Saturday, May 11, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaCăng thẳng leo thang tại Trung Đông không ngăn chặn Mỹ tăng...

Căng thẳng leo thang tại Trung Đông không ngăn chặn Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông

Ngay từ những ngày đầu năm 2020, quan hệ Mỹ – Iran và diễn biến tình hình Trung Đông trở nên vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, với vai trò là cường quốc có lợi ích, an ninh thiết thực trong khu vực Biển Đông, Mỹ sẽ không vì căng thẳng ở Trung Đông mà giảm hiện diện, can thiệp và ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.

Tầm quan trọng của Biển Đông đối với Mỹ

Biển Đông là vùng biển có vị trí địa chiến lược quan trọng không chỉ đối với các nước ven biển mà nó còn đặc biệt quan trọng với Mỹ, cụ thể:

Đầu tiên, Mỹ lo ngại về quyền tự do đi lại trên biển và nhu cầu bảo vệ hoạt động kinh doanh của các công ty năng lượng Mỹ, nói rộng ra là lợi ích kinh tế của Mỹ. Đối với Mỹ, Biển Đông là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương. Là một cường quốc biển có vị trí địa lý được bao bọc bởi hai đại dương, Mỹ luôn quan tâm đến vai trò của biển và quyền lực biển đối với xây dựng, phát triển và bảo vệ an ninh đất nước. Các chiến lược gia Mỹ coi việc kiểm soát đại dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhân tố chính trong việc kiểm soát thế giới. Điều này lý giải vì sao từ rất sớm, Mỹ đã hoạch định chiến lược kiểm soát đại dương, xây dựng lực lượng hải quân hùng hậu nhất thế giới, lấy đó làm cơ sở để xác lập và mở rộng ảnh hưởng trên tất cả các đại dương. Chính vì vậy, mối quan tâm đến Biển Đông gần như là điều đương nhiên với Mỹ. Thứ hai, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, vùng biển này ngày càng chiếm giữ vị thế quan trọng trong chiến lược biển, quyền lực biển của Mỹ do Biển Đông tiếp tục là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất, quan trọng nhất của thế giới nối liền châu Âu với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương. Thứ ba là sự dịch chuyển cán cân quyền lực thế giới từ châu Âu sang châu Á, mà sự dịch chuyển này lại liên quan trực tiếp đến sự trỗi dậy và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực. Trung Quốc ngày càng trở thành nhân tố chủ chốt đe dọa vị thế siêu cường thế giới duy nhất của Mỹ.

Do đó, lợi ích của Mỹ ở Biển Đông bao gồm các loại lợi ích đa dạng về tự do hàng hải, kinh tế, chính trị, quân sự và an ninh, mà những lợi ích này là không thay đổi. Đông Nam Á cùng các tuyến đường trên Biển Đông có thể cung cấp cho Mỹ một vị trí dễ dàng tiếp cận về phía Nam lục địa. Kết hợp với việc tăng cường sự có mặt về quân sự ở Trung Á, liên minh chặt chẽ hơn với Nhật Bản về quân sự và an ninh ở phía Đông, Đông Nam Á có thể giúp Mỹ tạo thành vành đai chiến lược từ phía Tây xuống phía Nam và kéo sang phía Đông để bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh ở đây.           

Xu hướng chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông          

Chính sách Biển Đông của Mỹ được thể hiện trong Tuyên bố Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) ngày 24/7/2010. Tuyên bố Hà Nội có thể được hiểu như một phần của chính sách “tái can dự” hay “nước Mỹ đã trở lại” của chính quyền Obama đối với vấn đề Biển Đông, có thể khái lược thành những điểm sau: (i) Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. (ii) Mỹ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào. (iii) Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. (iv) Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông. (v) Các bên có tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.          

Do đó, thời gian tới, Mỹ vẫn duy trì cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông theo khung chính sách trên. Tuy nhiên, sẽ có những bước điều chỉnh đối với từng nước riêng biệt. Với Trung Quốc, Mỹ vừa là một đối tác ngoài khu vực, hợp tác với Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông một cách hòa bình, lại vừa là một nhân tố ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ vừa tranh thủ những cơ chế đối thoại, hợp tác với Trung Quốc nhằm xây dựng một giải pháp đa phương, lại vừa thực hiện các hoạt động do thám, nghiên cứu tại Biển Đông nhằm thăm dò sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Với các quốc gia Đông Nam Á, Mỹ đóng vai trò  một quốc gia tạo đối trọng với Trung Quốc, duy trì sự cân bằng quyền lực và ổn định khu vực tại Biển Đông bằng cách tăng cường quan hệ với các quốc gia tranh chấp khác, đặc biệt về quân sự. Ngoài ra, Mỹ cũng để ngỏ khả năng can thiệp dưới danh nghĩa bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực một khi có xung đột xảy ra, nghĩa là có thể đưa quân trở lại khu vực với mục đích đảm bảo an ninh cho các tuyến hàng hải. Theo đó, Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông như sau: (i) Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippines (đồng minh truyền thống), nhằm tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn, đó là việc thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn. Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với Trung Quốc. (ii) Đảm bảo việc đi lại tự do trên các con đường quốc tế, ngăn cản việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Trong số các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc có ưu thế vượt trội về quân sự, có thể tiến hành độc chiếm Biển Đông bằng quân sự. Việc chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng đa phương sẽ tạo cơ hội cho Mỹ có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc tranh chấp này. Từ đó vai trò và vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ được nâng cao. (iii) Biển Đông là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, Mỹ muốn qua Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới thời kỳ “hậu Irắc”. (iv) Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính khiến cho nhiều nước cho rằng vai trò của Mỹ đối với thế giới đang yếu đi. Để lấy lại hình ảnh và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để làm mới vai trò của mình và  Mỹ đã lựa chọn Biển Đông. (v) Những năm gần đây, Mỹ đang muốn đóng vai trò một chủ thể bên ngoài có sức nặng trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Đồng thời, Mỹ gửi đi một thông điệp rằng, Mỹ sẵn sàng trở thành một lực lượng duy trì an ninh, ổn định tại Biển Đông cũng như toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có thể làm chỗ dựa cho các nước Đông Nam Á trước sự đe dọa từ Trung Quốc.      

Vì vậy, trong năm 2020, Mỹ sẽ tiếp tục quan tâm và can dự vào vấn đề Biển Đông, nhưng đồng thời cũng phải thấy được giới hạn và trở ngại mà Mỹ phải đối mặt khi can dự vào khu vực này. Về khía cạnh ngoại giao, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông; chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông; Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực; thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông. Về khía cạnh quân sự, Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn; gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực; Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại, Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông; thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới