Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới đang ngày càng có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, khiến các điểm nóng về an ninh, quân sự trong khu vực tiếp tục căng thẳng, dễ bùng phát xung đột quân sự.
“Điểm nóng” dễ bùng phát xung đột
Trong năm 2020, các điểm nóng về an ninh, quân sự ở khu vực châu Á sẽ tiếp tục được duy trì như những năm trươc. Theo đó, căng thẳng tập trung tại khu vực Biển Đông, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan và Iran. Tất cả những địa điểm này có khả năng tiềm tàng châm ngòi cho một cuộc xung đột quân sự. Ngoài ra, còn một số điểm nóng ở quy mô nhỏ lẻ giữa các nước như vùng biên giới giữa Ấn Độ – Trung Quốc, tình hình an ninh nội bộ Afghanistan, khả năng mất kiểm soát do tranh chấp biên giới tại Nam Á; sự gia tăng đối đầu về hải quân giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan trên Ấn Độ Dương.
Nhìn chung, năm 2020 sẽ chứng kiến sự khuếch trương về năng lực quân sự tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mà không có nước nào đủ khả năng thống trị khu vực bằng quân sự. Trung Quốc vẫn là cường quốc quân sự đứng đầu khu vực nhưng chất lượng vẫn chưa thể cạnh tranh với các nước bé hơn như Hàn Quốc, chưa kể đến quân đội Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng không còn năng lực thống trị khu vực như đã từng làm trong thời kỳ những năm 1990 – 2000. Do đó, sự cân bằng về quyền lực “hơi mong manh” sẽ chiếm ưu thế trong khu vực.
Khu vực Biển Đông tiếp tục được coi là một trong những “điểm nóng” hàng đầu ở châu Á. Cùng với việc Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động thăm dò, khảo sát trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Đông; gia tăng tần suất, quy mô các cuộc tập trận trên biển; sử dụng lực lượng chấp pháp và bán chấp pháp đâm va, cướp tài sản của ngư dân các nước trên Biển Đông; điều lực lượng hải quân, không quân và tên lửa tiến hành tập trận phi pháp tại Biển Đông; triển khai trái phép các loại trang thiết bị vũ khí tới các đảo, đá chiếm đóng trái phép ở Hoàng Sa và Trường Sa… khiến các nước trong khu vực phải gia tăng năng lực chấp pháp, đẩy mạnh hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền lãnh thổ lãnh hải. Không những vậy, Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác trong khu vực sẽ tiếp tục thực hiện các chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải FONOP để thách thức những yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này sẽ khiến việc tìm kiếm giải pháp giải quyết hòa bình cá tranh chấp trên Biển Đông đi vào bế tắc. Không những vậy, Trung Quốc sẽ chủ động tiến hành các hoạt động khiêu khích, đe dọa chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, cũng như ngăn chặn hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở khu vực, buộc các nước phải có biện pháp đối phó và dễ dẫn đến xung đột, qua chạm trên biển.
Tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và được cải thiện trong tương lai gần. Năm 2019, Triều Tiên đã 13 lần phóng thử các loại hình tên lửa (tầm ngắn, tầm trung, tên lửa chống hạm…). Trong khi đó, tiến trình đối thoại cấp cao giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gặp khó khăn và đi vào bế tắc. Tuy hai nước đều có mong muốn thông qua đàm phán để giải quyết vấn đề phi hạt hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, song đây là vấn đề lợi ích chiến lược cũng như “quân bài mặc cả” của Chính quyền Bình Nhưỡng để đối lấy các lợi ích thiết thực. Do đó, ít khả năng Triều Tiên sẽ chịu “nhún nhường” khi đàm phán với Mỹ. Điều này sẽ khiến tình hình khu vực bán đảo Triều Tiên tiếp tục duy trì căng thẳng như hiện tại và không loại trừ khả năng sẽ được phía Triều Tiên đẩy lên cao vào những giai đoạn khác nhau, nhằm phục vụ ý đồ, mục đích trong từng giai đoạn.
Trong năm 2019, tình hình căng thẳng tại eo biển Đài Loan gia tăng nhanh chóng. Ngay từ đầu năm, Chính quyền Tập Cận Bình gia tăng sức ép vế kinh tế, chính trị, quân sự để buộc Đài Loan chấp nhận thống nhất với Trung Quốc. Trong khi đó, Đài Bắc một mặt tăng cường năng lực quốc phòng như đầu tư mua sắm trang thiết bị vũ khí, tiến hành tập trận để đề phóng Bắc Kinh, mặt khác củng cố quan hệ hợp tác với Mỹ. Để thể hiện sự ủng hộ đối với Đài Loan, Mỹ và một số nước đồng minh liên tục điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan, đưa ra các tuyên bố ủng hộ Đài Loan chống lại việc Trung Quốc lôi kéo, cô lập trên diễn đàn quốc tế. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, “chiến dịch tích cực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng ở hai bên eo biển, bao gồm cả việc lôi kéo các quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, là có hại và làm xói mòn sự ổn định khu vực”; đồng thời nhấn mạnh “Trung Quốc đang hủy hoại khuôn khổ giúp duy trì hòa bình, ổn định và phát triển suốt nhiều thập kỷ”. Ngoài ra, về quân sự, Mỹ (20/8) thông báo đã phê chuẩn bản hợp đồng bán 66 chiếc tiêm kích F-16V, 75 động cơ và trang thiết bị đi kèm trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan. Đây cũng chính là bản hợp đồng có trị giá lớn nhất của Đài Loan trong hơn một thập kỷ qua. Điều này khiến Trung Quốc “không hài lòng” và giới chức cấp cao của Bắc Kinh đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, cảnh cáo sẽ thống nhất với Đài Loan bằng bất cứ biện pháp nào.
Tình hình căng thẳng tại Iran đang có nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực này có thể xảy ra xung đột bất cứ thời điểm nào. Căng thẳng leo thang tại Vùng Vịnh từ đầu tháng 5, khi Mỹ triển khai thêm quân và khí tài tới Trung Đông, cáo buộc Iran có kế hoạch tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ. 4 tàu chở dầu ngày 12/5 bị hư hại trong các cuộc phá hoại bí ẩn ở ngoài khơi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Washington và Riyadh đổ lỗi cho Iran trong khi Tehran bác bỏ cáo buộc.Ngày 13/6, hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman. Trump và Arab Saudi tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ phá hoại. Tehran phủ nhận có liên quan và bày tỏ nghi ngờ Mỹ gây ra vụ tấn công để đổ lỗi cho họ nhằm gia tăng áp lực. Một tuần sau, Iran bắn hạ máy bay không người lái trị giá 200 triệu USD của Mỹ, cáo buộc nó xâm phạm không phận Iran gần eo biển Hormuz. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nói rằng máy bay này hoạt động ở vùng trời quốc tế. Trump ngày 20/6 ra lệnh không kích vào ba địa điểm quân sự của Iran để trả đũa nhưng hủy chiến dịch vào phút chót. Đáng chú ý, Iran ngày 7/7 thông báo họ bắt đầu vượt qua giới hạn làm giàu uranium 3,67% được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015. (3,67% là mức vừa đủ để sản xuất năng lượng và thấp hơn nhiều so với mức hơn 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân). Các cường châu Âu chỉ trích động thái của Iran là vi phạm quy định, kêu gọi nước này giữ đúng cam kết. Ngày 14/7, Iran bắt tàu dầu Riah treo cờ Panama ở eo biển Hormuz với cáo buộc buôn lậu dầu. 4 ngày sau, Mỹ cho biết một máy bay không người lái Iran tiếp cận tàu đổ bộ USS Boxer ở phạm vi nguy hiểm và tàu chiến Mỹ đã bắn hạ nó để tự vệ. Tuy nhiên, Iran bác thông tin này, nói rằng họ không mất máy bay không người lái nào. Nguyên nhân căng thẳng trong khu vực này là do chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ đang bóp nghẹt kinh tế Iran. Nguồn thu dầu mỏ của Iran giảm, giao dịch thương mại của họ bị kìm hãm vì chính quyền Trump đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt với bất kỳ thực thể nào làm ăn với Tehran. Vì vậy, Iran gần đây tiến hành các động thái cứng rắn nhằm thể hiện họ đã hết kiên nhẫn. Họ muốn đẩy căng thẳng trong khu vực lên cao, khiến các nước khác lo lắng và phải can thiệp để kiềm chế Mỹ. Mục tiêu của Tehran là buộc Washington chấm dứt chiến dịch gây áp lực tối đa và trở lại với thỏa thuận hạt nhân. Nguy cơ đụng độ giữa hai bên càng lớn hơn nữa khi Mỹ muốn thành lập một liên minh gồm tàu chiến của nhiều quốc gia để hộ tống tàu dầu, tàu hàng đi qua eo biển Hormuz. Sự gia tăng hiện diện của tàu chiến nước ngoài ở eo biển này sẽ bị các tướng Iran coi là động thái khiêu khích từ phương Tây. Tuy nhiên, Mỹ và Iran đều để ngỏ khả năng đối thoại. Trump nói rằng chiến dịch gây áp lực tối đa có thể dẫn đến các cuộc đàm phán và nhấn mạnh tất cả những gì Mỹ muốn là “một thỏa thuận công bằng”.
Chạy đua vũ trang trong khu vực
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), hiện nay châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu. SIPRI cho biết, hiện nay Singapore là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakixtan, Hàn Quốc. Cùng với Singapore, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu một quá trình tăng cường lực lượng vũ trang tương tự, khiến nó trở thành một trong những khu vực có chi tiêu quốc phòng gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một cơ quan tư vấn chính sách ở London, lần đầu tiên, ít nhất là trong lịch sử hiện đại, chi tiêu quân sự của châu Á sắp vượt qua châu Âu.
Trung Quốc đang là nước dẫn đầu về đầu tư quốc phòng trong khu vực. Hiện nay Hải quân Trung Quốc đang đứng đầu thế giới về số lượng tàu ngầm chạy diesel, tàu khu trục, tàu tên lửa và tuần tra, tàu đổ bộ (nhưng kém hơn so với Mỹ về trọng tải và công suất tàu đổ bộ); đứng thứ ba thế giới về số lượng các tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục (tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đứng sau Mỹ và Nga, trong khi tàu khu trục xếp sau Mỹ và Nhật Bản); đứng đầu thế giới về số lượng tàu chiến cỡ nhỏ. Trung Quốc có khoảng 700 tàu chiến các loại, trong đó có 02 tàu sân bay, 29 tàu tuần dương, 49 tàu khu trục, 34 tàu hộ vệ, 68 tàu ngầm tấn công và hơn 100 tàu tên lửa; đáng chú ý các tàu mặt nước lớn của Trung Quốc đều có khả năng triển khai tên lửa tấn công và một số chiếc có còn khả năng chiến khai cả vũ khí hạt nhân chiến thuật. Theo một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố vào năm 2017, từ năm 2002 đến nay, Trung Quốc đã chế tạo 10 tàu ngầm hạt nhân, gồm 6 tàu ngầm tấn công năng lượng hạt nhân Type-093, lớp Shang I/II có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm và 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type-094, lớp Jin. Ngoài ra, hiện Trung Quốc đang có khoảng 54 tàu ngầm điện-diesel. Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể gia tăng hạm đội tàu ngầm lên khoảng 70 tàu vào năm 2020. Trong khi đó, Không quân của Hải quân Trung Quốc có 346 máy bay (đứng thứ hai trên thế giới về số lượng, đứng sau Mỹ), trong đó có khoảng 30 máy bay ném bom chiến lược Tây An H-6; 8 máy bay cảnh báo sớm KJ-200, 5 máy bay Y-8 ELINT được trang bị các khí tài trinh sát điện tử, 3 máy bay bay tuần tra chống ngầm tầm xa Y-8MPA trang bị các hệ thống radar trinh sát mặt nước, hệ thống định vị thủy âm tìm kiếm tàu ngầm, 32 máy bay vận tải hạng trung Y-8 (có thể chở 96 lính thường hoặc 82 lính dù hoặc 20 tấn hàng hóa); 20 máy bay J-15, 20 máy bay chiến đấu J-10, 24 máy bay chiến đấu Su-30MK2, 24 máy bay chiến đấu J-11BH, 120 máy bay chiến đấu JH-7 và JH-7A; 48 máy bay J-8II, 35 máy bay J-7D/E (loại cũ, tính năng hạn chế, sản xuất từ những năm 1970); 26 trực thăng vận tải kiêm nhiệm vụ tuần tra biển Z-8.
Nhật Bản đã sửa đổi điều 9 Hiến pháp về quân sự, từ chỗ chỉ là lực lượng phòng vệ tập thể, giờ đây quân đội Nhật Bản có thể tham chiến để bảo vệ đồng minh. Tính đến nay, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản được trang bị nhiều tàu hiện đại. Mặc dù hiện không sở hữu tàu sân bay nào, nhưng Nhật Bản có 2 tàu khu trục lớp Hyūga trọng tải 18.000 tấn có thể chở 11 máy bay trực thăng cùng đơn vị đổ bộ và 1 tàu lớp Izumo có lượng giãn nước tới 27.000 tấn có thể chở 9 trực thăng trên boong và 14 trực thăng trong kho chứa. Tokyo còn có 1 tàu lớp Shirane trọng tải 7.500 tấn có thể mang 3 máy bay trực thăng. Nhóm tàu khu trục trang bị tên lửa có điều khiển (DDG) gồm 2 tàu lớp Atago trọng tải 10.000 tấn (đầy tải), 4 tàu lớp Kongō trọng tải 9.500 tấn (chuẩn bị lắp hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3), 2 tàu lớp Hatakaze trọng tải 4.600 tấn. Nhóm tàu khu trục thông thường (DG) gồm 4 tàu lớp Akizuki trọng tải 6.800 tấn, 5 tàu lớp Takanami trọng tải 6.500 tấn, 9 tàu lớp Murasame trọng tải 6.100 tấn, 8 tàu lớp Asagiri trọng tải 4.900 tấn, 8 tàu lớp Hatsuyuki trọng tải 3.000 tấn,6 tàu lớp Abukuma trọng tải 2.500 tấn. Về tàu ngầm, dù không có tàu ngầm hạt nhân, nhưng Nhật Bản là một trong số các quốc gia có nhiều tàu ngầm diesel-điện ở châu Á cũng như trên thế giới với những đặc điểm kỹ – chiến thuật tương đối cao và sở hữu vũ khí điện tử, ngư lôi và tên lửa hiện đại. Hiện tại, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đang sở hữu 9 tàu ngầm tấn công lớp Sōryū, 10 tàu lớp Oyashio và 2 tàu lớp Harushio (dùng cho nhiệm vụ huấn luyện thủy thủ). Dự kiến tàu ngầm lớp Soryu sẽ có 11 chiếc đến năm 2020. Chính phủ Nhật Bản hiện có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu ngầm số lượng từ 17 lên 22 chiếc và nâng số tàu khu trục lên 48-50 chiếc. Ngoài ra, Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản cũng đang có kế hoạch mua khoảng 100 máy bay chiến đấu mới để thay thế đội máy bay F-2 sẽ ngừng hoạt động vào khoảng năm 2030. Không những vậy, Nhật Bản hiện cũng có một thỏa thuận với Lockheed Martin mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin, để thay thế cho đội máy bay F-4. Trong năm 2019, Nhật Bản quyết định mua máy bay cất và hạ cánh thẳng đứng F-35B để chuyển tàu khu trục cho máy bay trực thăng hạ cánh lớp Izumo thành tàu sân bay cho loại máy bay mới.
Nga là một quyền lực quân sự quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2019, quân khu phía đông của Nga – cánh quân chịu trách nhiệm cho các chiến dịch trên Thái Bình Dương, nhận hơn 6.240 loại vũ khí khí tài mới hoặc được nâng cấp; biên chế tàu ngầm năng lượng hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo Knyaz Vladimir cho hạm đội Thái Bình Dương – Đây là phiên bản tàu ngầm nâng cấp của Hải quân Nga thuộc dự án 955A Borei II-class. Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga cũng được biên chế tên lửa siêu thanh HGV. Về không quân, lô máy bay chiến đấu Su-57 đầu tiên – loại máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 do Nga thiết kế và chế tạo cũng đã được đưa vào không quân cuối 2019. Cuối cùng, Nga đưa tàu phá băng năng lượng nguyên tử lớn nhất vào hoạt động, nhiệm vụ chính của tàu là dọn đường cho các tuyến đường trên Biển Bắc, chạy từ bờ biển Bắc Cực ở biển Kara tới eo Bering.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng chính thức của Ấn Độ giai đoạn 2012-2017 chiếm khoảng 2,5% GDP. Năm 2012, Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới; từ năm 2007 đến năm 2011, tiền mua vũ khí của Ấn Độ chiếm 10% tổng phí tổn dành cho mua sắm vũ khí quốc tế. Phần lớn chi tiêu quân sự tập trung vào phòng thủ chống Pakistan và chống lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Ấn Độ đang có khoảng 15 tàu ngầm trong biên chế. Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên INS Arihant được đưa vào sử dụng cuối năm 2016. Tàu ngầm hạt nhân tiếp theo INS Aridaman được hạ thủy vào cuối năm 2017. INS Kalvari, tàu ngầm điện-diesel đầu tiên chế tạo trong nước theo giấy phép từ Pháp đã được đưa vào hoạt động từ tháng 12/2017. Trong năm 2019, Ấn Độ đã đưa vào biên chế tên lửa đạn đạo liên lục địa tân tiến nhất có khả năng tấn công hạt nhân Angi-V. Với tầm bắn và độ chính xác được nâng cao, việc ra mắt hệ thống vũ khí mới này tạo ra vấn đề về ổn định chiến lược lâu dài tại châu Á. Sự ổn định chiến lược lâu dài cũng sẽ bị xói mòn bởi nỗ lực của Pakistan triển khai tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình Babur-3 và một tên lửa đạn đạo tầm trung gắn đa đầu đạn phân hướng (MIRV).
Ngoài ra, trong Sách trắng quốc phòng vừa công bố, Australia cho biết ngân sách dành cho quân đội trong năm 2016-2017 sẽ lên đến 32,4 tỷ đô la Australia, tương đương khoảng 23 tỷ đô la Mỹ và đến năm 2025-2026, con số này sẽ tăng tới 58,7 tỷ đô la Australia, chiếm hơn 2% tổng thu nhập của nước này. Với ngân sách 50 tỷ đô la, từ nay đến năm 2030, hải quân Australia có kế hoạch đặt đóng 12 tàu ngầm, trang bị thêm ba khu trục hạm, 9 hộ tống hạm và 12 tuần dương hạm; mua thêm 72 máy bay chiến đấu F-35.