Phát biểu tại Trung tâm quốc tế Meridian ở Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien (6/2) cho biết, Chính quyền Trump sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân và kiểm soát vũ khí với Nga.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien: “Chúng tôi sẽ đối đầu với người Nga nơi chúng tôi cần, nhưng đồng thời tôi nghĩ chúng tôi sẽ đàm phán, chúng tôi sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán sớm về kiểm soát vũ khí, về vấn đề hạt nhân, mà bạn biết, quan trọng đối với sự an toàn của thế giới, không chỉ Mỹ và Nga”. Ông O’Brien đã đưa ra thông điệp này khi Mỹ và Nga đạt đến thời hạn còn đúng một năm để gia hạn Hiệp ước New START, thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý cuối cùng giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo Hiệp ước, hai bên giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân không vượt quá 1.550 đầu đạn với 700 hệ thống phóng, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom. Hiệp ước này cũng cho phép 18 lần kiểm tra tại chỗ mỗi năm cho phép mỗi bên theo dõi sát sao năng lực của những người khác. Hiệp ước sẽ hết hạn vào tháng 2/2021, với sự đồng ý của hai nước, thời hạn hiệu lực có thể được kéo dài thêm 5 năm.
Trước đó, trong một động thái đáng chú ý, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy bỏ INF ký năm 1987. Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF vì cho rằng, tên lửa Novator 9M729 của Nga với tầm bay hơn 5.000km vi phạm thỏa thuận. Đáp lại, Nga đã công khai mẫu tên lửa này, khẳng định tầm bắn của Novator 9M729 chỉ là 480km và không vi phạm INF. Hiệp ước INF được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký vào năm 1987. Các bên đồng ý giải giáp gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm gần và trung, chấm dứt thế đối đầu hạt nhân nhiều rủi ro giữa Mỹ và Liên Xô tại châu Âu. Suốt 10 năm qua, việc duy trì Hiệp ước INF gặp nhiều nguy cơ khi cả 2 Nga và Mỹ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm điều khoản của hiệp ước. Mỹ cho rằng Nga đã bí mật phát triển loại tên lửa vi phạm INF. Trong khi Nga bác bỏ các cáo buộc này. Nga cũng cáo buộc tương tự, cho rằng Mỹ sử dụng tên lửa tầm trung trong việc phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa, trong đó có hệ thống AEGIS Ashore. Trong khi đó, Mỹ khẳng định các bệ phóng AEGIS Ashore ở Romania và Ba Lan là hoàn toàn mang tính phòng thủ, những Nga lại coi đây là mối đe dọa đối với lãnh thổ Nga.
Giới chuyên gia cho rằng cái giá của việc không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới sẽ là một “bước lùi” rất lớn. Cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Burt nhận định, Mỹ và Nga sở hữu hơn 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới, nếu Hiệp ước mới về cắt giảm vũ khí chiến lược không được gia hạn, “chúng ta sẽ sống trong một cuộc cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Nga mà không có sự minh bạch và không dự đoán được. Thế giới sẽ không còn sự bảo vệ nào trước một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và chúng ta sẽ trở về những năm 1960”. Trong khi đó, chuyên gia Rusten, một cựu quan chức kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, từng phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cho biết vì Mỹ cũng đang nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, nên cách tiếp cận tốt nhất là gia hạn New START ngay bây giờ và cùng công bố các nguyên tắc chung Nga-Mỹ để định hướng đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của New START tiếp tục giảm và giải quyết các loại vũ khí hạt nhân bổ sung khác. Một số chuyên gia quân sự của Mỹ cũng cho rằng, ngoại giao hạt nhân cần có thời gian, sự chậm trễ trong việc mở các cuộc đàm phán quan trọng đã làm dấy lên mối lo ngại về mối quan tâm của chính quyền Trump trong việc duy trì hiệp ước hoặc rộng hơn là tuân thủ các giới hạn của các hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và Nga đang nỗ lực đàm phán và tham gia vào các Hiệp ước kiểm soát, cắt giảm vũ khí hạt nhân thì Trung Quốc lại từ chối không giam gia. Phát biểu khai mạc tại Hội thảo kiểm soát vũ khí quốc tế Bắc Kinh lần thứ 16 (16/10/2019), Vụ trưởng Phó Thông cho biết, Trung Quốc lấy làm tiếc trước việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), đồng thời cho rằng động thái của Mỹ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với ổn định và cân bằng chiến lược toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với hòa bình và an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu cũng như đối với hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế; nhấn mạnh Trung Quốc kiên quyết phản đối Mỹ bố trí tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cảnh báo, Trung Quốc sẽ không ngồi yên và có biện pháp đáp trả thích đáng. Theo ông Phó Thông, chỉ sau hai tuần rút khỏi INF, Mỹ đã thử tên lửa hành trình cho thấy ý đồ “tháo khỏi ràng buộc”, nhằm tìm kiếm ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ. Về đề xuất đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên Trung – Mỹ – Nga, ông Phó Thông cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần phản đối, đồng thời khẳng định tương quan sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc không cùng cấp độ với Nga và Mỹ, do đó Trung Quốc sẽ không tham gia vào đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân giữa hai nước Nga – Mỹ.
Thực tế, Trung Quốc được cho là hiện sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân, đứng thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp. Trong số vũ khí hạt nhân Trung Quốc đang sở hữu, có nhiều loại đủ khả năng tấn công tới cả Mỹ và Nga, gây ra mối đe dọa an ninh toàn cầu. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Trung Quốc đã tăng số đầu đạn hạt nhân của nước này lên 280, tức nhiều hơn 10 đầu đạn so với năm 2017. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống phóng vũ khí hạt nhân, một phần trong chiến lược cải thiện năng lực tác chiến và khả năng răn đe của lực lượng hạt nhân. Với việc sở hữu 280 đầu đạn hạt nhân, Trung Quốc hiện có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 4 thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, Nga và Pháp. Mỹ và Nga hiện là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Nga hiện có 6.850 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.600 thiết bị đã được triển khai. Mỹ có tổng cộng 6.450 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.750 đầu đạn ở trong trạng thái sẵn sàng khai hỏa. Cả Nga và Mỹ hiện tập trung phát triển các loại vũ khí hạt nhân loại nhỏ với độ chính xác cao. Tuy nhiên, SIPRI cũng cho biết Trung Quốc hiện chưa lắp đặt các đầu đạn hạt nhân của nước này vào tên lửa hoặc triển khai tại các bệ phóng sẵn sàng khai hỏa. Các đầu đạn của Trung Quốc phần lớn được bảo quản tại các cơ sở lưu trữ.
Những năm qua, Trung Quốc liên tục mở rộng ngân sách quốc phòng nhằm cải thiện sức mạnh của lực lượng vũ trang nước này. Trung Quốc chi 228 tỷ USD cho quốc phòng năm 2017, tăng 5,6% so với năm 2016. Các chuyên gia nhận định dù Trung Quốc về tổng thể vẫn ở phía sau so với Mỹ trong nấc thang hạt nhân, Bắc Kinh dường như đã đạt được một số bước tiến đáng kể, đặc biệt về công nghệ vũ khí hạt nhân loại nhỏ. Trung Quốc hiện tập trung phát triển các loại vũ khí chiến thuật tác chiến trong phạm vi gần, có khả năng xóa sổ hoàn toàn một nhóm tàu sân bay. Trong số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, có thể kể đến một số loại hiện đại bậc nhất thế giới như tên lửa ICBM DF-4 là một tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng 2 giai đoạn, có tầm bắn lý thuyết khoảng 5.500 – 7.000 km, được trang bị đầu đạn thông thường nặng 2.190 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 3,3MT; tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5 có tầm bắn lý thuyết khoảng từ 12.000 – 15.000 km, sử dụng động cơ nhiên liệu lỏng 3 giai đoạn, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ từ 4-5Mt; tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-31 có tầm bắn khoảng 7.000 – 8.000 km, mang theo đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 1MT; tên lửa đạn đạo DF-26 có tầm bắn khoảng 3.500 km.