Chính phủ Anh thông báo chính thức cấp phép cho Huawei phát triển 5G, Mỹ rất thất vọng.
Trong thông báo mới nhất, Chính phủ Anh cho phép Huawei có vai trò hạn chế trong phát triển mạng lưới di động không dây thế hệ thứ 5 (5G) tại nước này. Quyết định của London được công bố sau cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia, do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì.
Trong thông báo được gửi đi, Chính phủ Anh khẳng định Trung tâm an ninh mạng quốc gia đã nắm được một số nhà cung cấp thiết bị 5G có chứa rủi ro an ninh và sẽ hạn chế một số nhà cung cấp được tham gia sâu vào các bộ phận có tính nhạy cảm. Tỷ lệ tham gia vào mạng lưới 5G của các nhà cung cấp này sẽ bị giới hạn ở mức 35%.
Các nhà cung cấp có chứa rủi ro này sẽ bị cấm cung cấp thiết bị tới các địa điểm nhạy cảm như các vị trí nghiên cứu hạt nhân, các căn cứ quân sự.
“Mức giới hạn được đề xuất là 35% sẽ còn được xem xét xem liệu có nên giảm nữa hay không nếu thị trường dần được đa dạng hóa” – tuyên bố từ Chính phủ Anh nêu rõ.
Dù không đề cập đến cái tên nào như Huawei, thông báo của Chính phủ Anh rõ ràng đã ám chỉ tới công ty Trung Quốc như một nhà cung cấp đầy rủi ro, một tín hiệu có tính trấn an chính quyền ở Washington.
Nicky Morgan, Bộ trưởng Kỹ thuật số Anh nói sau cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia do Thủ tướng Boris Johnson chủ trì, quyết định được đưa ra hôm nay (ngày 28/1, giờ địa phương) là một quyết định của riêng nước Anh, là giải pháp cần thiết cho những thách thức mà Anh phải đối mặt hiện nay. Nước này muốn có hệ thống kết nối đẳng cấp quốc tế càng sớm càng tốt, nhưng không đánh đổi bằng an ninh quốc gia.
“Các nhà cung cấp mang rủi ro cao chưa từng và sẽ không bao giờ nằm trong các mạng lưới nhạy cảm nhất của chúng tôi” – bà Morgan nói.
Sau khi thông báo được phát đi, Huawei nhanh chóng hoan nghênh chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson về quyết định này. Công ty viễn thông Trung Quốc cho biết, họ cam đoan với sự theo dõi của Chính phủ Anh rằng, sẽ tiếp tục để hoàn thành mạng lưới 5G an toàn.
“Quyết định này sẽ mang đến một cơ sở hạ tầng viễn thông tiên tiến hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn, phù hợp với tương lai. Nó cho phép Anh tiếp cận với công nghệ hàng đầu thế giới và đảm bảo thị trường cạnh tranh” – Phó Chủ tịch Huawei Victor Zhang nhấn mạnh.
Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với Reuters rằng, Mỹ “thất vọng” trước quyết định của Anh khi cấp phép cho công ty Trung Quốc đóng một vai trò hạn chế trong mạng lưới 5G của họ.
“Không có lựa chọn an toàn cho những nhà cung cấp không đáng tin cậy để kiểm soát bất cứ hoạt động nào của hệ thống 5G. Chúng tôi mong muốn sẽ hợp tác với Anh trên con đường trước mắt dẫn tới loại trừ tất cả các thiết bị từ nhà cung cấp không đáng tin cậy khỏi hệ thống 5G” – người này cho biết.
Nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy các đồng minh tẩy chay công ty Trung Quốc được cho là đã thất bại. Bộ Ngoại giao Mỹ và Tổng thống Donald Trump chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về quyết định của Anh với Huawei. Đã có nhận định cho rằng quyết định của ông Johnson về số phận của Huawei ở Anh sẽ có tính ảnh hưởng mạnh mẽ tới thỏa thuận thương mại Mỹ- Anh hậu Brexit. Tuy nhiên, các nỗ lực của London khi hạn chế kỹ thuật với Huawei có thể làm dịu đi các lo ngại từ Nhà Trắng. Một kịch bản Mỹ cắt hợp tác tình báo với Anh vì Huawei có thể sẽ không diễn ra. Nếu vậy, điều đó lại càng cho thấy sức sống mãnh liệt của công ty Trung Quốc trước các đe dọa, cáo buộc của Mỹ cùng đồng minh.
Anh đã sử dụng công nghệ của Huawei trong các hệ thống trong 15 năm qua và cũng có quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc cũng như chịu không ít sức ép từ Bắc Kinh nếu loại bỏ hồ sơ của Huawei trong các dự án phát triển hạ tầng 5G.
Những nỗ lực từ cấp cao nhất của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Donald Trump nhằm khiến đồng minh tẩy chay Huawei đã gặp phải thất bại đầu tiên.
Ngoài Anh, Mỹ và châu Âu đã có cuộc tranh luận gay gắt về việc loại bỏ Huawei khỏi quá trình phát triển mạng 5G. Tại Brussels, quan chức đứng đầu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 28/1 cho biết khối này không cấm Huawei và có thể áp dụng các quy tắc “nghiêm ngặt” khi hợp tác. Đức đã “phẩy tay” mọi lo lắng của Mỹ đối với Huawei và từng khẳng định sẽ chấp nhận cho công ty Trung Quốc được tham gia hạn chế vào phát triển hạ tầng 5G nhưng gần như đã trì hoãn quyết định vào phút chót.