Saturday, April 20, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoatriển khai hệ thống tên lửa tự hành PCL191 nhằm “nắn gân”...

triển khai hệ thống tên lửa tự hành PCL191 nhằm “nắn gân” Đài Loan

Trung Quốc đã biên chế một lữ đoàn pháo phản lực PCL191 về quân đoàn 72, đóng quân tại Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang và một lữ đoàn thứ 2 đóng quân tại tỉnh Phúc Kiến, điểm gần eo biển Đài Loan nhất trên lục địa Trung Quốc.

Theo thông tin trên, hệ thống pháo phản lực PCL191 của Trung Quốc có tầm bắn từ 350-500 km. Hệ thống rocket phóng loạt đa nòng (MRLS) có thể bắn cả rocket và tên lửa đạn đạo được ra mắt công chúng trong diễu binh kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc vào ngày 1/10. Hệ thống trên sản xuất dựa theo thiết kế của rocket phóng loạt AR3 do Trung Quốc phát triển cho thị trường xuất khẩu. PCL191 có thể chở theo 8 tên lửa đường kính 370 mm mỗi tên lửa với tầm bắn khoảng 350 km, hoặc 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật Fire Dragon 480 đường kính 750 mm, tầm bắn 500 km. Các tên lửa và rocket được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh BeiDou do Trung Quốc tự phát triển.

Theo tạp chí quân sự Trung Quốc Ordnance Industry Science Technology, hệ thống MRLS PCL191 được bố trí trên xe tải 45 tấn và chỉ cần 3 người để vận hành. Tên lửa được dẫn đường bởi hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu. Nguồn tin giấu tên cho biết trong trường hợp xảy ra xung đột, PCL191 có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu chiến lược như sân bay, trung tâm chỉ huy và căn cứ tiếp tế của Đài Loan.

Hiện không rõ có bao nhiêu hệ thống PCL191 đã được Trung Quốc sản xuất, song theo thông tin từ báo Quân giải phóng nhân dân – cơ quan ngôn luận của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc – cho biết một lữ đoàn pháo phản lực phóng loạt đã được biên chế về quân đoàn 72, đóng quân tại Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang. Quân đoàn 72 là một trong ba quân đoàn chủ lực thuộc Bộ tư lệnh chiến khu Đông, một trong những đơn vị được ưu tiên về sức mạnh và thiết bị quân sự hiện đại. Theo nguồn tin quân sự giấu tên, lữ đoàn PCL191 thứ 2 đã được triển khai ở phía nam Hồ Châu, thuộc Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, điểm gần eo biển Đài Loan nhất trên lục địa Trung Quốc.

Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan trở nên xấu đi kể từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016 khi chính quyền bà phản đối nguyên tắc “Đồng thuận 1992” trong khi một số đảng còn lại như Quốc dân đảng hay Tân đảng lại ủng hộ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Trung Quốc được cho là đã bố trí 1.000 tên lửa đạn đạo và hành trình với tầm bắn đủ sức vươn tới Đài Loan. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ dùng lực lượng biệt kích để bắt cóc hoặc sát hại những chính trị gia, sĩ quan, chuyên gia vũ khí và nhà khoa học chủ chốt của Đài Loan. Chuyên gia Easton cho rằng nỗ lực tấn công Đài Loan sẽ gây nhiều trở ngại và tốn kém cho PLA. Một cẩm nang do PLA ban hành nội bộ cũng cảnh báo địa hình và khả năng phòng thủ của Đài Loan sẽ đòi hỏi họ có những chiến lược quân sự tốt và chấp nhận hy sinh lớn. Trong khi đó, theo báo The Washington Free Beacon, một cuộc tấn công Đài Loan tiềm tàng của Trung Quốc khiến không quân Mỹ lo ngại rằng PLA có thể tấn công những căn cứ Mỹ gần đó. Giới sĩ quan hải quân Mỹ cũng lo sợ tàu ngầm Trung Quốc sẽ đánh chìm tàu sân bay nước này hoặc soái hạm USS Blue Ridge, tàu chỉ huy duy nhất của Mỹ ở khu vực. Một số quan chức Mỹ khác còn lưu ý một cuộc xung đột giữa hai bên bờ eo biển Đài Loan có thể leo thang thành chiến tranh hạt nhân Mỹ – Trung.

Tuy nhiên, đánh giá một cách tổng thể và khách quan, năng lực quốc phòng của Trung Quốc đã được cải thiện và đang sở hữu nhiều loại khí tài hiện đại, có đủ khẳ năng đáp trả các cuộc tấn công quy mô lớn. Năng lực hải vận chủ lực của quân đội Trung Quốc đã được tăng cường, với khả năng vận chuyển 4 sư đoàn gồm 40.000 binh lính và 800 xe tăng – phụ thuộc vào cấu hình và yêu cầu nhiệm vụ. Hải quân Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào các tàu tấn công đổ bộ, bao gồm 7 tàu dock đổ bộ 70.000 tấn và 6 tàu đổ bộ chở trực thăng có lượng giãn nước từ 20.000 – 40.000 tấn. Ngoài ra, Trung Quốc còn có thể sử dụng phương tiện từ các nguồn bên ngoài để vận chuyển thêm 8-12 sư đoàn, tương đương 80.000 – 120.000 lính. Bắc Kinh hiện có 104.000 sà lan tự hành do các công ty thương mại vận hành, nhiều chiếc trong số chúng là kiểu ro-ro. Tuy nhiên, việc sử dụng các phương tiện này đòi hỏi phải đảm bảo được một bến cảng an toàn trong bối cảnh xung đột.

Ngoài ra, Trung Quốc hiện đang sở hữu một số loại vũ khí hiện đại, giúp nước này áp đảo trong cuộc chiến với Đài Loan. Một trong số đó là Hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Năm 2018, Trung Quốc bắt đầu nhận hệ thống tên lửa đất đối không S-400 của Nga. Là một trong những hệ thống tên lửa đất đối không nguy hiểm nhất thế giới, S-400 có tầm bắn tối đa lên tới 400km, nghĩa là vượt qua cả Đài Loan. Không những vậy, một trong những sức mạnh quân sự của Trung Quốc là tên lửa đạn đạo. Kho vũ khí lớn của Trung Quốc chứa nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung có thể gây ra thiệt hại thảm khốc cho cơ sở hạ tầng quân sự của Đài Loan. Các căn cứ không quân và cảng Đài Loan có khả năng bị tấn công từ tên lửa Trung Quốc. Tên lửa chết chóc nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc, theo quan điểm của Đài Loan, là DF-16. Nó có tầm bắn 1.000 km và có thể mang đầu đạn nặng 1500 kg. DF-16 cũng được đánh giá là tên lửa khó có thể bị đánh chặn. Đài Loan có các hệ thống chống tên lửa đạn đạo nội địa và nước ngoài, nhưng không ai biết chúng có thể chống đỡ tên lửa liên tiếp hay không. Mạng lưới phòng không Đài Loan cũng sẽ phải đối đầu với cả tên lửa hành trình và máy bay có người lái. Đài Loan có thể củng cố thêm các căn cứ không quân và phân tán cơ sở hạ tầng nhưng có lẽ đây chỉ là một giải pháp ngắn hạn.

Trong khi đó, Đài Loan rõ ràng cũng tìm cách để “nắn gân” Trung Quốc rằng hòn đảo này không phải là một mục tiêu dễ bị tấn công. Đài Bắc có kế hoạch chi 11 tỷ USD cho hoạt động phòng vệ trong năm nay, tăng 6% so với năm 2018. Phần lớn số tiền này sẽ được chi cho các vũ khí tối tân của Mỹ cũng như các vũ khí do Đài Loan tự sản xuất. Ngày 2/1, Đài Loan đã “trình làng” tên lửa chống hạm mới nhất do hòn đảo này tự chế tạo, có khả năng gây ra thương vong lớn nếu được sử dụng trong các cuộc xung đột. Tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin, hình ảnh vệ tinh thu được cho thấy tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng IIE của Đài Loan được đặt tại một căn cứ ở Taoyuan, cách thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc chưa đầy 200 dặm (khoảng 320km). Tính đến tầm bắn lên tới từ 620 dặm đến 930 dặm (tương đương từ gần 1.000km đến 1500km) của các tên lửa hành trình, VLT Đài Loan có khả năng nhằm mục tiêu vào các tỉnh, thành phố và khu vực của Trung Quốc gồm Hồng Kông, Thượng Hải, Quảng Đông và Chiết Giang nếu căng thẳng giữa Trung Quốc và hòn đảo Đài Loan leo thang thêm nữa, tờ Kanwa bình luận. Dựa vào tầm bắn, tất cả các lò phản ứng của nhà máy hạt nhân, các cơ sở dầu mỏ chiến lược gần Chu San (thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc) và Đường sắt Bắc Kinh-Kowloon cùng với các hệ thống đường sắt tốc độ cao và hầm ngầm khác sẽ trở thành mục tiêu của Đài Loan.

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến trái chiều về khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan. Theo giới chuyên gia nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan là có thật nhưng Đài Bắc đủ sức tự vệ và nhất là cơ trí để không tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS nhận định Hải Quân Trung Quốc không dám đụng với Hải Quân Mỹ. Mỹ sẽ can thiệp theo đạo luật bảo vệ nền dân chủ Đài Loan và xác suất Trung Quốc tấn công rất thấp bởi vì Đài Loan không để cho đối phương chụp lấy cơ hội sơ hở để tấn công. Ngoài ra, về quân sự, Đài Loan đủ khả năng đẩy lùi Trung Quốc mà không cần sự trợ giúp của Mỹ. Quân đội Đài Loan thiện chiến hơn và có tinh thần chiến đấu cao hơn quân đội Trung Quốc.

Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng Đài Loan và Trung Quốc sẽ giữ nguyên trạng. Trung Quốc sẽ không tấn công Đài Loan trong tương lai trung hạn nhưng Bắc Kinh sẽ gia tăng áp lực. Áp lực này tùy thuộc vào tình hình chính trị tại Đài Loan, tùy theo kết quả bầu cử tổng thống vào tháng giêng 2020. Bà Thái Anh Văn sẽ tái đắc cử hay một nhân vật khác hữu hảo với Bắc Kinh. Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng hồ sơ Đài Loan trở thành một vấn đề trong nội bộ chế độ Trung Quốc: một bộ phận quân đội và dân chúng có tư tưởng Hán tộc cực đoan sẽ gây sức ép với ban lãnh đạo Trung Quốc để động binh đánh Đài Loan. Tuy nhiên, vào thời điểm này, khó mà dự đoán một cách chính xác chuyện gì sẽ xảy ra trong tương lai nhưng điều chắc chắn là vấn đề Đài Loan sẽ tồn tại lâu dài trong quan hệ hai bờ eo biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới