Tại cuộc họp lần thứ nhất Tiểu ban Các vấn đề chính trị trong khuôn khổ Ủy ban hỗn hợp triển khai Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam-EU (PCA), hai bên khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam và bà Paola Pampaloni, Phó Tổng Vụ trưởng Vụ Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Cơ quan đối ngoại EU đã đồng chủ trì. Hai bên hoan nghênh việc Nghị viện châu Âu vừa phê chuẩn hai Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU ngày 12/02/2020 và mong muốn sớm đưa hai hiệp định này vào thực thi vì lợi ích của cả Việt Nam và EU; đánh giá quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác; tái khẳng định cam kết sẽ tăng cường tổng thể hợp tác thông qua Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện. Hai bên đã trao đổi về tình hình khu vực và tái khẳng định cam kết chung đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự dựa trên luật lệ. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ ASEAN-EU và hợp tác Việt Nam-EU trên bình diện đa phương khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021. Hai bên nhất trí tiến hành rà soát tình hình quan hệ song phương tại phiên họp tới của Ủy ban hỗn hợp, dự kiến diễn ra trong năm 2020 tại Brussels.
Ngoài ra, hai bên cũng đã thảo luận về các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam cũng như những định hướng của EU, đặc biệt của Ủy ban châu Âu nhiệm kỳ mới và về các vấn đề toàn cầu như tình hình bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. Theo đó, hai bên khẳng định các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); ủng hộ việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông và nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Được biết, Biển Đông là một trong những khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích, an ninh của châu Âu. Theo đó, EU là Khối thương mại lớn nhất thế giới, nên có lợi ích kinh tế sống còn trong việc bảo vệ các hành lang vận chuyển bằng tàu tự do, an toàn và ổn định. Trong đó, Biển Đông là tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất, nó nối liền EU với Đông Á. Ngoài ra, Biển Đông cũng là con đường huyết mạch nối liền EU với các nước Đông Bắc Á, khu vực tạo nên thị trường xuất khẩu và là nguồn FDI quan trọng nhất của EU. Theo số liệu thống kê không chính thức, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, giá trị hợp tác thương mại song phương giữa EU va Nhật Bản chiếm 25% GDP toàn cầu. Ngoài ra, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ ba của Khối. EU khẳng định quyết tâm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, liên kết khu vực, trong đó có hợp tác sâu rộng với ASEAN. Phía EU khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông, tuyến đường vận tải 40% hàng hóa của EU; đề cao việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 và EU sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm liên quan lĩnh vực này. Trước đó, Giáo sư luật Erik Franck, thành viên của Tòa trọng tài thường trực (PCA) cho biết, EU ngày càng có nhiều lợi ích tại khu vực. Cụ thể như có rất nhiều hàng hóa được vận chuyển qua khu vực này và hoàn toàn có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế châu Âu trong tương lai.
Bên cạnh đó, EU cũng có những cam kết pháp lý và chính trị đối với sự ổn định khu vực, bắt nguồn từ việc EU tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác (TAC) năm 2012 và trở thành thành viên của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Không những vậy, chủ nghĩa đơn phương của Trung Quốc và mối đe dọa mà nước này gây ra cho trật tự toàn cầu dựa trên nguyên tắc đã khiến châu Âu, tự đặt mình vào vị trí là một siêu cường quy chuẩn, phải cảnh giác.
Do đó, EU tuy không đứng về bên nào trong các tranh chấp và duy trì lập trường “trung lập có nguyên tắc” đối với tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng là một bên tham gia ký kết UNCLOS, EU luôn khẳng định tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác và hối thúc các bên tuân thủ chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế để giải quyết hòa bình các tranh chấp. Lập trường này được phản ánh dưới các hình thức khác nhau trong tất cả các tuyên bố và văn kiện chính thức của EU liên quan đến châu Á hay an ninh hàng hải nói chung. Theo đó, lập trường của EU là rõ ràng ở ba cấp độ. Thứ nhất là một số nước thành viên gia tăng hoạt động trên biển trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải. Thứ hai là tiến hành nhiều cuộc đối thoại và hoạt động tăng cường năng lực với ASEAN và từng nước Đông Nam Á trong các vấn đề an ninh hàng hải phi truyền thống. Cuối cùng, châu Âu tiếp tục là bên có sức nặng quy chuẩn toàn cầu, điều có thể là một trong những tài sản lớn nhất của họ xét tới trật tự dựa trên nguyên tắc quốc tế mong manh hiện nay. Tuy nhiên, do thái độ, lập trường của EU đối với vấn đề Biển Đông bắt nguồn từ cam kết theo nguyên tắc đối với pháp quyền, do đó những chia rẽ giữa các nước thành viên đã ngăn cản EU đưa ra một chính sách thống nhất và gắn kết trong vấn đề Biển Đông.