Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaLập luận, cơ sở pháp lý của Trung Quốc không thuyết phục...

Lập luận, cơ sở pháp lý của Trung Quốc không thuyết phục về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Kể từ năm 1974, sau khi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Chính quyền Trung Quốc tích cực triển khai chiến dịch tuyên truyền xuyên tạc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Hoa Dân quốc tối tân địa đồ của Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch cũng không có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Từ dẫn chứng lịch sử    

Đầu tiên, Bắc Kinh tuyên truyền, xuyên tạc về dẫn chứng lịch sử “chủ quyền” ở Biển Đông. Tuy nhiên, phần lớn các sử liệu mà Trung Quốc viện dẫn là không chính thống. Đa phần các tài liệu mà Trung Quốc đã viện dẫn là tài liệu lịch sử không chính thống, là những ghi chép tản mạn trong những chuyến hải hành hoặc là do tư nhân tự biên soạn. Do vậy, sự nghi ngờ về tính xác thực và khoa học của các tài liệu đó là điều khó tránh khỏi. (1) Các địa danh được gọi dưới nhiều cái tên không nhất quán. Điều đó, dẫn đến việc chú thích địa danh rất gượng ép và thiếu cơ sở kiểm chứng tính xác thực và quan trọng là việc ghi nhận lại những cái tên chỉ đánh dấu hiểu biết về sự tồn tại của các thực thể đó ở ngoài biển chứ khó có thể là bằng chứng cho chủ quyền. Điển hình là tài liệu đồ sộ do Hàn Chấn Hoa chủ biên, đã trích dẫn sử liệu để cụ thể hóa những cứ liệu lịch sử mà sách trắng Trung Quốc năm 1980 đã dẫn ra, thì bị chênh lệch rất nhiều so với sử liệu gốc. Mặc dù Tòa cho phép các bên trong vụ tranh chấp đệ trình tất các bằng chứng mình có nhưng những bằng chứng ngụy tạo (defamatory) sẽ bị loại bỏ. Bên cạnh đó, thực tế các phán quyết của Toà ICJ cho thấy đặt tên đầu tiên cho các đảo không có nhiều giá trị trong việc khẳng định chủ quyền. Trong phán quyết về tranh chấp ở đảo Đá Trắng, mặc dù Tòa thừa nhận Johor (quốc gia tiền thân của Malaysia) đã đặt tên ban đầu cho đảo Đá Trắng nhưng Tòa đã dựa vào hành xử chủ quyền của Singapore cũng như quốc gia tiền thân của Singapore để đi đến kết luận chủ quyền đối với đảo Đá Trắng thuộc về Singapore. (2) Các mô tả và tính toán về thời gian hải hành ra các địa danh mà sử liệu đề cập đến ít có khả năng là quần đảo Hoàng Sa mà chỉ có thể là các đảo ven bờ biển của đảo Hải Nam. Một phần do hạn chế về khoa học kĩ thuật đương thời nên các địa danh được nói tới càng ít có khả năng được xác định một cách rõ ràng, chính xác. Do vậy, khó có thể sử dụng những trích dẫn từ sử liệu như vậy để chứng minh cho việc xác lập chủ quyền. (3) Không gian được mô tả bao gồm cả những vùng “man di” lân cận không giới hạn rõ biên giới lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí ngay ở tên một số sách đã thể hiện rõ cho dù các thực thể được mô tả đó là Hoàng Sa đi nữa thì cũng là “dị vật” đối với đế chế Trung Hoa, ví dụ như Giao Chỉ dị vật chí của Dương Phu (Đông Hán), Nam Châu dị vật chí của Vạn Chấn (Tam Quốc) và Chư Phiên Chí của Triệu Nhữ Quát (Tống), bởi sách này chỉ ghi chép về các xứ sở khác ngoài đất nước của chính tác giả.

Không những vậy, trong chính sử, cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Biên giới lãnh thổ của các quốc gia luôn có sự biến thiên theo thời gian. Cương vực của Trung Quốc cũng vậy, qua các triều đại khác nhau thì luôn có sự thay đổi. Tuy nhiên, có một điểm chung về cương vực lãnh thổ của những sử liệu chính thống của Trung Quốc đó là khẳng định cực Nam của nước này tới đảo Hải Nam. Ngoài ra, lịch sử Trung Quốc thừa nhận rằng lãnh thổ cương vực của nhà Hạ chỉ là vùng đồng bằng Hoa Hạ phía Bắc sông Dương Tử. Vùng Nam Hải mà “Dật Chu thư” nhắc đến thì lại thông qua quan hệ triều cống của các quốc gia chư hầu, quan hệ chư hầu không đồng nghĩa với việc sáp nhập lãnh thổ của quốc gia chư hầu vào đế chế Trung Hoa. Căn cứ vào cuốn Hán thư, lãnh thổ cương vực nhà Hán lúc rộng lớn nhất có bao gồm cả phần lãnh thổ của Việt Nam, phần lãnh thổ ven Biển Đông được chia làm 7 quận, trong đó có 2 quận ở phía Bắc đảo Hải Nam. Tuy nhiên, cách ghi chép 2 quận của đảo Hải Nam này rất đặc biệt, chúng không nằm trong phần Địa lý chí nơi mà hệ thống chính quyền trung ương nhà Hán cai trị mà được ghi riêng trong mục phong tục đất Việt. Điều này là một minh chứng ở triều đại này chỉ quản lý đến phần đất liền ven Biển Đông, còn phần đảo Hải Nam nằm ngoài tầm cai trị mặc dù có nhận thức được sự tồn tại. Như vậy, Trung Quốc càng khó có khả năng xác lập chủ quyền đối với quần đảo nhỏ xa hơn về phía Nam như Hoàng Sa. Còn căn cứ vào cuốn Hậu Hán thư, việc quản lý đất đai của Triều đại Đông Hán kém hơn Tây Hán nên vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ đảo Quỳnh Châu; trong cuốn này có nhắc đến nhiều chuyến cống nạp từ các nước phía Nam (có khả năng đi bằng đường biển qua Biển Đông). Có thể nhận ra rằng, đế chế Trung Hoa chưa hề chủ động có các chuyến hải hành trong thời gian này. Các chuyến đi được ghi nhận là do các nước ngoài chủ động tìm đến Trung Quốc. Từ đó có thể kết luận rằng, xét về mặt sử liệu thì Trung Quốc không thể có một chủ quyền lâu đời từ trước thời Hán Vũ đế như nước này lập luận.

Thứ hai, Trung Quốc thông qua các di tích khảo cổ để tìm cách ngụy biện, lấp liếm về cái gọi là “chủ quyền” đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, những di tích khảo cổ Trung Quốc cho là tìm thấy được từ quần đảo Hoàng Sa khó có thể trở thành bằng chứng cho chủ quyền của Trung Quốc, vì: (1) Qua lại nơi vùng biển này không chỉ có ngư dân Trung Quốc. Các cổ vật tìm được chỉ có thể giám định được niên đại chứ khó khẳng định được xuất xứ cũng như chủ nhân của nó. (2) Chủ nhân của các miếu cô hồn, các ngôi mộ, các “văn vật lịch sử” mà Trung Quốc đã dẫn chứng cũng có thể là người Việt Nam. Theo Châu bản triều Nguyễn của phía Việt Nam, thì chính các đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải của nước này được lệnh vua ra xây dựng miếu. Rất trùng hợp là chữ viết của Việt Nam và Trung Quốc lúc bấy giờ là chung một loại chữ và văn hóa có nhiều nét tương đồng. Trung Quốc lại không có bằng chứng nào chứng minh mình là chủ nhân của các “văn vật lịch sử” đó. (3) Trung Quốc đang chiếm đóng trên thực tế quần đảo này nên khó tránh khỏi nghi ngờ về tính trung thực của các cổ vật. Và quan trọng nhất là, trong luật pháp quốc tế các di chỉ khảo cổ không có vai trò trong việc công nhận hay bác bỏ chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ có các cổ vật của quốc gia khác. Nói như tác giả Mỹ Đức, Trung Quốc có chứng minh được mình là chủ nhân của các “văn vật lịch sử” đó cũng không được coi là chứng cứ cho chủ quyền của Trung Quốc.

Thứ ba, Trung Quốc thường đưa ra các “bản đồ cổ” để truyền bá cái gọi là ranh giới địa lý của nước này. Nhưng giá trị bằng chứng của các bản đồ cũng là một vấn đề gây tranh cãi trong luật pháp quốc tế. Một mặt, những bản đồ được vẽ một cách cẩn thận có thể là chìa khóa để giải quyết các tranh chấp quốc tế, thể hiện ý định của Trung Quốc và cung cấp số liệu địa lý chính xác. Tuy nhiên, song song với những bản đồ mà Trung Quốc viện dẫn để chứng minh chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa thì nước này cũng có rất nhiều bản đồ chính thức của triều đại nhà Thanh – triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc – khẳng định cực Nam là Hải Nam, điển hình là: “Đại Thanh nhất thống toàn đồ” năm 1760 của nhà Thanh, “Đại Thanh nhất thống thiên hạ toàn đồ năm” 1818, “Quảng Đông đồ” năm 1886, “Nhị thập thế kỷ trung ngoại đại địa đồ” năm 1906, đặc biệt chú ý là bản đồ hành chính chính thức của nhà Thanh năm 1904 “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cũng chỉ vẽ lãnh thổ Trung Quốc đến đảo Hải Nam, đây là bản đồ được đích thân các hoàng đế nhà Thanh từ Khang Hy cho đến Quang Tự huy động lực lượng giáo sỹ và những người tài giỏi về thiên văn, toán pháp thực hiện trên cơ sở tập hợp dữ liệu từ các đời Tần, Hán và được tiến hành liên tục gần hai thế kỷ (1708-1904), do nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904. Mặt khác, quá phụ thuộc vào các bản đồ cũng khá mạo hiểm bởi vì “giống như các số liệu, chúng có thể nói dối”. Và dưới góc nhìn của các phán quyết quốc tế thì các bản đồ đóng vai trò không lớn trong việc xác định chủ quyền đối với các lãnh thổ bị tranh chấp. Tòa ICJ đã đưa ra nhận định rằng: “Trong những tranh chấp lãnh thổ, bản đồ chỉ chứa đựng những thông tin thường không ổn định, sự xuất hiện đơn thuần trên bản đồ không thể mang lại danh nghĩa chủ quyền, tức là, bản đồ không phải là văn bản có giá trị pháp lý cần thiết dùng để các thiết lập các quyền về lãnh thổ”. Như vậy, dưới góc nhìn của các phán quyết quốc tế thì các bản đồ đóng vai trò không lớn trong việc xác định chủ quyền đối với các lãnh thổ bị tranh chấp. Có thể kết luận là, các bản đồ không thể là bằng chứng cho chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Các lập luận dựa trên các bản đồ này hoàn toàn có thể bị bác bỏ.

Đến cơ sở pháp lý

Trung Quốc đã vận dụng không ít những nguyên tắc từ luật pháp quốc tế, như quyền phát hiện dưới góc nhìn của luật quốc tế theo thời điểm, những sự việc thể hiện năng lực làm chủ và sự công nhận từ quốc tế để khẳng định “chủ quyền” ở Hoàng Sa. Lập luận của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào những hành động khai thác của ngư dân. Tuy nhiên, luật pháp quốc tế ghi nhận chủ thể của việc thụ đắc lãnh thổ phải là nhà nước mà những hành động khai thác của ngư dân được Trung Quốc viện dẫn chỉ là những hành vi cá nhân, không có đặc quyền, không phù hợp với sự chiếm hữu cũng như với ý định khẳng định chủ quyền. Hơn nữa, phải khẳng định là tiến hành các hoạt động khai thác xung quanh quần đảo Hoàng Sa không chỉ có ngư dân của mỗi nước Trung Quốc mà còn có các quốc gia khác của Đông Nam Á.

Không những vậy, các hoạt động mà Trung Quốc cho là hành xử chủ quyền thì không đáp ứng đủ các yếu tố hòa bình, công khai và liên tục. (1) Sự kiện hải quân nhà Bắc Tống đi tuần tra vùng biển “Cửu Nhũ Loa Châu” thì vị trí địa lý được mô tả lại rất mơ hồ, không có bằng chứng, phần nhiều mang tính suy luận. Tính suy luận được thể hiện rất rõ ngay trong ngôn từ của văn bản Sách trắng 1980 với dòng chữ: “Cửu Nhũ Loa Châu ngày nay là quần đảo Tây Sa”. Một bằng chứng mà do suy luận thì giá trị của bằng chứng đó không thể đủ để thuyết phục được. Trung Quốc lại chưa thể chứng minh được liệu rằng “Cửu Nhũ Loa Châu” có thật là quần đảo Tây Sa hay không? (2) Việc đo đạc thiên văn đầu nhà Nguyên có đề cập đến 27 địa điểm nhưng có cả những điểm như Cao Ly (thuộc Triều Tiên) và Thiết Lặc (thuộc vùng Siberia). Nhận thấy rằng, trong 27 điểm đo đạc thiên văn thì đã có ít nhất hai điểm rất rõ ràng là không thuộc lãnh thổ của Trung Quốc, thì làm sao có thể lấy sự kiện này làm căn cứ khẳng định chủ quyền tại điểm “đo ở cực Bắc Nam Hải ra đến 15 độ” (có thể là quần đảo Hoàng Sa)? Cho dù sự thật về điểm “đo ở cực Bắc Nam Hải ra đến 15 độ” đó có là quần đảo Hoàng Sa đi nữa thì hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng đó cũng là một điểm thuộc nước ngoài như hai điểm đã được xác định rõ ở Cao Ly và Thiết Lặc. Và quan trọng hơn hết là việc tiến hành nghiên cứu khoa học chưa từng là căn cứ xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ. Cũng theo tư tưởng này mà ngày nay đối với những vùng là “di sản chung của nhân loại” thì các quốc gia hoàn toàn có thể thực hiện nghiên cứu khoa học và đương nhiên không kéo theo bất kỳ hệ quả nào về việc xác lập chủ quyền cho quốc gia có thực hiện nghiên cứu khoa học tại vùng đó. (3) Các địa danh mà phó tướng thủy sư Ngô Thăng tiến hành tuần biển thì theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hồng Thao, các địa danh đó là các đảo ven bờ lục địa Trung Hoa hoặc lân cận đảo Hải Nam, hoàn toàn không đề cập đến Tây Sa hay Nam Sa. (4) Suốt từ thế kỷ XVII cho tới những năm đầu thế kỷ XIX trước lúc Việt Nam trao các quyền quốc gia cho Pháp, trong khi Việt Nam có những bằng chứng xác đáng về việc tổ chức khai thác mang tính chất nhà nước với các đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải thì Trung Quốc lại không có bất kỳ phản ứng nào, việc này rất bất lợi cho Trung Quốc vì có thể bị hiểu là “sự đồng ý ngầm” (acquiescence) vì không có các hành vi thực thi chủ quyền mà còn im lặng như đã đồng tình với sự chiếm hữu của Việt Nam. (5) Cuộc hành quân chớp nhoáng (24 giờ) của Đô đốc thủy sư Lý Chuẩn có thể bị xem là hành động muộn màng vì Hoàng Sa đã bị đặt dưới sự quản lý có hiệu quả của triều đình nhà Nguyễn (Việt Nam). Mặt khác, chính phủ bảo hộ của triều Nguyễn (Pháp) lúc bấy giờ cũng đã có những hành động thiết thực và cụ thể như ra chiếm đóng, xây dựng quần đảo. Cũng nói thêm, cuộc hành quân này của Lý Chuẩn đã bị giải thích dưới nhiều góc độ khác nhau và gây ra mâu thuẫn trong lập luận của chính nước này khi cho rằng đây chính là hành động xác lập chủ quyền đối với lãnh thổ vô chủ với những hành động như treo cờ và bắn một loạt súng đại bác. Vì trên thực tế năm 1909 là mốc quan trọng trong yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhiều bản đồ, ghi chép của Trung Quốc về Hoàng Sa xuất hiện nhiều hơn kể từ sau sự kiện này. Nếu lập luận theo hướng sự kiện này là dấu mốc Trung Quốc xác lập chủ quyền thì hoàn toàn mâu thuẫn vì phủ nhận trực tiếp “chủ quyền lâu đời” của Trung Quốc đối với Hoàng Sa. (6) Sự thật không thể chối cãi được, Trung Quốc đã hai lần dùng vũ lực để chiếm đóng trên thực tế quần đảo này vào năm 1956 và 1974. Cả hai sự kiện này đều xảy ra sau khi luật quốc tế hiện đại ra đời (1945) với nguyên tắc “không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Một sự chiếm đóng quân sự khi bị tố cáo như vậy sẽ không bao giờ và bằng bất kỳ cách nào có thể chuyển thành một danh nghĩa có giá trị và được công nhận.

Kết luận:

Từ những vấn đề trên cho thấy, các căn cứ lịch sử, pháp lý để Trung Quốc viện dẫn tuyên truyền, xuyên tạc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là không có cơ sở khoa học, không đủ thuyết phục đối với cộng đồng quốc tế. Nó chỉ gố phần làm rõ hơn hành vi, âm mưu, ý đồ nham hiểm của Trung Quốc trong việc xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới