Saturday, May 4, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc...

TQ vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế khi chiếm Hoàng Sa

Ngày 17/01/1974, lợi dụng tình hình chiến tranh Việt Nam, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân tấn công, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa. Hành động sử dụng vũ lực của Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa không chỉ vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc mà còn vi phạm các nguyên tắc quốc tế về xác lập chủ quyền lãnh thổ.

Để giải quyết một cách triệt để tranh chấp lãnh thổ giữa các nước, Hội nghị về châu Phi giữa 13 nước châu Phi và Hoa Kỳ năm 1885 và sau khóa họp của Viện Luật pháp quốc tế ở Lausanne, Thụy Sĩ, năm 1888, các nhà khoa học cũng như phần lớn quốc gia trên thế giới đã thống nhất áp dụng một nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ mới. Đó là nguyên tắc “chiếm hữu thật sự”. Đây là nguyên tắc pháp lý mà Việt Nam dựa vào để chứng minh và khẳng định Việt Nam có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông.

Nội dung chủ yếu của nguyên tắc “chiếm hữu thực sự” trong luật pháp quốc tế là: Việc xác lập chủ quyền lãnh thổ phải do Nhà nước tiến hành; Sự chiếm hữu phải được tiến hành một cách hòa bình trên một vùng lãnh thổ vô chủ (res nullius) hoặc là trên một vùng lãnh thổ đã bị từ bỏ bởi một quốc gia đã làm chủ nó trước đó (derelicto). Việc sử dụng vũ lực để xâm chiếm là hành động phi pháp; Quốc gia chiếm hữu phải thực thi chủ quyền của mình ở những mức độ cần thiết, tối thiểu thích hợp với các điều kiện tự nhiên và dân cư trên vùng lãnh thổ đó; Việc thực thi chủ quyền phải liên tục, hòa bình.

Do tính hợp lý và chặt chẽ của nguyên tắc này, nên mặc dù Công ước Saint Germain ra đời ngày 10/9/1919 tuyên bố hủy bỏ Định ước Berlin năm 1885 vì lý do thế giới không còn lãnh thổ vô chủ nữa, các luật gia và cơ quan tài phán quốc tế vẫn vận dụng nguyên tắc này để giải quyết tranh chấp chủ quyền trên các hải đảo.

Một số ví dụ cụ thể như: Tòa án Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague tháng 4/1928 đã vận dụng nguyên tắc này để xử vụ tranh chấp đảo Palmas giữa Mỹ và Hà Lan; phán quyết của Tòa án Quốc tế của Liên hợp quốc tháng 11/1953 đối với vụ tranh chấp chủ quyền giữa Anh và Pháp về các đảo Minquiers và Ecrehous; tháng 12/2002, Tòa án Công lý Quốc tế đã quyết định cho Malaysia thắng trong vụ kiện về chủ quyền đối với Pulau Ligitan và Pulau Sipadan vì Tòa nhận thấy rằng Malaysia đã thực hiện thường xuyên một loạt hoạt động của Nhà nước ở đó.

Căn cứ vào nguyên tắc pháp lý này thì quần đảo Hoàng Sa hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam. Rất nhiều tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý cao hiện được lưu giữ tại các trung tâm lưu trữ Việt Nam và quốc tế đều chứng tỏ Nhà nước Việt Nam là nhà nước đầu tiên trong lịch sử đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa từ khi chúng còn là đất vô chủ, chí ít là từ thế kỷ thứ XVII. Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo này là rõ ràng, liên tục, hòa bình, phù hợp với nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ hiện hành – nguyên tắc chiếm hữu thật sự – của Công pháp quốc tế.

Việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa thể hiện qua các thời kỳ lịch sử. Suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, Việt Nam đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đội Hoàng Sa là một tổ chức do nhà nước lập ra để quản lý, bảo vệ, khai thác quần đảo này. Đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Đội Bắc Hải do Đội trưởng Đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời chúa, từ chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy, không gặp phải bất kỳ sự tranh chấp, phản  kháng nào.

Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ. Các tài liệu lịch sử Việt Nam ghi nhận rất rõ điều này. Thời chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: “Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (Toản tập Thiên Nam Tứ chí Lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa, thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (Phủ biên Tạp lục của Lê Quí Đôn); sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Kế tiếp thời kỳ nhà nước phong kiến Việt Nam, với tư cách là đại diện cho Nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại theo Hiệp ước Patenotre 1884, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành bảo vệ và quản lý quần đảo Hoàng Sa theo đúng thủ tục pháp lý đương đại. Rất nhiều tư liệu, kể cả các giấy tờ pháp lý đang lưu giữ tại Pháp và Việt Nam chứng minh điều này.

Đến thời kỳ Việt Nam chia 2 miền Nam Bắc, theo Hiệp định Geneve 1954, quần đảo Hoàng Sa nằm dưới vỹ tuyến 17 nên thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một chủ thể có tư cách pháp lý trong quan hệ quốc tế, đã tiếp tục bảo vệ và quản lý quần đảo Hoàng Sa từ năm 1954. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã liên tục thực thi chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa bằng các văn bản hành chính nhà nước, cũng như bằng việc triển khai thực thi chủ quyền thực tế cho đến khi bị Trung Quốc tấn công đánh chiếm bằng vũ lực năm 1974.

Sau năm 1975, thống nhất hai miền Nam Bắc, trước bất cứ hoạt động nào của Trung Quốc ở Hoàng Sa, chính quyền Hà Nội luôn bày tỏ sự phản đối và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa; nhấn mạnh các hoạt động của Trung Quốc là bất hợp pháp, vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Việc đánh chiếm bằng vũ lực và các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc không thể tạo ra cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo này.

Để biện minh cho hành động xâm chiếm bằng vũ lực, Trung Quốc lập luận rằng Trung Quốc có “chủ quyền lịch sử” đối với quần đảo Hoàng Sa (mà phía Trung Quốc gọi là Tây Sa). Họ khẳng định rằng, tổ tiên người Trung Hoa từ hàng nghìn năm nay trong lịch sử đã phát hiện, khai phá, chiếm hữu, thực thi chủ quyền đối với quần đảo này. Đây chính là sự ngụy biện theo nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” mà nhiều lần giới cầm quyền ở Bắc Kinh đã nói. Vin vào lập trường này, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách, viện dẫn nhiều sách, tài liệu địa lý, lịch sử để chứng minh và bảo vệ cho quan điểm pháp lý về quá trình xác lập và thực thi cái gọi là “chủ quyền lịch sử” đối với Hoàng Sa.

Trên thực tế, Trung Quốc không tìm được các tư liệu xác thực để minh chứng cho lập luận này mà chủ yếu là họ bóp méo sự thật, trích dẫn sai lệch, cắt xén các tài liệu. Bởi trên các bản đồ do chính Trung Quốc xuất bản từ đời nhà Thanh trở về trước đều thể hiện biên giới phía Nam của Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam. Cần phải đề cập đến điều này bởi lẽ nếu đúng là có chứng cứ xác thực về chủ quyền đối với Hoàng Sa thì Trung Quốc việc gì phải e ngại đưa vấn đề ra cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết?

Ngay cả ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia nổi tiếng về Công pháp quốc tế người Trung Quốc cũng cho rằng: “Chứng cứ (lịch sử) đó có ý nghĩa ngày càng nhỏ trong luật quốc tế hiện đại…, chứng cứ thật sự có sức thuyết phục chính là sự kiểm soát thực sự. Anh nói chỗ đó của anh, vậy anh đã từng quản lý nó chưa, người ở đó có phục tùng sự quản lý của anh không, có phải người khác không có ý kiến gì không? Nếu đáp án của những câu hỏi này đều là “có” thì anh thắng là điều chắc. Chúng ta (Trung Quốc) không có được điều đó…”.

Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư công pháp quốc tế và khoa học chính trị ở Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia dân chủ Pháp, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu kết luận: “Người Trung Quốc cách đây khá lâu đã biết ở Biển Đông có nhiều đảo mọc rải rác, nhưng điều đó không đủ làm cơ sở pháp lý để bảo vệ cho lập luận rằng, Trung Quốc là nước đầu tiên phát hiện, khám phá, khai thác và quản lý hai quần đảo này”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng nguyên tắc “chủ quyền lịch sử” mà Trung Quốc vin vào là vô giá trị, nếu không muốn nói đó là quan điểm rất nguy hại, gây bất ổn cho sự tồn tại hiện thời, hợp pháp của các quốc gia trên thế giới. Bởi vì, nếu chỉ căn cứ vào lịch sử thì nhiều quốc gia sẽ không tồn tại như ngày nay, kể cả nước Trung Hoa.

Bất chấp sự thật nói trên, để biện minh cho những hành động từng bước dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa vào các thời điểm năm 1909 (Tổng đốc Lưỡng Quảng), năm 1956, 1974 (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa), phía Trung Quốc đã và đang sử dụng nhiều thủ đoạn về chính trị, pháp lý, truyền thông, các diễn đàn khoa học, các dự án kinh tế hay bồi đắp, mở rộng các cấu trúc rồi xây dựng các công trình quân sự… để “giành lấy sự công nhận trên thực tế về lập trường “chủ quyền lịch sử” mơ hồ và sai trái của họ.

Việc Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực chính là hành động xâm lược vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Sự ngụy biện của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” vi phạm các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ.

Nhân ngày ông công ông táo về trời (23 tháng chạp năm Kỷ Hợi) và cũng là ngày mà cách đây 46 năm Trung Quốc huy động một lực lượng lớn hải quân xâm lược quần đảo Hoàng Sa (ngày 17/01/1974), chúng ta cùng nhìn lại vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa từ khía cạch pháp lý lịch sử để thấy rõ bộ mặt bành trướng, bá quyền của giới cầm quyền ở Bắc Kinh, đồng thời góp tiếng nói khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới