Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaLiệu TQ có thể rút ra bài học từ sau cuộc bàu...

Liệu TQ có thể rút ra bài học từ sau cuộc bàu cử Tổng Thống ở Đài Loan

Dân tiến đảng của bà Thái Anh Văn luôn được coi là “cái gai” trong con mắt của Bắc Kinh. Trong suốt 4 năm bà Thái Anh Văn cầm quyền ở Đài Bắc (từ 2016 đến 2019), Trung Quốc luôn thi hành chính sách thù địch với Đài Loan, cắt đứt liên lạc với chính quyền của bà Thái Anh Văn và ra mặt công khai ủng hộ Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử vừa qua.

Trong bốn năm vừa qua, về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã tìm mọi cách thu hẹp “không gian sinh tồn” của Đài Loan. Bắc Kinh dùng tiền bạc mua chuộc được 7 đồng minh của Đài Bắc, khiến nay Đài Loan chỉ còn được 15 quốc gia trên thế giới công nhận – đa số là những nước nghèo ở châu Mỹ La tinh và Thái Bình Dương. Đồng thời, tìm cách ngăn cản Đài Loan tham gia các tổ chức thế giới, kể cả tổ chức chuyên môn thuần túy như Tổ chức Y tế (WHO).

Mặt khác, Bắc Kinh gia tăng áp lực quân sự lên chính quyền Đài Bắc. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho biết mỗi năm có 2.000 lượt oanh tạc cơ Trung Quốc bay qua eo biển Đài Loan và thường xuyên có các tàu chiến uy hiếp ở eo biển Đài Loan; Bắc Kinh còn bố trí tên lửa dọc bờ biển hướng vào Đài Loan. Nhằm hỗ trợ Đài Loan đối phó với sức ép của Bắc Kinh, năm 2019Mỹ đã thông qua việc bán 66 chiến đấu cơ F-16 mới và nhiều thiết bị quân sự có tổng trị giá 8 tỉ đô la cho Đài Bắc.

Về kinh tế, Bắc Kinh thi hành chính sách hạn chế người Trung Quốc sang Đài Loan, giảm bớt du khách đến Đài Loan để buộc chính quyền của bà Thái Anh Văn phải trả giá. Tuy nhiên, điều này không gây khó khăn cho Đài Bắc bởi với chính sách thông thoáng về cấp visa cho các nước trong khu vực, số lượng du khách đến từ Hàn Quốc, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á tăng mạnh trong thời gian qua.

Theo một cuộc thăm dò dư luận mới đây do Hiệp hội các chính sách eo biển Đài Loan thực hiện, có đến 80% dân Đài Loan bác bỏ nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế” (một quốc gia, hai chế độ) mà Tập Cận Bình đang ra sức chiêu dụ. Quy chế này được hình thành nhằm thu hồi Đài Loan, và sau thời gian áp dụng với Hồng Kông đã cho thấy rõ mặt trái: Bắc Kinh không ngừng gặm nhấm các quyền tự do căn bản của người dân đặc khu. Cuộc khủng hoảng Hồng Kông là một trong những yếu tố khiến người dân Đài Loan ồ ạt dồn phiếu cho bà Thái Anh Văn thay vì ứng cử viên của Quốc dân đảng thân Bắc Kinh.

Với chiến thắng vang dội của bà Thái Anh Văn và Dân tiến đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Đài Loan (Dân tiến đảng có 61 trong 113 ghế) vừa qua, có thể thấy những chính sách thù địch của Bắc Kinh đã không có hiệu quả mà trái lại là “gậy ông đập lưng ông”. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: liệu sau cú thất bại này, những người cầm quyền ở Bắc Kinh có thể rút ra bài học cho mình và điều chỉnh cách hành xử hung hăng, hiếu chiến đối với Đài Loan cũng như các nước ven Biển Đông hay không?

Ngay trong diễn văn phát biểu sau cuộc bầu cử bà Thái Anh Văn đã dự đoán Trung Quốc sẽ tăng áp lực, nhưng Đài Bắc sẽ không làm tồi tệ hơn việc này. Bà Thái nhấn mạnh “Áp lực từ Trung Quốc tiếp tục tồn tại và có thể trở thành nặng nề hơn”, song “chúng ta (chính quyền Đài Bắc) vẫn giữ thái độ không khiêu khích, không phiêu lưu để làm hết sức mình đảm bảo hòa bình và ổn định giữa hai bờ eo biển Đài Loan”; đồng thời kêu gọi “bình đẳng” trong những mối quan hệ, có nghĩa là không bên nào phủ nhận về sự tồn tại của bên kia.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sau cuộc bầu cử vừa qua Bắc Kinh cũng sẽ không thể có những hành động mới chống Đài Loan do kết quả cuộc bầu cử thể hiện rõ ý nguyện của người dân Đài Loan. Kết quả cuộc bầu cử đã chứng tỏ mọi nỗ lực của Bắc Kinh trong vòng bốn năm qua nhằm hạ uy tín bà Thái Anh Văn bằng mọi thủ đoạn, từ “quyền lực mềm” cho đến“quyền lực cứng rắn”đều như “dã tràng xe cát”. Nếu Bắc Kinh tăng thêm những hành động chống Đài Loan thì chỉ phản tác dụng mà thôi.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thay đổi quan điểm về Đài Loan, sẽ không từ bỏ mục tiêu cai trị Đài Loan dưới mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Song cách tiếp cận của Bắc Kinh với chính quyền Đài Bắc có thể phải có sự điều chỉnh nhất định. Việc tiếp tục gia tăng sức ép, đe dọa Đài Loan sẽ chỉ là “con dao 2 lưỡi” gây thêm khó khăn cho Bắc Kinh trên 2 khía cạnh:

Một là, việc Bắc Kinh gia tăng mối đe dọa lên chính quyền Đài Bắc chỉ làm tăng thêm mối lo ngại và khuyến khích tâm lý xa lánh Bắc Kinh trong dân chúng Đài Loan. Nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở Hồng Công chưa có dấu hiệu kết thúc thì mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Bắc Kinh đưa ra càng không thể chấp nhận được với người dân Đài Loan.

Hai là, việc Bắc Kinh tiếp tục thêm các hoạt động chống phá Đài Loan sẽ chỉ đẩy Đài Loan càng gần với Mỹ và tạo cơ hội cho Mỹ can dự sâu thêm vào vấn đề Đài Loan. Thực tế, trong 4 năm cầm quyền của bà Thái Anh Văn, quan hệ Mỹ – Đài Loan đã mật thiết hơn, kể cả giao lưu giữa quan chức của Đài Loan và Mỹ cũng như trong việc Mỹ bán vũ khí và trang thiết bị cho Đài Loan (năm 2019, Mỹ đã thông qua gói bán vũ khí, thiết bị quân sự cho Đài Loan trị giá 8 tỷ USD).

Từ những phân tích trên, có thể dự báo các mối quan hệ xuyên eo biển sẽ không tệ hại hơn trong những tháng tới, nhưng cũng không tốt hơn. Còn đối với Biển Đông tình hình sẽ ra sao? Liệu từ bài học từ cuộc bầu cử ở Đài Loan, những người cầm quyền ở Bắc Kinh có bớt hung hăng và giảm những hành động gây hấn ở Biển Đông hay không?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, với bản chất hiếu chiến và tư tưởng dân tộc Đại Hán, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ âm mưu khống chế, độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc sẽ tiếp tục các hành động bắt nạt, cưỡng ép các nước láng giềng ven Biển để thực hiện mục tiêu này, vấn đề chỉ là thời gian (họ thực hiện hành động gây hấn vào thời điểm nào?) mà thôi.

Có thể trong thời điểm trước mắt, Trung Quốc phải lo xử lý ổn thỏa vấn đề Hồng Kông, vấn đề thương mại với Mỹ, và vấn đề mới phát sinh là dịch cúm Corona nên chưa có những hành động gây hấn mới ở Biển Đông, nhưng sau khi những vấn đề này tạm lắng xuống thì Bắc Kinh sẽ lại hiện nguyên hình của kẻ bành trướng, bá quyền ở Biển Đông, thậm chí các hành động của Trung Quốc càng nguy hiểm hơn.

Bắc Kinh chắc thấy rõ vai trò của Mỹ trong chiến thắng của bà Thái Anh Văn ở cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, thậm chí họ nhận thức được rằng hành động dọa nạt, gây sức ép thêm với chính quyền của bà Thái Anh Văn chỉ tạo thêm cớ để Mỹ can thiệp sâu thêm vào vấn đề Đài Loan. Do vậy, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc thận trọng hơn các hành động tiếp theo đối với chính quyền của bà Thái Anh Văn trong nhiệm kỳ tới.

Trên vấn đề Biển Đông cũng vậy, Trung Quốc hiểu rõ vai trò của Mỹ nêu luôn tìm mọi cách loại bỏ Mỹ ra khỏi Biển Đông, nhưng tình hình không thuận theo ý muốn của Trung Quốc. Chính những hành động hung hăng của Bắc Kinh đã làm cho Mỹ có thái độ cứng rắn và hành động quyết liệt hơn ở Biển Đông. Rõ ràng Bắc Kinh phải tính đến yếu tố này khi có thêm các hành động gây hấn ở Biển Đông.

Đã đến lúc giới cầm quyền Bắc Kinh cần rút ra bài học, có cái nhìn khách quan về tình hình Đài Loan và tình hình Biển Đông, quan tâm hơn đến tâm tư nguyện vọng của người dân Đài Loan (thể hiện qua kết quả bầu cử) cũng như tâm tư nguyện vọng của các nước láng giềng ven Biển Đông để điều chỉnh hành động của mình theo hướng tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế, dừng ngay việc đe dọa, cưỡng ép. Đây là yếu tố quan trọng nhất để duy trì hòa bình ổn định ở eo biển Đài Loan cũng như ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới