Friday, May 3, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaPhản ứng, dư luận tại Philippines và các nước sau khi Chính...

Phản ứng, dư luận tại Philippines và các nước sau khi Chính quyền Philippines hủy bỏ “Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng” với Mỹ

Ngay sau khi Chính quyền Philippines chính thức đơn phương tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ hôm 11/2, giới học giả, nghiên cứu các nước đã đưa ra nhiều phân tích, nhận định về tác động của sự việc này, trong đó đáng chú là cảnh báo Bắc Kinh có thể sẽ mở rộng hoạt động xây dựng, quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông hơn trước đây.

Báo chí khu vực trích dẫn đánh giá của giới chuyên gia cho rằng việc hủy VFA sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình Biển Đông.

Chuyên gia Jay Batongbacal (Philippines)

Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định nước này rằng không có VFA, Trung Quốc có thể tiếp tục xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông. Vị chuyên gia này khẳng định VFA đã ngăn chặn Trung Quốc biến Bãi cạn Scarborough đang tranh chấp trên Biển Đông thành đảo nhân tạo hồi năm 2016 và còn nhiều vụ việc cụ thể khác. Chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam tại Singapore nhận định Indonesia và Việt Nam có thể tìm kiếm hợp tác quân sự gần gũi với Mỹ. Ông Collin Koh còn cho rằng Singapore là một đối tác quốc phòng quan trọng của Mỹ và cũng có thể mở rộng hợp tác quân sự song phương.

Thượng nghị sĩ Franklin Drilon (Philippines)

Giới quân sự và nghị sỹ Philippines phản đối mạnh mẽ quyết định của Chính quyền Tổng thống Duterte, cho rằng nước này không thể tiếp tục bỏ mặc số phận của các hiệp ước quan trọng như VFA, vì việc hủy thỏa thuận này sẽ dẫn tới hậu quả sâu rộng đối với Manila. Thượng nghị sĩ Philippines Franklin Drilon nói rõ vì Hiến pháp không quy định Thượng viện phải can thiệp vào việc hủy bỏ các hiệp ước với nước khác nên chỉ Tòa án tối cáo Philippines mới có thể đưa ra phán quyết cuối cùng về VFA.

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario chỉ trích việc Tổng thống Duterte hủy bỏ VFA, lập luận việc đẩy ra xa một “đồng minh đáng tin cậy” như Mỹ sẽ gây tổn hại cho Philippines và là “thảm họa quốc gia”. Trước đó, tại phiên điều trần trước thượng viện hôm 6/2, Ngoại trưởng đương nhiệm của Philippines Locsin cũng cảnh báo rằng việc hủy VFA sẽ gây tổn hại an ninh của Philippines và làm gia tăng tình trạng căng thẳng ở Biển Đông, giữa lúc Trung Quốc không dừng tham vọng kiểm soát vùng biển này.

Chuyên gia John Schaus (Mỹ)

John Schaus, nghiên cứu viên chính tại Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ cho rằng, VFA có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ và Philippines vì hiệp định cung cấp các quy trình rõ ràng để xử lý các vấn đề phát sinh do sự hiện diện của các thành viên quân đội Hoa Kỳ tại Philippines. Ví dụ, vào năm 2015, một lính thủy quân lục chiến Mỹ đã bị xét xử và bị kết án giết một người Philippines. Người này bị kết án 12 năm tù. Nhờ VFA, anh ta đang thực hiện bản án tại một cơ sở do Philippines và Mỹ hợp tác thành lập chứ không phải là một nhà tù bình thường của Philippines. Không những thế, VFA còn là một tín hiệu chính trị thể hiện sự gần gũi của liên minh Mỹ – Philippines. Các nhà phân tích và cựu quan chức tin rằng tín hiệu về quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ và Philippines sẽ hỗ trợ các nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xâm phạm chủ quyền của Philippines.

Chuyên gia phân tích Derek Grossman (Mỹ)

Ngoài ra, một số nhà phân tích đánh giá việc hủy VFA có thể dẫn tới kết thúc hai thỏa thuận quân sự quan trọng còn lại giữa Mỹ và Philippines. Đó là Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) và Thỏa thuận hợp tác quốc phòng nâng cao (EDCA), cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ quân sự ở Philippines. Nhà phân tích kỳ cựu Derek Grossman thuộc Tổ chức Nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ), nhận định nếu MDT sụp đổ, đó sẽ là chiến thắng lớn cho Trung Quốc.

Chuyên gia Gregory Poling (Mỹ)

Tương tự các ý kiến trên, chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, cho rằng nếu không có EDCA, Trung Quốc lập tức sẽ đạt được lợi thế trong những tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh với Mỹ ở Biển Đông. Ông Poling cảnh báo rằng khi xung đột xảy ra, Trung Quốc sẽ kiểm soát vùng biển và không phận ở Biển Đông do nước này có các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp. “Không có EDCA, các lực lượng Mỹ không có lựa chọn nào khác là đành để vùng biển và không phận ở Biển Đông rơi vào tay Trung Quốc trong giai đầu của cuộc chiến”, chuyên gia Poling dự báo.

Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Teddy Boy Locsin Jr (11/2) đã gửi thông báo hủy VFA cho Chính phủ Mỹ theo lệnh của Tổng thống Duterte và việc hủy thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau 180 ngày. Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Munich ở Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper chỉ trích Trung Quốc là mối đe dọa đang lên đối với trật tự thế giới, cáo buộc quốc gia này dọa dẫm các nước láng giềng và tìm kiếm “lợi thế bằng mọi giá”. Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez Jr. thì vừa tuyên bố Manila sẽ tiếp tục tìm nhiều cách duy trì quan hệ song phương sau khi Tổng thống Duterte hủy VFA. Thỏa thuận VFA được ký vào năm 1998, nhằm hỗ trợ thực hiện Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (MDT), cho phép hàng nghìn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến quyết định hủy VFA của Chính quyền Tổng thống Philippines Duterte

Giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân trực tiếp của sự thay đổi này là Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines không hài lòng với việc Mỹ thu hồi thị thực của một trong những đồng minh quan trọng nhất của ông, Thượng nghị sĩ Ronald Muff Bato Muff dela Rosa. Thượng nghị sĩ dela Rosa trước đây là Giám đốc Cảnh sát Quốc gia Philippines và lãnh đạo một chiến dịch chống ma túy tiêu biểu của Tổng thống Duterte, dẫn đến hàng ngàn cái chết của người Philippines bị nghi ngờ liên quan đến ma túy bất hợp pháp. Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo cáo một mức độ giết người phi pháp (không qua xét xử) cao do chiến dịch chống ma túy này, đặc biệt là trong thời gian dela Rosa làm Cảnh sát trưởng. Bối cảnh rộng hơn là việc Tổng thống Duterte đang tìm cách tạo khoảng cách lớn hơn giữa Philippines và Mỹ, điều mà ông gọi là một “chính sách đối ngoại độc lập”. Một số yếu tố của cách tiếp cận này bao gồm việc tiếp cận Nga để tạo quan hệ chặt chẽ hơn và có thể mua vũ khí từ Nga, cùng một nỗ lực nhằm phát triển quan hệ ngoại giao và kinh tế mạnh mẽ hơn với Trung Quốc ngay cả khi Philippines đang tiếp tục tìm cách đẩy lùi (một cách yếu dần) sự xâm nhập của Trung Quốc vào vùng đặc quyền kinh tế của nước này ở Biển Đông. Tổng thống Duterte đang theo đuổi cách tiếp cận này bất chấp tỉ lệ ủng hộ cao của người dân đối với Mỹ trong các cuộc thăm dò ở Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới