Saturday, July 27, 2024
Trang chủĐàm luậnHy vọng cho COC?

Hy vọng cho COC?

VN đã chọn chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Hà Nội giải thích chủ đề trên một cách khôn khéo, tuy nhiên, ai cũng biết, với kinh nghiệm của mình, cùng với những nhiệm vụ khác, thúc đẩy tiến trình đàm phán COC chắc chắn sẽ là nhiệm vụ được Hà Nội coi là có tầm quan trọng đặc biệt.

Năm 2020: cơ hội để đẩy thúc đẩy tiến trình đàm phán COC

          Công cuộc cải cách và mở của trong hơn 40 năm qua đã giúp TQ đại lục – từ một quốc gia đông dân, nhưng nghèo đói–có những bước tiến khổng lồ. Vài năm trước đây, TQ đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, xét về quy mô. Tới thời điểm này, GDP của TQ đã đạt khoảng 14.000 tỷ USD.

Bốn thập kỷ phát triển kinh tế thần kỳ cũng là 4 thập kỷ chủ nghĩa đại Hán TQ thức tỉnh và bắt đầu nuôi dưỡng tham vọng thành cường quốc số 1. Tuy nhiên,

TQ thừa biết, trước một đối thủ như Mỹ, để đạt được điều đó, vẫn cần có thêm thời gian. Và họ cũng biết, điều quan trọng lúc này là từng bước mở rộng ảnh hưởng, trước hết là sang các nước nghèo, các nước láng giềng, dựa trên sức mạnh kinh tế khổng lồ tích lũy được trong hơn bốn thập kỷ cải cách, mở cửa.

Trong thực tế, TQ đã thu được những kết quả quan trọng. Tình trạng lạc hậu, kém phát triển, thiếu vốn, nghèo đói triền miên khiến nhiều quốc gia, nhất là ở châu Phi, như Kenya và Ugandahăm hở “bập” vào miếng mồi của TQ.

Dù chưa tới mức “một vốn bốn lời”, nhưng, từ những món tiền đổ ra dưới hình thức vay, viện trợ, sự hiện diện của các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn TQ ngày một nhiều ở các châu lục với nhiều gói thầu, nhiều dự án lớn. Ảnh hưởng của TQ ngày một sâu, rộng hơn.

Thậm chí, TQ còn coi việc thông qua một quốc gia là cách kín đáo để gián tiếp can thiệp, gây tác động đến chính sách, chủ trương của cả các tổ chức có tính quốc tế hoặc khu vực.

Sự kiện Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) tổ chức tại Campuchia đã không đưa ra tuyên bố chung (điều mà ngoại trưởng Indonesia khi đó, ông  Marty Natalegawa, cho là “vô trách nhiêm”) là thí dụ điển hình.

Còn nhớ, kết thúc Hội nghị, đề cập lý do không ra được tuyên bố chung, Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng nước chủ nhà Hor Nam Hong đã biện bạch rằng: nguyên nhân vì một số thành viên ASEAN nhất quyết đề nghị phải đề cập các vụ tranh chấp gần đây trên biển Đông. Bản tuyên bố có đến hơn 100 điểm tích cực nhưng chỉ vì một điểm đó thôi mà phải gác lại !”

Rõ là “vụng chèo, khéo chống”. Ẩn sau biện bạch nêu trên, ai cũng biết động cơ thực của Campuchia trong sự việc hy hữu này:làm thế để hỗ trợ TQ, tránh cho TQ phải đối đầu với sự phẫn nộ của đa phần các nước ASEAN vấn đề biển Đông, cụ thể là về yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn”TQ áp đặt một cách tham lam.

Làm thế, cũng là một cách Campuchia “trả nợ” TQ vì đã “trót” nhận của TQ quá nhiều viện trợ về kinh tế, quân sự, cho dù, Campuchia thừa biết, kiểu hành xử “khôn lỏi” này của họ sẽ khiến nhiều nước ASEAN không bằng lòng.

Các con số do chính báo chí Campuchia đưa đã dường như một sự thừa nhận eo xèo của dư luận: Tờ Phnom Penh Post, thời điểm đó, đã dẫn nguồn tin từ Hội đồng phát triển Campuchia, cho biết, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Campuchia trong năm 2011 đạt 1,192 tỉ USD, tăng 71,82% so với năm 2010, gấp gần 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào nước này. 

Trước đó (tháng 2/2012), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cũng đã cho Campuchia vay 302 triệu USD (bổ sung cho khoản vay 198,2 triệu USD hồi tháng 8/2010) để xây dựng đường sá và các dự án thủy lợi.

Đương nhiên là TQ hân hoan. Không thế mà chỉ một ngày sau khi AMM 45 bế mạc, ngày 14/7/2012, Bắc Kinh đã ca ngợi sự “thành công” của Hội nghị, đồng thời đánh giá các hoạt động của ASEAN tại Phnom Penh lần này “đã diễn ra trong bầu không khí tốt đẹp” (!?). 

Tới năm 2016, năm Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN (AMM 49), cũng lại Campuchia, một lần nữa phản đốikhiến AMM-49 đã không ra được tuyên bố chung của ASEAN về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Nên nhớ, thời điểm này, tháng 7/2016, Tòa trọng tài LHQ (PCA) đã ra phán quyết về vụ kiện của PLP đối với TQ, bác bỏ yêu sách chủ quyền “đường 9 đoạn”.

Tuy nhiên, năm 2020, VN đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN, thì có vẻ như câu chuyện đã khác.

Là nước quyết liệt nhất với TQ trong cuộc đấu về vấn đề biển Đông, đúng như nhận định của dư luận quốc tế, VN thừa hiểu cần phải tận dụng thời cơ này như thế nào.

Trong tư cách Chủ tịch, VN đã chọn chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Các quan chức ngoại giao VN giải thích chủ đề trên một cách khôn khéo, tuy nhiên, ai cũng biết, với Hà Nội, khi cụ thể hóa các nhiệm vụ theo chủ đề đó, thúc đẩy tiến trình đàm phán COC chắc chắn sẽ là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt.

Đương nhiên, triển khai nhiệm vụ này, VN biết rõ, ngoài TQ, ai, quốc gia nào, vì lợi ích kinh tế, sẽ là vật cản trong quá trình đàm phán.

Nhưng họ cũng biết, một COC có tính ràng buộc pháp lý – là vấn đề quan tâm, thậm chí, là mục tiêu cấp thiết không chỉ với họ, mà cả với PLP, Malaysia, Indonesia – những quốc gia đều đã liên tục nếm trải và quá chán ngán cách hành xử cơ bắp của TQ trên biển Đông trong nhiều năm qua. Thậm chí rộng ra, một COC dựa trên UNCLOS 1982 cũng sẽ được sự ủng hộ của các cường quốc ngoài ASEAN, dù các cường quốc đó không có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.

Do vậy, dư luận đang chờ đợi và hy vọng, VN với sự kiên quyết, khéo léo trong vai trò Chủ tịch, sẽ gạt bỏ được cách hành xử kiểu “khôn lỏi” nếu điều đó tái diễn, để đưa tiến trình đàm phán COC đạt đến một kết quả tích cực và cụ thể ngay trong năm nhiệm kỳ Chủ tịch của mình.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới