Monday, July 1, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSở hữu tên lửa nhanh nhất thế giới BrahMos, Philippines sẽ cứng...

Sở hữu tên lửa nhanh nhất thế giới BrahMos, Philippines sẽ cứng rắn hơn với TQ

Philippines đang hoàn tất quy trình đàm phán về thỏa thuận mua tên lửa siêu thanh nhanh nhất thế giới BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất. Việc sở hữu tên lửa trên sẽ góp phần nâng cao năng lực tác chiến của Manila, nhất là trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang ngày càng căng thẳng.

Theo thông tin do truyền thông Philippines cung cấp, Manila đang đàm phán về giá cả trong thương vụ mua lửa siêu thanh BrahMos do Ấn Độ và Nga hợp tác sản xuất; đồng thời bày tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ được hoàn tất vào năm 2020. Trước đây, Quân đội Philippines và Ấn Độ đã có sự đồng thuận về việc quyết định mua bán hệ thống.

BrahMos là loại tên lửa hành trình siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình có thể phóng từ tàu, tàu ngầm, máy bay hay các trạm phóng lưu động trên mặt đất. BrahMos được phát triển bởi Ấn Độ và Nga, và được mô tả là tên lửa hành trình siêu thanh nhanh nhất thế giới, có thể bắn trúng mục tiêu ở tốc độ Mach 3 (tương đương 3.675 km/giờ). Ngoài phiên bản trên đất liền, nó có thể được phóng từ máy bay phản lực, tàu hoặc tàu ngầm. Mô hình nâng cấp của nó được cho là có phạm vi lên tới 500km.

Trước đó, tờ The Philippine Star (10/2019) cho biết, chính phủ nước này đang đàm phán với đối tác Ấn Độ về hợp đồng mua sắm tên lửa chống hạm siêu thanh PJ-10 BrahMos. Thông tin trên được một sĩ quan cấp cao của quân đội Philippines tiết lộ cho The Philippine Star và cho biết thêm, tên lửa siêu thanh BrahMos là lựa chọn lý tưởng giúp Manila tăng cường khả năng phòng thủ từ đất liền. Đây không phải là lần đầu Philippines thể hiện sự quan tâm tới việc mua sắm các loại vũ khí lợi hại như tên lửa hành trình chống hạm BrahMos nhằm tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển của nước này. Dựa trên các thông tin ban đầu thì phiên bản tên lửa BrahMos được Philippines quan tâm là loại triển khai từ xe mang phóng tự hành trên đất liền chứ không phải biến thể tích hợp trên tàu hải quân. Điều này được cho là hợp lý bởi Philippines chưa có trong trang bị một lớp tà chiến hay tàu ngầm nào có khả năng tích hợp thứ vũ khí đáng sợ như tên lửa BrahMos. Mặc dù vậy, giới chuyên môn lại nhận định rằng chưa chắc Manila chỉ quan tâm tới phiên bản BrahMos đất đối hải mà họ còn có tham vọng đối với phiên bản phóng đi từ tàu ngầm. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng Hải quân Philippines có lẽ đang muốn hợp tác với Ấn Độ trong việc mua sắm loại tên lửa lợi hại này để trang bị cho cả lực lượng phòng thủ bờ biển lẫn hạm đội tàu ngầm tương lai. Khi đó hải quân Philippines sẽ tạo được sự đồng bộ về vũ khí trang bị nhằm đơn giản hóa công tác đảm bảo hậu cần – kỹ thuật, vì vậy việc hỏi mua tên lửa BrahMos cũng như tàu ngầm Scorpene chính là toan tính đường dài của họ.

Ngoài tên lửa siêu thanh BrahMos, Philippines cũng được cho là đang tính toán về việc triển khai hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) với nỗ lực nhằm răn đe các hoạt động “quân sự hóa” trái phép của Trung Quốc tại các đảo trên Biển Đông. HIMARS là hệ thống phóng tên lửa đa nòng hạng nhẹ có thể phóng 6 loạt rocket hoặc tên lửa chiến thuật đất đối đất với tầm bắn tối đa lên tới 300km. Tập đoàn quốc phòng Lockheed Martin đã giành được hợp đồng trị giá 289 triệu USD để chế tạo 24 hệ thống HIMARS và các thiết bị đi kèm cho quân đội Mỹ, đồng nghĩa với việc mỗi hệ thống này sẽ có giá khoảng 12 triệu USD.

Một chuyên gia cho biết nếu được triển khai, các tên lửa tầm xa có khả năng dẫn đường chính xác được phóng từ hệ thống HIMARS có thể nhắm mục tiêu tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông. Thông tin trên được đưa ra sau khi Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) tại Washington cảnh báo các hoạt động “đảm bảo tự do hàng hải” của Mỹ không thể làm thay đổi về cơ bản các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Hệ thống HIMARS từng được phóng thử lần đầu tiên tại cuộc tập trận quân sự thường niên Mỹ – Philippines vào năm 2016. Trung tướng Lầu Năm Góc Kenneth McKenzie từng cảnh báo Mỹ đủ khả năng “hạ gục” các đảo nhân tạo của Trung Quốc. Theo Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, hai vị trí có thể được chọn để triển khai hệ thống HIMARS gồm: tỉnh Palawan của Philippines và đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – nơi đang bị Philippines chiếm đóng kiểm soát trái phép. Trong khi đó, chuyên gia Lean nhận định, từ Palawan, HIMARS có thể phóng tên lửa với tầm bắn tối đa nhằm vào đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, HIMARS trên đảo Thị Tứ có thể nhắm mục tiêu tới công trình phi pháp của Trung Quốc trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới