Friday, May 3, 2024
Trang chủGóc nhìn mới22 năm sau khi Hồng Kông được trao lại cho chính quyền...

22 năm sau khi Hồng Kông được trao lại cho chính quyền TQ

22 năm sau khi Hồng Kông được trao lại cho chính quyền Trung Quốc, năm 2019 là năm mà Cộng hòa nhân dân Trung Hoa rũ bỏ mọi sự giả vờ trong việc tôn trọng Tuyên bố chung Trung-Anh về Hồng Kông.

 

Vào ngày 19/12/1984, Thủ tướng Trung Quốc, ông Triệu Tử Dương và Thủ tướng Anh, bà Margaret Thatcher đã ký Tuyên bố chung Trung-Anh. Dưới thỏa thuận “Một quốc gia, hai chế độ”, hiệp ước bảo đảm rằng Hồng Kông sẽ đạt được sự tự trị cao trong 50 năm sau khi được bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997.

5 năm sau khi ký Tuyên bố chung, Triệu Tử Dương, một người ủng hộ dân chủ, đã bị tước bỏ mọi cấp bậc và vai trò của ông trong chính quyền Trung Quốc. Sự ủng hộ của ông đối với những người biểu tình dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn đã dẫn đến việc ông bị quản thúc tại gia, nơi ông ở cho đến khi qua đời vào năm 2005.

Vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989 khiến 10.000 người chết ở Bắc Kinh, và việc tống giam ông Triệu cho thấy chính quyền Trung Quốc không có ý định cải tổ Trung Quốc thành một xã hội dân chủ hoặc cho phép một Hồng Kông thịnh vượng được tự do. Và đến năm 2019, thế giới mới chú ý đến Hồng Kông, sau khi hàng triệu người xuống đường biểu tình phản đối dự luật dẫn độ.

Dự luật dẫn độ Hồng Kông

Dự luật dẫn độ được Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đưa ra vào ngày 29/3. Dự luật này nếu được thông qua sẽ cho phép Bắc Kinh dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục, nơi có hơn 99% các phiên tòa kết thúc trong các bản án. Theo tờ Breitbart, những người bị tống vào nhà tù ở Trung Quốc thường xuyên phải đối mặt với tra tấn, hãm hiếp, mổ cướp nội tạng và hành quyết. Dự luật được đưa ra sau khi một công dân Hồng Kông, Tong-Kai Chan, thú nhận đã sát hại bạn gái đang mang thai ở Đài Loan, trước khi trốn sang Hồng Kông.

 Các nhà phê bình cho rằng dự luật dẫn độ sẽ được chính quyền Trung Quốc sử dụng để bịt miệng kẻ thù chính trị ở Hồng Kông, khiến họ bị giam cầm ở đại lục với những tội danh không đủ bằng chứng. “Những thay đổi được đề xuất trong dự luật dẫn độ sẽ khiến bất cứ ai ở Hồng Kông làm những việc liên quan đến đại lục sẽ không an toàn, kể cả các nhà hoạt động, luật sư nhân quyền, nhà báo và nhân viên xã hội”, Sophie Richardson thuộc Tổ chức quan sát nhân quyền cho biết.

Cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ngày 16/6 ở Hồng Kông (ảnh: 蘋果攝記 @ApplePhotographers / Facebook).

Không có hiệp ước dẫn độ nào giữa Hồng Kông và Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung-Anh, vì Hồng Kông được hứa độc lập tư pháp cho đến năm 2047 theo các điều khoản của thỏa thuận “Một quốc gia, hai chế độ”. Nếu được thông qua, dự luật sẽ chấm dứt quyền tự chủ tư pháp ở Hồng Kông, loại bỏ hệ thống pháp luật vốn dựa trên luật chung của Anh trong nhiều thập niên.

Đáp lại dự luật, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường biểu tình. Phong trào phản kháng dân chủ đã thành công trong việc buộc chính phủ bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga rút dự luật dẫn độ vào tháng 9. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các cuộc biểu tình đã chuyển thành một phong trào rộng lớn hơn, đòi hỏi nhiều quyền dân chủ hơn dưới khẩu hiệu “Năm yêu cầu, không thiếu một”.

Sự tàn bạo của cảnh sát 

Sự tàn bạo của cảnh sát trong việc chống lại người biểu tình ở Hồng Kông là một trong những nguyên nhân gia tăng và thúc đẩy phong trào biểu tình. Theo tờ Breitbart, cảnh sát sử dụng nhiều hơi cay đến nỗi gần 88% của 7,4 triệu cư dân Hồng Kông đã tiếp xúc với chất này. Cảnh sát cũng sử dụng đạn cao su và đạn thật bắn trực tiếp vào người biểu tình, một cậu bé 14 tuổi đã trúng đạn vào tháng 10. Có nhiều báo cáo về các vụ tấn công tình dục từ cảnh sát.

Một phụ nữ bị mất một mắt sau khi trúng đạn của cảnh sát nói rằng cảnh sát đang cố tình lên kế hoạch “giết người, làm bị thương và tấn công công dân của chính họ”.

 “Là nạn nhân đầu tiên của sự tàn bạo của cảnh sát, tôi buộc phải lên án Lực lượng cảnh sát Hồng Kông, tôi kêu gọi họ chấm dứt mọi hành vi bạo lực đối với công dân Hồng Kông và tôn trọng trách nhiệm nghề nghiệp của họ trong việc thực thi luật pháp”, cô ấy nói.

“Họ – những người bị cảnh sát bắt – đang bị hãm hiếp hàng loạt. Khi một người bị bắt, cảnh sát sẽ thì thầm vào tai họ: ‘Sẽ thực sự thú vị nếu chúng tao quấy rối tình dục mày’. Cảnh sát thực sự đã nói điều đó với những chàng trai trẻ bị bắt. Các vị có thể tưởng tượng đó là loại cảnh sát nào không? Tôi không nói quá khi tôi nói rằng chúng đang đối xử với người Hồng Kông tồi tệ hơn bọn Đức quốc xã”, một phụ nữ Hồng Kông lớn tuổi nói với Breitbart London vào tháng 11.

Nhiều cảnh sát cùng lúc trấn áp một người biểu tình (ảnh: Getty Images).

Lực lượng cảnh sát Hồng Kông (HKPF), trước đây là Lực lượng cảnh sát Hoàng gia Hồng Kông, được thành lập năm 1844 bởi chính phủ Hồng Kông thuộc Anh. Năm 1997, cảnh sát ở Hồng Kông đã gỡ bỏ các huy hiệu của Cảnh sát Hoàng gia Hồng Kông, trong đó có biểu tượng các thuyền buôn của Anh ở cảng Victoria, thay thế chúng bằng các huy hiệu mô tả đường chân trời Hồng Kông và chữ Trung Quốc. Mặc dù HKPF đã ngừng tuyển dụng các sĩ quan nước ngoài vào năm 1994, một số sĩ quan chủ chốt của Anh vẫn nằm trong nhóm cảnh sát hàng đầu, bao gồm Chánh tổng giám đốc Rupert Dover, Giám đốc cấp cao David Jordan và Tổng giám đốc Justin Shave.

Ba người này đã bị bà Helen Goodman, quan chức cao cấp phụ trách đối ngoại và các vấn đề của khối thịnh vượng chung của đảng đối lập Anh khiển trách, nói rằng chính phủ Anh nên giơ Tuyên bố Trung – Anh vào mặt họ vì vai trò của họ trong việc ra lệnh sử dụng hơi cay và đạn cao su chống lại những người biểu tình ôn hòa.

Chánh tổng giám đốc Rupert Dover đã phải đối mặt với nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, Hoàng Chi Phong trên đường phố vào tháng 7, ngay sau khi Phong ra tù vì vai trò của anh trong phong trào biểu tình ô dù năm 2014. “Hỡi Rupert Dover, ông là người Anh, và ông đang phục vụ cho lợi ích của Bắc Kinh!”, Phong hét lớn với Dover.

 Nói chuyện với Breitbart London vào tháng 11, một cựu thành viên của cảnh sát Hồng Kông đã lên án bạo lực do các sĩ quan gây ra: “Những điều này trái với những gì tôi được đào tạo và những giá trị phương tây của tôi. Tôi sẽ không bao giờ sử dụng dùi cui hoặc hơi cay theo cách như vậy, và khi mà mọi người dễ bị tổn thương, khi họ bị bắt, chúng ta không nên tra tấn họ. Sự thoải mái và an toàn của họ mới thực sự là nhiệm vụ của chúng ta”.

Bắt cóc và tra tấn cựu nhân viên lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, Simon Cheng

Vào tháng 11, Breitbart London đã báo cáo rằng một cựu nhân viên của Lãnh sự quán Anh tại Hồng Kông, Simon Cheng, tuyên bố rằng anh ta đã bị tra tấn sau khi bị bắt cóc tại ga tàu cao tốc Tây Cửu Long ở Hồng Kông và bị đưa đến Trung Quốc đại lục.

Cheng nói rằng anh đã bị chính quyền Trung Quốc giam giữ vì nghi ngờ làm gián điệp cho chính phủ Anh và làm việc để thúc đẩy các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Anh nói rằng những kẻ bắt giữ anh đã hỏi anh ba câu hỏi: “Vai trò của Vương quốc Anh trong phong trào phản kháng tại Hồng Kông, vai trò của tôi trong cuộc phản kháng, và mối quan hệ của tôi với những người đại lục tham gia cuộc phản kháng”.

“Tôi bị bịt mắt và trùm đầu trong suốt quá trình tra tấn và thẩm vấn, tôi đổ mồ hôi rất nhiều, và cảm thấy kiệt sức, choáng váng và nghẹt thở”, Cheng nói về thời gian anh bị giam giữ.

Simon Cheng (hình: Facebook).

Ngoại trưởng Anh, Dominic Raab sau khi xem những tiết lộ đáng sợ của Cheng về cách anh bị đối xử ở nhà tù Trung Quốc đã lên án gay gắt: “Chúng tôi phẫn nộ vì sự ngược đãi ô nhục mà ông Cheng phải đối mặt khi bị giam giữ ở Trung Quốc đại lục… và chúng tôi yêu cầu chính quyền Trung Quốc xem xét và buộc tội những kẻ có trách nhiệm”.

Vụ bắt cóc Simon Cheng đã xác nhận điều mà nhiều nhà phê bình lo ngại sẽ xảy ra nếu dự luật dẫn độ được thông qua, chứng tỏ chính quyền Trung Quốc không sẵn sàng tôn trọng luật pháp hay Tuyên bố chung Trung-Anh.

Hồng Kông sẽ không bao giờ phải bước một mình

Trước khi bàn giao Hồng Kông, trong một bài phát biểu vào năm 1996, Thủ tướng Anh khi đó là ông John Major đã nói: “Nếu có bất kỳ đề nghị nào vi phạm Tuyên bố chung, chúng tôi sẽ có nghĩa vụ theo đuổi mọi con đường pháp lý và con đường khác mà chúng tôi có”.

“Hồng Kông sẽ không bao giờ phải bước đi một mình”, thủ tướng Major hứa.

Người sáng lập của Hong Kong Watch, Benedict Rogers, nói với Breitbart London rằng vì lịch sử của nó, Vương quốc Anh có trách nhiệm đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến giành tự do ở Hồng Kông.

Ông Rogers cho rằng nếu các quốc gia có cùng chí hướng thực sự sát cánh với nhau, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu, các nền dân chủ khác… và nếu chúng ta có thể thành lập một liên minh các quốc gia có cùng chí hướng để cùng hành động, điều đó có thể tạo ra đủ áp lực cho cải cách chính trị.

“Chúng ta không thể biết, trừ khi chúng ta cố gắng. Nếu chúng ta chỉ nói suông thì Hồng Kông đã kết thúc. Chúng ta phải chiến đấu vì nó”, ông kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới