Sau hàng loạt những hành động ngang ngược ở Biển Đông suốt thời gian qua, Đại biện lâm thời Trung Quốc tại Hà Nội Doãn Hải Hồng hôm 12/12 lại ngang nhiên tuyên bố rằng Bắc Kinh và Hà Nội vẫn còn có những khác biệt trong vấn đề Biển Đông, trong đó Trung Quốc coi đây là vấn đề nhỏ còn Việt Nam lại coi đây là vấn đề lớn.
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Doãn Hải Hồng đã gặp gỡ báo chí ở Hà Nội để thông tin về tình hình quan hệ Việt – Trung cũng như chính sách đối ngoại của Bắc Kinh sau Đại hội Đảng 19. Trả lời câu hỏi của phóng viên Việt Nam về quan hệ hai nước, đặc biệt là những căng thẳng trong vấn đề Biển Đông, bà Doãn Hải Hồng trả lời: “Biển Đông là vấn đề lịch sử để lại. Quan điểm của hai bên có những khác biệt, chẳng hạn Trung Quốc đánh giá đây là vấn đề nhỏ nhưng Việt Nam coi là vấn đề lớn. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên quan tâm tới lập trường của nhau để cùng giải quyết”. Bà Doãn Hải Hồng cũng nói đến cái mà bà gọi là tác động từ bên ngoài ảnh hưởng đến việc Bắc Kinh và Hà Nội giải quyết căng thẳng Biển Đông: “Tôi tin rằng nếu không có tác động từ bên ngoài, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ và năng lực để giải quyết vấn đề phù hợp với tình hình khu vực. Những hành động của Trung Quốc là thực hiện theo luật pháp quốc tế, không nhằm vào Việt Nam và những quốc gia láng giềng”.
Vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa nhóm tàu khảo sát hải dương 8 vào hoạt động trái phép trong Vùng thềm lục địa và Đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Bãi Tư Chính, ở phía Nam Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều lần bác bỏ phát ngôn của Trung Quốc sau đó liên quan vấn đề này và khẳng định bãi Tư Chính là của Việt Nam, không có tranh chấp. Việt Nam khẳng định khu vực Trung Quốc gọi là bãi Vạn An thực chất là bãi ngầm, là một phần của đáy biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS. Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này. UNCLOS và thực tiễn xét xử thời gian qua đã khẳng định rõ điều đó.
Thực tế, vấn đề Biển Đông cũng như tham vọng độc chiếm Biển Đông đã được Trung Quốc lên chiến lược và “lập trình” từ rất lâu và được phôi thai ngay từ khi thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1949) với tham vọng vươn lên làm bá chủ thế giới. Để đạt được tham vọng này, Trung Quốc phải trở thành cường quốc biển, phải độc chiếm và thống trị Biển Đông, kho tài nguyên thiên nhiên (hải sản và khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt, băng cháy) giàu có và tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Vì vậy, ngay trong tuyên bố của mình năm 1958, khi ban hành Luật về Lãnh hải Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc có chủ quyền đối với Tây Sa và Nam Sa” (trên thực tế là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam). Trong các tài liệu nghiên cứu của Trung Quốc, ngay từ những năm 60 của thế kỷ trước, đều khẳng định, Biển Đông là “bể cá vàng” là “con đường sinh mệnh” là “yết hầu” của Trung Quốc. Đặc biệt là sau báo cáo của Ủy ban Kế hoạch Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc từ năm 1969 dự báo Biển Đông là một nơi giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc bệt là dầu mỏ và khí đốt, Trung Quốc bắt đầu “để mắt” đến Biển Đông. Đến năm 1992, Trung Quốc ngang ngược ký hợp đồng thăm dò dầu khí trên bãi Tư Chính của Việt Nam với một công ty tư nhân của Mỹ tên là công ty Crestone. Hợp đồng phi pháp này đã bị Việt Nam và cả Bộ ngoại giao Mỹ phản đối. Đến năm 2009, Trung Quốc chính thức đệ trình lên Liên Hợp Quốc yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp “nuốt trọn” gần như toàn bộ Biển Đông, vi phạm các chuẩn tắc cơ bản của UNCLOS mà Trung Quốc đã cam kết.
Những hành động của Trung Quốc mà nước này cho rằng là “chuyện chỏ” đã vấp phải sự lên án, chỉ trích mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, khu vực. Dư luận cho rằng những động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng UNCLOS mà chính quốc gia này đã ký kết và là nguyên nhân làm cho tình hình Biển Đông xấu đi. Trung Quốc tại Biển Đông đã bị nhiều quốc gia và tổ chức phi chính phủ lên án. Mỹ đã chỉ trích các hành động đơn phương, mang tính khiêu khích của Trung Quốc. Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Đức, Anh, Canada, Australia và một số quốc gia khác cũng chỉ trích các hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông và kêu gọi bảo vệ một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế. Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) cũng chỉ trích Trung Quốc vi phạm các quyền hợp pháp của Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính. IADL khẳng định các hành vi của Trung Quốc đã vi phạm rõ rệt các quyền của Việt Nam được ghi trong UNCLOS và “yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung”.