Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaDực Long 2: UAV hàng đầu của TQ

Dực Long 2: UAV hàng đầu của TQ

Truyền thông Trung Quốc mới đây công bố hình ảnh thử nghiệm máy bay không người lái (UAV) Dực Long 2 của Bắc Kinh với loại hình vũ khí mới, có khả năng tấn công chính xác cao.

Dực Long 2 bề ngoài gần như sao chép hoàn toàn UCAV MQ-9 Reaper của Mỹ ở biến thể hiện đại hóa ER, còn có tên là Block 5. MQ-9 Reaper có cánh dài và các cánh con giúp tăng tầm bay. Trong khi đó, Dực Long 2 có chiều dài 11 m, chiều cao 4,1 m, sải cánh 20,5 m, tốc độ đến 340 km/h và độ cao bay đến 9.000 m, trọng lượng cất cánh tối đa 4,2 tấn, có thể mang 480 kg vũ khí lắp dưới cánh và bay trên không liên tục đến 20 giờ. Theo thông báo của Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (25/12/2018), chiếc máy bay thứ 100 trong series UAV Dực Long đã hoàn thành nghiệm thu tại thành phố Thành Đô trước khi bàn giao cho khách hàng nước ngoài. Với việc hoàn thành chiếc máy bay không người lái lưỡng dụng thứ 100 này, Trung Quốc gọi đây là kỷ lục mới trong xuất khẩu thiết bị UAV và dấu mốc mới trên con đường phát triển series máy bay không người lái Dực Long do Trung Quốc tự chủ nghiên cứu chế tạo. Được biết, Viện thiết kế máy bay Thành Đô thuộc Tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu chế tạo các loại máy bay không người lái đa dụng từ năm 2005. Đến nay, Tập đoàn này đã phát triển được hai phiên bản máy bay loại này là Dực Long 1 và Dực Long 2, đồng thời xuất khẩu sang nhiều nước Trung Á, Trung Đông và châu Phi.

Theo thông tin mới nhất, Trung Quốc vừa thử nghiệm Dực Long 2 với trang bị vũ khí mới. Mặc dù không công bố loại vũ khí được thử nghiệm với máy bay do thám Dực Long 2, tuy nhiên nhiều khả năng đây là loại vũ khí không đối đất tầm gần. So với phiên bản UAV Dực Long lần đầu tiên được công bố, phiên bản thử nghiệm lần này cũng có khá nhiều khác biệt. Ngoài ra, phiên bản này cũng có hệ thống động cơ với lớn hơn, sải cánh rộng hơn và chiều cao tổng thể lớn hơn ở phiên bản trước đây.

Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI, 11/3/2019) mới công bố báo cáo cho thấy, Trung Quốc đang bán vũ khí cho nhiều quốc gia hơn và hiện là nhà xuất khẩu UAV hàng đầu thế giới. Theo thống kê, Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về doanh số bán UAV vũ trang. Cụ thể, Trung Quốc đã xuất khẩu 153 UAV cho 13 quốc gia trong 5 năm qua. Theo đó, 70% lượng vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc có điểm đến là khu vực châu Á và châu Đại Dương; 20% đến Châu Phi và 6,1% đến Trung Đông. Khách hàng chính của Trung Quốc là các quốc gia Trung Đông như: Ai Cập, Iraq, Jordan, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất; tại Nam Á, Pakistan, Bangladesh và Algeria tiếp tục là những đối tác hàng đầu của Trung Quốc. Đán chú ý, SIPRI cho biết 4 trong 10 nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu trong năm 2014-2018 là Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và Việt Nam đều không mua vũ khí của Trung Quốc vì lý do chính trị. So với Trung Quốc, Mỹ với vai trò là nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới chỉ bán 5 máy bay không người lái vũ trang cho Anh trong vòng 10 năm qua kể từ năm 2009. Hiện Mỹ, Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc là năm nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 3/4 tổng khối lượng bán vũ khí từ 2014-2018.

Được biết, Trung Quốc đã có bước nhảy vọt về chất trong 10-15 năm qua trong xây dựng hạ tầng khoa học và công nghệ UAV. Các loại UAV mới của Trung Quốc hiện có tính năng ngang bằng, thậm chí ở một số khía cạnh còn ưu việt hơn các loại tương đương của Mỹ. Các loại UAV này có giá cạnh tranh và do đó, có tiềm năng xuất khẩu cao. Hoạt động phát triển UAV của Trung Quốc nói chung phù hợp với các xu hướng toàn cầu. Mặc dù do sự lạc hậu về công nghệ tồn tại cho đến gần đây, Bắc Kinh đã nhấn mạnh vào việc sao chép các UAV của Mỹ và Israel. Các UAV của quân đội Trung Quốc có các nhiệm vụ giống như các UAV của quân đội Mỹ. Các nhiệm vụ chính là: Trinh sát; Chỉ thị mục tiêu; Tấn công mục tiêu mặt đất bằng tên lửa; Tác chiến điện tử.

Ngày nay, UAV chủ yếu được dùng trong các chiến dịch chống lại các kẻ địch phi đối xứng và thường là trang bị kém hơn về công nghệ như các quốc gia nhỏ, các địa bàn tranh chấp thông qua chiến tranh gián tiếp bằng các lực lượng ủy nhiệm, khủng bố/nổi dậy… Đồng thời, với trình độ công nghệ hiện nay, thật khó tưởng tượng một cuộc xung đột giữa các nước lớn mà không có việc sử dụng ồ ạt UAV. Khác với Mỹ, Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm sử dụng UAV trong tác chiến, song một số người cho rằng, các UAV Trung Quốc được sử dụng chẳng hạn ở Myanmar và Lào là do các nhân viên Trung Quốc vận hành. Quân đội Trung Quốc đang tích cực sử dụng UAV để giám sát biển và biên giới trên bộ, và chống cướp biển. UAV đang có vai trò lớn trong các hoạt động của quân đội Trung Quốc nhằm theo đuổi các lợi ích khu vực và toàn cầu của Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách xây dựng năng lực quân sự cho phép họ hành động hiệu quả cả trong xung đột gián tiếp và trực tiếp với kẻ địch tiên tiến về công nghệ, mà đầu tiên và trước hết là Mỹ. Do đó, các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đang theo đuổi việc phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có các UAV siêu âm và siêu vượt âm.

Một trong những con đường phát triển các UAV tương lai đó là chương trình AVIC 601-S. Nó đã dẫn đến việc chế tạo các mẫu thử nghiệm như Thiên nỗ (Tian-Nu hay Tiannu, Sky Crossbow), Phong nhận (Fengren hay Wind Blade, Vân cung (Yungong hay Cloud Bow), Chiến ưng (Zhanying hay  Warrior Eagle), Lợi kiếm (Lijian hay Sharp Sword) và Ám kiếm (Anjian hay Dark Sword). Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang ráo riết thử nghiệm các kiểu thiết kế UAV khác nhau (cánh bay, cánh hình tên ngược…) và các công nghệ mới nhằm có được những giải pháp tối ưu cho UAV để tăng tốc độ, khả năng cơ động và tính năng tàng hình của chúng. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tập trung cải tiến một số vấn đề trên UAV như tốc độ bay cao và bán kính bay lớn; khả năng cơ động; giảm độ bộc lộ radar.

RELATED ARTICLES

Tin mới