Wednesday, November 20, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBáo chí Úc quan ngại Hệ thống Tín dụng Xã hội TQ...

Báo chí Úc quan ngại Hệ thống Tín dụng Xã hội TQ mang tính ‘độc tài toàn trị’

Báo ABC của Úc quan ngại việc Bắc Kinh đang tích lũy một lượng lớn dữ liệu cá nhân và doanh nghiệp trong kế hoạch đầy tham vọng, xây dựng Hệ thống Tín dụng Xã hội quốc gia được ấn định áp dụng đầy đủ vào năm 2020.

 

Hệ thống điều khiển dữ liệu, vốn bị lên án rộng rãi là “Orwellian” [có nghĩa là độc tài toàn trị], và thường được so sánh với tập phim ‘Black Mirror’ [Tạm dịch: Tấm gương đen], được thiết kế để giám sát và đánh giá hành vi cá nhân và doanh nghiệp, bằng cách thưởng cho đối tượng ‘đáng tin cậy” và trừng phạt ‘những kẻ bất phục tùng’.

Tuy nhiên các nhà phân tích nói rằng năm 2020 “không phải là thời điểm” để hệ thống này được thực hiện đầy đủ ở Trung Quốc. Đúng hơn, nó chỉ là sự kết thúc giai đoạn lập kế hoạch ban đầu, và Trung Quốc sẽ đưa ra một loạt chính sách mới trong năm 2020 này cho một “kế hoạch tín dụng xã hội 5 năm mới”.

Hãng tin ABC cho hay kể từ khi công bố kế hoạch chi tiết của Hệ thống Tín dụng Xã hội (Hệ thống SCS) trong năm 2014, các thành phố và tỉnh được chính quyền Trung Quốc chỉ định, đã thử nghiệm các phiên bản hệ thống của riêng họ. Hậu quả là hàng triệu cá nhân có điểm số thấp, đã bị cấm chi tiêu xa xỉ, bao gồm du lịch hàng không và lên tàu cao tốc.

Trong một trong những diễn biến mới nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất, Bắc Kinh đã công bố một hệ thống xếp hạng doanh nghiệp quốc gia tháng 9/2019, ảnh hưởng đến 33 triệu công ty Trung Quốc.

 Nhưng cho đến nay vẫn chưa có hệ thống tính điểm quốc gia cho các cá nhân.

 

Mặc dù người dân đã biết nhiều về nội dung của hệ thống SCS sau một loạt các diễn biến mới trong năm 2019, vẫn còn chưa rõ ràng xung quanh việc hệ thống sẽ hoạt động chính xác như thế nào, điều này tạo ra những suy đoán và hiểu lầm.

Tại sao người dân Trung Quốc quan ngại về hệ thống SCS?

Theo hãng tin ABC, trước khi trả lời câu hỏi này, điều quan trọng là phải hiểu cách thức hệ thống SCS hoạt động như thế nào?

Công ty ‘Trivium China’, một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, đã giải thích trong một báo cáo được công bố gần đây về chủ đề này, rằng hệ thống SCS được tạo thành từ 3 hợp phần liên kết với nhau, bao gồm: (i) Cơ sở dữ liệu chính, (ii) Hệ thống danh sách đen, (iii) Cơ chế trừng phạt và khen thưởng.

Cũng theo báo cáo này, chính quyền tỉnh và thành phố, các cơ quan nhà nước và Ngân hàng trung ương của Trung Quốc, đã chuyển dữ liệu của họ vào một “Cơ sở dữ liệu chính”, được gọi là Nền tảng Chia sẻ Thông tin Tín dụng Quốc gia (NCISP).

 

Chính quyền địa phương Trung Quốc sử dụng hệ thống tín dụng xã hội để nhắm mục tiêu các hành vi sai trái khác nhau bao gồm cả người đi bộ. (Ảnh: Thomas Peter)

Phát biểu với hãng tin ABC, bà Kendra Schaefer, người đứng đầu nghiên cứu kỹ thuật số tại công ty Trivium, cho rằng các cơ quan khác nhau đã thực hiện các cấp độ khác nhau, để kết nối các bộ dữ liệu của họ vào cơ sở dữ liệu chính.

Bà Schaefer cho biết bà dự kiến sẽ thấy một số lượng lớn hơn các cơ quan “kết nối sâu hơn” trong năm 2020. Tuy nhiên, bà không “chắc chắn, rằng tất cả các cơ quan sẽ hoàn toàn được kết nối và cung cấp dữ liệu vào cuối năm nay. Có vẻ như đó là một bước tiến lớn thực sự”.

Trong những năm gần đây, các cơ quan chính phủ cũng đã phát triển danh sách đen và danh sách đỏ (tương ứng với hành vi xấu và tốt) của riêng mình. Họ có quyền đưa các cá nhân và doanh nghiệp vào danh sách đen, thuộc thẩm quyền của mình.

Năm 2016, hàng chục cơ quan chính phủ Trung Quốc đã ký thỏa thuận, tạo ra một loạt danh sách đen quốc gia, được gọi là ‘Hệ thống Trừng phạt Chung’. Điều này có nghĩa là các cá nhân và công ty không tuân thủ luật pháp trong một lĩnh vực nào đó, cũng phải đối mặt với các hạn chế trong các khía cạnh khác của cuộc sống hoặc hoạt động của họ.

Là một nhà nghiên cứu luật Trung Quốc tại Đại học Leiden, Hà Lan, ông Rogier Creemers đã lưu ý trong một bài báo nghiên cứu xuất bản năm ngoái, rằng nguyên tắc đằng sau các hình phạt, lại là cách “xử phạt không cân xứng”, như được tóm tắt trong một bài báo của chính phủ. Đó là: “nếu sự tín nhiệm bị phá vỡ ở một khía cạnh, thì những hạn chế sẽ được áp đặt ở mọi khía cạnh”.

 

Điều này có nghĩa là một người vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm sẽ không chỉ bị đưa vào danh sách đen và bị trừng phạt bởi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, mà các cơ quan khác cũng sẽ có hành động chống lại người đó”.

‘Bị cấm đi máy bay và giới hạn chi tiêu’ nếu nằm trong danh sách đen

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng ABC vào năm ngoái, ông Jeremy Daum, người quản lý trang web ‘China Law Translate’ [‘Dịch Luật Trung Quốc’], nói rằng danh sách đen cho những người vi phạm phán quyết của tòa án, “hầu hết thường lẫn lộn với toàn bộ hệ thống tín dụng xã hội”.

Ông Daum cho hay người dân sẽ bị đưa vào danh sách đen khi họ không thực hiện phán quyết tòa án, ví dụ như không trả số tiền [bồi thường thiệt hại] theo quyết định của tòa án.

“Nó có những hậu quả thực sự rộng lớn, bao gồm cấm lên máy bay, cấm đi trên những chuyến tàu tốt nhất, và một số điều tôi thực sự không quan tâm, như con bạn không thể đến trường tư”, ông Daum nhận định.

“Tất cả những cái này được gọi là giới hạn trần về chi tiêu hoặc tiêu thụ. Ở Trung Quốc, ý tưởng là hầu hết các quyết định này [của tòa án] sẽ bằng tiền, và bạn không được phép tiêu nhiều tiền nếu như bạn chưa trả hết số tiền phải trả theo quyết định của tòa án. Tiền của bạn phải được sử dụng để khắc phục vấn đề đó”, ông Daum giải thích.

Một đặc điểm gây tranh cãi khác của hệ thống ghi vào danh sách đen, là việc nêu tên và bêu xấu những cá nhân không đáng tin cậy.

Một đám đông người dân Trung Quốc đang chờ để vào một bệnh viện. (Ảnh: Reuters)

Theo hãng tin ABC, danh sách đen có thể dễ dàng tìm kiếm trên phần công bố công khai của NCISP, được gọi là ‘Credit China’ [Tín dụng Trung Quốc]. Trang web này hiển thị tên đầy đủ của các cá nhân mất tín nhiệm, và số nhận dạng cá nhân của họ.

Bà Maya Wang, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói với hãng truyền hình ‘CTV News’ [Canada] năm ngoái rằng: “Ngay cả khi danh sách đen chỉ được sử dụng để thi hành lệnh của tòa án, chúng vẫn có thể được sử dụng để vi phạm các quyền con người, bởi vì các tòa án Trung Quốc thường đưa ra quyết định độc đoán”.

Ông Li Jinglin, một luật sư tại công ty luật Xin Kiều ở Bắc Kinh, đã nói với hãng ABC trước đây rằng các hệ thống tín dụng xã hội thí điểm cũng đã được sử dụng để nhắm vào những người đe dọa đến sự cai trị của Đảng Cộng sản hoặc “sự ổn định xã hội” – những người bất đồng chính kiến và khiếu nại chính quyền, cũng như gia đình của họ.

1,4 tỷ người dân Trung Quốc sẽ bị phân loại trên toàn quốc?

Theo hãng ABC, chính phủ trung ương Trung Quốc lưu giữ hồ sơ tín dụng xã hội của tất cả người dân, nhưng họ chưa xử lý số liệu đó thành điểm số quốc gia, và Bắc Kinh cũng chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào để làm điều đó.

Tuy nhiên, một số “thành phố được chỉ định” đang thí điểm các hệ thống tính điểm của riêng họ, bằng cách sử dụng số liệu từ ‘cơ sở dữ liệu tín dụng xã hội trung tâm’, nhưng thang điểm thay đổi tùy theo địa bàn. Cho đến nay, vẫn chưa rõ liệu cuối cùng tất cả các thành phố sẽ có một hệ thống tính điểm chung hay không?.

Trên trang web ‘China Law Translate’ của mình, ông Daum viết: “Chính quyền trung ương đã chỉ định một số khu vực làm thí điểm, khuyến khích họ đổi mới trong khuôn khổ chung, được quy định trong các văn bản pháp luật quốc gia. Trong phạm vi được kiểm soát tương đối này, chính quyền địa phương có thể xác định các thực tiễn thành công hoặc các khu vực có vấn đề, có thể được nhân rộng sang các khu vực khác”.

Ví dụ như, vào tháng 7/2019, thành phố Nam Kinh, phía đông Trung Quốc, thông báo việc đi bộ băng ngang đường bất chấp luật lệ giao thông, sẽ được đưa vào hệ thống tín dụng xã hội cá nhân của người dân.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, cảnh sát cho hay những người đi bộ phạm luật 5 lần trong 1 năm khi băng ngang đường, sẽ bị đưa vào nhóm cá nhân mất uy tín. Tuy nhiên, giới truyền thông cũng cho rằng “quản lý công cộng phải ưu tiên giải quyết vấn đề tận gốc, hơn là trừng phạt nghiêm khắc”.

Công ty Trivium cũng đưa ra một ví dụ khác về thành phố Hạ Môn (Xiamen), tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc, lại áp dụng hệ thống tính điểm dựa trên dữ liệu NCISP, trong đó công bố điểm số theo thang điểm 0 – 1.000 cho công dân đăng ký trên ứng dụng (app) tín dụng xã hội. Người dân có thể tra cứu điểm số của mình và truy cập các đặc quyền trên Ứng dụng Điểm Hạ Môn Egret (App), cung cấp các khoản thưởng bao gồm miễn phí đặt cọc khi thuê xe đạp thành phố, và giảm phí đỗ xe.

Trong khi rất nhiều người và truyền thông bị ám ảnh bởi các hệ thống chấm điểm, ông Daum lại biện hộ rằng chúng phần lớn mang tính giáo dục.

Ông Daum nói trong khi Thượng Hải có một hệ thống tính điểm và người dùng có thể thấy điểm số của họ bằng cách đăng nhập vào ứng dụng ‘Honest Shanghai’ [Chân thật Thượng Hải], không nhiều người biết về nó vì nó “không có ý nghĩa” đối với họ.

Thật vậy, một số cư dân Thượng Hải được ABC phỏng vấn, nói rằng họ chưa hề nghe về ứng dụng này, mặc dù nó đã được giới thiệu vào năm 2016.

Anh Zhongping Huang, một cư dân Thượng Hải ở độ tuổi 30, nói với hãng tin ABC rằng ở Trung Quốc “không có quyền riêng tư nào cả” vì tất cả dữ liệu đều bị “nhà nước nắm giữ, và có thể được truy vấn vào bất cứ lúc nào”.

“[Ở phương Tây], mọi người rất coi trọng quyền riêng tư và nhân quyền, trong khi chúng tôi về cơ bản sống trần trụi. Là một quốc gia độc đảng, chúng tôi chỉ chú ý đến bề ngoài của các khuôn khổ phát triển, nhưng lại bỏ qua và thiếu tôn trọng đối với nhu cầu cao hơn về quyền con người và quyền riêng tư”, anh Huang nhận xét.

Hệ thống Tín dụng Xã hội mang tính ‘Độc tài toàn trị’?

Việc sử dụng thu thập và phân tích dữ liệu lớn, kết hợp với việc sử dụng công nghệ giám sát ngày càng tăng trên khắp Trung Quốc, đã làm nảy sinh những lo ngại xung quanh việc xói mòn quyền riêng tư, và vi phạm nhân quyền.

Phát biểu với hãng tin ABC, bà Delia Lin, một giảng viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Châu Á của Đại học Melbourne, tin rằng tham vọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, là tạo ra “một xã hội hoàn toàn thông thấu”.

“[Nó được gọi là] quản trị xã hội thông thấu, điều đó có nghĩa là mọi người đều trông trần trụi; tất cả dữ liệu của bạn được hiển thị, không có sự riêng tư nào cả”, bà Delia giải thích.

Theo bà Delia, “[Chính phủ Trung Quốc] cho rằng rằng người dân và các công ty không thể tin tưởng được, [và] cách duy nhất để quản lý hành vi của họ là có sự giám sát mạnh mẽ này, và hệ thống thưởng và trừng phạt rất nghiêm ngặt để đưa họ vào ‘vị trí’, giám sát hành vi của họ và đảm bảo họ cư xử theo cách mà chính phủ muốn họ làm”.

Bà Samantha Hoffman, một nhà phân tích tại Viện Chính sách chiến lược Úc, nói với hãng ABC rằng trong khi nhiều nơi thu thập dữ liệu cho nhiều mục đích khác nhau, sự khác biệt là ý định của ĐCSTQ.

“Tín dụng Xã hội là một phần của trạng thái giám sát có qui mô rất lớn. Việc đánh giá Tín dụng Xã hội là ‘Orwellian’ [độc tài toàn trị], tôi nghĩ là ổn, bởi vì cuối cùng nó là như vậy; Tín dụng xã hội cũng là thứ để giải quyết vấn đề, nhưng nó có nghĩa là giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ giải pháp cuối cùng, là sự duy trì và mở rộng quyền lực của đảng”.

Một nhóm các camera giám sát được lắp trên cột, có khả năng nhận dạng khuôn mặt. (Ảnh: Dahua Technologies)

Hệ thống SCS không chỉ là một nguyên nhân gây lo ngại cho các cá nhân. Vào tháng 8/2019, Phòng Thương mại Châu Âu tại Trung Quốc đã công bố một báo cáo, cảnh báo các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc, phải chuẩn bị trước việc Trung Quốc sẽ triển khai nó trong năm 2020.

Báo cáo nêu rõ hành vi của các công ty sẽ liên tục bị theo dõi, với điểm số được điều chỉnh tương ứng, và các doanh nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như bị trừng phạt hoặc thậm chí là vào bị đưa vào danh sách đen, nếu họ không tuân thủ.

Bắc Kinh sẽ làm gì trong năm 2020?

Cho rằng ngoài một loạt các chính sách tín dụng xã hội sắp tới, bà Schaefer cũng trông đợi việc ban hành luật Hệ thống Tín dụng Xã hội.

Là người đứng đầu dự án Theo dõi Hệ thống tín dụng xã hội của công ty Trivium, bà Schaefer chia sẻ: “Cách, mà chúng tôi đã khái niệm hóa nó, trong khoảng thời gian 6 năm đầu tiên này, là nhằm thiết lập nền tảng pháp lý cho Tín dụng Xã hội; [Năm nay], việc phát hành quan trọng mà chúng tôi trông đợi, là một luật Tín dụng Xã hội cơ bản, toàn diện”.

Tuy nhiên, ông Daum lại cho rằng việc áp dụng luật Tín dụng xã hội quốc gia có thể còn mất nhiều năm nữa, vì nó vẫn đang được nghiên cứu, và một dự thảo vẫn chưa được công bố.

Nhưng ông Daum cho hay 4 chính quyền cấp tỉnh, bao gồm: Thượng Hải, Chiết Giang, Hà Bắc và Hồ Bắc, đã ban hành các quy định riêng của họ, và luật quốc gia có thể có những quy định tương tự như của Thượng Hải, bao gồm những thông tin nào có thể được thu thập; những gì được coi là hành vi không đáng tin cậy; các biện pháp trừng phạt; và những gì mọi người có thể làm để phản đối những thông tin không chính xác.

Bắc Kinh có thể chậm thi hành hệ thống SCS?

Hệ thống SCS là một công việc đầy tham vọng, đang được triển khai. Với sự rộng lớn của đất nước Trung Quốc, có nghĩa là sẽ phải mất nhiều năm, nếu không phải là hàng thập kỷ, để hệ thống tín dụng xã hội được thực hiện hoàn toàn.

“Tôi nghĩ rằng sẽ mất nhiều thời gian, bởi vì tôi nghĩ đó là thách thức ‘quan liêu’ – đó là một dân số lớn, và có được tất cả dữ liệu từ tất cả các cấp chính quyền khác nhau”, ông Daum nói với hãng ABC.

Cho rằng khác với các nước châu Âu, có dân số ít hơn, với hệ thống với dữ liệu chủ yếu tập trung và có sẵn, ông Daum nhận định, Trung Quốc phải đối mặt với một thách thức khác.

“Đó là một chính phủ lớn, và đó không phải là một chính phủ thực sự hiệu quả. Sẽ rất khó để áp dụng mọi chính sách, đặc biệt là khi các quy tắc thực hiện nó không rõ ràng, ai có thẩm quyền gì, không rõ ràng, và có được tất cả các chính quyền cấp quận và cấp tỉnh có được thông tin được được nộp kịp thời, là một thách thức thực sự”, ông Daum nhận xét.

Chủ tịch Tập Cận Bình đứng trước 9 lá cờ lớn của Trung Quốc khi ông nâng ly rượu vang đỏ đằng sau một bục giảng. (Ảnh: AP)

Còn theo bà Schaefer, khả năng công nghệ hiện tại của Trung Quốc cũng được phương Tây đánh giá quá cao, do một số hồ sơ vi phạm vẫn phải nộp lên [chính quyền] một cách thủ công.

“Ở phương Tây, chúng tôi tưởng tượng người dân đi trong hệ thống tàu điện ngầm, và một camera sẽ tự động phát hiện ra rằng bạn đang vi phạm quy định và rằng nó sẽ tự động được ghi vào hồ sơ của bạn”, bà Schaefer chia sẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới