Ngày 13/12/2019, Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc thông báo Malaysia đã nộp hồ sơ xin công nhận thềm lục địa mở rộng theo Điều 76 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), liên quan đến ranh giới thềm lục địa nằm ngoài 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Đây là bản đệ trình cho phần còn lại của thềm lục địa Malaysia nằm ngoài 200 hải lý ở phía bắc Biển Đông. Hơn 10 năm trước, ngày 06/05/2009, Malaysia đã cùng với Việt Nam đệ trình Báo cáo chung về phần thềm lục địa mở rộng của hai nước ở phía nam Biển Đông.
Theo Quy tắc về thủ tục của CLCS, sự kiện này sẽ được thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, cũng như các nước đã ký kết UNCLOS 1982. Yêu cầu của Malaysia sẽ được ghi vào chương trình nghị sự kỳ họp thứ 53 của Ủy ban tại New York từ ngày 06/07 đến 21/08/2021.
Các nhà phân tích quốc tế rất chú ý đến thời điểm Malaysia đệ trình Báo cáo, coi đây là động thái mới của Malaysia thách thức trực diện Bắc Kinh về mặt pháp lý trên hồ sơ Biển Đông. Là một trong 6 bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông, song Malaysia vốn được coi là nằm ở tuyến sau trong cuộc đối đầu về chủ quyền tại Biển Đông giữa một số quốc gia ASEAN với Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh về Biển Đông ít hơn rất nhiều so với căng thẳng giữa Việt Nam và Philippines với Bắc Kinh. Trong các vụ việc Trung Quốc cho tàu xâm phạm vùng biển hoặc uy hiếp, ngăn cản các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Malaysia, thường Malaysia không đưa tin công khai mà chỉ “giải quyết nội bộ” với Trung Quốc. Trong trường hợp Trung Quốc xâm lấn vùng biển các nước khác (Việt Nam và Philippines) thì Malaysia thường lựa chọn sự im lặng để tránh đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong năm 2019, Trung Quốc liên tục cho các tàu hải cảnh và tàu dân quân biển uy hiếp, quấy phá các hoạt động dầu khí của Malaysia trong vùng biển thuộc quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước này. Các hành động lấn lướt của tàu chấp pháp Trung Quốc tại khu vực đặc quyền kinh tế của Malaysia dường như đang đặt quốc gia này trước thách thức phải kiên quyết hơn, cứng rắn hơn.
Hồi tháng 10/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah tuyên bố quân đội nước này phải sẵn sàng để đối phó với xung đột vũ trang, trong trường hợp nổ ra đụng độ lớn tại Biển Đông. Sách Trắng Quốc phòng đã lần đầu tiên được Bộ Quốc phòng Malaysia trình lên Quốc hội Malaysia hôm 02/12/2019. Báo cáo giải trình trước Quốc hội Malaysia về Sách Trắng Quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu nhấn mạnh việc “các tàu chính phủ” của một nước lớn đã lại gần vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia nằm ở các bang phía đông là Sabah và Sarawak là nguyên nhân phải tằng cường lực lượng quốc phòng.
Điều quan trọng hơn là việc Malaysia đệ trình Báo cáo đã gián tiếp bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù Malaysia không phải là một bên trong vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài, nhưng với hồ sơ này, Malaysia cũng đã ngầm ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016, cho rằng ”tất cả các thực thể đảo của quần đảo Trường Sa chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý và không thể yêu sách tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của riêng mình”.
Cuộc đua hoạch định ranh giới thềm lục địa mở rộng ngoài khu vực 200 hải lý cũng sẽ ảnh hưởng đến cuộc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (COC) đang diễn ra giữa Trung Quốc và ASEAN. Việc đệ trình được thực hiện trong khi đàm phán (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc đang diễn ra, giúp Malaysia tìm kiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán.
Một số chuyên gia chú ý tới việc phần thềm lục địa mở rộng mà Malaysia đề nghị công nhận trong Báo cáo không chỉ chồng lấn với Trung Quốc, mà còn cả với Việt Nam, và Philippines, tạo ra mâu thuẫn trong nội bộ ASEAN. Tuy nhiên, với việc ghi nhận ”có thể có những vùng có khả năng chồng lấn” ngay trong Báo cáo đệ trình này, Malaysia vô hình chung để ngỏ cánh cửa thương lượng với Việt Nam và Philippines trong việc đệ trình hồ sơ về thềm lục địa ngoài phạm vi 200 hải lý chung của ba nước ASEAN trong tương lai.
Cho dù trước mắt, xung đột quyền lợi với Việt Nam, nhưng hồ sơ mà Malaysia vừa đệ trình cũng thể hiện một bước tiến tích cực theo hướng tôn trọng UNCLOS 1982 và tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 11/7/2016 về Biển Đông.
CLCS có chức năng đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia ven biển về thềm lục địa mở rộng, và tư vấn nếu có yêu cầu. Các ranh giới được thiết lập trên cơ sở những khuyến nghị này được chính thức công nhận. Thời điểm Việt Nam và Malaysia đệ trình Báo cáo chung năm 2009 chưa có phán quyết của Tòa Trọng tài. Thậm chí Trung Quốc còn lợi dụng việc này để gửi bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” kèm theo Công hàm lên Liên hợp quốc. Do vậy, Báo cáo chung giữa Việt Nam và Malaysia chưa được xem xét.
Từ năm 2009 đến nay, để triển khai trên thực tế yêu sách “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã ráo riết bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa các cấu trúc mà họ chiếm đóng ở Biển Đông, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xâm lấn, gây hấn trong vùng biển của các nước ven Biển Đông. Thời điểm Malaysia đệ trình Báo cáo lần này đã có phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài. Theo đó, yêu sách “đường lưỡi bò” đã bị hoàn toàn bác bỏ; tất cả các cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa, được tòa phán quyết chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý, không có vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa riêng.
Động thái mới của Malaysia đã khiến Trung Quốc tức giận. Phái đoàn Trung Quốc thường trú tại Liên Hợp quốc đã lập tức gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres yêu cầu không xem xét đề nghị của Malaysia; đồng thời, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gửi Công hàm phản đối Malaysia là đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc và “các tiêu chuẩn về quan hệ quốc tế”.
Hôm 16/12/2019, Bắc Kinh lên tiếng tố cáo Kuala Lumpur đã vi phạm chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông khi đệ trình Báo cáo lên CLCS.
Đáp lại cử chỉ trên của Bắc Kinh, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Saifuddin Abdullah đã không ngần ngại nhấn mạnh việc Trung Quốc đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông là một yêu sách “lố bịch”, đồng thời khẳng định rằng việc nước ông quyết định xin mở rộng vùng thềm lục địa ra ngoài phạm vi 200 hải lý ở Biển Đông nằm trong “quyền chủ quyền” của Malaysia.
Các chuyên gia nghiên cứu quốc tế cho rằng việc Malaysia tỏ thái độ cứng rắn hơn trong hồ sơ Biển Đông ở thời điểm ngay trước thềm năm mới 2020 là một điểm nhấn rất đáng chú ý. Nó báo hiệu một cách tiếp cận mới mạnh mẽ hơn của Malaysia trên vấn đề Biển Đông trong năm 2020 này. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam nên tranh thủ hợp tác với Malaysia thúc đẩy vấn đề Biển Đông tại các hội nghị liên quan trong năm 2020 này.