Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTây Ban Nha, Romania, Kazakstan, Ireland và Bulgaria ủng hộ giải quyết...

Tây Ban Nha, Romania, Kazakstan, Ireland và Bulgaria ủng hộ giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế

Diễn ra bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 14 (FMM14), hôm 16/12 tại Tây Ban Nha, Bộ trưởng Ngoại giao và trưởng đoàn đại diện các nước tham dự hội nghị đã có các cuộc gặp song phương. Nhân dịp này, các nước tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến những diễn biến hiện nay ở Biển Đông và nhất trí cho rằng cần giải quyết hoà bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, nhất là sau chuyến thăm Romania của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (4/2019); hai bên vừa tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế vào ngày 3 và 4/10/2019. Hai bên cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và cộng đồng người Việt ở Romania cùng với những người Việt Nam đã từng học tập tại Romania trước đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ hơn; nhất trí hai nước sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Romania tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam và quan tâm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập tốt với sở tại.

Tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Kazakstan Tleuberdi Mukhtar và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên bày tỏ hài lòng cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp. Hai bên duy trì trao đổi đoàn ở các cấp, các ngành, mới đây nhất là Chủ tịch Hạ viện Kazakstan thăm Việt Nam vào tháng 11/2019. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, mà Kazakstan là thành viên, đã mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 268 triệu USD năm 2018. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Kazakstan làm Chủ tịch Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vào năm 2020. Kazakstan cho rằng những hành động đơn phương của Trung Quốc nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông, gây ra mối đe dọa đối với những quốc gia lân cận trong khu vực khi tham gia khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm suy yếu sự ổn định của thị trường năng lượng khu vực cũng như gây gia tăng nguy cơ xung đột.

Tại cuộc gặp giữa quyền Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Margarita Robles và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường sau 10 năm thiết lập (2009-2019). Hai bên cần tiếp tục duy trì tiếp xúc chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế thương mại, sớm tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đẩy mạnh hợp tác về năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường. Về đa phương, hai bên cho rằng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và cùng đóng góp thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU. Tây Ban Nha khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, đi cùng với tôn trọng tiến trình ngoại giao, pháp lý, cũng như đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển. Các bên cần kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đánh giá cao quan hệ hai nước không ngừng phát triển, đặc biệt sau thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ireland năm 2016. Phó Thủ tướng Simon Coveney khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Ireland ở khu vực. Hai nước có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực Ireland có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu phát triển, như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và công nghệ… Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn các bộ, ngành và sớm thành lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư…

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria Ekaterina Zakarieva và Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Min, hai bên vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bulgaria và nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020. Hai bên cũng trao đổi và nhất trí các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hoá-giáo dục. Trong các cuộc gặp và tiếp xúc song phương, các nước đều chúc mừng Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao; khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ ASEAN, Liên hợp quốc và các diễn đàn khu vực và toàn cầu khác. Phó Thủ tướng Việt Nam đề nghị các nước EU tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA để EVFTA, EVIPA sớm đi vào triển khai nhằm khai thác những cơ hội to lớn từ hai Hiệp định này. Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria nhất trí ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. khẳng định lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định và an ninh, tự do an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, đề cao các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất.

RELATED ARTICLES

Tin mới