Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ ngụy biện về việc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần...

TQ ngụy biện về việc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Bất chấp sự phản đối, lên án của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang ngược ngụy biện về hành vi dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa

Ngày 15 tháng 1 năm 1974, sau khi tuyên bố lên án chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã “xâm lấn đất đai của Trung Quốc”, “tất các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và Trung Sa là lãnh thổ của Trung Quốc”…, Bắc Kinh đã đưa quân đổ bộ và cắm cờ Trung Quốc lên các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Ngày 16 tháng 01 năm 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt của hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã đưa phái đoàn quân lực ra Hoàng Sa và phát hiện hai chiến hạm số 402 và 407 của Hải quân Trung Quốc đang ở gần đảo Hữu Nhật, xác nhận quân Trung Quốc đã chiếm đóng, cắm cờ trên các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh… Lập tức Ngoại trưởng Vương Văn Bắc họp báo tố cáo Bắc Kinh đã huy động tàu chiến vi phạm vùng biển quần đảo Hoàng Sa và đưa binh lính đổ bộ xâm chiếm các đảo Hữu Nhật, Quang Ảnh, Quang Hòa, Duy Mộng thuộc nhóm phía tây quần đảo Hoàng Sa.

 Ngày 17 tháng 01 đến ngày 20 tháng 01 năm 1974, trận hải chiến giữa lực lượng hải quân Việt Nam Cộng Hòa và lực lượng hải, lục, không quânTrung Quốc xảy ra trong tình thế chênh lệch lực lượng rất khó khăn cho lực lượng Việt Nam Cộng Hòa và mặc dù đã chiến đấu quả cảm nhiều binh sĩ đã anh dũng hi sinh, quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã không thể giữ được các đảo thuộc nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Quan sát viên của Việt Nam Cộng Hòa tại Liên Hợp quốc đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 01 năm 1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó.

 Cũng trong thời gian này, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra tuyên bố nêu rõ lập trường của mình: (i) Chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ là những vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. (ii) Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề mà giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại. (iii) Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng.

Những luận điệu xuyên tạc, ngụy biện của Trung Quốc

Đầu tiên, Trung Quốc cho rằng: “Trong chiến tranh thế giới thứ 2, phát xít Nhật chiếm đóng quần đảo Tây Sa. Năm 1945, Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh, theo hàng loạt các văn kiện quốc tế, tháng 11/1946, Chính phủ Trung Quốc cử quan chức cấp cao đi tàu đến Tây Sa tiếp nhận”. Tuy nhiên, trên thực tế phát xít Nhật không xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa mà là từ tay người Pháp đang bảo hộ cho Việt Nam. Trung Quốc không có chủ quyền ở Hoàng Sa nên luận điệu “tiếp quản” là hoàn toàn vô lý. Không những vậy, tại hội nghị Potsdam (26/7/1945) các nhà lãnh đạo Tam cường khi đó là Mỹ, Anh, Trung Hoa dân quốc đã quyết định chia Đông Dương làm hai khu vực để tiện cho việc giải giới quân đội Nhật Bản đóng tại đây. Vĩ tuyến thứ 16 được chọn làm ranh giới: việc giải giới ở khu vực Bắc vĩ tuyến ủy thác cho quân đội Trung Hoa (quân Tưởng Giới Thạch) và ở khu vực phía Nam do liên quân Anh – Ấn đảm nhận. Vì quần đảo Hoàng Sa nằm ở giữa hai vĩ tuyến thứ 15 và 17 nên việc giải giới quân đội Nhật trú đóng ở đây thuộc thẩm quyền của quân Tưởng. Tuyên ngôn Potsdam chỉ cho phép Trung Hoa dân quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở quần đảo Hoàng Sa, chứ không cho phép Trung Hoa dân quốc thu hồi quần đảo này. Theo đó, Trung Hoa dân quốc, sau khi giải giáp quân đội Nhật và ổn định tình hình cần phải trao trả Hoàng Sa cho quốc gia có chủ quyền là Việt Nam.

Thứ 2 Trung Quốc cho rằng: “Tháng 1 năm 1974, Trung Quốc đã đánh đuổi quân đội Sài Gòn Việt Nam khi đó đang chiếm đóng một số đảo trong quần đảo Tây Sa”. Trên thực tế, lợi dụng thời khắc lịch sử rối ren của Việt Nam khi quân viễn chinh Pháp buộc phải rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo Hiệp định Giơnevơ, quân đội Việt Nam Cộng Hòa chưa kịp tiếp quản Hoàng Sa, Trung Quốc đã “lén lút” đưa quân chiếm đóng nhóm đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa vào năm 1956. Năm 1970, thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam vào giai đoạn cao điểm, Hải quân của quân giải phóng nhân dân Trung Hoa đã tiến hành một số hoạt động ít kín đáo trên nhóm đảo An Vĩnh, bộ phận phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Các cơ sở hạ tầng quân sự đã được xây dựng vào năm 1971. Từ ngày 17 tháng 1 năm 1974, Trung Quốc mở cuộc tấn công vào lực lượng hải quân của Việt Nam Cộng Hòa với lực lượng hùng hậu: một hạm đội gồm 8 tàu chiến, lục quân và không quân. Dù đã chiến đấu quả cảm, nhiều binh sĩ đã hy sinh nhưng đến ngày 20 tháng 1 năm 1974, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa đã thất thủ, Trung Quốc đã chiếm nốt nhóm đảo phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động đánh chiếm các đảo, quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc. Bà Monique Chemillier Gendreau, Giáo sư Công pháp và Khoa học Chính trị của Trường Đại học Paris VII Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia châu Âu nhấn mạnh rằng, việc chiếm đóng bằng các cuộc xăm lăng vũ lực là vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, tất cả những hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa không được thừa nhận là hợp pháp. Đồng thời, bà Monique Chemillier Gendreau khẳng định Trung Quốc không hề có giấy tờ chứng thực lịch sử với quần đảo Hoàng Sa, chính quyền nước này cũng không có quyền gì mà chỉ chiếm bằng vũ lực. Điều này không thể được xem là một quyền theo luật pháp quốc tế. Như vậy, đã quá rõ ràng về cái mà Trung Quốc gọi là sự tiếp quản chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa (tức Hoàng Sa), càng rõ ràng hơn cái mà Trung Quốc nói là đánh đuổi quân đội của VNCH trên quần đảo này vào tháng 1 năm 1974. Đó thực chất chỉ là những hoạt động “trộm cướp” trong những hoàn cảnh đặc thù mà luật pháp quốc tế đã và đang nghiêm cấm những hành vi như vậy.

Cuối cùng, Trung Quốc đưa ra những dẫn chứng là lời nói vào năm 1956 của ông Ung Văn Khiêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nội dung công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo Tây Sa. Trung Quốc cho rằng: “Chính phủ Việt Nam hiện nay đã quên ngay những thừa nhận trước kia, vi phạm nghiêm trọng quy định quốc tế và chuẩn tắc trong quan hệ quốc tế là không được phản ngôn”. Trên thực tế hoàn toàn trái ngược với những gì Trung Quốc tuyên bố. Theo Hiệp định Giơnevơ năm 1974, quần đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý của chính quyền Nam Việt Nam nên chỉ có chính quyền Nam Việt Nam mới được phát biểu về Hoàng Sa. Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi đó không phải là chính chủ về mặt lãnh thổ nên không có quyền, những lời phát biểu hoặc sự thừa nhận của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa về chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Sa đều không mang ý nghĩa pháp lý. Thêm nữa, người Việt Nam không hề “phản ngôn” mà trái lại, việc thực thi và tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa luôn được các cơ quan đại diện hợp pháp duy trì một cách liên tục, không gián đoạn. Trong đó, có thể kể đến thông cáo ngày 24/5/1956, Việt Nam Cộng Hòa nhấn mạnh: “Toàn bộ quần đảo Hoàng Sa luôn là một phần lãnh thổ thuộc Việt Nam”. Trước đó, trước việc Trung Quốc dùng vũ lực đánh cướp nhóm đảo phía Tây, quan sát viên của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Liên hợp quốc khi đó đã chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa.

Tóm lại, tất cả những tài liệu mà Trung Quốc đưa ra nhằm chứng minh chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo mà Trung Quốc gọi là Tây Sa (tức Hoàng Sa của VN) đều là ngụy biện và giải thích một cách gượng ép. Người Trung Quốc chỉ thực sự nhòm ngó quần đảo Hoàng Sa của VN từ đầu thế kỷ XX và tổ chức đánh cướp quần đảo này từ người Việt Nam bằng hành động lén lút năm 1956 và tấn công quân sự năm 1974.

 Một số nước Nam Á đã lên tiếng phản đối hành vi dùng vũ lực của Trung Quốc

Nếu như Mỹ là đồng minh của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã làm ngơ cho Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa thì Liên Xô lại phản đối. Ngày 27/1/1974, Báo Pravda (Sự thật) của Đảng Cộng sản Liên Xô đã có bài xã luận lên án gay gắt hành vi xâm lược bằng vũ lực của Trung Quốc và cảnh báo âm mưu bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông và Đông Nam Á. Bài xã luận khẳng định: “Hành động quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa như một chủ trương bành trướng lãnh thổ là đe dọa cho các quốc gia châu Á. Việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp đất đai, lãnh thổ là không thể nào tha thứ”.

Ngày 30/3/1974, đại biểu chính quyền Việt Nam Cộng hòa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Hội đồng Kinh tài Viễn Đông họp tại Colombia. Ngày 14/2/1975, Bộ Ngoại giao chính quyền Việt Nam Cộng hòa công bố Sách Trắng về Hoàng Sa và Trường Sa. Theo giáo sư người Pháp Monique Chemillier Gendreau – trong cuốn sách nổi tiếng “Chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” cho đến khi có Hiệp ước bảo hộ của Pháp vào năm 1884 , Việt Nam có chủ quyền liên tục không gián đoạn trong gần 2 thế kỷ đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thiết lập chủ quyền của Việt Nam phù hợp đối với luật pháp quốc tế và không có sự cạnh tranh hay phản kháng từ bất kỳ nước nào khác.

Mặc cho những sự phản đối này, Trung Quốc vẫn chiếm giữ trái phép toàn bộ Hoàng Sa và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng trên quần đảo cho đến nay. Theo một số nhà phân tích, cuộc hải chiến Hoàng Sa cho thấy Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng vũ lực công khai vào thời điểm khó khăn, phức tạp nhất của Việt Nam để chiếm đoạt Hoàng Sa, điều mà từ thời nhà Mãn Thanh và Quốc Dân đảng chưa dám thực hiện. Giới nghiên cứu cho rằng, lúc bấy giờ Trung Quốc đã bước vào giai đoạn dùng vũ lực để mở rộng lãnh thổ, lãnh hải. Dù bị thế giới lên án, tại Biển Đông, Trung Quốc đã nhảy vào cưỡng chiếm Hoàng Sa, với rắp tâm biến vùng lãnh thổ của quốc gia khác thành “vùng tranh chấp”.

Nhìn chung, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông bằng vũ lực là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2, Khoản 4 của Hiến chương Liên Hơp Quốc, trong đó cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác. Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên hợp quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ. Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625 ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong đó quy định:“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe doạ hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe doạ hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.

Hành động Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa năm 1956 và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này năm 1974 thực chất là một hành động xâm lược lãnh thổ của Việt Nam bằng vũ lực. Theo luật pháp quốc tế việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo ở quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt. Nghị quyết 2625 của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

RELATED ARTICLES

Tin mới