Saturday, May 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThái Lan dừng dự án cải tạo sông Mê Công do TQ...

Thái Lan dừng dự án cải tạo sông Mê Công do TQ khởi xướng

Chỉ đứng sau Amazon, sông Mê Công là nơi có đa dạng sinh học thứ nhì thế giới, với 1.300 loài cá nước ngọt. Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới sự phá hoại của Trung Quốc, sông Mê Công đang cạn kiệt từ nguồn nước cho đến tài nguyên gây hậu quả nghiêm trọng đối với các nước hạ lưu.

Lòng sông Mê Công cạn kiệt nước

Trung Quốc phá hủy sông Mê Công

Sông Mê Công dài 4.909 km bắt nguồn từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Lưu vực sông Mê Công có tổng diện tích 795.000 km2 trong đó phần lớn nằm trên lãnh thổ của 4 nước Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam (77%). Mê Công là con sông dài thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 10 về tổng lượng dòng chảy (hàng năm đạt khoảng 475 tỷ m3, lưu lượng trung bình khoảng 15.000 m³/s). Sông Mê Công là nguồn tài nguyên to lớn cho khu vực, với vùng hạ lưu là vùng đất màu mỡ nhất thế giới cho nông nghiệp, ngư nghiệp. Đa số các chuyên gia cho rằng, kiểm soát được con sông này đồng nghĩa với việc kiểm soát được phần lớn kinh tế Đông Nam Á.

Xuất phát từ nhận thức trên, hiện tại Trung Quốc đã quy hoạch 25 bậc thang thủy điện trên dòng chính và 120 bậc thang trên dòng nhánh của sông Mê Công với tổng công suất khoảng 28.000 MW; đã và đang xây dựng 8 đập thủy điện rất lớn trên thượng nguồn sông Mê Công, ảnh hưởng lớn đến hạ lưu sông. Các đập thủy điện sẽ biến khoảng 55% độ dài sông ở hạ lưu thành những hồ chứa nước và làm biến đổi dòng chảy, từ đó thay đổi bản chất tự nhiên cũng như môi trường sinh thái của dòng sông, gây ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng ở vùng hạ lưu. Theo đánh giá của giới chuyên gia, nguồn nước sông Mê Công chảy qua Trung Quốc có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì dòng chảy vào mùa khô cho các nước ở hạ lưu và có thể chiếm tới 40% tổng lưu lượng của cả dòng sông.

Kế hoạch cải tạo sông Mê Công

Chiến lược phát triển này bắt nguồn từ năm 1992 khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khởi xướng chương trình 40 tỉ USD nhằm xây dựng đường cao tốc, lưới truyền tải điện, các đập nước lớn và phát triển du lịch ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Công.

Kế hoạch nạo vét sông để các tàu thương mại di chuyển thuận lợi của Trung Quốc được khởi xướng vào thời điểm ký kết Hiệp định Giao thông thủy thương mại gồm 3 giai đoạn giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan hồi tháng 4/2001 mà không tham khảo ý kiến của Campuchia và Việt Nam. Giai đoạn đầu của kế hoạch sẽ nổ mìn 11 ghềnh đá và 10 dải đá ngầm ven sông để tàu 100 -150 tấn di chuyển từ Vân Nam đến Chiang Saen, tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Hoạt động nổ mìn bắt đầu ở Thái Lan vào năm 2002 với sự cho phép của Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Tuy nhiên, sau một đánh giá độc lập của Ủy ban Mê Công (MRC), bản đánh giá tác động môi trường của Trung Quốc về hoạt động nổ mìn đã bị bác bỏ do thiếu gần như toàn bộ dữ liệu về cá và sinh thái. Năm 2003, sau khi Bộ Quốc phòng Thái Lan phản đối dự án và khẳng định nếu tiếp tục dược triển khai dự án sẽ phá vỡ đường phân định biên giới Thái-Lào giữa dòng Mê Công, Trung Quốc đã ngừng kế hoạch phá đá sau giai đoạn đầu. Tháng 12/2016, Hiệp định này lại được tái xem xét nhưng chính phủ Thái Lan đề xuất cần có thêm khảo sát.

