Monday, December 30, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCơ chế tham vấn song phương Malaysia - TQ về Biển Đông...

Cơ chế tham vấn song phương Malaysia – TQ về Biển Đông sẽ đi tới đâu

Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, do những phức tạp đan xen, chồng chất của nó, khiến các nước có liên quan trong nhiều năm qua phải đau đầu tìm mọi biện pháp cả song phương và đa phương để giải quyết, nhằm hạn chế xung đột, duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực. Tuy nhiên, chưa giải pháp nào được tất cả các bên ưng ý, ngoại trừ triển vọng về một Bộ quy tắc ứng xử cho các bên ở Biển Đông (COC) đang được kỳ vọng. Vừa qua, Malaysia và Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông. Tương lai của cơ chế này không khác biệt so với các cơ chế song phương liên quan trước đó, nhưng nó đang làm dấy lên những nghi ngại liên quan đến vấn đề Biển Đông mà hai bên có yêu sách.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Malaysia tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông tại những khu vực biển và đáy biển trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của nước này. Khu vực này bao gồm một thềm lục địa mở rộng mà Việt Nam cũng gửi hồ sơ đăng ký chung với Malaysia lên Liên Hợp Quốc năm 2009. Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền đối với 12 đảo đá, rặng san hô và bãi cạn ở quần đảo Trường Sa và hiện đang chiếm đóng 5 thực thể ở đây. Malaysia đã thiết lập các tiền đồn ở 5 thực thể này và thường xuyên tiến hành hoạt động tuần tra, giám sát do các lực lượng vũ trang Malaysia và Cơ quan thực thi biển đảm nhiệm. Trong số 5 thực thể này có Đá Hoa Lau (Swallow Reef), nơi Hải quân Hoàng gia Malaysia duy trì sự hiện diện, đồng thời đã biến Đá này thành một đảo nhân tạo với một khu nghỉ dưỡng. Thậm chí, nước này còn dự tính đổi tên vùng biển của mình thành biển Raya Malaysia và không công nhận “đường chín khúc” do Trung Quốc tự vẽ ra.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Greg Poling – Giám đốc Tổ chức “Sáng kiến minh bạch biển châu Á”, Trung Quốc đã phản đối hầu hết yêu sách chủ quyền của Malaysia vì cho rằng nó thuộc phạm vi cái gọi là “đường chín khúc” mà Trung Quốc yêu sách.

Năm 1971, Malaysia cùng với Indonesia, Philippines, Thái Lan và Singapore đã ký Tuyên bố về khu vực hòa bình, tự do và trung lập (ZOPFAN) nhằm quyết tâm giữ khu vực Đông Nam Á trung lập, không chịu bất kỳ sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài dưới bất cứ hình thức nào, tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN.

Là nước có tới 24,6% dân số có nguồn gốc từ người Hoa, Malaysia có mối quan hệ thương mại rất bền chặt với Trung Quốc. Những năm gần đây, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, Bắc Kinh đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các cơ sở hạ tầng tại Malaysia. Năm 2019, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Lâu nay, quan hệ Malaysia – Trung Quốc nhìn chung là phát triển tốt đẹp. Trong vấn đề Biển Đông, cùng với Thái Lan, Malaysia theo đuổi cách tiếp cận an toàn. Tuy nhiên, gần đây Malaysia đã có bước “chuyển hướng” trong quan hệ với Trung Quốc. Cụ thể:

Tháng 8/2018, sau khi trở lại nắm quyền ở Malaysia, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã hủy bỏ ba dự án đường ống dẫn dầu và khí gas do Trung Quốc là chủ đầu tư; rà soát lại Dự án đường sắt Bờ Đông thuộc khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và con đường”. Đây có thể coi là “cú sốc” khiến Bắc Kinh không ngừng tác động để gần một năm sau đó, tức là vào tháng 7/2019, Malaysia nối lại dự án nhưng cắt giảm một phần ba chi phí.

Đầu tháng 9/2019, Thủ tướng Mahathir Mohamad đã công bố một “Khuôn khổ hướng dẫn” mới cho chính sách đối ngoại của Malaysia, nhấn mạnh, chính phủ nước này sẽ kiên định lập trường không liên kết với các cường quốc lớn, đồng thời tuyên bố các kế hoạch dẫn dắt quá trình thúc đẩy hợp tác ở thế giới Hồi giáo là một phần của “Khuôn khổ” này. Thủ tướng Mahathir cho rằng, không một nước nào được tiến hành các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời cần biến vùng biển này thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và hợp tác thương mại. Trong “Khuôn khổ” có đoạn viết: “Về cơ bản, Biển Đông là một vùng biển hợp tác, kết nối, xây dựng cộng đồng và không có xung đột hay đối đầu. Điều này phù hợp với tinh thần ZOPFAN. Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN”.

Trong khi đó, tình hình Biển Đông thời gian gần đây lại cho thấy, khu vực này vẫn có nhiều diễn biến rất phức tạp. Trung Quốc vẫn cho tàu khảo sát xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Theo chuyên gia Joseph Liow Chin Yong, thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam của Singapore, phản ứng của Trung Quốc đối với các yêu sách của Malaysia ở Biển Đông từ trước đến nay ít biến động hơn, nó không giống như phản ứng của Bắc Kinh đối với Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên, ông Joseph Liow Chin Yong lưu ý: “Tàu thuyền Trung Quốc đang tuần tra hướng về phía nam Biển Đông ngày càng nhiều hơn. Các tàu thuyền này dường như đã xuất hiện ngoài khơi bờ biển phía đông của Malaysia, thậm chí cả tập đoàn dầu khí quốc gia Malaysia Petronas cũng quan ngại về các hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc khi chúng xuất hiện gần khu vực các cơ sở khai thác dầu của họ ở ngoài khơi”.Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu khi trình bày về Sách trắng quốc phòng đầu tiên của nước này trước Quốc hội Malaysia hôm 02/12/2019 đã cho biết, các “tàu chính phủ” của một cường quốc (ám chỉ Trung Quốc) đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Malaysia tại vùng biển phía đông bang Sabah và Sarawak. Lực lượng chức năng Malaysia cũng đã nhiều lần “chạm mặt” tàu Hải cảnh Trung Quốc tuần tra và neo đậu trong vùng biển thuộc chủ quyền nước này theo luật quốc tế.

Trở lại bước “chuyển hướng” mới trong quan hệ Malaysia – Trung Quốc, cùng với quyết định nêu trên của Thủ tướng Malaysia, ngày 12/09/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia thăm Trung Quốc, sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mahathir Mohamad gần hai tuần. Trong chuyến thăm này, Trung Quốc đã đề xuất và được Malaysia nhất trí về việc thiết lập cơ chế đối thoại song phương, tuyên bố lập “một nền tảng mới cho đối thoại và hợp tác” về những vấn đề biển, do Bộ Ngoại giao của hai nước chủ trì. Tuy nhiên, các nguồn thạo tin về cuộc gặp giữa hai ngoại trưởng khẳng định, cơ chế song phương này không phải là nền tảng thảo luận về những yêu sách ở Biển Đông. Các nguồn tin này còn cho biết: “Malaysia kiên định với lập trường rằng, cách duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông là thông qua ASEAN”.

Việc Malaysia thiết lập cơ chế tham vấn song phương với Trung Quốc về Biển Đông có thể coi là một bước “chuyển hướng” mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, từ đây có hai câu hỏi đặt ra là:

Thứ nhất, cơ chế tham vấn song phương Malaysia – Trung Quốc sẽ đi tới đâu?

Giới chuyên gia nhận định, cơ chế này khó có thể tạo ra bất kỳ bước đột phá nào tiến tới giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng nó phản ánh biện pháp mà Trung Quốc ưa dùng là đối thoại song phương. Năm 2016, Bắc Kinh đã ký với Manila cơ chế đối thoại song phương sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền. Cho đến nay, cơ chế này vẫn dừng lại ở nhận thức chính trị vốn có lợi đối với lãnh đạo của cả hai bên, trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn, khó thỏa hiệp hay nhượng bộ các tuyên bố chủ quyền của họ so với thời điểm mà Tổng thống Duterte mới lên nắm quyền. Ông GregPoling lập luận: “Điều này cũng có thể xảy ra tương tự đối với trường hợp của Malaysia trong bối cảnh tàu thuyền của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có hành động đe dọa các hoạt động khai thác dầu mỏ của Malaysia”.

Nhìn chung, cơ chế tham vấn song phương Malaysia – Trung Quốc về hàng hải sẽ khó có tiến triển. Malaysia khẳng định cơ chế trên không phải là nền tảng để thảo luận về các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông, không trở thành các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông. Do vậy, cơ chế này chỉ là một diễn đàn để hai bên thảo luận, nó sẽ không đưa lại kết quả thực chất nào. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia hiểu rõ rằng, giờ đây nước này đang có nhiều “đòn bẩy” hơn đối với Trung Quốc và đàm phán song phương chỉ khiến Malaysia rơi vào thế bất lợi mà thôi. Vì vậy, Malaysia vẫn nhất quán quan điểm thông qua ASEAN mới là con đường duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông. Cơ chế này không nên bị đánh đồng thành các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông. Bản thân Ngoại trưởng Trung Quốc cũng khẳng định trong cuộc họp báo với người đồng cấp Malaysia rằng, Trung Quốc cùng các nước ven Biển Đông cam kết tiếp tục xử lý thỏa đáng vấn đề Biển Đông!

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, cơ chế tham vấn song phương với Malaysia là “một cơ chế tham vấn về các vấn đề hàng hải, một cấu trúc mới để đối thoại và hợp tác cho cả hai bên”. Cơ chế này có hai mục tiêu chính: giải quyết tranh chấp, giải quyết các vấn đề chủ quyền; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như đánh bắt cá và an ninh. Nếu cơ chế này vận hành tốt, nó có thể giúp Trung Quốc giải quyết nhiều vấn đề với các nước khác trong khu vực. Như vậy, có thể nói, khi các cơ chế tham vấn song phương giữa Trung Quốc với Philippines, Brunei đều chưa có kết quả, thì cơ chế đối thoại về Biển Đông giữa Trung Quốc với Malaysia cũng khó đạt được một tiến bộ nào.

Thứ hai, cơ chế này sẽ có tác động gì tới khu vực.

Tuy cơ chế tham vấn song phương với Malaysia không giải quyết được vấn đề tranh chấp (do Bắc Kinh không thực tâm), nhưng Trung Quốc vẫn lập cơ chế này nhằm hai mục tiêu:

Một là, Trung Quốc muốn chứng tỏ thành công bước đầu và sẽ kiên trì áp dụng chiến thuật “chia để trị” với các nước láng giềng nhỏ hơn, cụ thể là các nước ASEAN có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn luôn muốn tranh chấp ở Biển Đông chỉ có thể được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận song phương riêng biệt giữa họ và từng bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2016, Trung Quốc đã cùng Philippines thiết lập cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông, bàn thảo khai thác chung. Riêng về vấn đề khai thác chung, nhiều chuyên gia nhận định: “Nếu mô hình hợp tác khai thác chung dầu khí giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông thành công thì Trung Quốc có thể gây sức ép đối với các quốc gia khác như Việt Nam hay Malaysia chấp nhận mô hình tương tự. Nếu trường hợp đó xảy ra thì Trung Quốc có thể áp đặt một số quy tắc hợp tác khai thác chung lên các quốc gia trong khu vực theo ý đồ của mình”. Tiếp đó, Bắc Kinh lôi kéo Brunei và nay cùng Malaysia lập cơ chế tham vấn song phương về các vấn đề hàng hải. Như vậy, trong số các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc đã cam kết đàm phán song phương với 3 nước. Chiến thuật ưu tiên đàm phán với từng nước riêng rẽ, để khi các nước nhóm họp, sẽ không cần thảo luận mà chỉ cần thừa nhận những gì Bắc Kinh đã đặt trên bàn đàm phán sẽ được Trung Quốc tiếp tục sử dụng.

Hai là, sự kiện này tiếp tục chia rẽ và làm suy yếu ASEAN. Có thể thấy, chưa bao giờ quan điểm về vấn đề Biển Đông trong nội bộ ASEAN lại lỏng lẻo như bây giờ và đây sẽ là điểm có lợi cho Trung Quốc. Hầu như các nước ASEAN bị Trung Quốc thuyết phục rằng, Biển Đông chỉ là công việc giữa Bắc Kinh với các nước có đòi hỏi chủ quyền, các nước khác không cần can thiệp. Việc Trung Quốc “lôi kéo” được Malaysia thiết lập cơ chế đàm phán song phương về Biển Đông có thể làm cho ASEAN thêm nao núng. Một số thành viên ASEAN đang đối mặt với những bất ổn chính trị và thách thức về kinh tế ở những mức độ khác nhau khiến họ không có quan điểm độc lập về vấn đề Biển Đông. Chưa kể giữa một số nước ASEAN tồn tại một số vấn đề lịch sử, sự yếu kém, vay nợ và lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, khiến họ không thể công khai thể hiện quan điểm hoặc bị chi phối trong phần lớn các vấn đề liên quan. Trong khi đó, quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã trở thành “trò chơi” có người thắng kẻ thua. Đối với Trung Quốc, Biển Đông và khu vực đã trở thành vấn đề địa – chính trị không thể thương lượng. Trung Quốc công khai tỏ thái độ “khó chịu” khi có nước không ủng hộ hoặc trung lập trong vấn đề Biển Đông, trong khi các quốc gia có yêu sách chủ quyền lẽ ra cần đoàn kết, thống nhất hành động, thì nay 3 nước đã lần lượt lập cơ chế tham vấn song phương với Trung Quốc.

Việc Malaysia lập cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông diễn ra trong bối cảnh từ đầu tháng 7/2019, Trung Quốc liên tục xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính. Với việc không chấp nhận “gác tranh chấp, cùng khai thác” tại những vùng biển không thực sự có tranh chấp với Bắc Kinh, Việt Nam sẽ còn phải đối phó lâu dài, thường xuyên với việc xâm phạm chủ quyền, thậm chí phải chịu đựng sự khiêu khích ở mức cao hơn, tần suất lớn hơn. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải kiên quyết, kiên trì, không nản chí, lơ là mất cảnh giác, không mắc mưu các “chiêu trò” của Bắc Kinh, đồng thời tích cực chủ động xây dựng các phương án phù hợp để chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của đất nước.

RELATED ARTICLES

Tin mới