Monday, December 23, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNgân sách quốc phòng tăng vọt: Chạy đua vũ trang toàn cầu...

Ngân sách quốc phòng tăng vọt: Chạy đua vũ trang toàn cầu đang ngày càng căng thẳng

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố báo cáo cho biết ngân sách quốc phòng toàn cầu đã tăng 4% trong năm 2019, mức tăng lớn nhất trong vòng 10 năm qua; cho rằng xu hướng này phần lớn bắt nguồn từ sự tăng cường cạnh tranh quân sự giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc.

IISS tổng hợp cả ngân sách mua vũ khí, tiền đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vũ khí của các nước cho thấy, trong năm 2019, chi tiêu quân sự toàn cầu đạt mức cao chưa từng có trong một thập kỷ, tăng 4% so với năm 2018. Top 15 nước chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng không thay đổi so với năm trước đó, song có một số thay đổi trong thứ tự. Mỹ tiếp tục giữ vị trí đầu, với mức chi nhiều hơn tổng ngân sách của 11 nước tiếp theo trong danh sách gộp lại và nhiều hơn 4 lần so với nước đứng thứ 2 của Trung Quốc. Bên cạnh đó, ngân sách của cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng 6,6% vào năm ngoái, lên mức 684,6 tỉ USD và 181,1 tỉ USD. Không những vậy, ngân sách của các nước khác cũng tăng lên, với châu Âu (ngoại trừ Nga) chi nhiều hơn 4,2% so với 2018, đưa họ trở về mức chi trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nga đã chi 61 tỉ USD cho các nhu cầu quân sự trong năm 2019. Song, Trang Defense News lưu ý rằng Moscow mua vũ khí từ các công ty Nga bằng đồng Rúp và khi xét đến sức mua tương đương thì con số thật vào khoảng 150 tỉ USD. Tuy nhiên, ngay cả con số này cũng chỉ tương đương với khoảng 21% ngân sách của Mỹ.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế nhận định việc Mỹ, Nga và Trung Quốc đẩy mạnh cuộc chay đua vũ trang, nhất là vũ khí chiến lược như tên lửa đạn đạo, tên lửa liên lục địa, vũ khí hạt nhân, vũ khí siêu thành… đã đẩy ngân sách quốc phòng thế giới tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Theo mức chi tiêu quân sự gia tăng đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu quốc phòng cho thấy, Mỹ đang có những thay đổi trong trọng tâm ưu tiên. Cụ thể, vào đầu năm 2018, Mỹ đã thay đổi Chiến lược quốc phòng quốc gia từ hoạt động chống khủng bố quy mô nhỏ trên thế giới sang “cạnh tranh chiến lược liên quốc gia” với Nga và Trung Quốc. Trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc gia tăng xuất phát từ kế hoạch kéo dài 10 năm nhằm bắt kịp và thậm chí vượt qua cả quân đội Mỹ trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Bên cạnh đó, các khoản đầu tư vào những lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo, tên lửa siêu thanh, công nghệ tàng hình, vũ khí không gian, mở rộng các hạm đội tuy cũ nhưng còn hoạt động tốt cũng như phát triển các phương án đối phó với loạt vũ khí như trên đã đẩy ngân sách quốc phòng của toàn thế giới tăng thêm. Ngoài ra, với việc Mỹ từ bỏ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào đầu năm 2019 đã mở đường cho nước này phát triển các tên lửa thế hệ mới cũng như vũ khí hạt nhân khiến viễn cảnh xảy ra một chiến tranh trở nên gần hơn.

Trước đó, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng công bố báo cáo đánh giá, hiện châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu. SIPRI cho biết, hiện nay Singapore là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Pakixtan, Hàn Quốc. Cùng với Singapore, hầu hết các nước ở Đông Nam Á đã bắt đầu một quá trình tăng cường lực lượng vũ trang tương tự, khiến nó trở thành một trong những khu vực có chi tiêu quốc phòng gia tăng nhanh nhất trên thế giới.

Giới chuyên gia cho rằng việc chạy đua vũ trang trong khu vực do âm mưu của Trung Quốc và nó có ảnh hưởng lớn đến hòa bình, ổn định trong khu vực. Theo đó, cuộc chạy đua vũ trang ở trong khu vực xuất phát từ tham vọng giành ưu thế quân sự tuyệt đối để răn đe, ngăn chặn nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông và từng bước đưa Bắc Kinh trở thành cường quốc quân sự trên thế giới. Nó là nguyên nhân thúc đẩy chạy đua vũ trang trong khu vực và trên thế giới ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh, ổn định của khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, việc Trung Quốc thúc đẩy chạy đua vũ trang cũng nhằm mục đích thu lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động buôn bán vũ khí cho các nước khác. Chuyên gia Linda Jakobson, Viện nghiên cứu chính sách quốc tế Lowy ở Sydney nhận định thái độ “khó lường” của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông đã gây ra một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Theo bà Jakobson, các tác nhân khác nhau ở Trung Quốc như các nhóm lợi ích, quân đội giải phóng nhân dân, các chính quyền địa phương, các cơ quan thực thi pháp luật, các công ty khai thác tài nguyên cũng như các ngư dân đều tìm cách đẩy mạnh các quyền lợi của mình thông qua việc thúc đẩy chính phủ có các chính sách mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền lãnh hải. “Họ nắm mọi cơ hội để thuyết phục chính phủ thông qua các dự án lấn biển, trang bị các tàu tuần tra lớn, cũng như các công cụ pháp lý để củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”, bà Jakobson viết trong bản nghiên cứu của mình.

Nhìn chung, xu thế cạnh tranh ảnh hưởng quân sự và tìm cách sở hữu các loại vũ khí chiến lược đang ngày càng gia tăng giữa các cường quốc. Nó là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chạy đua vũ khí và tăng ngân sách quốc phòng của các nước. Tuy nhiên, việc chạy đua vũ trang trong khu vực sẽ đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, quá trình chạy đua vũ trang sẽ dẫn đến ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế của mỗi nước, cũng như nguy cơ xảy ra va chạm trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới