Friday, May 17, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLo ngại TQ, NATO sẽ không can dự vào vấn đề Biển...

Lo ngại TQ, NATO sẽ không can dự vào vấn đề Biển Đông

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (3/12) nhận định “sức mạnh đang lên của Trung Quốc là sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự lớn mạnh của TQ – về kinh tế, quân sự – mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức nghiêm trọng”; đồng thời khẳng định NATO sẽ không can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông.

Trả lời phỏng vấn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhận định “sức mạnh đang lên của Trung Quốc là sự thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu và sự lớn mạnh của Trung Quốc – về kinh tế, quân sự – mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức nghiêm trọng”; cho rằng “sự lớn mạnh của Trung Quốc có ảnh hưởng đến an ninh tất cả đồng minh”, cảnh báo ảnh hưởng của TQ đang tiến tới phạm vi phòng thủ của NATO – châu Âu và Bắc Phi và Trung Quốc có ý muốn kiểm soát nhiều cảng biển và cơ sở hạ tầng không chỉ ở châu Á mà cả châu Âu. Ông Stoltenberg đề nghị NATO cần tìm biện pháp đối phó, song khẳng định NATO không muốn xem Trung Quốc là kẻ thù, mà quan trọng là cố gắng tránh làm gia tăng căng thẳng. Về vấn đề Biển Đông, Tổng Thư ký NATO cho rằng thời điểm hiện tại NATO sẽ không can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông.

Tại hội nghị này, lần đầu tiên các lãnh đạo NATO ký thông qua Tuyên bố chung thừa nhận “các cơ hội và thách thức” từ sự lớn mạnh của Trung Quốc; nhấn mạnh đảm bảo tính an ninh của hoạt động thông tin liên lạc, đặc biệt trong cơ sở hạ tầng cho mạng di động 5G. NATO cũng thông qua một chiến lược mới giám sát sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc và một kế hoạch nội bộ thiết lập kế hoạch hành động về việc NATO nên tiếp cận Trung Quốc như thế nào. Theo Tuyên bố chung, “ác nhà lãnh đạo đã nhất trí chúng ta cần cùng nhau giải quyết vấn đề này trong tư cách một liên minh. Và chúng ta phải tìm ra những phương thức để khuyến khích Trung Quốc tham gia các thỏa thuận kiểm soát vũ khí”. Tuyên bố nêu rõ: “Để bảo đảm an ninh, chúng ta phải cùng nhau nhìn về tương lai”. Trong khi đó, ông Stoltenberg cho biết, cách tiếp cận mới của NATO “không nhằm tạo ra thêm một kẻ thù mới mà để phân tích và tìm hiểu cũng như đối phó các thách thức mà Trung Quốc mang lại theo một cách cân bằng”. NATO phải hợp tác cùng nhau xử lý vấn đề từ năng lực quân sự ngày càng phát triển của Trung Quốc – bao gồm cả năng lực chế tạo tên lửa có thể bắn đến châu Âu và Mỹ. Ông Stoltenberg cho rằng Trung Quốc nên tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí vì nước này ngày càng có thêm nhiều vũ khí hạt nhân tiên tiến.

Đáp lại Tuyên bố chung của NATO, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (5/12) khẳng định “sự lớn mạnh của Trung Quốc là sự phát triển của một sức mạnh hòa bình” và “không nhất thiết có mối liên hệ giữa nguy cơ và quy mô của một quốc gia”. Theo Hãng tin Reuters, bà Hoa cũng “bóng gió” về Mỹ khi phát biểu rằng “nguy cơ lớn nhất đối với thế giới hôm nay là chủ nghĩa đơn phương và các hành vi uy hiếp”.

NATO hiện gồm 29 nước thành viên: Albania, Bỉ, Bulgaria, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Canada, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Italy, Latvia, Litva, Luxembourg, Montenegro, Hà Lan, Na Uy, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương Quốc Anh và Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới