Friday, April 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam - Tổ chức quốc tế Pháp ngữ: Bảo vệ tính...

Việt Nam – Tổ chức quốc tế Pháp ngữ: Bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật trên các vùng biển và đại dương

Việt Nam đề nghị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề hòa bình, phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy việc bảo vệ giá trị và tính toàn vẹn của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật trên các vùng biển và đại dương; tiếp tục có tiếng nói khách quan, kêu gọi các bên giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế; ủng hộ nỗ lực của các bên nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Tại buổi tiếp Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ Louise Mushikiwabo và đoàn đại biểu thăm Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (6/12) hoan nghênh những đóng góp của bà Louise Mushikiwabo trong hơn 11 tháng qua trên cương vị Tổng Thư ký, đặc biệt trong việc tạo sự năng động mới của Pháp ngữ, nâng cao tinh thần đối thoại, tăng cường hình ảnh của Pháp ngữ; nhấn mạnh Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) trong việc tham gia tìm giải pháp cho các bất ổn chính trị và xung đột tại các nước thành viên, xây dựng lòng tin, tăng cường và mở rộng đoàn kết, hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ… đưa hợp tác Pháp ngữ đi vào chiều sâu và tiếp cận tổng thể trên tất cả các vấn đề nhằm tìm ra biện pháp giải quyết nguồn gốc sâu xa của khủng hoảng và bất ổn như bất bình đẳng, nghèo đói, kém phát triển.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia tích cực, đóng góp có trách nhiệm vào nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới cũng như trong không gian Pháp ngữ. Việt Nam cũng đã ứng cử và được vinh dự bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Trong hai năm đảm nhiệm trọng trách của mình tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam sẽ dành quan tâm thích đáng đến các vấn đề hòa bình, an ninh ở châu Phi, sẵn sàng hợp tác với các nước, các đối tác liên quan vì một nền hòa bình bền vững ở châu Phi. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam luôn tích cực cùng với các bên liên quan tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Phó Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao sự quan tâm của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ về vấn đề Biển Đông; đề nghị Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo và Tổ chức quốc tế Pháp ngữ tiếp tục quan tâm đến những vấn đề hòa bình, phát triển tại châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy việc bảo vệ giá trị và tính toàn vẹn của Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982, bảo vệ tính thượng tôn của pháp luật trên các vùng biển và đại dương; tiếp tục có tiếng nói khách quan, kêu gọi các bên giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế; ủng hộ nỗ lực của các bên nhằm đưa Biển Đông thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Phó Thủ tướng khẳng định cam kết Việt Nam tiếp tục hợp tác với các nước thành viên OIF cùng nỗ lực phát huy bản sắc và các giá trị chung của Cộng đồng Pháp ngữ vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Là thành viên tích cực của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ tiếp tục các hoạt động để góp phần tăng cường hình ảnh và sự hiện diện của Pháp ngữ tại khu vực, đặc biệt là việc triển khai các sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước Pháp ngữ châu Phi và các nước trong khu vực; tăng cường liên kết giữa Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, Liên minh châu Phi với ASEAN nói riêng và châu Á-Thái Bình Dương nói chung.

Bà Louise Mushikiwabo bày tỏ vui mừng được quay lại đất nước Việt Nam tươi đẹp lần thứ hai; cho biết, một trong những nhiệm vụ bà xác định cho mình trong nhiệm kỳ làm Tổng Thư ký Tổ chức quốc tế Pháp ngữ là tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với khối Pháp ngữ nói chung và từng thành viên trong khối nói riêng, đặc biệt là các nước châu Phi. Bà Louise Mushikiwabo đề nghị Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia thành viên Tổ chức quốc tế Pháp ngữ, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa giữa khu vực châu Phi và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đóng góp vào nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Bà Louise Mushikiwabo cũng hoan nghênh sự tham gia tích cực của Việt Nam trong lĩnh vực này, chúc mừng Việt Nam được nhiều quốc gia thành viên của Tổ chức OIF tín nhiệm bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; mong muốn Việt Nam tích cực tham gia Diễn đàn tham vấn giữa các thành viên Pháp ngữ, đồng thời là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy các lợi ích chung của cộng đồng các quốc gia, đặc biệt là về vấn đề an ninh, hòa bình ở châu Phi.

 Tại cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và với Tổng Thư ký Pháp ngữ Louise Mushikiwabo (6/12), Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký Pháp ngữ, khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ là đối tác quan trọng của Việt Nam và bày tỏ vui mừng trước việc quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được củng cố và tăng cường ; nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ những nỗ lực chung của Cộng đồng Pháp ngữ, đặc biệt trong việc thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp, hợp tác kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, cải cách về quản trị Tổ chức quốc tế Pháp ngữ để tạo sự năng động mới, hiệu quả hơn… qua đó đáp ứng tốt hơn mong đợi của các nước thành viên ; cho rằng là một tổ chức đa phương quan trọng, Pháp ngữ cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc tìm giải pháp cho những bất ổn và xung đột tại các nước thành viên Pháp ngữ, đảm bảo tuân thủ luật Pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên hợp quốc năm 1982.

Tổng Thư ký Louise Mushikiwabo nhấn mạnh Việt Nam là một thành viên đóng vai trò quan trọng của Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt trong việc duy trì sự hiện diện của Pháp ngữ. Để tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, cũng như nhằm thúc đẩy hơn nữa trong hợp tác với các nước châu Phi trên các lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế, hợp tác ba bên, tới tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa việc giảng dạy tiếng Pháp; khẳng định Cộng đồng Pháp ngữ sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, hỗ trợ Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, cũng như các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại với các nước châu Phi, đặc biệt là các nước Pháp ngữ.

Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT- tiền thân của OIF) vào năm 1979. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Việt Nam và Cộng đồng Pháp ngữ ngày càng được cải thiện và phát triển. Trước đó, phần lớn các nước Pháp ngữ đều ủng hộ tích cực cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trong thế kỷ 20 và coi ta là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong hơn 30 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật… Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển như Pháp, Canada… hay với các nước bạn bè châu Phi truyền thống.

Trong quá trình tham gia OIF, Việt Nam nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng như Chủ tịch Hội đồng thường trực (CPF) năm 1996, Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng (CMF) nhiệm kỳ 1996-1997, Chủ tịch Hội nghị Cấp cao nhiệm kỳ 1997-1998, Phó Chủ tịch Ban Tài chính và Hành chính thuộc CPF hai nhiệm kỳ (2009-2011 và 2011-2013), Chủ tịch Ủy ban Hợp tác và Chương trình của CPF (2013-2015), thành viên Hội đồng quản trị của Cơ quan đại học Pháp ngữ (2013-2017 và 2017-2021), Chủ tịch Mạng lưới các Đại diện quốc gia phụ trách Pháp ngữ của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (RESIFAP) nhiệm kỳ đầu tiên từ 2013-2016. Việt Nam cũng tham dự hầu hết các khóa Đại hội đồng của Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) và tham gia tích cực các hoạt động trong khuôn khổ Đại hội đồng. Được sự tín nhiệm của các Phân ban thành viên APF, Việt Nam đã được bầu làm Phó Chủ tịch APF ba nhiệm kỳ (2007-2009, 2009-2011, 2013-2015) và đã đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Vùng châu Á-Thái Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2017.

Trong khi đó, OIF và các cơ quan thực thi đã phối hợp với một số nước thành viên Pháp ngữ thực hiện nhiều dự án tại Việt Nam, trong đó các dự án chính là : Đào tạo tăng cường nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy tiếng Pháp (CREFAP);Tăng cường tiếng Pháp ở khu vực Đông Nam Á (VALOFRASE); Thành lập Nhà Tri thức Pháp ngữ tại Huế; Đào tạo tiếng Pháp cho cán bộ ngoại giao và công chức Việt Nam từ 5/2013; Thành lập Trung tâm nghiên cứu và hợp tác Pháp ngữ tại Châu Á-Thái Bình Dương (CECOFAP). Hiện OIF tiếp tục phối hợp cùng Cơ quan đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ Việt Nam về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học cũng như về nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học cơ bản, luật pháp…, đồng thời đào tạo kỹ sư tin học ứng dụng trình độ cao cho khu vực Á-Thái Bình Dương tại Viện tin học Pháp ngữ. Từ năm 1994, AUF đã mở văn phòng khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tại Việt Nam và hiện có khoảng 40 trường đại học của ta là thành viên của AUF. AUF cũng đã thành lập Không gian kỹ thuật số tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ngoài ra, OIF còn thực hiện các dự án quy mô nhỏ hơn về tin học, pháp luật, năng lượng, môi trường, giảm nghèo, giúp đào tạo giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất trường học ở các vùng nghèo và khó khăn… Các dự án mà OIF thực hiện tại Việt Nam nhìn chung được đánh giá có hiệu quả.

RELATED ARTICLES

Tin mới