Friday, November 15, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ thiếu vốn làm hạ tầng, TQ liền 'cà khịa'

Mỹ thiếu vốn làm hạ tầng, TQ liền ‘cà khịa’

Trung Quốc đã đề nghị tham gia vào kế hoạch trị giá 1,5 nghìn tỉ USD để sửa chữa và nâng cấp hạ tầng ở Hoa Kỳ.

Trung Quốc – nhà đầu tư hạ tầng vào nước ngoài gần như lớn nhất thế giới với sức lan toả rộng khắp các châu lục và quốc gia, đã đề nghị tham gia vào kế hoạch trị giá 1,5 nghìn tỉ USD để sửa chữa và nâng cấp hạ tầng ở Hoa Kỳ.

Lời đề nghị này do ông Yang Chuantang, quan chức Bộ Giao thông Trung Quốc đưa ra tại diễn đàn Giao thông Mỹ – Trung diễn ra tại Bắc Kinh, với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Elaine Chao.

“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với phía Mỹ, theo khung làm việc của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và kế hoạch tái thiết hạ tầng của Hoa Kỳ”, ông Yang nói.

Mỹ kêu bất công

Lời đề nghị của ông Yang Chuantang được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ cho rằng, Ngân hàng Thế giới (WB) không nên cho Trung Quốc vay tiền bởi nước này có rất nhiều tiền.

“Tại sao WB cho Trung Quốc vay tiền? Điều này có thể được sao? Trung Quốc có rất nhiều tiền và nếu không có, họ sẽ tạo ra. Hãy dừng ngay lại”, Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng Twitter hôm 6/12.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đồng tình rằng, Ngân hàng Thế giới (WB) nên loại trừ Trung Quốc khỏi danh sách các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình được hưởng các khoản vay ưu đãi của tổ chức này.

Tuyên bố của các quan chức Mỹ được đưa ra sau khi WB thông qua kế hoạch hỗ trợ Trung Quốc 1-1,5 tỷ USD cho các khoản vay lãi suất thấp hàng năm đến tháng 6/2025.

Mỹ cáo buộc các khoản vay của Trung Quốc tại World Bank sẽ được phục vụ cho việc Trung Quốc cho các nước nghèo hơn vay tiền để xây dựng hạ tầng theo sáng kiến “Vành đai- Con đường” của họ, siết các quốc gia vào bẫy nợ và buộc họ trao đổi các ưu thế chính trị.

Các nhà lập pháp tại Mỹ cũng đang ngày càng bày tỏ lo ngại rằng các khoản tài trợ từ World Bank cho Trung Quốc sẽ vi phạm những vấn đề về nhân quyền và công bằng trong cạnh tranh kinh tế.

“Giả nghèo giả khổ”

Hồi tháng 7/2019, Tổng thống Mỹ cho rằng Trung Quốc đáng ra không còn hội đủ điều kiện để nhận các lợi ích từ trạng thái nước ‘đang phát triển’, bao gồm trợ cấp xuất khẩu và một số lợi thế về thủ tục của WTO trong các tranh chấp thương mại.

“WTO đang bị đổ vỡ khi những nước GIÀU NHẤT trên thế giới tự tuyên bố mình là nước đang phát triển để tránh quy định của WTO và nhận đối xử đặc biệt. KHÔNG còn chuyện đó nữa”, ông Trump viết trên twitter.

Theo Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Chuck Grassley, hiện nay Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, và thu nhập bình quân đầu người của nước này đã cao hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn của quốc gia được WB cho vay ưu đãi. Trong khi đó, Mỹ lại là nước có đóng góp nhiều nhất cho WB.

Đồng quan điểm, cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng Clete Willems bình luận, những gì đang diễn ra, về cơ bản là Mỹ và các quốc gia khác đang gián tiếp góp vốn cho tham vọng ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc – một trong những bàn đạp giúp nước này đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình.

“Trung Quốc nói rằng họ muốn đứng ngang hàng với Mỹ trên thị trường kinh tế thế giới. Nếu họ muốn vậy, thì họ phải chấp nhận được đối xử giống như Mỹ. Họ không thể tiếp tục làm một quốc gia đang phát triển được nữa”, ông Willems nói.

Trung Quốc khó có cơ hội

Trở lại với kế hoạch sửa chữa và nâng cấp hạ tầng ở Mỹ, Tổng thống Trump đã công bố chi tiêu 1,5 nghìn tỉ USD vào kế hoạch nâng cấp hạ tầng nhưng sẽ chỉ chi 200 tỉ USD đến từ nguồn ngân sách trực tiếp của liên bang. Như vậy, việc Mỹ phải trông cậy vào nguồn vốn xã hội hoá hoặc đầu tư từ nước ngoài là không thể tránh khỏi.

“Nhu cầu hạ tầng của Mỹ rất cấp thiết, không thể làm ngơ. Nếu Mỹ hợp tác với các tổ chức khác như chính quyền bang và địa phương cũng như cho phép tư nhân tham gia vào kế hoạch nâng cấp hạ tầng thì việc giải quyết nhu cầu là hoàn toàn có thể”, bà Chao nói.

Bình luận trước khả năng Mỹ có thể huy động vốn từ Trung Quốc, ông Anthony Foxx – người tiền nhiệm của bà Elaine Chao bác bỏ vì cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng khốc liệt cũng như các quy định trong chiến lược “Mua của nước Mỹ” do ông Trump lập ra ngay sau khi nhậm chức sẽ chặn đứng nguồn đầu tư tài chính của Trung Quốc vào hạ tầng Mỹ.

Ngoài ra, theo ông Foxx, việc Mỹ huy động nguồn vốn trong nước đồng thời sử dụng công nhân Mỹ vào xây dựng hạ tầng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho Mỹ hơn cả về phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân, thay vì trông chờ vào Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới