Wednesday, May 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số đánh giá, dự báo về tình hình an ninh quân...

Một số đánh giá, dự báo về tình hình an ninh quân sự tại Biển Đông năm 2019 và xu hướng trong năm 2020

Giới chuyên gia dự báo năm 2020, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều điểm nóng sẽ nảy sinh khi cạnh tranh quyền lực, lợi ích và vị thế chiến lược giữa các cường quốc diễn ra ngày càng quyết liệt và xu hướng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng, chạy đua vũ trang mang tính đối đầu có chiều hướng gia tăng. Với vai trò, vị trí địa chính trị quan trọng bậc nhất trên thế giới, Biển Đông cũng không nằm ngoài xu hướng trên.

Cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ và TQ

Đúng như nhận định của giới quan sát, sau khi rút khỏi INF, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, mà trước đây không được phép do vi phạm các điều khoản cấm của INF. Hệ thống tên lửa này có thể được triển khai ở Okinawa, Nhật Bản; đảo Guam phía Tây Thái Bình Dương và ở Hàn Quốc. Lý do cốt yếu để Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tại khu vực này là nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này của Mỹ đã bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Mỹ và các đồng minh của họ có thể đối mặt với biện pháp trả đũa nếu triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng cảnh báo Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia không nên cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ của mình. Nếu các quốc gia này cho triển khai tên lửa, họ sẽ trở thành căn cứ tiền phương của Mỹ và có thể làm suy yếu an ninh khu vực.

Diễn biến tình hình Biển Đông

Tình hình Biển Đông năm 2019 vẫn còn những căng thẳng. Tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra tại thành phố Đà Lạt, Việt Nam (15/10/2019), các nước bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là các vụ, việc diễn ra trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gia tăng nguy cơ va chạm cùng những tính toán sai lầm, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Trong khi đó, việc ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có những phức tạp nhất định và cần có thêm thời gian, do ưu tiên, lợi ích của các bên vẫn còn sự khác biệt. Tuy nhiên, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 cùng với các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam được đánh giá sẽ đóng góp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn.

Biển Đông xét trong một bối cảnh an ninh chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ có liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa Bán Đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc gặp lần ba với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để tìm kiếm lợi thế trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử vũ khí mới để thăm dò phản ứng của Wasington, để ngỏ cơ hội gặp gỡ Tổng thống D.Trump và tập trung ổn định tình hình kinh tế nội địa. Theo các chuyên gia, Triều Tiên sẽ thận trọng khi đưa ra những lời hứa, đồng thời tính đến việc đề nghị phía Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình. Trong khi đó, Mỹ dường như chưa muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Quyền phủ quyết của Mỹ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ cho phép nước này ngăn chặn mọi nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mặc dù Trung Quốc và Nga tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Mỹ sẽ gây áp lực lên các quốc gia khác, yêu cầu phối hợp thống nhất về vấn đề trừng phạt, lên án và đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với những nước quyết định hợp tác với Triều Tiên.

Năm 2020, Trung Quốc được dự báo sẽ nỗ lực hòa giải trong quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN, tập trung vào giải quyết tranh chấp và hợp tác kinh tế; đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) với các nước trong khu vực; đồng thời làm suy yếu việc triển khai “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân trên Biển Đông và eo biển Đài Loan; đẩy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan; thực hiện các cuộc tuần tra chung trên biển, các cuộc tập trận quân sự chung và tăng cường các chuyến thăm các quốc gia trong khu vực, nhằm chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược, đối phó với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Nhật Bản sẽ tập trung xử lý quan hệ với Trung Quốc về kinh tế và tranh chấp vùng biển; quan tâm tới Đông Nam Á, tham gia tích cực hơn các cơ chế hợp tác do ASEAN chủ đạo để có vai trò lớn hơn; tiếp tục đàm phán với Nga về vấn đề chủ quyền của quần đảo Kuril. Nhật Bản cùng Ấn Độ và Australia sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ nhưng cố gắng không tham gia vào các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải, cũng như tuần tra ở eo biển Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới