Sunday, April 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLo ngại bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, Trung...

Lo ngại bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu, Trung Quốc quyết mở cửa lĩnh vực dầu khí

Bộ Tài nguyên Trung Quốc (9/1) thông báo sẽ mở cửa hoạt động thăm dò dầu khí cho các công ty tư nhân và nước ngoài. Các doanh nghiệp có tài sản ròng ít nhất 300 triệu nhân dân tệ (43 triệu USD) có thể nộp đơn xin cấp phép.

Theo thông tin trên, Chính quyền Trung Quốc đã cho phép các công ty tư nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực dầu khí. Vì trước đây, Trung Quốc quy định chỉ các công ty quốc doanh mới được quyền xin giấy phép. Quyết định này sẽ giúp Trung Quốc tăng sản xuất trong nước và giảm lượng nhập khẩu khổng lồ. Nó nằm trong chiến dịch cải tổ lớn của Trung Quốc, sẽ phần nào xoa dịu lo ngại về khả năng tiếp cận các ngành công nghiệp trước thềm ký kết hiệp định thương mại sơ bộ với Mỹ tuần tới.

Theo giới phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào mức độ thành công của Bắc Kinh trong việc đáp ứng các nhu cầu năng lượng không ngừng tăng của cả nước. Sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu đã khiến cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy bất an và lo lắng rằng, sự gián đoạn trong quá trình cung ứng nhiên liệu hoặc sự tăng giá không thể lường trước có thể làm kìm hãm tốc độ tăng trưởng. Họ lo ngại rằng, bất kỳ sự giảm tốc nào cũng có thể dẫn đến tình trạng bất ổn xã hội và đến lượt mình sự bất ổn xã hội sẽ huỷ hoại quyền lực của họ cũng như quyền kiểm soát của Đảng Cộng sản. Vì lẽ đó, an ninh năng lượng được xem là có quan hệ mật thiết với sự ổn định kinh tế và chính trị, đồng thời được coi là nhân tố chủ chốt trong việc duy trì vai trò lãnh đạo và giữ vững vị thế cầm quyền của Đảng. Trong bối cảnh đó, vấn đề cung ứng nhiên liệu được đặt lên hàng đầu trong chương trình an ninh quốc gia Trung Quốc.

Hiện nay, xét về mặt tiêu thụ năng lượng, Trung Quốc đang đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Cơn khát năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc là hậu quả của sự bùng nổ kinh tế kéo dài suốt 30 năm qua, đi kèm với nó là sự mở rộng ngoại thương, gia tăng thu nhập, gia tăng dân số và đô thị hoá không ngừng. Nhu cầu đối với mọi dạng năng lượng – như than đá, dầu mỏ, khí đốt, điện, nước, các dạng năng lượng khác có khả năng phục hồi và cả năng lượng hạt nhân, trở nên tăng vọt. Nhờ nguồn dự trữ lớn, hiện nay than đang là loại nhiên liệu số 1 của Trung Quốc và cung ứng 2/3 nhu cầu năng lượng của nước này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng cao, đặc biệt là dầu mỏ. Sau khi Trung Quốc quyết định mở rộng sản xuất khí đốt tự nhiên, gas có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu năng lượng của Bắc Kinh. Do sự phụ thuộc ngày một nhiều vào việc nhập khẩu nhiên liệu nên Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực rất lớn để củng cố an ninh năng lượng quốc gia. Để đáp ứng nguồn cung về năng lượng, Trung Quốc một mặt tích cực thúc đẩy thăm dò, khai thác dầu khí ở trên lục địa cũng như các vùng biển. Hiện nay Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới và nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 thế giới.

Các chính sách năng lượng của chính phủ Trung Quốc bị chi phối bởi nhu cầu ngày càng tăng về dầu và sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu. Ủy ban cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) là cơ quan quản lý và hoạch định chính sách chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng, trong khi bốn Bộ khác giám sát các phần khác nhau trong chính sách dầu mỏ nước này. Chính phủ thành lập Tổng cục Năng lượng Quốc gia (NEA) tháng 7/2008 đóng vai trò là cơ quan quản lý năng lượng chủ chốt. NEA liên kết với NDRC có trách nhiệm phê duyệt các dự án năng lượng mới tại Trung Quốc, thiết lập giá năng lượng bán buôn trong nước, và triển khai các chính sách năng lượng của chính quyền trung ương. NDRC là một bộ phận trong Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, cơ quan cao nhất của quyền hành pháp trong nước. Trong tháng 1/2010, chính phủ đã thành lập Ủy ban năng lượng quốc gia với mục đích củng cố chính sách năng lượng giữa các cơ quan khác nhau trực thuộc Hội đồng Nhà nước.

Các công ty dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (NOCs) có ảnh hưởng đáng kể trong lĩnh vực dầu mỏ của Trung Quốc. Giữa năm 1994 và 1998, chính phủ Trung Quốc cơ cấu lại hầu hết các tài sản dầu và khí thuộc sở hữu nhà nước thành hai công ty tích hợp theo chiều dọc: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng Công ty Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec). Hai tập đoàn này điều hành hàng loạt các công ty con ở địa phương, và cùng nhau thống trị thị trường dầu mỏ thượng nguồn và hạ nguồn của Trung Quốc. CNPC đứng đầu về thượng nguồn ở Trung Quốc cùng với công ty con là PetroChina chiếm khoảng 60% tổng lượng dầu và 80% sản lượng khí đốt ở Trung Quốc. Chiến lược hiện nay của CNPC là hợp nhất các lĩnh vực của nó và nắm thị phần hạ nguồn. Ngược lại, Sinopec đã có truyền thống tập trung vào các hoạt động hạ nguồn như lọc dầu và phân phối chiếm gần 80% doanh thu của công ty trong những năm gần đây và từng bước tìm cách khai thác thượng nguồn hơn.

Các công ty dầu mỏ quốc doanh khác đã nổi lên trong vài năm qua. Tập đoàn Dầu khí Hải dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC) chịu trách nhiệm thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi. Tập đoàn này cũng tỏ ra là một đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh với CNPC và Sinopec bằng cách không chỉ tăng chi phí sản xuất và thăm dò ở Biển Đông mà còn mở rộng phạm vi hoạt động vào lĩnh vực hạ nguồn, đặc biệt ở phía nam tỉnh Quảng Đông. Công ty Sinochem và Tập đoàn CITIC cũng đã phát triển trong lĩnh vực dầu mỏ ở Trung Quốc mặc dù vẫn tương đối nhỏ.

Trong khi việc sản xuất dầu trên đất liền ở Trung Quốc chủ yếu giới hạn CNPC và CNOOC thì các công ty dầu mỏ quốc tế (IOCs) được phép tiếp cận hơn với tiềm năng dầu mỏ ngoài khơi và các lĩnh vực khí đốt không theo quy ước, chủ yếu thông qua các thỏa thuận phân chia sản lượng và liên doanh. IOCs tham gia vào việc sản xuất và khai thác ngoài khơi Trung Quốc gồm: Conoco Phillips, Shell, Chevron, BP, Husky, Anadarko, và Eni. NOCs của Trung Quốc nắm giữ phần lớn quyền lợi trong hợp đồng phân chia sản lượng và có thể trở thành nhà điều hành một khi các chi phí triển khai được thu hồi. IOCs cung cấp chuyên môn kỹ thuật nhằm hợp tác với NOCs và xâm nhập vào thị trường Trung Quốc.

Chính quyền Trung Quốc đưa ra thuế nhiên liệu và cơ chế cải cách định giá sản phẩm quốc nội vào năm 2009 trong nỗ lực để buộc giá sản phẩm bán lẻ gần hơn với thị trường dầu mỏ quốc tế. Điều này có thể thu hút đầu tư ở hạ nguồn, đảm bảo lợi nhuận tốt hơn cho các nhà máy lọc dầu và giảm mức độ sử dụng năng lượng do giá trong nước thấp hơn và nhu cầu ngày càng tăng cao. Hệ thống định giá sản phẩm dầu mỏ hiện tại cho phép NDRC điều chỉnh giá bán lẻ khi bình quân của giá dầu thô nhập khẩu dao động ngoài phạm vi 4% trong vòng 22 ngày làm việc liên tiếp đối với xăng và dầu diesel. NDRC lên kế hoạch sửa đổi cơ chế định giá bằng cách rút ngắn thời gian điều chỉnh còn 10 ngày và giảm biên độ giá 4%. NDRC cũng có kế hoạch thêm dòng dầu thô chuẩn như là một phần của giỏ dầu thô quốc tế của Trung Quốc để đáp ứng tốt hơn nguồn chuyển dịch dầu mỏ nhập khẩu của nước này. Đến tháng 11/2011, Trung Quốc cũng đã áp đặt thuế tài nguyên theo giá trị là 5% trên tất cả sản lượng dầu và khí, bao gồm cả sản lượng tài nguyên không theo quy ước, với nỗ lực tăng nguồn thu cho chính quyền địa phương và khu vực, và khuyến khích sản xuất dầu và khí hiệu quả hơn. Thuế tài nguyên được mở rộng vào năm 2012 với các dự án liên quan đến liên doanh của các công ty Trung Quốc và quốc tế.   

Trong những năm qua, để đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc đang thực hiện giải pháp bảo đảm nguồn năng lượng tiêu dùng trong nước: Thứ nhất, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc sử dụng điện năng hiệu quả, thân thiện với môi trường nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững là vô cùng quan trọng. Vấn đề tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu ưu tiên hướng tới của nhiều quốc gia trên thế giới. Trung Quốc đã tiến hành một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng để hạn chế sự gia tăng nhập khẩu năng lượng: thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm dầu mỏ trong nước, khuyến khích sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng; cử các chuyên gia đi học tập kinh nghiệm tiên tiến nước ngoài… Thực hiện các công xưởng luân phiên ngừng sản xuất, tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm, kêu gọi toàn dân tiết kiệm và xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm năng lượng. Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng mới thay thế. Cùng với tiết kiệm năng lượng, chủ động đầu tư phát triển các cơ sở sản xuất năng lượng truyền thống và đa dạng hóa các nguồn năng lượng mới thay thế: năng lượng hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng đại dương…). Phát triển năng lượng tái sinh và các nguồn năng lượng thay thế khác đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng. Chiến lược năng lượng của Trung Quốc trong tương lai có sự chuyển hướng đầu tư mạnh mẽ sang các dạng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch (gồm thủy điện, năng lượng gió, điện mặt trời, năng lượng sinh học). Chiến lược này được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu (2005-2010): Năng lượng tái tạo đóng vai trò phụ trợ; Giai đoạn hai (2010-2020): Nguồn năng lượng thay thế dần dần cho các loại năng lượng khác; Giai đoạn ba (2020-2030): Năng lượng tái tạo sẽ vươn lên chiếm lĩnh. Thứ ba, thu hút đầu tư phát triển và đổi mới công nghệ trong ngành năng lượng, trong đó phát triển năng lượng tái tạo được coi là một trong những giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và thân thiện với môi trường, giúp nguồn cung điện bớt phụ thuộc vào các nguồn truyền thống. Tuy nhiên, vốn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo không hề nhỏ. Giá điện từ các nguồn năng lượng tái tạo có sự chênh lệch khá lớn với giá điện từ các nguồn truyền thống. Vì vậy, thu hút vốn đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo rất khó khăn, cần có sự “chung tay” của các nguồn vốn đầu tư tư nhân cộng với “sức đẩy” từ sự trợ giúp của Chính phủ. Thứ tư, đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh là mô hình tăng trưởng mới, được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Trung Quốc (cùng với Hàn Quốc và Nhật Bản) trong gói kích thích kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu đều dành ưu tiên cao cho tăng trưởng xanh (cơ cấu của Trung Quốc là 35% so với của Hàn Quốc lên đến 80%). Trong đó, đầu tư tập trung cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, du lịch sinh thái, công nghiệp văn hóa, xử lý chất thải, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh. Trung Quốc tiến hành những cuộc cách mạng sạch, cách mạng xanh, cách mạng công nghệ cao… Trung Quốc cơ cấu lại 10 ngành, nghề chủ chốt (thép, ôtô, xi măng…) nhằm tạo việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước hiện đại hóa các ngành chủ chốt để tiếp cận công nghệ xanh. Với ngành ôtô, Trung Quốc chuyển hướng chiến lược sản xuất ôtô tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới; Với ngành thép, khống chế sản lượng ở mức 300 triệu tấn/năm và loại bỏ công nghệ lạc hậu. Trong “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020), Trung Quốc coi phát triển “xanh” là một trong những ưu tiên hàng đầu. Chiến lược tăng trưởng xanh là giải pháp để Trung Quốc và các quốc gia vượt qua các thách thức nghiêm trọng của suy thoái kinh tế, bùng nổ dân số, tài nguyên cạn kiệt, đa dạng sinh học suy giảm, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, mô hình tăng trưởng xanh, bền vững là mô hình được Trung Quốc và mọi quốc gia hướng tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới