Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMột số điểm nhấn trong Thông điệp Liên bang 2020 của Tổng...

Một số điểm nhấn trong Thông điệp Liên bang 2020 của Tổng thống Donald Trump

Ngày 5/2, trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang 2020 trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, Tổng thống Donald Trump đã nêu bật những thành tựu kinh tế, xã hội, quân sự mà chính quyền ông đã đạt được trong 3 năm qua. Đây là Thông điệp liên bang thứ ba của Tổng thống Trump kể từ khi nhậm chức, song là lần cuối cùng trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Với chủ đề “Sự trở lại của nước Mỹ vĩ đại”, trong bài phát biểu kéo dài hơn 1h, Tổng thống Trump đã dành phần lớn thời gian để ca tụng những thành tựu “tuyệt vời” mà chính quyền của ông đã đạt được khi “hồi sinh” nền kinh tế Mỹ. Đó là 7 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong thời gian 3 năm ông làm Tổng thống, là tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, đời sống của công nhân và tầng lớp trung lưu được nâng cao, đà suy giảm của nền kinh tế Mỹ bị chặn đứng, hệ thống an sinh xã hội được cải thiện, tỷ lệ tội phạm giảm mạnh, biên giới phía Nam được củng cố để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp.

Tổng thống Donald Trump khẳng định đã giữ lời hứa với cử tri Mỹ khi đang nỗ lực “xây dựng một xã hội thịnh vượng và toàn diện nhất thế giới – một nơi mà mọi người dân đều có thể tham gia”. Đặc biệt, ông Trump đã nhấn mạnh tới một yếu tố nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Phi, gốc Á và Mỹ Latinh, đó là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm đối tượng này thấp nhất trong lịch sử. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Mỹ cũng ca tụng sức mạnh quân sự của Mỹ với những khí tài tốt nhất và việc thành lập Lực lượng vũ trụ – một quân chủng hoàn toàn mới trong lực lượng vũ trang Mỹ. Tổng thống Trump cũng không quên tận dụng cơ hội này để công kích kế hoạch mà đảng Dân chủ thúc đẩy nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế khi nhấn mạnh kế hoạch này hủy hoại hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước Mỹ.

Về đối ngoại, Thông điệp Liên bang của Tổng thống Trump không đưa ra một tuyên bố hay định hướng chính sách quan trọng nào. Thay vào đó, ông tập trung đưa ra những luận điểm nhằm vẽ nên bức tranh về một nhà lãnh đạo đang hoàn toàn kiểm soát tốt chính sách đối ngoại, từ việc tiêu diệt các phần tử khủng bố, chính sách gia tăng sức ép với Iran trong vấn đề hạt nhân cho tới nỗ lực chấm dứt các cuộc xung đột ở Trung Đông hay Afghanistan nhằm bảo vệ tính mạng của người Mỹ. Ông cũng đề cập tới những thành tựu đạt được trong đàm phán thương mại như Hiệp định thương mại Mỹ-Mexico-Canada, Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc hay buộc các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng đóng góp ngân sách quốc phòng để chia sẻ trách nhiệm với Mỹ. 

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang, Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Kamala Harris nhấn mạnh, Chính quyền Tổng thống Trump liên tục rút lại các biện pháp bảo vệ môi trường, điều đó đồng nghĩa với việc ông đang đặt cuộc sống và kế sinh nhai của người dân Mỹ vào tình thế nguy hiểm. Trong khi đó Thượng nghị sỹ Bernie Sanders, ứng cử viên triển vọng của đảng Dân chủ, cho biết ông tin rằng đây là thông điệp cuối cùng của ông Trump. Thượng nghị sỹ Sanders đả kích thành tựu kinh tế mà ông Trump nêu ra trong thông điệp liên bang lần này và đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ngày càng tăng của người dân Mỹ dưới thời Chính quyền Trump. Theo Thượng nghị sỹ Sanders, khi Donald Trump còn là ứng cử viên Tổng thống năm 2016, ông Trump đã cam kết với người dân Mỹ, rằng những người giàu có sẽ không được hưởng lợi từ kế hoạch cắt giảm thuế của mình. Thực tế cho thấy ông Trump đã nói dối. Đáng chú ý, liên quan hành động xé bản sao Thông điệp Liên bang năm 2020 ngay tại Lưỡng viện, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (6/2) đã cáo buộc thông điệp liên bang của Trump là “một sự ô nhục” vì “chứa quá nhiều sự giả dối trong đó”; đồng thời bà giải thích “ông ta xé vụn sự thật vì thế tôi xé bài phát biểu của ông ta”.

Giới truyền thông Mỹ công bố một số liệu về tình hình kinh tế và việc thực thi các chính sách quan trọng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Theo Đài phát Thanh Công cộng Quốc gia (NPR), năm 2019, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,3%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm và bằng tỷ lệ tăng trưởng trung bình trong 10 năm vừa qua, song còn kém xa mục tiêu tăng trưởng 3% mà Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đã đặt ra. Còn theo trang mạng Vox.com, sau nhiều năm giảm nhờ thực thi Đạo luật chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng, thường được biết đến dưới tên gọi Obamacare dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama, số người Mỹ không có bảo hiểm y tế thực chất đang tăng lên. Bên cạnh đó, dù lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính giảm trong năm ngoái, song nguồn gây ô nhiễm khác lại tăng lên. Nguyên nhân không phải là do các “sáng kiến xanh”, mà là do Chính quyền Trump đẩy mạnh sản xuất khí thiên nhiên trong nước, theo đó các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá đang dần được thay thế bằng các nhà máy chạy bằng khí thiên nhiên với mức phát thải thấp hơn.

Trong khi đó, hãng thăm dò dư luận Gallup (4/2, giờ địa phương) đã công bố thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy, 49% các cử tri đăng ký ủng hộ những gì Tổng thống Trump đang làm, trong khi 50% không đồng tình và chỉ 1% chưa quyết định. Trong số các thành viên Cộng hòa, tỷ lệ ủng hộ ông Trump lên tới 94% – tăng 6 điểm phần trăm từ kết quả khảo sát của Gallup hồi tháng 1. Những người độc lập dành cho Trump mức tín nhiệm 42%, tăng 5 điểm phần trăm. Ngược lại, tỷ lệ này ở những người theo Đảng Dân chủ đã giảm xuống mức 7% từ 10% so với trước đây. Ông Trump cũng nhận được đánh giá cao ngất ngưởng ủng hộ cách thức ông xử lý nền kinh tế, với 63% tán thành và 35% không tán thành. Mức cao nhất trước đó ông đạt được là 57%, vào tháng 11 năm ngoái. Những con số tích cực này củng cố vị thế đặc biệt của ông Trump giữa lúc đang diễn ra cuộc luận tội nhằm phế truất ông khỏi chức Tổng thống Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới