Friday, March 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia có cùng quan điểm với Việt Nam trong việc thúc đẩy...

Malaysia có cùng quan điểm với Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán COC

Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong cho biết Malaysia đặt hy vọng vào vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông khi trở thành chủ tịch ASEAN vào năm 2020.

Ngày 5-6/12/2019, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer Stiftung (Đức) đã tổ chức Hội thảo Quốc tế “Duy trì hoà bình trong thời kỳ biến động: Hướng tới khả năng thích ứng và tự cường cao hơn của khu vực” trong khuôn khổ Đại hội lần thứ 12 của Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP). Hơn 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam, 35 cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội và hơn 20 cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước tham dự hội thảo. Hội thảo chia thành 06 phiên: (1) Sự chuyển động của các cường quốc: Chiến tranh lạnh mới hay hoà bình nóng?; (2) Năng lực gắn kết và khả năng thích ứng của ASEAN trong bối cảnh khu vực thay đổi; (3) An ninh biển ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương: Cơ hội hợp tác; (4) Cuộc cách mạng công nghệ: Tác động đối với an ninh khu vực; (5) Liệu vai trò của chủ nghĩa đa phương có đang suy giảm?; (6) Suy nghĩ về tương lai: Trật tự pháp quyền hay trật tự cường quyền.

Phát biểu chào mừng, Hai đồng Chủ tọa của CSCAP là Giáo sư Anthony Milner và Cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong nhấn mạnh cám ơn các nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo. Thế giới đang trong thời điểm chuyển giao nên các quốc gia cần thúc đẩy xây dựng và củng cố lòng tin nhằm đối phó với các thách thức ngày càng phức tạp. Thay mặt CSCAP Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của CSCAP trong việc khuyến khích các trao đổi nghiên cứu và chính sách thẳng thắn và cởi mở giữa các nhà hoạch định chính sách và học giả trong khu vực. Trong bối cảnh các vấn đề an ninh khu vực đang ngày trở nên phức tạp, CSCAP sẽ tính đến việc mở rộng thành viên đến các trung tâm nghiên cứu lớn khác nhằm tranh thủ các sáng kiến và ý tưởng hợp tác đa dạng từ các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia Liew Chin Tong (5/12) cho biết, trong bối cảnh tình hình khu vực bất ổn, cạnh tranh nước lớn diễn ra gay gắt như hiện nay, vai trò của các quốc gia tầm trung và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng quan trọng. Đặc biệt trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực cần có đánh giá sâu sắc, toàn diện và đầy đủ để từ đó có các chính sách nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Trước đó, ông Liew Chin Tong cho biết Malaysia có cùng quan điểm với Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC); bày tỏ hy vọng rằng khi Việt Nam trở thành chủ tịch ASEAN, quá trình đàm phán COC sẽ đạt được nhiều tiến triển hơn trong năm tới và tin tưởng Việt Nam sẽ dẫn dắt đàm phán COC đi theo hướng cụ thể hơn trên cương vị chủ tịch ASEAN. Thứ trưởng Quốc phòng Malaysia, Trung Quốc cần hiểu rõ hơn mối lo ngại của các nước láng giềng trong khu vực và ASEAN cũng nên đưa Mỹ và Trung Quốc xích lại gần nhau, không nên để xảy ra sự chia rẽ.

Nhận định về tình hình thế giới hiện nay, Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương cho rằng trong thời kỳ biến động hiện nay, vai trò của các quốc gia tầm trung và vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng quan trọng. Các quốc gia trong khu vực cần có đánh giá sâu sắc, toàn diện và đầy đủ, để từ đó có các chính sách nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực. Giáo sư Anthony milner, Đồng Chủ tọa Hội đồng hợp tác an ninh châu Á – Thái Bình Dương (CSCAP) nhận định: “Thế giới đang trong thời điểm chuyển giao nên các quốc gia cần thúc đẩy xây dựng và củng cố lòng tin, nhằm đối phó với các thách thức ngày càng phức tạp”.

Tại các phiên thảo luận, các học giả đều nhìn nhận ASEAN là kênh kết nối giúp trao đổi thông tin, quan điểm để giải quyết các bất đồng. Trong tiến trình đó, các học giả kỳ vọng Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020, sẽ đóng vai trò định hướng để củng cố đoàn kết, thống nhất trong ASEAN và phát huy vị thế của Hiệp hội. Cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong khẳng định các nước hy vọng, trong năm tới, Việt Nam sẽ xây dựng chương trình nghị sự ASEAN hiệu quả, giúp xây dựng cộng đồng, điều phối và dẫn dắt ASEAN trước các tình hình nhiễu loạn mà chúng ta đã thấy trong năm vừa qua.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao vai trò của CSCAP như cơ chế kênh 2 bổ ích, giúp các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia tăng cường đối thoại, trao đổi nhằm đề xuất các biện pháp hướng đến việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực. Hội thảo CSCAP năm nay có sự tham gia của 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 học giả quốc tế, 70 học giả và đại biểu Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam cam kết xây dựng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng tốt hơn trong nhiệm kỳ chủ tịch 2020. Đồng thời với việc trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam cam kết trở thành cầu nối giữa tổ chức toàn cầu này và ASEAN vì các mục tiêu chung, đặc biệt trong ngăn ngừa xung đột và xây dựng nền hòa bình bền vững. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đề nghị hội thảo tập trung thảo luận 3 vấn đề lớn: Thứ nhất, làm rõ hơn cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và tác động của nó đến hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trong đó có việc phát huy vai trò trung tâm của ASEAN. Thứ hai, xây dựng nhận thức chung về trật tự dựa trên luật lệ trong quan hệ quốc tế và các vấn đề khu vực. Thứ ba, làm rõ hơn việc diễn giải các nguyên tắc nền tảng của trật tự dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982 tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

RELATED ARTICLES

Tin mới