việc Trung Quốc đặt lực lượng dân quân biển trong “bóng tối” sẽ giúp Bắc Kinh có thể tái diễn trò đâm va và quấy rốicác tàu nước ngoài mà họ cho là đang hoạt động trong “đường chín khúc”phi lý do họ tự vẽ ra, qua đó nhằm củng cố sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cách làm trên của Trung Quốc còn khiến cho các bên có tranh chấp trên Biển Đông, cũng như các lực lượng khác qua lại trên biển thường không thể xác định họ đang đối mặt với tàu cá bình thường hay là “bất thường” của Trung Quốc, nên thường kiềm chế tránh leo thang xung đột để không bị Trung Quốc cáo buộc là “vi phạm nhân quyền”. Trong khi đó, Trung Quốc lợi dụng sự mơ hồ này để thực hiện mưu đồ kiểm soát Biển Đông.

Trong vụ việc Trung Quốc đưa tàu địa chất Hải Dương 8 xâm phạm bãi Tư Chínhcủa Việt Nam vừa qua, chiến thuật “vùng xám” được thể hiện ở mấy yếu tố sau:

Một là, bên cạnh sự hiện diện mạnh mẽ của các tàu cảnh sát biển Trung Quốc, còn có các tàu dân quân biển. Đây là hiện tượng không mới. Cảnh sát biển và dân quân biển đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc. Đây được xem là lực lượng chấp pháp biển “bán quân sự”, có thể can thiệp vào bất cứ một va chạm nào ở Biển Đông. Đặc trưng cốt lõi trong việc sử dụng lực lượng này chính là việc căng thẳng có thể kiểm soát ở mức độ chấp nhận được, bởi vì chiến thuật chủ yếu của cảnh sát biển và dân quân biển chỉ là đâm va.Hai tàu cảnh sát biển nổi bật nhất của Trung Quốc trong vụ xâm phạm bãi Tư Chính là tàu Hải cảnh 35111, con tàu vốn đã tham gia tuần tra vùng nước gần cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Con tàu thứ hai là tàu Hải cảnh 3901, tàu cảnh sát biển lớn nhất thế giới của Trung Quốc với lượng giãn nước 12.000 tấn, lớn hơn cả một số lớp tàu chiến hiện đại của Mỹ.Có thể thấy, thông qua sự kiện này, Trung Quốc đã phô trương khả năng mới được tăng cường kể từ năm 2014 với nhiều loại tàu mới và hùng hậu hơn.

Hai là, các căn cứ quân sự mới, phi pháp do Trung Quốc lập ra ở Biển Đông, như Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa, có thể là nơi tiếp sức cho tàu hải cảnh Trung Quốc (như tiếp nhiên liệu, vật tư). Điều này cho thấy giá trị mới của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trên Biển Đông. Những cơ sở hậu cần quân sự này giúp cho các lực lượng của Trung Quốc có thể triển khai nhanh chóng tại những điểm nóng. Qua đó tăng cường năng lực kiểm soát thực tế của Bắc Kinh ở các khu vực tranh chấp.

Ba là, mặt trận thông tin đóng vai trò quan trọng. Đây cũng là một phần của chiến thuật “vùng xám” khi Trung Quốc cố gắng tung ra những bằng chứng lịch sử có lợi cho họ. Vừa qua, mặc dù truyền thông chính thống của Trung Quốc không đề cập gì nhiều tới sự kiện bãi Tư Chính, nhưng một số nhóm nghiên cứu và học giả Trung Quốc đã tiến hành các hành động tuyên truyền bất lợi cho Việt Nam. Họ cố tình rêu rao rằng, Việt Nam là bên gây hấn trước, rồi từ đó đưa ra những lập luận ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Tiêu biểu là lập luận về cơ sở pháp lý của bãi Tư Chính (Việt Nam cho rằng bãi Tư Chính nằm trong thềm lục địa Việt Nam, không liên quan tới quần đảo Trường Sa; Trung Quốc cho rằng bãi Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa). Họ tăng cường cử học giả ra nước ngoài để bảo vệ quan điểm chủ quyền hay gia tăng xuất bản các bài báo học thuật quốc tế ủng hộ quan điểm của Trung Quốc.

Trở lại vai trò của dân quân biển Trung Quốc, tháng 6/2019, tại Đối thoại Shangri-La, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã tố cáo Trung Quốc gia tăng phối hợp giữa 3 lực lượng hải quân, cảnh sát biển và dân quân biển, tạo sự mập mờ giữa các hoạt động của lực lượng quân sự và lực lượng thực thi pháp luật, gây ra mối nguy hiểm đối với các nước nhỏ hơn có yêu sách chủ quyền. Do đó, Mỹ cảnh báo, các hành vi khiêu khích của tàu dân quân biển Trung Quốc sẽ bị coi như hành động của lực lượng hải quân.

Như vậy có thể thấy, chiến thuật “vùng xám” với công cụ thực hiện chính là dân quân biển đang và sẽ được Trung Quốc thực hiện một cách từ từ, chậm mà chắc, với thời gian hoạt động kéo dài trong nhiều thập kỷ. Đặc biệt, nó ngày càng hiệu quả trong bối cảnh khu vực chưa có tiếng nói chung về vấn đề chủ quyền, trong khi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) đang bị các nước lớn xem thường, bất tuân, trong đó có Trung Quốc. Có chuyên gia đã cảnh báo, xung đột xảy ra trên Biển Đông rất nhiều khả năng liên quan đến dân quân biển Trung Quốc hơn là hải quân hay cảnh sát biển nước này. Dân quân biển không có cơ chế liên lạc và xuống thang căng thẳng như hải quân; dân quân biển cũng không phải là đối tượng trong phạm vi áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) mà hải quân các nước đã ký với nhau. Những ai theo dõi sự kiện ở bãi Tư Chính vừa qua đều thấy rõ, Trung Quốc đã vận dụng chiến thuật “vùng xám” rất linh hoạt để tạo ra căng thẳng ở Biển Đông, đẩy các bên liên quan vào những tình huống leo thang nhưng lại mơ hồ về cách giải quyết vấn đề.

Có thể nói, với việc không chủ trương dùng quân đội đơn thuần hay sức mạnh “cơ bắp” để gây chiến tranh ở Biển Đông, Trung Quốc đang từng bước kết hợp nhiều lực lượng dân sự, bán quân sự, quân sự trên các mặt trận thực địa, thông tin, pháp lý lẫn tâm lý để tìm kiếm lợi ích tại vùng biển được đánh giá là nhộn nhịp và quan trọng vào hàng bậc nhất thế giới. Vì vậy, các nước cần hết sức cảnh giác với chiến thuật “vùng xám” và hoạt động của các lực lượng bán vũ trang của Bắc Kinh trên Biển Đông, nhất là lực lượng dân quân biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới