Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMục đích, ý đồ của TQ khi biên chế tàu sân bay...

Mục đích, ý đồ của TQ khi biên chế tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên “Sơn Đông” cho hải quân tại Tam Á

Trung Quốc hôm 17/12 đã chính thức bàn giao tàu sân bay thứ hai và là tàu sân bay đầu tiên do nước này tự đóng mang tên Sơn Đông cho hải quân tại cảng Tam Á, tỉnh Hải Nam sau hàng chục đợt thử nghiệm. Đông thái của Bắc Kinh được giới quan sát quan tâm và có nhiều bình luận.

Buổi lễ bàn giao “đặc biệt” đối với hải quân TQ

Lễ bàn giao tàu Sơn Đông được tổ chức trọng thể ngày 17/12 tại quân cảng Tam Á ở tỉnh Hải Nam, với sự tham gia trực tiếp của Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cùng các tướng lĩnh thuộc Bộ Tư lệnh miền nam và nhiều quan chức cấp cao khác của Chính phủ Trung Quốc. Theo kế hoạch ban đầu, tàu sân bay này đáng lẽ đã được biên chế từ tháng 4/2019 nhưng việc này bị trì hoãn do quá trình thử nghiệm kéo dài hơn dự kiến. Tàu Sơn Đông bắt đầu được đóng từ tháng 11/2013 và từng được kỳ vọng sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4/2019 song đã phải lùi thời gian. Tàu sân bay mới của Hải quân Trung Quốc đã trải qua một vài thử nghiệm trên biển trước khi chính thức hoạt động, bao gồm tham gia tập trận hồi tháng trước ở Eo biển Đài Loan, một vùng biển “nhạy cảm” trong khu vực.

Cả tàu Liêu Ninh lẫn tàu Sơn Đông đều sử dụng các động cơ diesel thông thường, dẫn đến hạn chế về tốc độ và tuổi thọ so với các tàu sân bay chạy bằng hệ thống lò phản ứng hạt nhân hiện đại của Mỹ và Pháp. Cả 2 tàu đều không có kích thước lớn, khi Sơn Đông chỉ có khả năng mang theo 32-36 máy bay tiêm kích đa nhiệm (cùng với hơn 10 chiếc trực thăng), thua xa siêu tàu sân bay USS Gerald Ford của Mỹ với sức chứa khoảng 90 máy bay cánh cố định hoặc cánh xoay. Liêu Ninh và Sơn Đông sử dụng hệ thống cất cánh nhảy cầu (STOBAR) cho các máy bay, thua xa hệ thống ống phóng tiêu chuẩn được ứng dụng trên các tàu sân bay hiện đại. Trung Quốc sẽ phải mất nhiều thời gian để làm chủ những công nghệ tàu sân bay tiên tiến. Chi phí cũng sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc đơn giản chỉ sao chép hay cải tiến các thiết kế từ thời Liên Xô. Một vấn đề khác mà Trung Quốc gặp phải là việc chế tạo một tàu sân bay có khả năng mang theo nhiều máy bay tấn công khác hẳn với việc sở hữu một cụ tàu tấn công bao gồm một tàu sân bay và cả loạt tàu ngầm, tàu nổi như tàu khu trục, tàu hành trình, hậu cần cùng với sức mạnh đường không đến từ tên lửa phòng không, sức mạnh chống ngầm, cảnh báo sớm, chế áp điện tử.

Những mục đích, ý đồ của TQ

Tàu sân bay Sơn Đông đi vào hoạt động được xem là đánh dấu một bước phát triển quan trọng cho sức mạnh hải quân Trung Quốc, cùng với Mỹ, Anh và Italy trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới sở hữu nhiều tàu sân bay. Tàu sân bay Sơn Đông được cho là có năng lực vượt trội so với tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, đi vào hoạt động từ năm 2012. Trong khi đó, quan hệ đối ngoại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mới đây, Washington đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao Bắc Kinh với cáo buộc làm gián điệp tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Norfolk, Virginia. Bộ Ngoại giao Mỹ đã áp đặt lệnh giới hạn với các nhà ngoại giao Trung Quốc nói chung, buộc họ phải được sự cho phép trước khi gặp gỡ bất kỳ quan chức địa phương nào. Đáp lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington xuyên tạc sự thật trong cáo buộc đối với hai nhân viên ngoại giao nói trên và cũng áp đặt các quy định hạn chế mới cho nhân viên ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc.

