Trong sự chuyển mình của Quảng Châu, một nhóm người lao động đang bị bỏ lại. Ngày càng có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu và phát hiện ra rằng họ đã bị mạng lưới an sinh xã hội bỏ qua.
Kể cả ở Trung Quốc , nền kinh tế đã lột xác ngoạn mục trong mấy thập kỷ vừa qua và luôn tràn ngập những điều mới lạ, thì Quảng Châu vẫn nổi bật. Chỉ 10 năm trước, thành phố này gắn liền với hình ảnh những nhà máy, công xưởng ngày đêm nhả khói lên bầu trời. Ngày nay, Quảng Châu đang nỗ lực trở thành 1 trung tâm thương mại tầm cỡ toàn cầu. Tháp Quảng Châu, tòa nhà cao 600m được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid, cùng với hệ thống tàu cao tốc cho phép đi tới Bắc Kinh chỉ mất 8 giờ đồng hồ là những công trình tiêu biểu cho Quảng Châu hiện đại.
Tuy nhiên, trong sự chuyển mình của Quảng Châu, một nhóm người lao động đang bị bỏ lại. Ngày càng có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu và phát hiện ra rằng họ đã bị mạng lưới an sinh xã hội bỏ qua. Tỉnh Quảng Đông đã chứng kiến 129 vụ đình công và biểu tình của công nhân kể từ đầu năm đến nay, và ngày càng có nhiều người tham gia là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu phát hiện ra rằng 1 tương lai u ám đang chờ đón họ.
Lao động nhập cư, những người mà 30 năm qua đã rời bỏ làng quê ở sâu trong đất liền để tới làm việc trong các nhà máy ở vùng duyên hải, đang dần bước vào tuổi nghỉ hưu. Hiện độ tuổi trung bình của nhóm này là hơn 40 tuổi, và hơn 25% đã bước qua tuổi 50. Khảo sát về điều kiện sống của người trung niên ở thành thị và nông thôn được công bố năm 2018 đã khắc họa rõ nét sự bất bình đẳng. Khoảng 100 triệu người nghỉ hưu ở Trung Quốc được hưởng chế độ lương hưu cơ bản ở thành thị mà theo đó phần lớn các công nhân toàn thời gian ở thành thị sẽ trích một phần lương hàng tháng để đóng bảo hiểm và nhận về trung bình 369 USD mỗi tháng khi nghỉ hưu. Tuy nhiên khoảng 150 triệu người khác đang hưởng chế độ hưu trí áp dụng cho cả nông thôn và thành thị với mức chỉ 17 USD mỗi tháng.
Hiện ở Trung Quốc có 288 triệu lao động nhập cư, trong đó 173 triệu người phải xa quê. Về lý thuyết, họ nên được hưởng cùng chế độ an sinh xã hội với những người có hộ khẩu ở các thành phố lớn như Quảng Châu. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.
Học giả Mark Frazier của New School (New York) gọi những người nhập cư 40-50 tuổi ở Trung Quốc là “thế hệ mất mát”. Họ bị mắc kẹt giữa những lao động nhập cư thế hệ đầu – những người sẽ sớm trở về quê nhà để nghỉ hưu và vẫn còn đất đai để dựa vào – và những lao động nhập cư ngoài 20 tuổi sẽ được hưởng lợi từ luật lao động mới mang lại nhiều quyền lợi hơn.
Rất ít người cho rằng hệ thống hưu trí hiện tại là bền vững, với các số liệu u ám về già hóa dân số và dự đoán quỹ bảo hiểm xã hội sẽ vỡ vào năm 2035. Trung Quốc còn đang có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Dẫu vậy điều đó cũng chẳng có nhiều ý nghĩa đối với nhóm 8 lao động nhập cư mà The Economist phỏng vấn.
7 người phụ nữ và 1 người đàn ông chìa ra những đôi tay run run khi rót trà vì những năm tháng làm các công việc nặng nhọc trong nhà máy. Họ thậm chí không thể về thăm quê đôi ba lần mỗi năm, phải bỏ mặc con cái cho ông bà chăm sóc. Ngay cả dịp lễ tết vốn được coi là dịp để đoàn tụ gia đình cũng trở thành quãng thời gian để kiếm thêm tiền vì họ được trả mức lương ngoài giờ rất cao. Một người phụ nữ 50 tuổi đến từ Hồ Bắc cho biết đã có tới 20 năm không ăn Tết ở nhà. Ngoài lý do ở lại đi làm, về quê khá phiền hà vì đó những chuyến đi rất xa và họ còn phải mua quần áo, giày dép, quà cáp cho họ hàng.
Không may là khi đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 9 năm sau, bà không thể nhận được toàn bộ tiền lương hưu ở Quảng Đông vì bà mới chỉ bắt đầu đóng bảo hiểm ở đây từ 40 tuổi. Nếu bà có hộ khẩu thì câu chuyện đã khác, nhưng vì là dân nhập cư nên lựa chọn duy nhất của bà là quay trở về Hồ Bắc, đồng nghĩa sẽ chỉ được nhận lương hưu 85 USD mỗi tháng.
Comments are closed.