Sunday, January 19, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaViệt - Đức: Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp...

Việt – Đức: Giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực

Tại cuộc họp Nhóm điều hành chiến lược Việt Nam – Đức lần thứ 5 (4/12), hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tôn trọng Luật pháp quốc tế.

Tại cuộc họp, hai bên hài lòng nhận thấy quan hệ song phương tiếp tục có nhiều bước phát triển tốt đẹp trong thời gian gần đây, nhấn mạnh bề dày và cơ sở vững chắc của quan hệ giữa hai nước; nhấn mạnh đây là cơ sở để định hướng, đưa quan hệ Việt Nam – Đức có nhiều bước phát triển mới, sâu rộng hơn trên tất cả các lĩnh vực: chính trị – ngoại giao, thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, văn hóa, du lịch… nhằm đáp ứng các yêu cầu của hai nước trong giai đoạn tới. Hai bên nhất trí đánh giá thời gian tới, nhất là năm 2020, là giai đoạn quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Đức, đặc biệt trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, cả hai nước cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Đức là Chủ tịch Liên minh châu Âu (sáu tháng cuối năm 2020). Hai bên nhất trí phối hợp tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, nhất là cấp cao, để tạo đòn bẩy mở rộng quan hệ hợp tác song phương cũng như gia tăng phối hợp trên đa phương, thúc đẩy việc phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam – Liên minh châu Âu, sớm hoàn tất việc phê chuẩn và đưa Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) vào thực thi, góp phần tạo động lực mới cho quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như giữa Việt Nam và Đức. Quốc vụ khanh Đức Andreas Michaelis nhấn mạnh, phía Đức mong muốn đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tăng cường hợp tác với Việt Nam ngày càng sâu rộng, hiệu quả hơn, nhất là trên các lĩnh vực then chốt, nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, văn hóa, phát triển năng lượng tái tạo, khoa học – công nghệ, đào tạo lao động có tay nghề, hợp tác điều dưỡng viên, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực nhất là Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEAN – Liên minh châu Âu, hỗ trợ tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, đảm bảo tự do, an toàn, an ninh hàng hải và hàng không, tôn trọng Luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) tại Biển Đông.

Đức tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, song hòa bình, ổn định ở vùng biển này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Đức. Những năm gần đây, trước các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, chính giới Đức đã nhiều lần lên tiếng phản đối, đồng thời khẳng định ủng hộ đối với việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Thủ tướng Đức Angela Merkel (9/2014) cho biết Đức ủng hộ Philippines trong việc tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông; khẳng định việc dàn xếp các tranh chấp quốc tế cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của UNCLOS” và “đó là cách rất hiệu quả để giải quyết những bất đồng”. Bà Merkel nhấn mạnh: “Chúng tôi chia sẻ những lo ngại về căng thẳng gia tăng tại một khu vực trên thế giới và chúng tôi tin vào các biện pháp tiếp cận tích cực và cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin vào việc giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế”. Trong chuyến thăm Trung Quốc, bà Angela Merkel (29/10/2015) cho rằng tranh chấp ở Biển Đông là một “cuộc xung đột nghiêm trọng”, kêu gọi Trung Quốc giải quyết tranh cãi với Mỹ về vấn đề lãnh hải ở Biển Đông và gợi ý rằng tranh chấp nên được đưa ra tòa án quốc tế. Theo bà Angela Merkel, điều quan trọng là tuyến đường thương mại trên biển vẫn rộng mở dù có tranh cãi. Khi hội đàm với Thủ tướng Việt Nam, Thủ tướng Angela Merkel (7/2017) khẳng định Đức ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế. Theo bà Angela Merkel, với tư cách là nước đầu tàu trong EU, có kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển, Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam giải quyết các tranh chấp tại biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Mới đây nhất, khi Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới để đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 vào hoạt động trái phép trong vùng biển của Việt Nam, Anh, Đức và Pháp (29/8) cũng đã đưa ra tuyên bố tương tự, đồng thời kêu gọi giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Tuyên bố chung bày tỏ lo ngại đặc biệt về tình hình căng thẳng gần đây tại Biển Đông; nêu rõ: “Chúng tôi lo ngại về tình hình Biển Đông có thể dẫn đến bất ổn an ninh trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước trong khu vực đưa ra các bước đi và biện pháp giảm căng thẳng, đóng góp vào việc duy trì và thúc đẩy an ninh, hòa bình, ổn định trong khu vực. Trong đó có việc đảm bảo quyền của các nước ven biển đối với khu vực hải phận của họ, đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Pháp, Đức và Anh nhấn mạnh mối quan tâm đối với việc áp dụng phổ biến Công ước, vốn đặt ra trong khuôn khổ pháp lý toàn diện, trong đó mọi hoạt động ở các vùng biển, bao gồm cả ở Biển Đông, phải được thực hiện và điều này tạo cơ sở cho sự hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải”. Ngoài ra, Pháp, Anh và Đức cũng hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc trong việc đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), dựa trên các quy tắc, hợp tác hiệu quả, phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông; khuyến khích các bước tiến để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc này.

RELATED ARTICLES

Tin mới