Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson (13/2) cảnh báo rằng Trung Quốc đang làm suy yếu sự ổn định của khu vực; đồng thời cho biết Mỹ đã chuẩn bị tất cả để đối phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương.
Phát biểu tại Sydney trong chuyến thăm Australia, Đô đốc Philip Davidson cảnh báo rằng Trung Quốc đang đe dọa chủ quyền của các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương và làm suy yếu sự ổn định của khu vực; cho biết Mỹ đã chuẩn bị tất cả để đối phó với Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, đồng thời trích dẫn các yêu sách lãnh thổ “quá đáng” của Trung Quốc, các bẫy nợ ngoại giao, hành động vi phạm thỏa thuận quốc tế, đánh cắp tài sản quốc tế, đe dọa quân sự… Theo ông Philip Davidson, Trung Quốc tìm cách kiểm soát dòng chảy thương mại, tài chính, truyền thông, chính trị và cuộc sống ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa chiến lược lớn nhất trong dài hạn đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, ông Davidson cáo buộc Bắc Kinh đang sử dụng “sự sợ hãi và sự ép buộc” trong một nỗ lực nhằm “bẻ cong, phá vỡ và thay thế trật tự quốc tế bất chấp các quy tắc và luật lệ”; nhấn mạnh Trung Quốc luôn tìm cách tạo ra một trật tự mới với các đặc điểm Trung Quốc do Bắc Kinh dẫn đầu, dẫn đến một hệ quả sẽ phá hủy sự ổn định và hòa bình vốn đã và đang được duy trì tại Ấn Độ Dương – Đại Tây Dương trong hơn 70 năm qua.
Tuyên bố trên của Đô đốc Philip S. Davidson được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc thông qua viện trợ kinh tế để cách lôi kéo, tác động và gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Thái Bình Dương, nhất là một số quốc đảo nhỏ có vị trí địa chiến lược quan trọng. Theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ cho các nước Nam Thái Bình Dương tổng cộng 17,8 tỷ USD và trở thành đối tác cung cấp viện trợ lớn thứ ba cho khu vực này, chỉ sau Australia và Mỹ. Cụ thể, Bắc Kinh đã cung cấp cho Tonga 172 triệu USD để hỗ trợ nước này xây dựng các công trình giao thông công cộng và trường học, hỗ trợ Papua New Guinea 632 triệu USD, Fiji 360 triệu USD, Vanuatu 243 triệu USD và đảo Cook 50 triệu USD. Ngược lại, nền kinh tế của các nước này cũng dần phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Đơn cử, số nợ của Tonga với Trung Quốc chiếm 64% tổng số nợ nước ngoài và chiếm tới 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Papua New Guinea, quốc gia Tây Nam Thái Bình Dương với dân số 8 triệu, là một trong những mục tiêu mới nhất của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa tham vọng gây ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc hiện đã thay thế Nhật Bản trở thành quốc gia cho vay song phương lớn nhất ở Papua New Guinea. Dự kiến đến cuối năm nay, Papua New Guinea sẽ nợ Trung Quốc 1,9 tỷ USD từ các khoản vay ưu đãi, chiếm khoảng 25% tổng nợ của nước này. IMF cảnh báo những quốc gia khác vay tiền từ Trung Quốc ở khu vực như Samoa, Tonga hay Vanuatu cũng có nguy cơ cao rơi vào cảnh nợ nần và phải trả giá trong tương lai.
Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, chủ yếu là từ các nước phương Tây, rằng họ đang “trói buộc” các nước nghèo và các nước đang phát triển bằng những khoản vay mà đối phương không có khả năng hoàn trả, để từ đó thúc đẩy ảnh hưởng chính trị. Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, bà Concetta Fierrevanti-Wells mới đây đã chỉ trích việc làm này của Bắc Kinh, nêu rõ rằng các công trình không cần thiết đang “đầy rẫy” tại khu vực này. Tuyên bố của bà Wells chứa đựng hàm ý rằng Trung Quốc chỉ đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực chứ không thực tâm hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho rằng Thái Bình Dương giờ đây đang trở thành khu vực chiến lược tranh giành giữa các nước lớn.
Trong khi đó, Bắc Kinh bác cáo buộc, khẳng định các khoản vay của họ là rất cần thiết và được hoan nghênh ở những nước bị phương Tây bỏ qua, đồng thời chỉ ra việc họ cung cấp chúng mà không đi kèm bất cứ điều kiện chính trị nào. Để ngụy biện về bẫy nợ của mình đối với các nước nhận viện trợ, Ngoại trưởng Vương Nghị (20/9) từng trấn an Maldives khi cho rằng “hợp tác Trung Quốc – Maldives nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng của người dân Maldives, không có ý đồ chính trị và không tìm kiếm lợi ích địa chính trị”. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ hỗ trợ Maldives hết sức có thể mà không đi kèm các điều kiện chính trị cũng như không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước này và khẳng định “hoàn toàn không có căn cứ khi nói Maldives bị sa lầy vào bẫy nợ của Trung Quốc”.
Được biết, Đô đốc Philip S. Davidson (25/4/2018) chính thức được Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua đề cử làm Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ. Trước khi đảm nhiệm vị trí hiện nay, ông Philip từng làm Tư lệnh Hạm đội 6, Tư lệnh Bộ tư lệnh hạm đội hải quân Mỹ. Điều đáng chú ý là Đô đốc Philip Davidson có quan điểm, thái độ cứng rắn đối với các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên biển; nhiều lần lên án chỉ trích trực diện Trung Quốc, cũng như đưa ra các cảnh báo quan trọng đối với Chính quyền Mỹ và các nước đồng minh về âm mưu, hoạt động, cũng như sự phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Tại phiên điều trần của Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, Đô đốc Philip Davidson từng cho biết ông sẽ căn cứ vào chiến lược quốc phòng của Mỹ, tăng cường trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, những hành động này nhằm bảo đảm nâng cao trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên cho lực lượng triển khai ở khu vực Tây Thái Bình Dương để theo kịp các bước hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc. Ngoài ra, ông Philip Davidson cũng từng cảnh báo Trung Quốc đã có thể kiểm soát có hiệu quả Biển Đông, hơn nữa có thể tạo ra thách thức cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương.