Truyền thông Trung Quốc (17/1) cho biết, lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc diễn tập chống lại một cuộc tấn công hạt nhân giả định.
Theo thông tin trên, trong cuộc diễn tập, binh sỹ thuộc lực lượng tên lửa của quân đội Trung Quốc từ cơ sở tên lửa dưới lòng đất được giả định chịu sự tấn công khốc liệt từ kẻ thù. Họ phải tiến hành các động thái phản công bằng vũ khí hạt nhân để đáp trả. Vụ diễn tập diễn ra trong một khu boong-ke ngầm ở địa điểm không được tiết lộ nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bài diễn tập giả định khu boong-ke chứa tên lửa này bị tấn công hạt nhân bên ngoài. Các binh sĩ bên trong được phục trang đầy đủ, thực hiện kế hoạch dự phòng và vận hành các tên lửa để phản kích.
Tình huống cũng giả định rằng nhiên liệu vận hành dàn tên lửa hạt nhân bị rò rỉ sau vụ tấn công. Một đội kỹ thuật ngay lập tức được triển khai để sửa chữa. Chiến thuật bao gồm binh sĩ có khả năng kiểm tra nhanh tình trạng tên lửa, thực hiện công tác hậu cần nhanh chóng, tiến hành phòng thủ hầm ngầm và phóng nhanh tên lửa đáp trả cũng được thực hiện.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên Thế giới có thể vận hành vũ khí hạt nhân nhưng luôn cam kết chính sách sẽ không dùng loại vũ khí này trước tiên ngoại trừ trường hợp bị tấn công hạt nhân phủ đầu; đồng thời nhấn mạnh dù vũ khí hạt nhân được dự báo sẽ không được sử dụng lại lần nữa nhưng các bài diễn tập chống tấn công hạt nhân là không thừa để Trung Quốc tự nâng cao khả năng bảo vệ mình, đồng thời góp phần vào hoạt động thử nghiệm và phát triển vũ khí.
Trung Quốc đang sở hữu dàn tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân gồm Đông Phong-5B (DF-5B) cùng các dàn tên lửa có bệ phóng di động như DF-31AG và DF-41. Ở dòng tên lửa tầm trung có DF-26, cùng tàu ngầm phóng tên lửa JL-2.
Theo đó, DF-5B loại ICBM khủng nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc xét trên phương diện thông số kỹ thuật. DF-5B có chiều dài 32,6m, đường kính 3,35m, trọng lượng phóng tới 183 tấn. Biến thể nâng cấp DF-5A có trọng lượng phóng tới 202 tấn. DF-5B có tầm bắn lý thuyết khoảng từ 12.000 – 15.000 km. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn. Tên lửa được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1971, chấp nhận vào trang bị khoảng 10 năm sau đó vào năm 1981. Việc vận hành DF-5B là một quá trình rất vất vả và tốn khá nhiều thời gian. Tên lửa được lưu trữ ở dạng nằm ngang, trước khi phóng nó phải được kéo ra ngoài trời để tiếp nhiên liệu. Người Trung Quốc gọi cách triển khai hoạt động này là “bắn một khẩu pháo ngoài trời”. Quá trình nạp nhiên liệu cho tên lửa mất đến 2 tiếng đồng hồ. Tên lửa được đưa lên giá phóng thẳng đứng trước khi phóng. Trong thời buổi công nghệ trinh sát hình ảnh phát triển rầm rộ như hiện nay thì việc triển khai phóng của DF-5B rất dễ bị lộ. Để khắc phục điểm yếu này, Trung Quốc đã cho xây dựng rất nhiều giếng phóng giả xung quanh vị trí triển khai DF-5 để đánh lừa các phương tiện trinh sát hình ảnh của đối phương. DF-5B có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 4-5Mt. Tên lửa được dẫn hướng bằng quán tính kết hợp với máy tính điều khiển trên tên lửa, CEP của DF-5B khoảng 1.000m. Trung tâm tình báo hàng không vũ trụ Mỹ NASIC nhận định, Trung Quốc có khoảng 20-25 ICBM DF-5B được triển khai hoạt động trong giai đoạn 1999-2008.
