Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ - Philippines chấm dứt VFA: Trung Quốc sẽ gia tăng hoạt...

Mỹ – Philippines chấm dứt VFA: Trung Quốc sẽ gia tăng hoạt động bành trướng trên Biển Đông

Giới chuyên gia cho rằng, việc Philippines chính thức chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự với Mỹ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Bắc Kinh gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông.

Tác động xấu đối với tình hình Biển Đông

Giới chuyên gia nhận định, tuyên bố xóa bỏ Thỏa thuận Các lực lượng thăm viếng quân sự (VFA) của Tổng thống Duterte là nhằm buộc Washington phải xuống nước bởi lâu nay, mối quan hệ hợp tác quân sự với Manila đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ đối phó với những hành động bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ lợi dụng việc Mỹ – Philippines hủy bỏ VFA để gia tăng các hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Chuyên gia hàng hải Jay Batongbacal từng nhận định, vắng bóng VFA, Trung Quốc có thể tiếp tục cho xây dựng trái phép các căn cứ quân sự ở Biển Đông. Đối với Washington, việc Philippines xóa bỏ VFA có thể khiến Mỹ mất đi một tiền đồn chủ chốt để huy động lực lượng tới Biển Đông. Song trong bài bình luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, Phó Giám đốc Viện Các mối quan hệ quốc tế thuộc Học viện Khoa học xã hội Thượng Hải Lý Khai Sinh cho rằng, việc xóa bỏ VFA không có nghĩa là Manila sẽ “hướng về Bắc Kinh” theo hướng Trung Quốc là một trong số những quốc gia mà Philippines muốn thắt chặt quan hệ. Cũng theo ông Lý Khai Sinh, thay vào đó, hành động xóa bỏ VFA của Philippines sẽ tác động tới tình hình Biển Đông trong thời gian tới. Tuy nhiên, Mỹ đã nhiều lần điều động tàu thuyền tới tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tiến hành tập trận với một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Dù có hay không VFA, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông.

Nhà nghiên cứu Collin Koh tại Trường Nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam ở Singapore cho rằng, dư luận trong nước sẽ không ủng hộ Tổng thống Duterte xóa bỏ VFA từng ký kết với Mỹ và hành động này sẽ tác động tới mối quan hệ giữa hai nước. Mối quan hệ quốc phòng Mỹ – Philippines đã có từ lâu đời và trải qua nhiều đời lãnh đạo. Thật khó để hình dung việc thiếu vắng VFA không làm ảnh hưởng tới mối quan hệ quân sự song phương thân thiết giữa hai nước.

Philippines chịu thiệt hại lớn về quân sự

Việc Philippines chấm dứt VFA cũng sẽ tác động trực tiếp đến an ninh, quân sự của Manila. Đầu tiên, quân đội Mỹ đã duy trì hiện diện quân sự tại Philippines kể từ khi quốc gia này chính thức giành được độc lập vào năm 1945. Mỹ cũng cho thiết lập nhiều các căn cứ không quân, hải quân và lục quân tại Philippines. VFA hiện là một trong 3 hiệp ước điều phối mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹ – Philippines. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu thiếu vắng hiệp ước VFA được ký kết năm 1998, hai hiệp ước còn lại là Hiệp ước Quốc phòng Song phương cùng với Hiệp ước Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA) mà Mỹ và Philippines từng ký kết vào các năm 1951 và 2014 sẽ không còn ý nghĩa. Cả ba hiệp ước trên cho phép Mỹ hỗ trợ huấn luyện và hiện đại hóa cho quân đội Philippines đồng thời tiến hành các cuộc tập trận chung giữa hai nước. Thứ hai, Manila sẽ bị giảm viện trợ quân sự từ Mỹ. Theo số liệu từ Cơ quan viện trợ Mỹ, trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2019, Mỹ đã chi 550 triệu USD viện trợ quân sự cho Philippines. Con số này biến Philippines trở thành quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất từ Mỹ ở khu vực châu Á. Đứng sau là Indonesia với 280 triệu USD trong năm 2018. Thứ ba, hoạt động diễn tập chung giữa hai nước sẽ bị dừng vô thời hạn. Thông thường Mỹ triển khai luân phiên từ 500 – 600 binh sĩ hoạt động ở Philippines, theo tổ chức Rand. Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Philippines giảm mạnh vào đầu thập niên 90 khi chính quyền Manila cho đóng cửa hai căn cứ quân sự được cho là lớn nhất của quân đội Mỹ vào thời điểm đó.  

Quyết định cuối cùng ra sao

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Philippines Panfilo Lacson (17/2) đã kêu gọi Tòa án Tối cao (SC) Philippines nên có tiếng nói cuối cùng về số phận của VFA với Mỹ. Theo đó, SC nên có phán quyết cuối cùng về vấn đề này. Chúng ta không thể tiếp tục bỏ mặc số phận của các hiệp ước quan trọng như VFA, vì việc hủy thỏa thuận này sẽ dẫn tới hậu quả sâu rộng.

Trong thời gian 180 ngày còn lại để hai bên đàm phán, thống nhất và đưa đến quyết định cuối cùng về VFA, có nhiều thông tin cho rằng Philippines sẽ tăng cường hợp tác với các đối tác khác để thay thế ảnh hưởng, vị thế của Mỹ. Trung tướng Felimon Santos Jr., Tư lệnh quân đội Philippines cho biết sau khi hiệp ước VFA với Mỹ chấm dứt, quân đội Philippines sẽ đẩy mạnh hoạt động tương tác quân sự với các nước láng giềng như Australia và Nhật Bản. Do Australia vẫn duy trì một hiệp ước các lực lượng ghé thăm với Philippines. Ngoài ra, Nhật Bản cũng từng tham gia tập trận chung thường niên với Mỹ và Philippines.

Trước đó, ngay sau khi Philippines tuyên bố chấm dứt VFA, Manila và Moscova đang có nhiều động thái củng cố quan hệ, hành động này được cho là chiến lược xoay trục của ông Duterte nhằm ngả về phía Nga và Trung Quốc. Theo đó, Thư ký thứ hai của Đại sứ quán Nga tại Manila Denis Karanin (12/2) cho biết, các quan chức Nga và Philippines đang thảo luận về một thỏa thuận tăng cường hoạt động huấn luyện quân sự và trang bị quốc phòng cho Philippines. Hiện hai bên đã đưa ra bản dự thảo và quá trình đàm phán “đã bước vào giai đoạn cuối cùng”; đồng thời nhận định thỏa thuận trên sẽ tạo ra “nền tảng cơ bản” và “khuôn khổ” cho mối quan hệ đối tác giữa hai nước và sẽ “giúp cho tất cả các dự án kỹ thuật quân sự trở nên dễ dàng hơn”. Trước động thái trên, chuyên gia an ninh của Philippines Chester Cabalza cho rằng động thái này của Tổng thống Duterte nhằm củng cố chính sách ngoại giao độc lập táo bạo hơn trước khi ông rời nhiệm sở sau hai năm nữa, bằng việc đa dạng quan hệ đối tác chiến lược của Philippines với các đồng minh phi truyền thống. Trụ cột đối với Nga là sự kết hợp giữa an ninh kinh tế và quan hệ quân sự vì cường quốc này được coi là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc. Ngoài ra, Nga cũng ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines chống lại tham vọng của Bắc Kinh. Trong khi đó, chuyên gia lịch sử quân sự Jose Antonio Custodio lại tỏ ra nghi ngờ về khả năng Nga sẽ trở thành rào cản chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo chuyên gia này, Nga sẽ không hành động thay mặt cho Philippines ở Biển Đông và trong các vấn đề với Trung Quốc. Ngoài ra, việc này có thể đẩy sự thất vọng của Mỹ lên cao tới mức có thể xem Philippines là người hỗ trợ cho một đối thủ lớn của Mỹ. Hậu quả của việc bị xem như một công cụ của Nga có thể phải trả giá bằng các lệnh trừng phạt và việc Washington rút các khoản hỗ trợ cho Manila.

RELATED ARTICLES

Tin mới