Truyền thông Trung Quốc nhanh chóng ca ngợi đây là thành tựu phát triển kỳ diệu của Bắc Kinh trong lĩnh vực làm chủ công nghệ chế tạo tàu sân bay. Hàng loạt các trang báo lớn đều đưa tin, lễ bàn giao tàu Sơn Đông với hình ảnh của Chủ tịch Tập Cận Bình, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, các tướng lĩnh thuộc Bộ Tư lệnh miền Nam và nhiều quan chức cấp cao khác của chính phủ Trung Quốc. Điểm lại quá trình sản xuất, thử nghiệm tàu Sơn Đông trong hơn 7 năm qua. Trước đây có mật danh là Type 001A và hiện mang số hiệu CV17, do công ty đóng tàu công nghiệp Đại Liên bắt đầu chế tạo từ tháng 11/2013. Tàu Sơn Đông có thể chở theo 36 tiêm kích J-15, vượt xa tổng số chiến đấu cơ trên tàu Liêu Ninh (12 tiêm kích). Đây là một phiên bản nâng cấp của tàu sân bay lớp Kuznetsov, được trang bị các hệ thống radar tân tiến cùng sàn rộng trên boong cho các các tiêm kích cất – hạ cánh. Tháng trước, nhà chức trách Trung Quốc xác nhận, tàu Sơn Đông đã di chuyển qua eo biển Đài Loan trong các chuyến đi huấn luyện và thử nghiệm định kỳ. Theo giới chuyên gia Trung Quốc việc chính thức đưa vào biên chế hoạt động tàu Sơn Đông không chỉ giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể sức mạnh của lực lượng hải quân, mà còn đánh dấu việc nước này trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới ngoài Mỹ, Anh và Italia sở hữu 2 hàng không mẫu hạm trở lên. Bắc Kinh hiện đang cho đóng tàu sân bay thứ 3.

Giới quan sát khu vực cho rằng tàu Sơn Đông không có quá nhiều cải tiến bước ngoặt so với tàu Liêu Ninh, nó được dựa trên thiết kế lỗi thời nên có những điểm hạn chế cố hữu. Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn là Trung Quốc hoàn toàn tự lực đóng tàu này, dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục đóng mới thêm nhiều tàu sân bay nữa. Đây là bước tiến không nhỏ, một tín hiệu cho thấy tham vọng bành trướng hải quân của Trung Quốc. Bắc Kinh phát triển tàu sân bay trước hết, đó là tham vọng chiến lược của Trung Quốc không chỉ giới hạn ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông. Các tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với Trung Quốc vượt khỏi hai vùng biển này. Đơn cử như phần lớn hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tới châu Âu đều được vận chuyển qua Ấn Độ Dương và đây cũng là tuyến đường nhập khẩu nhiên liệu thiết yếu từ Trung Đông. Hệ quả là, để tránh bị phụ thuộc vào cung đường ở Biển Đông và Eo biển Malacca, Trung Quốc đang phát triển các hạ tầng xuất khẩu và nhập khẩu ở nhiều nước ven biển Ấn Độ Dương. Điều này cũng đồng nghĩa với phát triển năng lực hàng hải, các căn cứ cơ sở, mạng lưới hậu cần cần thiết để luôn giữ cho các hành lang này mở trong trường hợp xảy ra xung đột ở phía Đông Trung Quốc. Thứ hai, học thuyết hải quân Trung Quốc hiện nay hướng tới duy trì hiện diện tàu sân bay thường trực ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc sẽ có lợi ích lớn hơn trong những chiến dịch tác chiến kiểu này khi hướng quan tâm ưu tiên ra bên ngoài, nhất là tại những khu vực mà Bắc Kinh cho rằng Mỹ không hào hứng ngăn chặn Trung Quốc và trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách chứng tỏ trước các nước láng giềng rằng Bắc Kinh có thể cung cấp các lợi ích an ninh khu vực tương tự như vai trò của Mỹ hiện nay. Thứ ba, ở cấp độ tối thiểu, tàu sân bay Trung Quốc là biểu tượng danh tiếng quốc gia. Bắc Kinh có động cơ chính trị khi muốn người dân trong nước quen với ý niệm Đảng Cộng sản đang biến Trung Quốc thành siêu cường. Cuối cùng, Bắc Kinh cho rằng sức ép về chính trị và ngân sách có thể đẩy Mỹ vào thế ngày càng bị cô lập, tạo cơ hội để Trung Quốc nổi lên thành một cường quốc áp đảo ở Tây Thái Bình Dương mà không cần tốn một viên đạn. Lợi ích tàu sân bay đem lại cho Trung Quốc có lẽ được mô tả chuẩn xác nhất dưới góc độ là một nỗ lực để giữ các lựa chọn mở. Trung Quốc không thể toàn quyền quyết định đâu là mẫu cường quốc hải quân mà nước này sẽ hướng tới, có quá nhiều nhân tố nằm ngoài vòng kiểm soát của Bắc Kinh. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn sẵn sàng đẩy ảnh hưởng hải quân ra bên ngoài khi xuất hiện cánh cửa mở.

RELATED ARTICLES

Tin mới