Tên lửa đạn đạo chiến lược của Trung Quốc là tên lửa liên lục địa ICBM DF-31A (tầm bắn đến 11.200km). Tổ hợp tên lửa thuộc bộ ba răn đe hạt nhân này được phát triển vào giữa những năm 1980 của thế kỷ 20. Ngay từ đầu, các kỹ sư Trung Quốc nhận nhiệm vụ thiết kế đảm bảo hệ thống phóng tên lửa phải cơ động tương tự như các ICBM Topol và Topol-M của Nga. Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa liên lục địa ICBM DF-31 là một trong những bí mật quân sự hàng đầu của Trung Quốc. Theo các phương tiện truyền thông, đây là tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn ba tầng phóng dài 13m, đường kính 2,25m và trọng lượng phóng 42 tấn, trang bị hệ thống dẫn đường quán tính với khả năng định vị bằng các chòm sao. Độ chính xác của đầu đạn (CVO – vòng tròn độ sai lệch), theo các ước tính khác nhau, từ 100m đến 1km. Tên lửa ICBM Trung Quốc có thể được lắp đặt đầu đạn hạt nhân đơn nhất có công suất lên tới 1 megaton hoặc ba đầu đạn dẫn đường đến các mục tiêu riêng rẽ với công suất 20-150 kiloton/đạn. Theo khối lượng mang hữu ích, có thể khoảng 1,2 tấn, tên lửa DF-31 tương tự như ICBM Topol và Topol-M của Nga. Có nhiều thông tin cho rằng, thay vì sử dụng đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng đầu đạn lượn siêu âm DZ-ZF. Phương tiện bay siêu âm được phóng từ sân bay vũ trụ Thái Nguyên (tỉnh Sơn Tây), theo trang báo này, đầu đạn lượn siêu âm (GLA) thực hiện các thử nghiệm bay với tốc độ từ 6.400 đến 11.200km/h, đánh trúng mục tiêu tại thao trường thử nghiệm miền tây Trung Quốc. Theo báo cáo của Ủy ban Tình báo Quốc hội Mỹ, DZ-ZF có thể được PLA đưa vào biên chế năm 2020, năm 2025 sẽ có phiên bản tầm xa nâng cấp.
Phiên bản nâng cấp của tên lửa DF-31A là tên lửa đạn đạo liên lục địa ba tầng, sử dụng nhiên liệu rắn phóng từ xe phóng di động. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, khoảng 10 hệ thống tên lửa DF-31A được triển khai tại Trung Quốc. Ước tính ban đầu của Washington cho rằng, tên lửa DF-31 có tầm bắn khoảng 7.200km. Tầm bắn này không thể đánh tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng phiên bản sửa đổi của tên lửa này, DF-31A, có tầm bắn hơn 11.200 km và có khả năng bao trùm hầu hết lục địa Mỹ khi phóng từ các khu vực thuộc miền trung Trung Quốc.
Tên lửa DF-41 là vũ khí chiến lược thế hệ thứ tư của Trung Quốc với tầm bắn xa nhất trong số tên lửa xuyên lục địa hiện có. DF-41 có tầm bắn lên đến 15.000 km, trở thành tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) bắn xa nhất thế giới. Các đối thủ chính của nó gồm tên lửa LGM-30 Minuteman của Mỹ có tầm bắn 13.000 km, còn mẫu RS-24 Yars của Nga có tầm bắn 12.000 km.Về cấu tạo, DF-41 dài 21 m với đường kính khoảng 2,25 m; trọng lượng 80 tấn, sử dụng nhiên liệu rắn, được phóng từ các hệ thống di động, giúp nó có tính cơ động cao và thời gian phóng ngắn, khiến đối phương khó theo dõi. Một số chuyên gia cho biết DF-41 còn có thể được triển khai tại các giếng phóng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Nước này có thể đang phát triển bệ phóng chạy trên đường sắt cho DF-41, được ngụy trang dưới dạng toa xe tàu hỏa thông thường. Các tính năng này được cho là giúp tăng tốc độ phản ứng và khả năng sống sót của lực lượng hạt nhân Trung Quốc trước các đợt tấn công phủ đầu của đối phương. Với tải trọng 2,5 tấn, DF-41 có thể mang theo 10 đầu đạn hồi quyển độc lập (MIRV) và trên lý thuyết có thể tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ chỉ 30 phút sau khi phóng. DF-41 còn có thể mang theo mồi nhử và các thiết bị hỗ trợ thâm nhập khác để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Tính năng này được phát triển để đối phó các hệ thống chống tên lửa đạn đạo tầm xa như Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Đạn đạo (BMDS) của Mỹ.Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc có thể phát triển DF-41 từ trước năm 2000 và dự án từng bị hoãn lại nhiều lần. Năm 2009, Quân đội Trung Quốc đã khởi động lại chương trình mang tên 41H, tổng cộng có 156 viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp công nghiệp tham gia. Căn cứ vào đánh giá của nhà phân tích độc lập Nhật Bản, Trung Quốc đã chi tổng cộng 1,1 tỷ USD trong chương trình dài 5 năm, kết quả vào năm 2014 đã truyền đi một thông điệp với thế giới: Bắc Kinh đã bắn thử thành công tên lửa tốc độ siêu cao mới có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Như vậy, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba sở hữu loại vũ khí này, sau Nga và Mỹ. Nó chính là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lắp nhiều đầu đạn độc lập Đông Phong-41, tốc độ bay có thể đạt 6 Mach.
DF-26 là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung, được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào tháng 4/2018. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của Trung Quốc, nó là bước phát triển từ DF-21 với tầm bắn lớn và độ chính xác được gia tăng. Trung Quốc tuyên bố rằng DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xuất sắc nhất thế giới do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương tự vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF. DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có chiều dài 14 m; đường kính thân 1,4 m; trọng lượng phóng 20 tấn; tầm bắn chưa thấy công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 – 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng con số này ít nhất phải đạt tới 5.000 km; tải trọng đầu đạn mà tên lửa DF-26 có thể mang theo nằm trong khoảng 1,2 – 1,8 tấn, nó lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu mà sai số của DF-26 chỉ nằm dưới 10 m. Tuy nhiên, một trong những tính năng nổi bật của tên lửa này là có khả năng đánh trúng các mục tiêu di động. Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo các chuyên gia, tên lửa Đông Phong-26 khi được phóng từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị đánh chặn hơn so với khi phóng từ các khu vực gần bờ biển, bởi trong giai đoạn đầu, tên lửa bay ở tầm khá thấp và dễ bị phát hiện. Đối thủ khả dĩ nhất của tên lửa DF-26 trong khu vực là Agni V do Ấn Độ sản xuất, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự thì tính năng kỹ chiến thuật của DF-26 cao cấp hơn nhiều.
Tên lửa đạn đạo mới phóng từ tàu ngầm JL-2 dài 13 m (tầng đẩy 10 m, đầu nổ 3m), đường kính (đoạn lớn nhất) 2 m, có tầm bắn khoảng 7.000 km, có thể từ bờ biển Trung Quốc phóng đến Alska, Guam, Hawai (Mỹ) và khu vực Sibiria của Nga. JL-2 được trang bị bị hệ thống điều khiển đa phương tiện gồm các chức năng tự tìm mục tiêu bằng hình ảnh, điều khiển quỹ đạo bay bằng hệ thống quán tính, điều khiển cưỡng bức quỹ đạo bay bằng lệnh từ mặt đất, tự định vị thông qua hệ thống định vị vệ tinh quân sự, tự hủy trên quỹ đạo khi sai số mục tiêu đến 20 độ hoặc cưỡng bức tự hủy từ mặt đất, tự phá hủy mạch khởi động đầu nổ hạt nhân hoặc cưỡng bức đóng mạch khi chệch mục tiêu hoặc tàu ngầm mang tên mửa bị đánh đắm. JL-2 có khả năng mang 01 đầu nổ thường 1.000 kg hoặc 01 đầu nổ hạt nhân 25 KT.
Được biết, Trung Quốc hiện sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân, đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp. Trong số vũ khí hạt nhân Trung Quốc đang sở hữu, có nhiều loại đủ khả năng tấn công tới cả Mỹ và Nga, gây ra mối đe dọa an ninh toàn cầu. Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết Trung Quốc đã tăng số đầu đạn hạt nhân của nước này lên 280, tức nhiều hơn 10 đầu đạn so với năm 2017. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phóng vũ khí hạt nhân, một phần trong chiến lược cải thiện năng lực tác chiến và khả năng răn đe của lực lượng hạt nhân. Với việc sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp. Mỹ và Nga hiện là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga hiện có 6.850 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.600 thiết bị đã được triển khai. Mỹ có tổng cộng 6.450 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.750 đầu đạn ở trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa. Cả Nga và Mỹ hiện tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ với độ chính xác cao. Tuy nhiên, SIPRI cũng cho biết Trung Quốc hiện chưa lắp đặt các đầu đạn hạt nhân của nước này vào tên lửa hoặc triển khai tại các bệ phóng sẵn sàng khai hỏa. Các đầu đạn của Trung Quốc phần lớn được bảo quản tại các cơ sở lưu trữ.
Những năm qua, Trung Quốc liên tục mở rộng ngân sách quốc phòng nhằm cải thiện sức mạnh của lực lượng vũ trang nước này. Trung Quốc chi 228 tỷ USD cho quốc phòng năm 2017, tăng 5,6% so với năm 2016. Các chuyên gia nhận định dù Trung Quốc về tổng thể vẫn ở phía sau so với Mỹ trong nấc thang hạt nhân, Bắc Kinh dường như đã đạt được một số bước tiến đáng kể, đặc biệt về công nghệ vũ khí hạt nhân loại nhỏ. Trung Quốc hiện tập trung phát triển các loại vũ khí chiến thuật tác chiến trong phạm vi gần, có khả năng xóa sổ hoàn toàn một nhóm tàu sân bay.