Mỗi quốc gia ASEAN riêng rẽ có thể bị sức mạnh vượt trội của Trung Quốc lấn lướt, song nếu các thành viên cùng đoàn kết, nhất trí kết thành một “bó đũa” thì ASEAN hoàn toàn đủ khả năng làm chùn bước và ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Trung Quốc chiếm đóng trái phép và quân sự hóa trên Biển Đông
Ngày càng có nhiều tiếng nói mạnh mẽ chỉ đích danh Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, tiến hành quân sự hóa, gây tình hình căng thẳng và đe dọa tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông. Mới đây nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu đã nêu rõ, Trung Quốc đã chiếm đóng, quân sự hóa và tiến hành các hoạt động khác trên vùng biển này.
Điều đáng nói là phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia được đưa ra trước Quốc hội nước này ngày 2-12 khi trình bày về Sách trắng Quốc phòng đầu tiên của Malaysia. Ông Mohamad Sabu lo ngại cho rằng, việc “chiếm đóng, quân sự hóa và các hoạt động khác của Trung Quốc trên Biển Đông”, cùng với hoạt động tuần tra tự do hàng hải thường xuyên của Mỹ ở vùng biển này biến vấn đề khu vực trở thành một cuộc cạnh tranh siêu cường.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Malaysia cũng cảnh báo về điều mà ông cho là “một cường quốc” đã đưa tàu xâm lấn vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở vùng biển ngoài khơi các bang miền Đông Sabah và Sarawak. Cho dù ông Mohamad Sabu không cần không nêu đích danh Trung Quốc, song, mọi người đều biết rằng Malaysia đã phải đối mặt với các tàu vũ trang của Trung Quốc như các tàu tuần duyên, hải cảnh… đang tuần tra và neo đậu trong vùng biển thuộc chủ quyền của Malaysia theo luật pháp quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia lại nêu đích danh Trung Quốc khi trình bày về Sách trắng Quốc phòng bởi sách này công khai hóa chiến lược quốc phòng của Malaysia từ năm 2021 đến 2030. Bên cạnh mối đe dọa từ các căng thẳng xung quanh những tranh chấp ở Biển Đông, Bộ trưởng Mohamad Sabu cũng nhấn mạnh với các nhà lập pháp Malaysia về các mối đe dọa an ninh quốc phòng quan trọng khác mà đất nước phải đối mặt trong thập kỷ tới, bao gồm cả việc hồi hương của các chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố mạng.
Trước những phát biểu của ông Mohamad Sabu, các quan chức cấp cao của Malaysia cũng đã công khai bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về các mối đe dọa ở Biển Đông do các hoạt động hung hăng, gây hấn, hòng đòi chủ quyền mà Trung Quốc gây ra. Lên tiếng trong trong phiên chất vấn của Quốc hội Malaysia vào ngày 16-10 vừa qua, Ngoại trưởng Saifuddin Saifuddin cho rằng, Malaysia cần tăng năng lực hải quân để đối phó với tàu vũ trang của Trung Quốc cũng như chuẩn bị cho nguy cơ xung đột trên Biển Đông. Ngài Ngoại trưởng cũng tỏ ý lo ngại khi cho biết, hiện các tàu chiến của Hải quân Malaysia nhỏ hơn cả tàu Hải cảnh Trung Quốc.
Vì thế, ông Saifuddin Saifuddin nhấn mạnh, dù Malaysia không muốn xảy ra, song các lực lượng cần được nâng cấp để có thể quản lý vùng biển tốt hơn khi nổ ra xung đột ở Biển Đông. Người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Malaysia cũng nêu rõ, Kuala Lumpur có thể gửi công hàm phản đối nếu nước ngoài xâm phạm lãnh hải, nhưng sự thiếu hụt về phương tiện hải quân và lực lượng chấp pháp trên biển sẽ khiến Malaysia gặp nhiều bất lợi.
Tham vọng biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad trước đó từng thừa nhận rằng, nước này không đủ sức đối đầu với Trung Quốc ngay cả khi Bắc Kinh triển khai trái phép tàu khảo sát dầu khí trong vùng biển Malaysia. Trên thực tế, Hải quân Malaysia đang phải chật vật để theo kịp đội tàu Hải cảnh Trung Quốc, lực lượng vốn hiện diện liên tục ở bãi cạn Luconia cách bờ biển bang Sarawak của Malaysia chỉ khoảng 100km, nhưng cách đất liền Trung Quốc tới hơn 2.000km.
Mối đe dọa từ Trung Quốc mà Malaysia đang phải đối mặt cũng là thách thức an ninh quốc phòng chung của các quốc gia ASEAN khác. Trung Quốc từ lâu đã nuôi tham vọng độc chiếm vùng biển rộng hơn 3 triệu km2 chiếm giữ vị trí địa chính trị trọng yếu của khu vực và thế giới, đồng thời có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, phong phú. Trung Quốc lần đầu công khai tham vọng ở Biển Đông khi đơn phương công bố yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” vào năm 2009, theo đó ngang nhiên đòi chủ quyền đối với khoảng 80% diện tích vùng biển này.
Tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông leo thang thêm khi nước này tiếp tục đưa ra cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield mà Trung Quốc đặt bằng 4 cái tên lần lượt là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa) vào năm 2013 với diện tích đòi chủ quyền còn lớn hơn cả yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn”.
Tiến sĩ Wilfrido Villacorta – nguyên Đại sứ Philippines tại ASEAN, Giáo sư danh dự Đại học De La Salle của Philippines – cho rằng, “đường 9 đoạn” gây ra sự bất ổn trong khu vực vì không có cơ sở pháp lý, điều đã được khẳng định thông qua phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines.
“Đường lưỡi bò 9 đoạn” này không chỉ chồng lấn với vùng biển của Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei – vốn là các nước có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông – mà trùng với cả Indonesia. Hơn thế, theo Tiến sĩ Wilfrido Villacorta, đòi hỏi chủ quyền phi lý và phi pháp của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà còn cả các quốc gia ASEAN khác như Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia bởi nó gây mất ổn định trong khu vực, gây gián đoạn tuyến đường hàng hải và gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Đông Nam Á cũng như các quốc gia khác phụ thuộc vào tuyến đường trên vùng biển này.
Sức mạnh “bó đũa ASEAN”
Từ yêu sách chủ quyền bất hợp pháp theo “đường lưỡi bò 9 đoạn”, Trung Quốc vào tháng 6-2012 đã cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough – một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi trên Biển Đông, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 230km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000km. Thực tế thời gian qua cho thấy rất rõ là Trung Quốc đang bất chấp tất cả, từ luật pháp quốc tế cho tới hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực để hiện thực hóa tham vọng đòi chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Trung Quốc chắc chắn không chịu dừng lại ở việc bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng bằng vũ lực trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi nhân tạo, xây đắp thành các căn cứ quân sự quy mô lớn, mà còn leo thang hơn nữa trong tham vọng đòi chủ quyền. Trung Quốc đã cưỡng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines; đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa của Việt Nam ở bãi Tư Chính; điều tàu “quấy nhiễu” ở khu vực bãi cạn Luconia cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 100km … thì sẽ còn có những hành vi nghiêm trọng hơn để biến các vùng biển thuộc chủ quyền các quốc gia ASEAN thành “ao nhà” của họ.
Một quốc gia ASEAN đơn lẻ sẽ rất khó khăn trong việc đối phó với tham vọng chủ quyền “vô đáy” được hiện thực hóa bằng sức mạnh vượt trội của Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu các thành viên ASEAN có tiếng nói chung, cùng chung sức đồng lòng để đối phó, giải quyết thách thức, mối đe dọa chung với lợi ích của cả hiệp hội lại là vấn đề hoàn toàn khác. ASEAN từng chứng minh sức mạnh của “bó đũa ASEAN” trong chặng đường phát triển để được xem như là một tổ chức khu vực thành công bậc nhất trên thế giới hiện nay.