Việc chính quyền Thái Lan xúc tiến kế hoạch phá đá ngầm và cù lao trên sông Mê Công nhằm giúp các tàu hàng từ Trung Quốc di chuyển thuận lợi đang gây phẫn nộ trong giới môi trường. Kế hoạch phát triển trên dòng Lan Thương – Mê Công (2015-2025) bao gồm ba bước: khảo sát ban đầu, thiết kế và đánh giá môi trường và xã hội đã được Thái Lan phê duyệt tháng 12/2016. Theo kế hoạch, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ lập đội khảo sát trên sông Mê Công trước khi phát triển tuyến đường giao thông thủy để các tàu chở hàng lớn có thể di chuyển từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Luang Prabang, thủ đô cũ của Lào, di sản thế giới cách Vân Nam 630km về phía hạ lưu. Kế hoạch yêu cầu chính phủ Thái Lan cho nổ mìn phá đá một dải dài 1,6 km dọc sông Mê Công ở biên giới Lào. Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan cho biết sẽ chưa phê duyệt dự án cho tới khi có kết quả khảo sát và đánh giá tác động môi trường (EIA).

Các nhà môi trường rất phẫn nộ trước đề xuất dự án này. Bà Painporn Deetes, giám đốc chiến dịch Thái Lan của Tổ chức Sông ngòi Quốc Tế (IR) cho rằng thật là vô lý nếu đánh đổi dòng sông tuyệt vời nhất thế giới, nơi cung cấp nguồn thủy sản nuôi sống hơn 60 triệu người để lấy con đường thương mại vận chuyển hàng hóa trong khi đường bộ có thể đáp ứng điều này. Tổ chức Sông ngòi Quốc tế không đồng tình với luận điểm trên. Tổ chức này khẳng định các cù lao, ghềnh đá và thủy sản đem lại nhiều lợi ích cho người dân bản địa: “Ghềnh đá và các dải đá ngầm là môi trường sống ven sông lý tưởng, là khu vực sinh sản và nơi trú ẩn an toàn cho cá. Việc nổ mìn phá các ghềnh đá sẽ đe dọa thu nhập và an ninh lương thực của dân cư ở các khu vực xung quanh”. Trong khi đó, các chuyên gia Trung Quốc lại khẳng định chưa có bằng chứng nào cho thấy kế hoạch này sẽ gây hại cho hệ sinh thái của con sông. Giáo sư Chu Chân Minh (Học viện Khoa học Xã hội Vân Nam), chuyên gia về Đông Nam Á, cho rằng những người phản đối nên đợi kết quả nghiên cứu môi trường kỹ càng trước khi đưa ra phán xét. Đối với các hiểm họa tiềm tàng với các loài cá, ông này cho biết đã có nhiều trường hợp phá ghềnh đá và cù lao tương tự ở Vân Nam và chúng đều không gây ảnh hưởng gì lớn.

Trước tình trạng trên, Thái Lan (4/2) vừa tuyên bố dừng các kế hoạch do Trung Quốc khởi xướng nhằm mở rộng một khúc quan trọng của sông Mê Công. Theo Nội các Thái Lan, dự án trên sẽ dừng lại sau khi Bắc Kinh không thanh toán tiền cho việc khảo sát thêm khu vực dự tính sẽ được nạo vét.

Trung Quốc phải xả nước cứu hạn

Hiện giờ đang là giữa mùa mưa tại Thái Lan, nhưng mực nước sông Mê Công đoạn chảy qua Thái Lan lại ở mức thấp chưa từng có tính từ một thế kỷ qua. Tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, mực nước sông Mê Công xuống chỉ còn 1.5m, mức thấp nhất trong suốt 100 năm qua, so với mực nước 12m cùng kỳ năm ngoái và mức trung bình 8m hàng năm. Còn ở Nong Khai, mực nước này là 80cm, so với mức 1,5 m của năm 2018. Trong khi đó, Cơ quan quốc gia về nguồn tài nguyên nước Thái Lan cho biết, mực nước ở 18 hồ chứa nước cung cấp cho các cánh đồng lúa nước ở miền trung và miền đông Thái Lan chỉ đạt 30%, không đảm bảo đủ lượng nước cho hoạt động trồng lúa nước. Trongn khi cách nay một năm, vào tháng 08/2018, 11 trong số những hồ nước trên đã tích đầy nước. Các nhà nghiên cứu khoa học và cư dân trong vùng lo ngại là đợt hạn hán này đặc biệt nghiêm trọng hơn, do các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo ra những biến đổi lớn không thể đảo ngược trên dòng sông vốn là nguồn cung cấp nước cho một trong những khu vực trồng lúa nước lớn nhất Đông Nam Á. Vì thiếu nước tưới, chính quyền Thái Lan đã phải yêu cầu nông dân ngưng trồng thêm lúa. Bộ Ngoại Giáo Thái Lan cho biết họ đã mời đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đến thảo luận về các biện pháp khắc phục khủng hoảng nước trên sông Mê Công do biến đổi khí hậu và hạn hán. Thái Lan cũng đã kêu gọi Lào mở đập Xayaburi xả nước xuống hạ lưu sông Mê Công. Bộ Ngoại Giao Thái Lan sau đó thông báo Trung Quốc và Lào đã xả nước từ các đập thủy điện và mực nước sông Mê Công tại tỉnh Nakhon Phanom đã dâng lên.

Trước sự phản đối của các nước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam vừa phát đi thông tin cho biết nước này đã quyết định tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương để khắc phục phần nào hạn hán của các nước hạ nguồn Mê Công. Theo thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, từ năm 2019 đến nay, toàn bộ lưu vực sông Lan Thương và sông Mê Công có lượng mưa thấp, khiến Trung Quốc và nhiều nước trong lưu vực gặp tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Lượng mưa bình quân tại lưu vực sông Lan Thương thuộc lãnh thổ Trung Quốc chỉ ở mức 728 mm, thấp hơn 34% so với hàng năm. Lượng nước dự trữ tại các hồ chứa phía thượng du đã xuống mức thấp nhất so với cùng kỳ trong lịch sử. “Mặc dù vậy, phía Trung Quốc vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo lưu lượng nước xả hợp lý của sông Lan Thương”. Thông cáo cho biết: “Dù lưu lượng dòng chảy ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sông Lan Thương chỉ chiếm khoảng 13.5% lưu lượng dòng chảy ra biển của sông Mê Công, nhưng để hỗ trợ khắc phục phần nào tình hình hạn hán nghiêm trọng tại lưu vực sông Mê Công, phía Trung Quốc quyết định từ ngày 24.1 sẽ tăng lưu lượng xả nước sông Lan Thương từ 850 m3/s lên 1000 m3/s, nhằm giải quyết phần nào nhu cầu cấp bách của các quốc gia khác thuộc lưu vực sông Mê Công”.

Theo phía Trung Quốc, lượng mưa bình quân giai đoạn trước lũ lên (tháng 1 đến tháng 4 năm 2019) giảm 37% so với cùng kỳ, lượng mưa bình quân giai đoạn lũ lên chính vụ và sau lũ lên (tháng 5 đến tháng 12) giảm 33% so với cùng kỳ, ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Lượng nước mặt đo tại trạm thủy văn Doãn Cảnh Hồng(Yun Jing Hong) sông Lan Thương vào năm 2019 giảm hơn 20% so với mọi năm. Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với tình trạng hạn hán nghiêm trọng. Theo thống kê, tính đến ngày 21/1/2020, tỉnh Vân Nam có 15 dòng sông cạn nước, 43 hồ chứa khô hạn, 107 mẫu đất canh tác chịu cảnh hạn hán, 290.000 người và 100.000 đại gia súc gặp khó khăn về nước uống do hạn. Trung Quốc cho biết, mặc dù đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán gay gắt, nhưng Trung Quốc “sẵn sàng tăng cường hơn nữa chia sẻ thông tin và hợp tác về lĩnh vực nguồn nước với các quốc gia lưu vực Mê Công, để thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau, khắc phục khó khăn trước mắt”.

RELATED ARTICLES

Tin mới