Thursday, January 2, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐưa tàu thuyền xâm phạm vào EEZ và thềm lục địa của...

Đưa tàu thuyền xâm phạm vào EEZ và thềm lục địa của các nước: Bước đi mới đầy nguy hiểm và bất chấp của TQ ở Biển Đông

Trong năm 2019 và đầu 2020, Trung Quốc tăng cường đưa tàu thuyền, bao gồm cả tàu hải quân, cảnh sát biển và tàu cá ngang nhiên tiến sâu vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của các nước với nhiều mục đích khác nhau. Đây được xem là bước đi mới nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông sau khi nước này đã hoàn thành cơ bản việc bồi đắp, mở rộng và quân sự hóa các thực thể chiếm đóng.

Xâm phạm EEZ của Indonesia

Hôm 30/12/2019, Trung Quốc đã điều một tàu tuần duyên hộ tống hàng trăm tàu cá của nước này đã tiến vào EEZ ở biển Natuna của Indonesia. Phía Indonesia đã gửi công hàm ngoại giao, triệu Đại sứ Trung Quốc tại Jakarta để phản đối, sau đó yêu cầu Bắc Kinh phải giải thích về “cơ sở pháp lý và các đường biên rõ ràng” liên quan tới EEZ của Indonesia. Các thông báo của Indonesia khẳng định Indonesia không tham gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và không có các vùng chồng lấn trên biển với Trung Quốc. Khu vực EEZ của Indonesia là nơi họ có đầy đủ đặc quyền theo quy định của UNCLOS 1982 mà Trung Quốc là thành viên và phải có nghĩa vụ pháp lý tôn trọng quy định này. Bộ Ngoại giao Jakarta cũng nhắc tới việc Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) hồi năm 2016 đã ra Phán quyết bác bỏ hoàn toàn yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, tuyên bố Indonesia “không bao giờ công nhận đường 9 đoạn của Bắc Kinh”. Indonesia sau đó cũng đã triển khai lực lượng quân sự gồm các tàu chiến, máy bay chiến đấu tới vùng biển Natuna và buộc nhóm tàu Trung Quốc phải rút đi.

Xâm phạm EEZ của Malaysia và Brunei

Cuối năm 2019, Trung Quốc đã điều 4 tàu cảnh sát biển tới tuần tra bên trong vùng biển của Malaysia và Brunei. Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc được xác định là tàu tuần tra lớp Zhaolai và Shucha II mang số hiệu 5403, 5202, 5302 và tàu hải giám 2169 xuất phát từ cảng ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam. Tàu tuần tra lớp Shucha II mang số hiệu 5302 xuất phát từ Đá Vành Khăn và gia nhập với các tàu khác lấn sâu vào EEZ của Malaysia đầu tháng 12/2019. Tàu mang số hiệu 5202 sau đó rời khỏi đội và di chuyển về phía Đá Chữ Thập để tiếp tế. Đội tàu cảnh sát biển Trung Quốc rút lui ngày 11/1/2020 và chiếc 5202, 5402, 5302, 2169 trở về Hải Nam hôm 16/1/2020. Trong khi đó, tàu cảnh sát biển Trung Quốc mang số hiệu 46303 tiếp tục ở lại trên biển và nhận nhiệm vụ tuần tra quanh Cụm bãi cạn Luconia ngoài khơi Malaysia. Phía Malaysia phản ứng sau đó bằng cách gửi đơn lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) đề nghị xét duyệt yêu cầu của Malaysia là mở rộng ranh giới thềm lục địa qua khỏi EEZ và ra các tuyên bố lên án, bác bỏ bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông. Brunei chọn phương án im lặng trước các động thái của Bắc Kinh.

Xâm phạm vùng thềm lục địa và EEZ của Việt Nam

Hồi tháng 7-10/2019, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 với sự hộ tống của lực lượng hải cảnh, tàu cá xâm phạm trái phép Bãi Tư chính, khu vực nằm hoàn toàn thuộc vùng EEZ và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của UNCLOS và sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Hành động trên của Trung Quốc lặp đi lặp lại nhiều lần kèm theo những tuyên bố về ngoại giao ngang ngược của Bắc Kinh đã khiến tình hình căng thẳng kéo dài. Đây còn là diễn biến tiếp theo của các hoạt động cải tạo bồi đắp quy mô lớn và quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp trên biển. Các diễn biến này làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng trực tiếp tới hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, vi phạm Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và đi ngược lại cam kết duy trì môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử các bên ở Biển Đông (COC). Vụ việc trở thành đỉnh điểm cho những hành vi coi thương pháp luật quốc tế và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến dư luận quốc tế, khu vực đặc biệt quan tâm và lên án. Sau hàng loạt các biện pháp ứng xử phù hợp, Trung Quốc đã buộc phải rút nhóm tàu trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới